Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân

02:22 17/04/2019

1.  Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai  trò của quần chúng nhân dân
 

     "Nhân dân" là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội nói chung, đời sống chính trị nói riêng. Tính phổ quát ấy tạo nên sự đa dạng các tiếp cận của nhiều khoa học trong định nghĩa khái niệm mang tính chính trị - xã hội này. Mặt khác, cũng cần lưu ý trong nhiều trường hợp, thuật ngữ này được dùng thay thế bởi các thuật ngữ khác tương ứng, gần nghĩa.
 

     Các nhà tư tưởng Mác – Lênin tiếp cận phạm trù "Nhân dân" dưới góc độ biện chứng lịch sử. "Nhân dân " không phải là phạm trù nhất thành bất biến mà có cơ sở xã hội thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh giai cấp ở mỗi quốc gia. Mác – Ăngghen xem nhân dân là cộng đồng xã hội nhất định mà các thành viên trong đó được gắn kết với nhau bởi lợi ích chung. Đó là quần chúng đông đảo những người bị trị so với thiểu số giai cấp thống trị. Theo nghĩa đó, Lênin cho rằng: "quần chúng là toàn bộ những người lao động và những người bị tư bản bóc lột"; "... quần chúng là đa số, và hơn nữa chẳng những chỉ là đa số công nhân, mà là đa só tất cả những người bị bóc lột" . Cũng theo quan điểm của Lênin, trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, ở điều kiện kinh tế xã hội nhất định, phạm trù nhân dân bao gồm các giai cấp, tầng lớp đóng vai trò tiến bộ, cách mạng.
 

    Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử. Bởi vì, mọi lý tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người chỉ được chứng minh thông qua sự tiếp thu và hoạt động của quần chúng nhân dân. Hơn nữa, tư tưởng tự nó không làm biến đổi xã hội mà phải thông qua hành động cách mạng, hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân, để biến lý tưởng, ước mơ thành hiện thực trong đời sống xã hội. Vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân được biểu hiện ở ba nội dung:
 

     Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Con người muốn tồn tại phải có các điều kiện vật chất cần thiết, mà những nhu cầu đó chỉ có thể đáp ứng được thông qua sản xuất. Lực lượng sản xuất cơ bản là đông đảo quần chúng nhân dân lao động bao gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc. Cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Song, vai trò của khoa học chỉ có thể phát huy thông qua thực tiễn sản xuất của quần chúng nhân dân lao động, nhất là đội ngũ công nhân hiện đại và trí thức trong nền sản xuất xã hội, của thời đại kinh tế tri thức. Điều đó khẳng định rằng, hoạt động sản xuất của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản để quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.
 

     Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không là hoạt động đông đảo của quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng, đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Trong các cuộc cách mạng làm chuyển biến xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, nhân dân lao động là lực lượng tham gia đông đảo. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng. Tất nhiên, suy đến cùng, nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng là bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất, nghĩa là bắt đầu từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân. Bởi vậy, nhân dân lao động là chủ thể của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, đóng vai trò là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.
 

     Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần. Quần chúng nhân dân đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, văn học, đồng thời, áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức... của nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại. Hoạt động của quần chúng nhân dân từ trong thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội. Mặt khác, các giá trị văn hóa tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến.
 

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân
 

     Vai trò của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam thể hiện ở chỗ Nhân dân là động lực to lớn thúc đẩy cách mạng tiến lên, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Nhân dân, bằng tất cả tinh thần và lực lượng của mình, đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các yếu tố mà nếu thiếu thì sự nghiệp cách mạng không thể nảy sinh, duy trì và phát triển được.
 

    Chủ thể và lực lượng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là nhân dân. Hồ Chí Minh nói rất nhiều về điều này“công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân” ;“sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân” ; "việc cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người"  . Đối với sự nghiệp cách mạng, nhân dân đóng vai trò quyết định thành bại, "có dân là có tất cả", “dể mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” . Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, sự nghiệp chính trị nói riêng, sự nghiệp cách mạng nói chung của dân tộc ta do nhân dân mà được khởi xướng, do nhân dân thực hiện mà diễn ra, do nhân dân ra sức mà thắng lợi.
 

     Con người chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh chủ yếu là người cán bộ, đảng viên. Đây là gốc của mọi công việc; việc cách mạng thành công hay thất bại là tùy thuộc ở họ. Nguồn cung cấp cán bộ, đảng viên cho hệ thống chính trị xét đến cùng là nhân dân. Cán bộ, đảng viên không ai khác hơn là con em của nhân dân, được nhân dân vì ủng hộ chế độ mà cho đi theo. Hồ Chí Minh nói: “Đảng viên chúng ta... đều là con của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động" . Sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân được Hồ Chí Minh xem là yếu tố quyết định để người cán bộ, đảng viên trưởng thành và ngày càng tốt hơn. Tiêu chuẩn quan trọng để trở thành cán bộ, đảng viên xét ở yếu tố vì dân, gần dân. Hiệu quả làm việc của cán bộ, đảng viên tùy thuộc ở mức độ ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. "đường lối quần chúng" là thuật ngữ Hồ Chí Minh thường xuyên đề cập khi chỉ ra cho cán bộ, đảng viên những điều kiện, yêu cầu đảm bảo công việc đúng hướng và hiệu quả.
 

     Chế độ chính trị mà sự nghiệp cách mạng Việt Nam phấn đấu xây dựng là chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mọi yếu tố của chế độ đều do nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đều do nhân dân tổ chức nên: “chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra”, “đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên”. Quyền lực chính trị trong chế độ là của nhân dân: “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; Mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” . Nhân dân đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ chế độ. Không có nhân dân thì chế độ chính trị không có cơ sở để ra đời và tồn tại.
 

     Nhân dân không phó mặc việc cách mạng cho Đảng và Nhà nước. Nhân dân tổ chức nên Đảng và Nhà nước là để dẫn dắt mình làm cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân thực hiện. Nhân dân không đứng ngoài quan sát hay chỉ hỗ trợ cán bộ, đảng viên mà trực tiếp tham gia làm cách mạng. Hơn nữa, Nhân dân là lực lượng chính trực tiếp quyết định thành bại của phong trào cách mạng. Sự nghiệp cách mạng tiến nhanh hay chậm, thành công ở mức độ nào tùy thuộc ở sự tham gia cách mạng của Nhân dân. Trong đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh chủ trương phát động khởi nghĩa toàn dân; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân; trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân. Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh xem việc cách mạng là trách nhiệm của Nhân dân. Đến khi thắng lợi, mỗi đánh giá tổng kết của Hồ Chí Minh đều quy về một căn nguyên: Đó là thắng lợi của Nhân dân. Điểm này cho thấy Hồ Chí Minh đánh giá sự tham gia cách mạng của Nhân dân là cội nguồn quyết định cách mạng thắng lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Công an huyện Tịnh Biên, Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, Tịnh Biên.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (www.dangcongsan.vn), Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Website Đảng Cộng sản Việt Nam (www.dangcongsan.vn).
5. Đảng bộ huyện Tịnh Biên (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tịnh Biên.
6. Đảng bộ Công an huyện Tịnh Biên (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tịnh Biên.
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Quốc phòng – An ninh (Giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính), Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
9. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2005.

12. Đàm Văn Thọ, Vũ Hùng (1997), Mối quan hệ giữa Đảng và dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Quốc hội (2004), Luật An ninh quốc gia, Cổng thông tin điện Quốc hội (www.quochoi.vn), Hà Nội.

Lê Thị Bích Chi - Khoa Xây Dựng Đảng

Responsive image
 

 

các tin khác