Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đổi mới phương pháp giảng dạy Trung cấp Lý luận Chính trị

08:07 12/03/2020

Nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu quan trọng đối với Trường chính trị. Ở góc độ của giảng viên, bản thân luôn quan tâm nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và các yếu tố tác động đến người học nhằm đạt mục tiêu đào tạo do nhà trường đặt ra. Đây là hai nội dung trọng tâm mà bài viết ngắn này tác giả muốn trao đổi với quý đồng nghiệp.

1. Một số vấn đề chung về phương pháp giảng dạy

Trong quá trình đào tạo của bất kỳ một cơ sở giáo dục nào thì chất lượng đào tạo phụ thuộc phần lớn vào quá trình dạy và học của giáo viên và học viên. Đây là quá trình mà giáo viên sử dụng phương pháp sư phạm để truyền đạt đến người học những nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong chương trình đào tạo thông qua các bài học cụ thể. Ở một cách tiếp cận hẹp hơn, phương pháp sư phạm có thể được hiểu là phương pháp dạy học. Điểm khác nhau cơ bản là:

Phương pháp sư phạm không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học mà còn góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của người học qua hình ảnh của người Thầy. Có 2 phương pháp sư phạm cơ bản là phương pháp truyền thống (thuyết trình) và phương pháp hiện đại (gồm nhiều phương pháp cụ thể gắn liền sự phát triển kinh tế – xã hội, trình độ phát triển khoa học công nghệ)

Trong khi đó, phương pháp giảng dạy chủ yếu hướng đến mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học theo nội dung chương trình đạo tạo. Có rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau tùy thuộc vào số lượng người học, điều kiện vật chất, năng lực giảng viên và yêu cầu của chương trình đào tạo.

Để nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2013 về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó giáo viên giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) phải có các kỹ năng cơ bản sau:

- Lập được kế hoạch giảng dạy (lí thuyết, thực hành, thực tập); xây dựng đề cương chi tiết môn học, lập được kế hoạch dạy học môn học, học phần, môđun trong chương trình đào tạo TCCN.

- Vận dụng, kết hợp được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lý thuyết, thực hành, dạy tích hợp lí thuyết và thực hành, thực tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, phát triển năng lực tự học và tự rèn luyện năng lực nghề nghiệp của học sinh TCCN.

- Thực hiện tốt việc tổ chức và quản lí quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lí học sinh TCCN theo quy định, nhiệm vụ và chức trách của giáo viên.

- Tổ chức được các hoạt động giáo dục qua dạy học lí thuyết, thực hành, thực tập, qua công tác chủ nhiệm lớp và các hoạt động giáo dục khác; có khả năng tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.

Kỹ năng nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giảng viên không chỉ một phía từ nhà trường mà mỗi giảng viên phải không ngừng tự học, nghiên cứu chuyên môn và các quy định pháp luật để nâng cao kỹ năng sư phạm theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội.

2. Đổi mới phương giảng dạy trung cấp lý luận chính trị

Phương pháp giảng dạy trung cấp lý luận chính trị là việc giảng viên trường chính trị sử dụng kỹ năng sư phạm để giảng dạy lý luận chính trị cho người học theo Chương trình đào tạo do Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Trong việc giảng dạy lý luận chính trị, phương pháp phải phù hợp với đối tượng người học. Theo Quy chế Quản lý đào tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám độc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đối tượng người học gồm: cán bộ, công chức, viên chức đương chức và dự nguồn trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. (Điều 3 Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị – hành chính). Đối tượng người học trung cấp lý luận chính trị đều là những người có kinh nghiệm thực tiễn, có chức vụ, địa vị xã hội nhất định, cho nên phương pháp giảng dạy mà người học dễ tiếp thu và có thể cùng tham gia tích cực nhất bao giờ cũng là những phương pháp gắn liền việc phát huy trí tuệ tập thể, có tính chất tình huống. Do tính đặc thù của đối tượng đào tạo nên dù giảng viên sử dụng phương pháp nào cũng phải hướng đến 2 mục tiêu cơ bản:

Một, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho người học một cách rõ rệt trong nhận thức và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Sau mỗi bài học, người học có thể lập luận chính trị sắc bén, rõ ràng về các vấn đề chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị, góp phần thiết thực trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai, nội dung kiến thức mà giáo viên truyền đạt cho người học không chỉ là đọc lại, chép lại nội dung trong giáo trình, chương trình lý luận chính trị mà phải gắn liền thực tiễn tình hình kinh tế -xã hội ở địa phương, cơ sở. Qua nghiên cứu bài học, phần học, người học không chỉ hiểu rõ nội dung cơ bản của bài học mà còn có kỹ năng xử lý được một cách hiệu quả các tình huống phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở hay có thể tham mưu tốt cho lãnh đạo xử lý các tình huống chính trị - xã hội xãy ra ở địa phương.

Để đạt 2 mục tiêu này có nhiều phương pháp giảng dạy, tùy theo thế mạnh của từng giảng viên. Đối với Khoa Nhà nước và pháp luật đã xây dựng và thực hiện một Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2018 và có nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm do Khoa tổ chức hoặc tham gia về chủ đề nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó, có 2 phương pháp giảng dạy nổi bậc mà bản thân và nhiều giảng viên trong khoa đã sử dụng có hiệu quả là:

- Phương pháp thuyết trình kết hợp với phương pháp làm việc nhóm.

Trong phương pháp kết hợp này, giảng viên cung cấp cơ sở lý thuyết nền tảng. Học viên được chia theo nhóm từ 6 đến 12 người. Mỗi nhóm sẽ chọn (hoặc được giao) một đề tài có liên quan đến nội dung bài học để tiến hành trao đổi, thảo luận trong nhóm theo sự phân công, điều hành của Trưởng nhóm (do nhóm bầu hoặc giảng viên chỉ định). Nhóm sẽ hội ý để so sánh, phân tích nội dung đề tài trên lý thuyết và nội dung đề tài trong thực tế. Hết thời gian quy định các nhóm sẽ nộp cho giáo viên kết quả làm việc nhóm (theo mẫu hoặc theo nội dung chủ đề)

Cuối cùng các nhóm sẽ thay phiên nhau trình bày nội dung chủ đề mà nhóm đã thực hiện; các nhóm khác có ý kiến đóng góp hoặc câu hỏi chất vấn. Nhóm sẽ thảo luận và trả lời các câu hỏi được đặt ra. Nếu nội dung trả lời của nhóm chưa thật sự thỏa đáng hay có sự hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề thì giảng viên sẽ hỗ trợ làm rõ nội dung.

Sự kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và phương pháp làm việc nhóm sẽ kích thích vai trò chủ động của người học. Học viên là người chủ động tìm tòi, suy nghĩ, nhận định, phân tích, tổng hợp, đánh giá đề tài của nhóm mình và cả đề tài của các nhóm khác.

- Phương pháp thuyết trình kết hợp với phương pháp sử dụng tình huống.

Tình huống là một hoàn cảnh thực tế trong đó người học trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình cần phải đưa ra quyết định giải quyết, xử lý đúng quy định của pháp luật. Người học phải phân tích những yếu tố khác nhau về hoàn cảnh, điều kiện, thời gian, hành vi của các chủ thể trong tình huống, từ đó cân nhắc, lựa chọn những quy định pháp luật phù hợp để đưa ra quyết định xử lý, giải quyết tình huống trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, cơ sở.

Khi xây dựng tình huống, giảng viên chú ý có 3 trường hợp:

+ Tình huống có đầy đủ thông tin liên quan đến việc xử lý, giải quyết.

+ Tình huống có những thông tin không hoàn chỉnh hoặc có mâu thuẫn. Một số thông tin trong tình huống có thể được cố tình bỏ sót, buộc người học phải tư duy tìm thêm thông tin để có đủ cơ sở giải quyết tình huống.

+ Tình huống có thể chỉ có 01 phương án duy nhất đúng hoặc có thể có nhiều phương án giải quyết để lựa chọn phương án tối ưu.

Xây dựng một tình huống đưa vào giảng dạy cần có 3 yếu tố:

+ Tình huống phải có tính thực tiễn, có tính thời sự hoặc có tính mới, gắn liền hoạt động quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

+ Các yêu cầu giải quyết phải đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

+ Có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt của người học trong quá trình giải quyết.

Phương pháp tình huống làm cho người học phải thực sự đương đầu với một trách nhiệm cụ thể, họ cảm nhận được áp lực công việc, buổi học có sự trao đổi thông tin đa chiều. Các tình huống giúp học viên phát triển lòng tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập và hợp tác trong công việc với đồng nghiệp. Ngoài ra, phương pháp tình huống cũng là công cụ tuyệt vời để giảng viên kiểm tra kiến thức lý thuyết và năng lực vận dụng nội dung đã học vào thực tiễn của người học.

Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là việc giảng viên chỉ cần sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực mà nằm ở chỗ giảng viên sử dụng phương pháp đó như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất trong một bài giảng. Điều này còn liên quan đến các yếu tố tác động đến người học mà người dạy cần quan tâm để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đối tượng của từng lớp học.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho học viên gồm 2 thành phần cơ bản là nơi học và chỗ nghỉ ngơi.

Về nơi học (lớp học, giảng đường, phòng thảo luận) phải phù hợp với quy mô lớp. Theo quy định hiện nay lớp hệ tập trung không quá 50 học viên, lớp hệ không tập trung không quá 80 học viên. (Khoản 1 Điều 8 Quy chế Đào tạo). Do vậy, việc áp dụng phương pháp dạy học trung cấp lý luận chính trị phải phù hợp với quy mô lớp học, đối tượng người học. Một phương pháp có thể phù hợp với lớp này nhưng có thể chưa phù hợp với lớp khác. Bên cạnh đó, Khoa Nhà nước và pháp luật còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy đối với các lớp chuyên viên, những năm tiếp theo khoa cần phải tiếp tục vươn lên đảm nhận các lớp chuyên viên chính; các lớp bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh Bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, lớp bồi dưỡng trưởng phó phòng cấp huyện, cấp tỉnh, …thì phương pháp giảng dạy phải được nghiên cứu kỹ theo hướng thực hành kỹ năng; lý luận, lý thuyết chỉ là nội dung định hướng cho hoạt động thực tiễn.

Nơi học phải được trang bị bàn ghế phù hợp chiều cao, khoảng cách đi lại, bảng phấn, máy chiếu phải rõ dễ nhìn; quạt cần đủ mát trong những ngày trưa nóng; micro, âm thanh cần nghe được rõ, không bị nhiễu âm. Nơi học là giảng đường thì giáo viên cần yêu cầu người học ngồi tập trung về phía trên, không để dãy bàn trống; nơi thảo luận thì ngoài việc yêu cầu người học ngồi theo nhóm thì các bàn sử dụng thảo luận cần trang bị có chân bánh xe dễ di chuyển, tránh hư hỏng khi sắp xếp thảo luận. Nói chung, nơi học cần đạt mục tiêu là tạo tâm lý thoải mái cho người học: thích ngồi, thích nghe, thích học.

Về chỗ nghi ngơi của người học là nơi lấy lại sức khỏe sau buổi lên lớp, chỗ nghỉ cũng là nơi người học nghiên cứu soạn đề cương thảo luận, đọc tài liệu,…Do vậy, chỗ nghỉ ngơi cần thoáng mát, đủ ánh sáng, có bàn ghi chép, có tủ quần áo, tủ mùng mềm, có wifi để truy cập tài liệu, có tivi theo từng khu vực (có tính phí theo quy định). Chỗ nghỉ tốt là nơi mà người học có thể yên tỉnh khi ngủ, nghỉ; có thể đọc, viết bất cứ lúc nào khi phát sinh một ý tưởng hay, có thể lấy tài liệu qua mạng wifi, có thể biết tin tức thời sự qua tivi và có thể giải trí, thể thao để vận động cơ thể sau quá trình làm việc tinh thần mệt mỏi. Do vậy, Nhà trường cần khai thác, sử dụng có hiệu quả hoạt động của thư viện, cổng thông tin điện tử của nhà trường trong việc phục vụ nhu cầu của người học. Thường xuyện kiểm tra, sửa chữa các trang thiết bị, dụng cụ, máy móc tại nơi học; vật tư, dụng cụ vệ sinh ở các khu nội trú. Hoàn thiện các sân chơi thể thao, củng cố và duy trì thành phong trào thường xuyên trong khối học viên.

4. Yếu tố về tổ chức, quản lý lớp học

Quản lý là một khâu quan trọng có tác động tích cực đến nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác quản lý tốt sẽ giúp nhà trường nắm được tình hình đào tạo, chất lượng học tập của học viên, chất lượng dạy học của giảng viên,…Theo bộ quy chế quản lý đào tạo hiện nay thì trách nhiệm quản lý học viên có liên quan 4 bộ phận cơ bản là: Phòng Quản lý Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên đứng lớp. Nội dung này, tác giả chỉ đề cập đến trách nhiệm quản lý của giáo viên đứng lớp trong quá trình dạy và học. Để nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị thì giáo viên đứng lớp (giảng dạy, thảo luận) phải tổ chức quản lý lớp chặt chẽ trong suốt buổi học. Giáo viên phải bao quát được lớp học, tổ chức và định hướng cho người học vào nội dung trọng tâm của bài; phải nhắc nhỡ, chấn chỉnh những học viên có biểu hiện không tuân thủ nội quy lớp học. Để làm tốt điều này, giáo viên không chỉ quá tập trung vào bài giảng hay chỉ mời những học viên tích cực tham gia phát biểu mà cần quan sát, phát hiện và mời các học viên thiếu tập trung, ít phát biểu để kéo họ tập trung vào nội dung bài học. Giáo viên cần phát huy tốt nhất vai trò của Ban cán sự lớp và một số thành viên tích cực trong buổi giảng.

5. Đánh giá kết quả học tập

Nội dung này không đề cập đến việc đánh giá kết quả học tập sau khi thi hết môn hay kết quả học tập cuối khóa mà tác giả chỉ muốn đề cập đến việc đánh giá, nhận xét của giáo viên đứng lớp ngay trong quá trình dạy và học trên lớp. Các học viên tích cực bao giờ cũng mong muốn được giáo viên đánh giá, thừa nhận những đóng góp tích cực của họ, cũng như muốn nghe nhận xét góp ý của giáo viên về các nội dung phát biểu ý kiến của học viên. Đánh giá kết quả học tập trên lớp thể hiện qua 2 nội dung cơ bản sau:

- Đối với ý kiến phát biểu của học viên:

Sau khi học viên phát biểu, giáo viên cần có nhận xét về các nội dung phát biểu đúng trọng tâm bài, có tính thực tiễn; đối nội dung phát biểu sai, hoặc chưa hoàn toàn đúng thì giáo viên không nên phê phán, chê trách người học mà chỉ nêu ra nội dung đúng để lớp học cần tập trung nghiên cứu (người học sẽ tự biết nội dung sai).

- Kết thúc buổi giảng, buổi thảo luận

Giáo viên cần có nhận xét, đánh giá chung về người học qua một số nội dung cơ bản như:

+ Tính nghiêm túc của người học trong buổi giảng/ buổi thảo luận.

+ Số lượt ý kiến phát biểu, trong đó học viên nào, tổ nào, huyện nào tích cực nhất hay có ý kiến chất lượng cao nhất.

+ Nhận xét về việc chấp hành nội quy, quy chế học tập: đeo thẻ, ra vào lớp khi giáo viên đang giảng, sử dụng điện thoại, đồ ăn thức thuốc trong lớp, trang phục học viên,…

+ Nhận xét về tính chuyên cần: sĩ số lớp học, số người vắng học, nhắc nhỡ chung các vấn đề khác mà giáo viên phát hiện trong buổi lên lớp.

Trước khi kết thúc nhận xét, đánh gia buổi học, điều quan trọng cần thiết là giáo viên kết luận chung, sau đó tuyên dương học viên tích cực, tuyên bố ghi tên tuyên dương vào sổ đầu bài, sổ thảo luận. Yêu cầu Ban cán sự lớp theo dõi ghi nhận bình xét thi đua cho các học viên đó vào cuối môn học, cuối khóa học.

Việc đánh giá nhận xét này của giáo viên đứng lớp cũng có tác động khích lệ tinh thần của người học khá cao cần được quan tâm.

Trên đây là một vài ý kiến trao đổi mà bản thân nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị, rất mong được nghe ý kiến phản hồi của quý Thầy, Cô giáo đồng nghiệp.

Tài liệu tham khảo

1. Thông tư số 10/2013/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp.

2. Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.

3. Quyết định số 2252-QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế Quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Trang web Giáo dục Việt Nam - Phương pháp giảng dạy - nghiệp vụ sư phạm.

5. Trang web Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên - Một số phương pháp dạy học tích cực.

6. Trang web Gia sư Đăng Minh – Top 10 phương pháp dạy học tích cực thành công nhất.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

các tin khác