Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vai trò của phụ nữ Việt Nam xưa và nay

08:37 25/04/2019

    Lịch sử Việt Nam từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh đã đi qua những chặng đường vô cùng oanh liệt và khó khăn trong dựng nước và giữ nước để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong chặng đường ấy, hình bóng người phụ nữ Việt Nam thông minh sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống  xã hội.
     1. Vai trò vốn có của người phụ nữ
    "Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt" . Câu nói của đại thi hào Ấn Độ R. Tagore cho thấy người phụ nữ ở bất cứ thời đại nào, quốc gia, dân tộc nào đều giữ một vai trò nhất định trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Cụ thể:
    Trong lĩnh vực hoạt động vật chất: Bằng lao động sáng tạo của mình phụ nữ là một lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất.
    Trong lĩnh vực hoạt động tinh thần, phụ nữ có vai trò sáng tạo nền văn hóa nhân loại bằng nhiều hình thức phong phú khác nhau.
    Quan trọng hơn, người phụ nữ có một chức năng đặc biệt là tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện chức năng làm vợ, làm mẹ, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của gia đình.
    Bên cạnh đó, người phụ nữ còn tham gia vào các hoạt động chính trị như: tham gia đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của nhân loại,...

 

     2. Vai trò của phụ nữ Việt Nam
    "Ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phụ nữ tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động. Trong thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước, phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.... Vai trò của phụ nữ hoàn toàn xứng đáng với tám chữ vàng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"  (Chủ tịch Nguyễn Minh Triết).

 

