Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số điểm mới của bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017

03:09 20/04/2018

    Xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này còn thùy thuộc nhiều yếu tố liên quan như quy trình, trình độ, kỹ thuật xây dựng pháp luật. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, nhưng đã không thể thi hành được khi bị phát hiện có nhiều sai sót liên quan đến kỹ thuật và nội dung. Những hạn chế này đã được khắc phục theo Luật số 12/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Dưới đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng:

1. Nguyên tắc xử lý người phạm tội (Điểm d Khoản 1 Điều 3)

Ngoài nội dung quy định cũ của BLHS 2015, lần này BLHS sửa đổi năm 2017 đã bổ sung nội dung Điểm d Khoản 1 Điều 3 như sau: “  …Khoan hồng đối với người tự thú,…, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án,…”. Nội dung quy định này ngoài việc tạo điều kiện cho người phạm tội lập công chuộc tội như BLHS cũ, việc bổ sung này nhằm đảm bảo tính thống nhất, bao quát trong toàn bộ nội dung của BLHS (so với các điều luật khác) về chủ thể tham gia giải quyết các vụ án (cơ quan có trách nhiệm). Quy định này cũng giúp các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng điều tra, xử lý, kết thúc vụ án, xét xử đúng người, đúng tội, đúng thời gian luật định. 

2. Nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội (Điểm d Khoản 2 Điều 3)

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê theo quy định tại Điều 76. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 có điểm mới so BLHS 2015 như sau: “…Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án,…”
So với quy định của BLHS 2015 chỉ quy định hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án thì quy định bổ sung mới lần này mở rộng hơn cả về chủ thể (cơ quan có trách nhiệm) và nội dung (trong việc phát hiện tội phạm).

3. Phân loại tội phạm (Khoản 2 Điều 9)

Nếu BLHS 2015 không phân loại tội phạm do pháp nhân gây ra là điều chưa hợp lý, chưa đầy đủ (có phân loại tội phạm đối với cá nhân, nhưng lại không có phân loại tội phạm đối với pháp nhân) thì BLHS sửa đổi 2017 đã quy định bổ sung hoàn thiện nội dung này tại Khoản 2 Điều 9:
“Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

4. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội và quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác. Ngoài việc giữ nguyên quy định: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. (Khoản 5 Điều 91). Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Khoản 6 Điều 91). Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (Khoản 7 Điều 91). Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội (BLHS 2015 nêu tên các tội phạm cụ thể) còn BLHS sửa đổi 2017 tại Khoản 2 Điều 12 nêu bao quát hơn, chỉ ghi tên Điều luật (không ghi tên từng tội phạm như BLHS 2015):
“ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.” Đồng thời bỏ quy định xử phạt tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với BLHS 2015.

5. Chuẩn bị phạm tội (Điều 14)

- Đối với Khoản 1 Điều 14, bổ sung cho rõ hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất, bao quát trong toàn bộ nội dung của BLHS (so với các điều luật khác) về hành vi phạm tội:
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ,…,trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
- Đối với Khoản 2 Điều 14, viết gọn lại, chỉ nêu Điều luật, không nêu tên tội phạm:
2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, về nội dung trong Khoản 2 Điều 14 lần này BLHS sửa đổi 2017 có bổ sung thêm tội bị xử lý trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, đó là Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội (Điều 115); Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116) và Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 2017).
- Đối với Khoản 3 Điều 14, viết gọn lại, chỉ nêu Điều luật, không nêu tên tội phạm như BLHS 2015:
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

6. Không tố giác tội phạm (Điều 19)

 - Sửa lỗi sai về mặt kỹ thuật tại Khoản 1 Điều 19 như sau: “ Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.” (BLHS 2015 ghi sai là Điều 389).
- Tại Khoản 2 Điều 19 sửa lại: chỉ nêu Chương XIII (không nêu tên chương) và chỉnh sửa câu chữ cho rõ hơn: " Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
- Sửa lỗi kỹ thuật tại Khoản 3 Điều 19 cho rõ nghĩa hơn: “ Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự….”
Bộ luật hình sự sửa đổi, bố sung năm 2017 còn nhiều nội dung mới khác. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này bản thân chỉ xin giới thiệu một số nội dung nêu trên để thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời kỳ đổi mới theo quan điểm của Đảng. Mỗi một ghi nhận thay đổi trong BLHS sẽ trực tiếp quyết định vô cùng to lớn đến đời sống của từng con người cụ thể khi họ có hành vi phạm tội. Việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng sẽ được tiếp tục tiến hành đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005  của Bộ Chính trị./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005  của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
- Các Bộ luật hình sự Việt Nam
     + Bộ luật hình sự năm 1985
     + Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1989
     + Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1991
     + Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1992
     + Bộ luật hình sự năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1997
     + Bộ luật hình sự năm 1999
     + Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009
     + Bộ luật hình sự năm 2015
     + Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật hình sự theo văn bản hợp nhất của Văn phòng Quốc hội số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 (hợp nhất BLHS 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2017)./.

Vũ Quang Hưng-Khoa Nhà nước và pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác