Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những bài học bổ ích

09:49 06/06/2018

     Đối với những sự kiện vĩ đại, thì thời gian không những không làm phai mờ đi, mà trái lại còn làm sáng rõ thêm giá trị và ý nghĩa to lớn của nó đối với dân tộc và thời đại. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đã kết thúc thắng lợi cách nay hơn 64 năm. Nhưng ý nghĩa thắng lợi và những bài học quý giá của cuộc kháng chiến thần thánh đó vẫn giữ nguyên giá trị và còn hết sức sống động đối với nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới đang chiến đấu chống lại nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước hòa bình độc lập dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
 

     Trong bài viết này chúng ta ôn lại mấy bài học bổ ích của chiến thắng Điện Biên Phủ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.
 

     1. Bài học đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước đây, trong cảnh nước mất nhà tan, toàn dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dốc sức cứu nước, cứu nhà, hy sinh tất cả để giành được độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, nhờ đó là ta đã giành được những thắng lợi to lớn.
 

     Điều kiện Việt Nam lúc đó, một khó khăn lớn là việc cung cấp lương thực và vũ khí để chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Nước ta nghèo, vừa giành được độc lập đã đương đầu ngay với một kẻ thù có tiềm lực hơn ta rất nhiều lần (lại có sự giúp sức của Mỹ), nên khó khăn là hiển nhiên. Quân Pháp cũng nhận thấy điều này và họ tin rằng Việt Minh không thể giải quyết nổi vấn đề hậu cần cho những đơn vị chủ lực lớn ở một chiến trường xa hậu phương đến 500 km. Theo tư liệu sau này mới công bố, thì bộ tham mưu Pháp đã tính toán rất kỹ cho rằng với cố gắn cao nhất, ta cũng chỉ bảo đảm hậu cần cho 2 sư đoàn trong thời gian ngắn, đưa mấy khẩu 75 ly đến, với số đạn nhiều nhất cho 7 ngày còn pháo 105 ly thì không thể có mặt.
 

     Trên mặt trận, ta ngày ngày theo dõi nhiệp độ cung cấp hậu cần, có lúc chỉ số cung cấp tụt xuống bằng 0. Thêm nữa địa thế vùng Điện Biên cũng như Tây Bắc vốn hiểm trở, khó khăn cho giao thông, vận chuyển; địch lại đánh phá ác liệt ngăn chặn mọi nguồn tiếp tế cho mặt trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện báo cáo tình hình đó với Bắc và Trung ương. Lập tức, Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyến Chí Thanh, Văn Tiến Dũng,…đã tập trung lực lượng cán bộ, kể cả những cán bộ đang chỉnh huấn, tỏa đi các hướng để động viên hậu phương dóc sức chi viện cho tiền tuyến, với khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng”.
 

     Nhờ lòng yêu nước và sự cố gắn vượt bậc của đồng bào các dân tộc, trên khắp mọi vùng, mọi miền của Tổ quốc, chúng ta đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, một động lực to lớn giải quyết khó khăn. Hàng vạn dân công, với tất cả những phương tiện mà họ có, tham gia phục vụ chiến dịch: từ những chiếc gùi đeo lưng, những đôi bồ gánh trên vai đến những chiếc xe đạp thồ, cùng những đoàn xe ô tô vận tải…đã tạo thành một dòng chảy liên tục từ hậu phương ra tiền tuyến, phục vụ kịp thời yêu cầu của của chiến dịch. Sự chi viện của đồng bào các dân tộc Tây Bắc rất quý, vì ở ngay tại mặt trận mỗi cân gạo đều có giá trị. Còn hậu phương thì phải cần từ 12 đến 24 cân, tùy nơi xa vừa hay rất xa mới có được một cân gạo đến bộ đội.
 

     Nhờ những nỗ lự đó, chúng ta đã vượt qua khó khăn. Chính quân Pháp đã phải chua chát thừa nhận: những máy bay vận tải Pháp đã thua đôi bồ của dân công Việt Minh.
 

     Ngày nay, để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, toàn dân ta cần đoàn kết, đại đoàn kết, phát huy sức mạnh sang tạo vốn có thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng đề ra thì chúng ta sẽ vượt qua tất cả, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với người Việt Nam sống xa Tổ quốc, chủ trương của chúng ta là đoàn kết, thương yêu họ, kêu gọi họ hướng về quê hương đất nước, nơi quê cha, đất tổ của mình, vì tất cả bà con đều là “con Lạc cháu Hồng” của đất Việt..
 

     2. Bài học về tôn trọng quy luật khách quan. Ở mặt trận Điện Biên Phủ khi tình hình đã thay đổi, chúng ta đã cõ quyết tâm đổi mới cách đánh cho hợp quy luật, nên đã giành được thắng lợi. Trên mặt trận, chúng ta luôn theo dõi động thái của địch. Theo kế hoạch ban đầu, ta dự kiến “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai ngày ba đêm. Nhưng khi nhận thấy tình hình đã thay đổi, địch được tăng cường mạnh về mọi mặt, ngay trước giờ nổ sung, chúng ta đã quyết định thay đổi cách đánh, ra lệnh cho bộ đội rút khỏi trận địa tiếp tục chuẩn bị để đảm bảo “Đánh chắc thắng”. Sau gần một tháng rưỡi ra sức chuẩn bị ta mới bắt đầu tấn công, với phương châm “tiêu diệt từng bước tiến tới tiêu diệt toàn bộ”. Sau năm mươi lăm ngày đêm chiến đấu, ta đã chiến thắng hoàn toàn.
 

     Sự thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho là quyết định khó khăn nhất. Quyết định ấy, đã được các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận nhất trí, toàn quân ủng hộ và đã thể hiện được tư tưởng “đánh thắng” của Bác Hồ.
 

     Ngày nay, trước những biến đổi cục diện thế giới và tình hình đất nước, Đảng ta đã thực hiện đường lối đổi mới. Đảng đã bám sát thực tiễn nên nền kinh tế - xã hội phát hiện ra quy luật vận động của sự vật, đề ra đường lối và chính sách phù hợp quy luật lãnh đạo nhân dân hành động theo quy luật, vì vậy chúng ta đã giành được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới, đương nhiên là một vấn đề mới. Chúng ta luôn bám sát thực tiễn để hành động đúng quy luật, thì sự nghiệp cách mạng nhất định thành công.  Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đảng phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Phải nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan, trong đó các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội ngày càng chi phối mạnh mẽ phương hướng phát triển chung của xã hội. Chủ trương, chính sách của Đảng phải phản ánh quy luật khách quan và được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định. 
 

     3. Bài học về phất huy tinh thần tự lực tự cường. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, cách mạng nước ta nối liền với các nước XHCN. Chúng ta có điều kiện học hỏi kinh nghiệm quốc tế và nhận sự giúp đỡ vật chất từ ngoài. Trong hoàn cảnh mới, Đảng vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tự lực tự cường độc lập tự chủ. Tại Đại hội Đảng lần thứ II và nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng tổng kết kinh nghiệm nêu lên nhiều luận điểm mới, nổi bậc là Đảng đưa ra khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thay cho khái niệm cách mạng tư sản dân quyền và xác định cách mạng dân tộc giải phóng phải bao gồm “nhiệm vụ phản đế và một phần nhiệm vụ phản phong kiến” 
 

     Trước tình hình mới, chúng ta đã thực hiện chính sách “mở cửa”, mở rộng sự hợp tác với nước ngoài để tranh thủ thêm vốn, công nghệ và kinh nghiệm. Điều đó là cần thiết và đã đưa lại kết quả. Nhưng ta phải thấy rằng, nhân tố quyết định nhịp độ và sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội nước ta là các nhân tố bên trong. Vì vậy, ngay trong lúc này, chúng ta cần phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước; xây dựng và phát huy những thế mạnh bên trong, đặc biệt là giữ vững bản sắc nền văn hóa dân tộc và thế mạnh lớn nhất của ta là con người Việt nam. Chúng ta cần nâng cao dân trí, đào tạo và sử dụng nhân tài làm cho con người Việt nam có trí tuệ ngày càng cao, đủ trình độ làm chủ thực sự đất nước. Có làm như vậy mới tạo tiền đề và điều kiện để tranh thủ sự hợp tác ngày càng lớn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của nước ngoài đầu tư vào nước ta; khai thác được vận hội mới, khắc phục được những nguy cơ mới, kể cả mưu đồ diễn biến hòa  bình của các thế lực thù địch, mới đưa đất nước ta tiến lên nhanh và vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 

     4. Thắng lợi vĩ đại đó còn làm sáng tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là: một dân tộc dù nhỏ, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề thiện chến, được trang bị hiện đại. Đồng chí Rriyata, tổng bí thư Đảng Cộng sản Maróc cũng khẳng định chân lý của thời đại mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã làm sang tỏ: “Đối với nhân dân Maróc chúng tôi cũng như đối với toàn thể nhân dân Châu Phi, các bạn đã chứng minh một cách hung hồn rằng cả đến đế quốc chủ nghĩa ngạo nghễ nhất cũng có thể đánh được và đánh cho tời bời, mặc dù lực lượng của chủ nghĩa đế quốc của những đồng minh đông đảo của chúng mạnh như thế nào. Các bạn đã chứng minh rằng ngày nay, khi một dân tộc đã kiên quyết giành lại tự do thì dù có nghèo khổ, thiếu thốn phương tiện đến đâu đi nữa, cũng vẫn có thể đánh bại được quân địch và đi đến thắng lợi cuối cùng” .
 

     Phong trào giải phóng dân tộc được cổ vũ bởi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Việt Nam không những chỉ diễn ra mạnh mẽ ở Châu Phi, mà còn diễn ra quyết liệt ở Châu Á, Mỹ La Tinh, làm sụp đổ nhanh chóng hệ thống nô dịch của chủ nghĩa đế quốc. Nếu 12 năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có khoảng 20 nước giành được độc lập, thì từ 1958 – 1964, đã có thêm 35 nước giành được độc lập . Và như vậy, tính đến giữa những năm 60 của thế kỷ XX đã có gần 70 nước Á, Phi, Mỹ La Tinh đã giành lại được độc lập.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn đầu tiên của quân đội một nước nông nghiệp lạc hậu vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một cường quốc thực dân phương Tây. Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ còn là ở chỗ đó. Bởi vậy nó là một cống hiến quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào dân tộc, tiếp them sức mạnh niềm tin và ý chí cho chúng ta kiên quyết đi theo con đường Bắc Hồ và Đảng ta đã chọn, thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công.

 

     Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại cho ta bài học quan trọng trong xây đất nước, một dân tộc nhỏ, lạc hậu vẫn có thể thành công trong xây dựng dựng chủ nghĩa xã hội nếu một đất nước đó, dân tộc đó biết đoàn kết và quyết tâm chiến thắng nghèo nàn lạc hậu. Chúng ta đã thấu hiểu cảnh sống nô lệ, lầm than, đói rét và tủi nhục của nhân dân các dân tộc Việt Nam trong thời thực dân, phong kiến. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định của sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người là phải xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc thật sự cho tất cả mọi người. Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, Đảng phải đặc biệt coi trọng kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế, các yếu tố truyền thống và hiện đại, sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và luôn làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với các nước anh em và bầu bạn.
 

     5. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân ta. Với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường. Đi theo tiếng gọi đó, đã có 261.451 dân công, thanh niên xung phong từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Bắc, bất chấp bom đạn, hiểm nguy, hướng về Điện Biên Phủ, bảo đảm hậu cần phục vụ cho Chiến dịch, với khí thế thi đua giết giặc lập công, chia lửa với chiến trường. Các đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, nhanh chóng tập kết đội hình, sẵn sàng tiến công địch. Bằng tinh thần quả cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chấp hành mọi mệnh lệnh của trên, quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tổ chức, bố trí lại toàn bộ đội hình chiến đấu; trong đó, khó khăn nhất là bố trí lại hệ thống hỏa lực, phải kéo pháo ra, kéo pháo vào các trận địa mới trong điều kiện địa hình, thời tiết vô cùng khó khăn, phức tạp. Quá trình đó đã làm cho Quân đội ta đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt: tư tưởng chính trị, tổ chức lực lượng, trình độ chỉ huy, tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần. Bộ đội ta đã củng cố thêm một bước về ý chí chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng; chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm chiến đấu. Chính tướng Ra-un Sa-lăng – nguyên Tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Bắc Bộ lúc đó đã nhận xét: “Quân đội cộng sản được võ trang mạnh, lại mạnh thêm vì có cơ cấu chính trị đặc biệt… quân đội ấy làm việc rất nhiều, theo nỗ lực chung được mọi người nhất trí, tấm gương này đáng để chúng ta suy ngẫm” .
 

     Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những ý kiến, nguyện vọng và sang kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn để hoàn thiện đường lối đổi mới kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân nhằm mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. 
 

     Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài trong chín năm đã giành thắng lợi, buộc quân Pháp phải cam kết rút hết đội quân xâm lược khỏi ba nước Đông Dương. Thắng lợi của nhân dân ta đã mở đầu cho việc sụp đổ của hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp và sự phá sản của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp còn có ý nghĩa quan trọng hơn là tạo ra thế và lực mới cho đất nước ta, là một kho kinh nghiệm vô giá cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có thể nói nếu không có thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp thì cũng không có thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ và thắng lợi của Đại Hội VI cho công cuộc đổi mới đất nước sau này./.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1.  Phạm Chí Nhân - Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hóa - Thông tin, H. 1994
2. Âm mưu của đế quốc Pháp – Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963 
3. Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985
4. Trường Chinh: Bàn về cách mạng Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương xuất bản, 1955
5. Trường Chinh: Chiến Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.Trong quyển: Chiến thắng Điện Biên Phủ - cột mốc vàng lịch sử. NXBCTQG.H.2004
6. Võ Nguyên Giáp: Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu. Trong quyển: Chiến thắng Điện Biên Phủ - cột mốc vàng lịch sử. NXBCTQG.H.2004
7. Văn Tến Dũng: Điện Biên Phủ và mấy vấn đề tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quyển: Chiến thắng Điện Biên Phủ - cột mốc vàng lịch sử. NXBCTQG.H.2004
8. Tỉnh ủy An Giang: Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết TW 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” với Đoàn khảo sát Ban chỉ đạo tổng kết Trung ương, tháng 3 năm 2013

ThS. Lê Thị Bích Chi - Khoa xây dựng đảng

Responsive image
 

 

các tin khác