2.1. Thời kỳ dựng nước, giữ nước và bảo vệ đất nước.
Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hình ảnh người phụ nữ Việt lặn lội thân cò, chịu thương, chịu khó, thầm lặng hy sinh dẫu là vào thời kỳ phong kiến chịu sự ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo thì vẫn không thể kiềm hãm được vai trò của phụ nữ trong xã hội. Họ đã thể hiện được bản lĩnh của mình cùng sánh vai với nam giới tham gia lập quốc và trị quốc; những người phụ nữ đầy quyền lực, tài năng và khí phách ấy mở đầu cho truyền thống dựng nước, giữ nước và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.         Ngay từ buổi bình minh của dân tộc Lạc Việt, Mẹ Âu Cơ không những là Quốc mẫu của dân tộc mà còn được nhân dân tôn thờ là Bà tổ nghề nông, Bà dạy cho dân làng cách trồng lúa, chỉ vẽ cho dân biết đốt cây, rẫy cỏ để trồng lúa nương. Bà cũng dạy cho dân biết trồng dâu và lấy lá dâu nuôi tằm để cho ra tơ lụa, hướng dẫn cho dân trồng mía, cũng từ loại nguyên liệu này Mẹ Âu Cơ đã sáng chế ra loại bánh uôi được làm từ bột nếp trộn với nước mía. Hay các Bà: Chúa Chuốt, Chúa Sành trong dân gian gắn với nghề gốm. Bà chúa Tằm: Quỳnh Hoa công chúa đã phổ biến nghề trồng dâu cho dân làng trong vùng,... Điều đó cho thấy, công việc của các Bà đều gắn với sinh hoạt của cộng đồng, của buổi đầu dựng nước.
      Đến thế kỷ thứ III trước công nguyên, thời kỳ mà sử cũ gọi là “Bắc thuộc”, hình ảnh nổi bật về người phụ nữ Việt Nam cổ truyền là người nữ sĩ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cùng với cả dân tộc những người phụ nữ Việt Nam đã kiên quyết đứng lên chống bọn thống trị phương Bắc để giành lấy quyền tự do:
“Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”
    Mở đầu trang sử đấu tranh chống Bắc thuộc là chiến công vẻ vang của hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, với lời thề "Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này" - Lời thề khởi nghĩa đanh thép đã lôi cuốn một lực lượng quần chúng đông đảo, dưới trướng của Hai Bà có các nữ tướng kiệt xuất như: Lê Chân, Thiều Hoa, Lê Thị Hoa,… cùng đứng lên gánh vác sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Cuộc khởi nghĩa Mê Linh do Hai Bà Trưng chỉ huy đã khẳng định: trong dòng chảy chống ngoại xâm, có những người phụ nữ chân yếu, tay mềm đã mạnh mẽ đứng lên làm nữ tướng với quyết tâm đền nợ nước trả thù nhà biểu tượng cho tinh thần độc lập tự cường của cả dân tộc trước kẻ thù xâm lược. Sau khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, dân tộc ta một lần nữa xuất hiện hình ảnh của một nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc đã làm cho quân thù phải khiếp sợ. Truyền thống phụ nữ anh hùng, kiên trung một lần nữa được khẳng định qua câu nói đầy khí phách của Bà: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”.
      Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giữ gìn bờ cõi đất nước, dựng nên truyền thống phụ nữ anh hùng, bất khuất.
     Lịch sử chưa dừng tại đó, sau 1000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta tiếp tục trường kỳ kháng chiến chống hai cuộc xâm lược lớn của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Và trong những cuộc chiến ấy, hàng vạn tấm gương phụ nữ là các bà, các mẹ, các chị đã không ngại gian khổ, không tiếc máu xương của mình sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã trở thành huyền thoại - tượng đài bất tử của lòng yêu nước và đức hy sinh. Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát tới tấp dội đến gia đình Mẹ với “chín đứa con ra đi không một đứa trở về” cùng  một con rể, 2 cháu ngoại đã hy sinh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi với khẩu hiệu: “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt” đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong. Cho đến hình tượng liệt nữ Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc nước nhà. Để ta thấy rằng, trải qua bao thế kỷ, đất nước bao lần bị xâm lăng thì hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, kiệt xuất luôn xuất hiện, cùng kề vai sát cánh với người đàn ông, thể hiện quyết tâm dù là phụ nữ nhưng “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vẫn còn đó những người anh hùng thầm lặng đã hy sinh máu xương làm nên Tổ quốc:
"Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
…………..
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"
    Trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam không chỉ chiến đấu anh hùng mà họ còn chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động “sớm ra ruộng lúa, tối về nương dâu”... “vai vác cái cày, tay đuổi con trâu, cái cuốc cho lẫn cái gầu, con dao rựa phát đèo đầu gánh phân”... góp phần đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu. Có những giai đoạn, nhà nước phải điều động người vào quân đội, khi ấy người phụ nữ trở thành lực lượng lao động quan trọng trong nông nghiệp trở thành hậu phương vững chắc. Đồng thời vượt qua những định kiến, thách thức về vai trò nữ quyền trong xã hội nhiều thế hệ phụ nữ đã vươn lên đóng góp vào các hoạt động xã hội như: lĩnh vực quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, hoạt động đối ngoại,…Qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong thành tựu cách mạng Việt Nam. Nhằm tôn vinh và ca ngợi công lao to lớn của phụ nữ, Đảng và Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
          Tiếp bước truyền thống của thế hệ phụ nữ đi trước, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới của thời đại hội nhập và phát triển, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.

 

    2.2. Thời kỳ đổi mới đến xu thế hội nhập và phát triển
     Danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" chính là sự tiếp bước truyền thống của thế hệ phụ nữ Việt Nam hiện nay. Trong thời đại nào, thì người phụ nữ vẫn giữ vai trò nhất định trong gia đình và ngoài xã hội.
     "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" cho thấy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Theo thời gian, chuẩn mực của người phụ nữ có thay đổi nhưng vai trò "xây tổ ấm" cho gia đình của người phụ nữ thì không bao giờ thay đổi, nhất là trong thời đại nền kinh tế bắt đầu ăn sâu vào mỗi gia đình như hiện nay người phụ nữ hiện đại càng tỏ rõ vai trò của mình, tự biết trang bị cho mình cách cân bằng trách nhiệm giữa gia đình với xã hội, không còn bó hẹp trong khuôn khổ gia đình, đồng thời sức ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Là người vợ, họ luôn sát cánh chia ngọt sẻ bùi với chồng, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, là điểm tựa cho người chồng vững tâm. Là người mẹ luôn hết lòng hy sinh, nuôi dưỡng con cái, là tấm gương cho con cái noi theo. Có thể khẳng định, người phụ nữ chính là người giữ vai trò trọng yếu trong điều hòa các mối quan hệ trong gia đình.
      Song song với cuộc sống gia đình, người phụ nữ thời hiện đại còn phải biết cách sắp xếp công việc gia đình với công việc xã hội. Họ ngày càng khẳng định vai trò, khả năng, sự sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tự tin trong xu thế hội nhập thế giới. Ngày nay, phụ nữ đã có nhiều cơ hội được tiếp cận với nền tri thức hiện đại tiến bộ, được tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học,...đồng thời đảm đương những vị trí quan trọng trên mọi mặt trận của đất nước được cộng đồng quốc tế biết đến, tiêu biểu: Nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, chân dung một người phụ nữ Việt Nam thông minh, bản lĩnh trong Hội nghị Paris năm ấy đã được đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè thế giới yêu mến, ngưỡng mộ. Một Tôn Nữ Thị Ninh đầy duyên dáng, lịch thiệp, trí tuệ sắc sảo, dám vượt qua mọi thách thức để khẳng định bản thân và thành công rực rỡ trên lĩnh vực ngoại giao. CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo với những thành tích nổi bật đã lọt vào danh sách Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn năm 2017, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc của Vinamilk hay bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk đều lọt Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á... là những gương mặt đã tôn vinh tài năng phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế. Trên lĩnh vực khoa học, có thể kể đến Tiến sỹ Hà Thị Thúy, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp với nhiều đề tài nghiên cứu giống cây trồng mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp, bà là tấm gương phụ nữ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Đặc biệt, trong quân đội, gần đây Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là cán bộ thứ 20 và là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ hay Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bơi lội... Còn rất nhiều điển hình phụ nữ Việt tiên phong, đi đầu trong các lĩnh vực và đạt được những thành tích đáng ghi nhận. “Phái yếu” đã có mặt ở hầu hết các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và họ đang dần khẳng định vai trò cũng như “sức mạnh” trên lĩnh vực mà mình đảm trách. Thực tế, vai trò của phụ nữ đóng góp cho xã hội được chứng minh qua những con số sau:  theo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đã có 133 người là nữ giới trúng cử, chiếm 26,8%, đưa Việt Nam vào nhóm có tỷ lệ nữ đại biểu cao ở khu vực, xếp thứ 2 ASEAN và xếp thứ 43/143 nước trên thế giới. Trong các cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, ở cấp huyện là 24,62% và ở cấp phường/xã là 21,17%. Năm 2015, lực lượng lao động nữ chiếm 48,3%. Số lượng các doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt trên 24,8%, số phụ nữ tham gia Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp chiếm khoảng 48%. Để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội việc làm, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2011-2015”. Tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 96%; tỷ lệ nữ trong các bậc giáo dục phổ thông và đại học lần lượt là 48,6% và 48,3%. Số nữ tiến sỹ chiếm 19% tổng số tiến sỹ, nữ thạc sỹ chiếm 38% tổng số thạc sỹ .
Những con số đã minh chứng cho vai trò của phụ nữ Việt Nam với những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng "Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng" trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đồng thời, chứng minh tính hiệu quả của những chính sách mà Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện.

 

3. Kết luận
     Lịch sử và hiện tại đã khẳng định vai trò tích cực và những cống hiến to lớn của người phụ nữ trong sự nghiệp dựng nư¬ớc, giữ nước và bảo vệ đất nư¬ớc trên mọi lĩnh vực. Tiếp bước truyền thống hào hùng ấy, phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay cần phải nhận thức được đầy đủ vai trò của mình để nắm bắt được những cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại; có ý thức cầu tiến, tự tin, bản lĩnh vươn ra thế giới.

Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Responsive image
 

 

các tin khác