Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số cải cách thủ tục hành chính trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

10:02 27/09/2019

Đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính là một trong những chức năng chính của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để có cơ sở chỉ đạo và quản lý, ngày 02/5/2019, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG (gọi tắt là Bộ Quy chế 2252). Bộ quy chế 2252 này gồm 04 quy chế, quy định cụ thể các vấn đề trong quá trình đào tạo Chương trình Trung cấp lý luận chính trị- hành chính ở các trường chính trị tỉnh, thành phố. Bộ quy chế 2252 được áp dụng từ ngày 02/5/2019 ở tất các các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã quán triệt đến giảng viên, viên chức của Nhà trường về nội dung của Bộ Quy chế 2252. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và vị trí công tác của từng bộ phận để nghiên cứu và thực hiện từng quy chế một cách sáng tạo và phù hợp. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường có trách nhiệm nghiên cứu, vận dụng, thực hiện sáng tạo Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị- hành chính; Quy chế có 8 Chương, 52 Điều.

* Chương III, Điều 7, Quy chế quy định quy trình tuyển sinh như sau:

- Bước 1. Thông báo tuyển sinh: Căn cứ nhu cầu, tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt, nhà trường gửi thông báo tuyển sinh và mẫu phiếu đăng ký dự tuyển về các sở ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương trước khi khai giảng 45 ngày.

- Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Hồ sơ dự tuyển gửi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trước khi xét tuyển 15 ngày.

- Bước 3. Xét hồ sơ dự tuyển: Tổ chức xét hồ sơ dự tuyển trong thời gian không quá 03 ngày.

 

- Bước 4. Thông báo kết quả xét tuyển và ra quyết định cử người đi học: Nhà trường báo cáo và gửi kết quả xét tuyển với tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và gửi kết quả xét tuyển về các sở ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương. Chậm nhất 05 ngày sau khi nhận được thông báo đủ điều kiện học tập, cấp có thẩm quyền cử dự tuyển ra quyết định cử người đi học gửi quyết định về trường chính trị để trường chính trị gửi giấy báo nhập học.

- Bước 5. Gửi giấy báo nhập học: Căn cứ kết quả tuyển sinh, quyết định cử đi học của các cấp có thẩm quyền, nhà trường gửi giấy báo nhập học cho người đủ điều kiện học tập trước khi nhập học 15 ngày.

- Bước 6. Nhập học: Người đủ điều kiện học tập nhập học theo thông báo của nhà trường. Nhập học chậm không quá 05 ngày theo giấy báo nhập học có lý do (có xác nhận của cơ quan, đơn vị cử người đi học) thì Hiệu trưởng xem xét quyết định cho nhập học; trường hợp không có xác nhận hoặc nhập học chậm quá 05 ngày thì coi như bỏ học. Đối với người bỏ học, nhà trường hủy kết quả xét tuyển và báo cáo với tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; thông báo cho cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức biết và xử lý theo thẩm quyền.

- Thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang thực hiện quy trình trên như sau:

+ Bước 1. Thông báo tuyển sinh đúng theo Quy chế quy định.

+ Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và ban tổ chức các huyện thi thành và Đảng uỷ Khối tiếp nhận và xem xét hồ sơ học viên cho từng lớp. Những hồ sơ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn loại ra ngay từ đầu và ban tổ chức các huyện, thị, thành, Đảng uỷ Khối của tỉnh đã biết được thông tin này và báo cáo cấp uỷ địa phương, Đảng uỷ Khối để biết.

+ Bước 3. Xét hồ sơ dự tuyển: Thực hiện Bước này rất nhanh, thuận lợi và chính xác. Bởi các bộ phận tham mưu tiếp nhận và xem xét hồ sơ ban đầu rất kỹ và bám sát quy định về tiêu chuẩn đầu vào của khoá học. Chỉ thực hiện 01 buổi cho mỗi lớp. Giảm bớt 2,5 ngày.

+ Bước 4. Thông báo kết quả xét tuyển và ra quyết định cử người đi học: Bước này không phải thực hiện, vì những hồ sơ không hợp lệ đã loại ra từ bước 2 (bước tiếp nhận hồ sơ). Giảm bước này 05 ngày.

- Bước 5. Gửi giấy báo nhập học: Trên cơ sở văn bản này, cấp uỷ địa phương lập danh sách và ra quyết định cử cán bộ đi học.

- Bước 6. Nhập học. Bước này thực hiện đúng quy định, các trường hợp trễ Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thông báo với cấp uỷ địa phương cử cán bộ đi học và phối hợp xử lý từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, thực hiện quy trình tuyển sinh chặt chẽ, đúng quy chế và tiết kiệm thời gian 7,5 ngày.

* Chương V, Điều 19, Quy chế quy định quy trình ra đề thi:

- Quy trình ra đề thi hết phần học, môn học: Khoa chủ trì giảng dạy phần học, môn học nào thì ra từ 02 đến 03 đề thi và đáp án phần học, môn học đó kèm theo gửi về Ban Giám hiệu trước khi thi ít nhất 02 ngày để Ban Giám hiệu quyết định.

- Thực tế ở Trường thực hiện quy định này: Đầu khoá học, các khoa xây dựng kế hoạch tác nghiệp của từng lớp, từng phần học, môn học, trong đó mỗi phần học, môn học có 03 đề thi. Ngày từ đầu khoá học, Ban Giám hiệu đã quản lý đề thi để lực chọn và quyết định đề thi. Đây là một trong những nội dung cải cách thủ tục hành chính ở Trường.

* Chương VII, Điều 48, Quy chế quy định thẩm quyền và thời gian cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính.

- Hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính.

- Thời gian cấp bằng chậm nhất là 15 ngày kể từ khi có quyết định công nhận tốt nghiệp.

- Thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng: Sau khi Hội đồng tốt nghiệp công nhận kết quả tốt nghiệp, sau 10 ngày tổ chức bế giảng, cấp bằng tốt nghiệp cho học viên. Trong đó: 01 ngày Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học soạn thảo quyết định công nhận tốt nghiệp và trình Hiệu trưởng ký; in bằng tốt nghiệp 07 ngày; chuẩn bị các thủ tục khác có liên quan để tổ chức bế giảng 02 ngày. Sớm hơn 05 ngày theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nội dung cải cách thủ tục hành chính của Trường về cấp bằng tốt nghiệp.

Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định rất chặt chẽ về nội dung công việc và thời gian thực hiện nội dung công việc đó, nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và đầu ra của một lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã chấp hành nghiêm túc và vận dụng sáng tạo vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường.

Sau hơn năm tháng thực hiện, tính từ ngày Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG có hiệu lực đến nay; thời gian không nhiều, qua kết quả tuyển sinh 07 lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính, bước đầu đã có sự cải cách thủ tục hành chính một cách linh hoạt, hiệu quả, nghiêm túc, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Ngoài những kết quả trên, tác giả tiếp tục nghiên cứu những quy chế khác, những chương, điều khác của Bộ quy chế 2252 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành để đề xuất các giải pháp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn./.

Nguyễn Sơn Hải - Lê Phương Đông - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác