Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước trước những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận

07:24 14/04/2020

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nội dung rộng và thể hiện trên nhiều phương diện. Một trong những nội dung quan trọng là bảo vệ hệ thống quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề nhà nước chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận hiện nay. Bài viết sau đây tập trung khẳng định lại những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận.

 

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước: những giá trị cần tiếp tục bảo vệ và phát triển

Thứ nhất, về nguồn gốc nhà nước

Nhà nước là một hiện tượng lịch sử - xã hội, có quá trình ra đời, hình thành và phát triển, vì thế Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Nhà nước tồn tại không phải là mãi mãi từ ngàn xưa. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả. Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu”(1).

Điều này chứng tỏ, nhà nước ra đời không phải xuất phát từ mục đích tự thân mà xuất phát từ nhu cầu tồn tại và phát triển xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, vì vậy, Ph.Ăngghen viết: “Vì nhà nước nảy sinh ra từ những nhu cầu phải kiềm chế những đối lập giai cấp, vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp, cho nên theo lệ thường, nhà nước là của giai cấp có thế lực nhất, của các giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về chính trị...”(2).

Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin đã làm rõ hơn về điều kiện ra đời, hình thành và phát triển của nhà nước, đó là: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”(3). Như thế, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của nó là tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp”(4) và “bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác”(5).

Điều này cho thấy, học thuyết mác - xít khác biệt về chất so với các học thuyết phi mác - xít về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Sự khác biệt này không phải nằm ở chỗ thừa nhận hay không thừa nhận sự tồn tại của nhà nước mà nằm ở chỗ chỉ ra nhà nước ra đời từ đâu, ra đời để làm gì và ra đời để phục vụ ai? Học thuyết mác - xít đã lý giải tất cả những câu hỏi này bằng cơ sở hiện thực của nhà nước, đó là cơ sở kinh tế - xã hội đã quy định sự ra đời, hình thành, phát triển và tiêu vong của nhà nước. Vì thế, nhà nước là một hiện tượng xã hội nhưng đây không là hiện tượng xã hội bất biến, thụ động mà nhà nước là thiết chế xã hội đặc biệt, năng động, sáng tạo và chỉ xuất hiện khi xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nó mất đi.

Thứ hai, bản chất của nhà nước

Từ cơ sở kinh tế - xã hội cho sự ra đời của nhà nước, các nhà kinh điển mác - xít đã chỉ rõ bản chất của nhà nước thể hiện ở tính giai cấp (chức năng giai cấp) và tính xã hội (chức năng xã hội).

Học thuyết mác - xít về nhà nước đã chỉ rõ, nhà nước ra đời và tồn tại, phát triển trong xã hội có giai cấp, vì thế, nhà nước trước hết và bao giờ cũng là thiết chế bảo vệ địa vị thống trị của giai cấp thống trị trong một xã hội nhất định, gắn với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Vì thế, V.I.Lênin đã viết: “Cách mạng không phải ở chỗ giai cấp mới dùng bộ máy nhà nước cũ để chỉ huy và quản lý, mà ở chỗ khi đã đập tan bộ máy ấy đi rồi thì giai cấp mới sẽ dùng một bộ máy mới để chỉ huy và quản lý”(6).

Tuy nhiên, bên cạnh thực hiện chức năng chuyên chính và là bộ máy bạo lực chuyên nghiệp của giai cấp thống trị, nhà nước còn phải thực hiện chức năng xã hội nhằm duy trì trật tự xã hội và điều hòa lợi ích trong xã hội theo trật tự mà giai cấp thống trị hướng đến. Cho nên, các nhà kinh điển mác - xít chỉ rõ: “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(7). Nhà nước là bộ máy của giai cấp thống trị, phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị, vì thế V.I. Lênin khẳng định: “Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với giai cấp khác”(8).

Do vậy, không có một nhà nước nào có thể tồn tại và phát triển được nếu chỉ duy trì tính giai cấp (chức năng giai cấp) mà “quên đi” tính xã hội (chức năng xã hội). Trong bất cứ hình thái kinh tế - xã hội nào, giai cấp thống trị mặc dù có địa vị kinh tế - xã hội quan trọng và quyết định đối với giai cấp khác, nhưng cũng chỉ là bộ phận của xã hội mà không thể là toàn thể xã hội, vì thế ngoài việc bảo vệ quyền lợi và địa vị thống trị về kinh tế - xã hội, giai cấp thống trị phải điều hòa lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các giai tầng khác ngay cả giai cấp đối lập với mình trong xã hội. Hơn nữa, nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ đa dạng, phức tạp mà không một thiết chế xã hội nào có thể đảm nhận được để duy trì ổn định và phát triển xã hội.

Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước phải là một công cụ, một phương tiện, đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động. Dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước. Điều cần thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo kiểu chế độ dân chủ, mà là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý. Vì thế, V.I.Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng Nhà nước Nga Xô viết đã yêu cầu phải xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”(9), nghĩa là coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng; cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”(10).

Thứ ba, kiểm soát quyền lực nhà nước

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định quyền lực nhà nước là trung tâm quyền lực chính trị của giai cấp chiếm địa vị thống trị về kinh tế trong xã hội, là “bạo lực có tổ chức” của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp khác. Xét đến cùng, quyền lực nhà nước là ý chí và nguyện vọng của nhân dân được giai cấp cầm quyền thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của bộ máy nhà nước hợp pháp. Quyền lực nhà nước không có mục đích tự thân, sự xuất hiện và tồn tại của quyền lực nhà nước là nhu cầu tất yếu khách quan của xã hội có giai cấp. Nguồn gốc của quyền lực nhà nước từ cộng đồng xã hội, suy cho cùng quyền lực nhà nước thực chất chỉ là “quyền lực phái sinh bắt nguồn từ quyền lực nhân dân”(11). Nói cách khác, nhà nước nhận quyền lực từ xã hội, tức là từ nhân dân. Trong xã hội có giai cấp, nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho giai cấp cầm quyền, để lập lên thiết chế xã hội đặc biệt - thiết chế này tựa hồ đứng trên xã hội, nhưng lại ra đời từ trong lòng xã hội, đó là nhà nước. Chính vì lẽ đó, quyền lực nhà nước không thể nằm ngoài hay vượt quá quyền lực công của xã hội. Cho nên, quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân luôn tỷ lệ nghịch với nhau, quyền lực nhà nước được mở rộng bao nhiêu thì quyền lực của nhân dân sẽ bị thu hẹp bấy nhiêu.

V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(12). Cho nên, kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu tất yếu của mọi nhà nước vì quyền lực nhà nước luôn đi kèm với sự “tha hóa” quyền lực nếu thiếu sự kiểm soát.

Kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ làm cho quyền lực nhà nước được thực thi một cách tối ưu, đạt mục đích cao nhất, hiệu quả và an toàn nhất, mà kiểm soát quyền lực nhà nước còn nhằm ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền lực nhà nước. Nhằm bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền lực của nhân dân được bảo đảm, nhân dân ủy quyền nhưng không bị mất quyền, hay quyền lực của nhà nước không lấn át quyền lực nhân dân, thì yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một nguyên tắc rất quan trọng trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

Thứ tư, pháp luật là công cụ quan trọng để nhà nước quản lý xã hội và tự quản lý

Pháp luật là công cụ quan trọng nhất để nhà nước duy trì trật tự xã hội một cách hợp pháp theo ý chí mà giai cấp thống trị muốn hướng đến. Tuy nhiên, trong xã hội dân chủ, pháp luật không chỉ là công cụ để nhà nước quản lý xã hội mà còn là công cụ để quản lý chính bản thân mình, cho nên C.Mác khẳng định: “Không một người nào, ngay cả nhà lập pháp ưu tú nhất, cũng không được đặt cá nhân mình cao hơn luật pháp do mình bảo vệ”(13). Theo đó, tính tối thượng của pháp luật không chỉ đối với mọi người trong xã hội mà còn tối thượng ngay bản thân đối với nhà nước - với vai trò là người ban hành pháp luật.

Trong bất cứ nhà nước nào, sự “tùy tiện” của cơ quan nhà nước và người được nhà nước ủy quyền trong thực thi công vụ đều có thể xảy ra, vì vậy để hạn chế sự tùy tiện đó, pháp luật phải là “đại lượng chung” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt quyền tự do của con người. C.Mác đã khẳng định: “Tự do được thừa nhận về mặt pháp lý tồn tại trong nhà nước dưới hình thức luật pháp. Luật pháp không phải là những biện pháp đàn áp chống lại tự do … Ngược lại, luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến … không phụ thuộc và sự tùy tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh của tự do của nhân dân”(14).

Ngoài ra, để phục vụ tốt cho yêu cầu quản lý xã hội và “chế ngự” quyền lực nhà nước, pháp luật phải là đại lượng chung, tiến bộ, vì con người, C.Mác đã chỉ rõ: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi pháp luật. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”(15).

Pháp luật phải dựa trên cơ sở kinh tế - xã hội hiện tại và xu thế vận động của kinh tế - xã hội trong tương lại gần để “lường trước” các quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh, cho nên  C.Mác đã chỉ rõ: “xã hội không lấy pháp luật làm cơ sở. Đó chỉ là ảo tưởng của những nhà luật học. Ngược lại, pháp luật phải lấy xã hội làm cơ sở, pháp luật phải là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do một phương thức sản xuất vật chất nhất định sản sinh ra mà không phải là do ý muốn tùy tiện của một cá nhân … Chừng nào bộ luật không còn thích hợp với quan hệ xã hội nữa thì nó sẽ biến thành một mớ giấy lộn ngay”(16). Vì vậy, đảm bảo bảo tính ổn định tương đối của pháp luật, trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà nước cần phải phân tích, đánh giá và dự báo chính xác xu thế vận động kinh tế - xã hội và khả năng điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội mới hoặc những quan hệ xã hội cũ đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.

2. Những vấn đề cần luận giải mới trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước

Thứ nhất, vấn đề “nhà nước tự tiêu vong”.

Theo các nhà kinh điển mác - xít, cơ sở xã hội cho sự ra đời, tồn tại của nhà nước là mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được và cơ sở kinh tế là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, vì thế khi những cơ sở sở xã hội và kinh tế này mất đi thì nhà nước - “bộ máy cai trị”(17) của giai cấp thống trị sẽ mất đi: “Giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng tiêu vong. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hiệp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng”(18) và “nhà nước sẽ có thể tiêu vong hoàn toàn khi xã hội đã thực hiện được nguyên tắc: “làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nghĩa là khi người ta đã rất quen tôn trọng những quy tắc cơ bản của đời sống chung trong xã hội, và năng suất lao động của người ta đã lên cao đến mức người ta sẽ tự nguyện làm hết năng lực”(19).

Với lý luận này cho chúng ta hiểu hai điều: (1) khi giai cấp thống trị này không còn thì nhà nước của giai cấp thống trị đó sẽ mất đi; (2) trong tương lai, khi giai cấp không còn, nghĩa là mâu thuẫn đối kháng giai cấp mất đi thì nhà nước nước sẽ hoàn toàn mất đi chức năng giai cấp của mình, chỉ còn duy nhất chức năng xã hội, lúc đó nhà nước trở thành thiết chế tự quản trong xã hội và thực hiện các chức năng xã hội thuần túy vì cộng đồng.

Sự tự tiêu vong của nhà nước hay tự mất đi của nhà nước nghĩa là sự tiêu vong đó không phải do ý chí chủ quan của một chủ thể nào trong xã hội mà đây là quá trình tự nhiên, tất yếu theo quy luật vận động khách quan của xã hội loài người, dù giai cấp thống trị bằng cách này hay cách khác để cố giữ địa vị thống trị của mình thì sớm hay muộn nhà nước của giai cấp thống trị đó sẽ bị mất đi khi điều kiện kinh tế và xã hội của giai cấp này mất đi.

Thứ hai, “nhà nước nửa nhà nước”

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước đặc biệt, nhà nước không còn nguyên nghĩa mà là “nửa nhà nước”, nhà nước tự tiêu vong khi cơ sở kinh tế, xã hội cho sự tồn tại của nhà nước không còn nữa. V.I.Lênin cho rằng, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, sự trấn áp vẫn còn tất yếu, nhưng nó đã là sự trấn áp của đa số bị bóc lột đối với thiểu số bóc lột. Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là “nhà nước” vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là nhà nước quá độ, mà không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa”(20), trong đó “Chính quyền mới với tính cách là chuyên chính của tuyệt đại đa số, đã có thể duy trì và đã được duy trì chỉ là nhờ vào sự tín nhiệm của quần chúng đông đảo, chỉ bằng lôi cuốn một cách tự do nhất, rộng rãi nhất và mạnh mẽ nhất toàn thể quần chúng tham gia chính quyền… Đó là chính quyền công khai đến với mọi người, làm mọi việc trước mặt quần chúng, quần chúng dễ dàng gần gũi nó, nó trực tiếp sinh ra từ quần chúng, là cơ quan trực tiếp đại biểu cho quần chúng nhân dân và cho ý chí của họ”(21). Vì thế, nhà nước xã hội chủ nghĩa là “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, “nhà nước nửa nhà nước”, “nhà nước quá độ” để rồi chuyển dần tới một chế độ tự quản của nhân dân.

Trong quan điểm của các nhà kinh điển mác - xít, nhà nước là một bộ máy cai trị của giai cấp thống trị, vì thế chức năng giai cấp và chức năng xã hội luôn thống nhất và quan hệ biện chứng với nhau. Khi chức năng giai cấp yếu thì chức năng xã hội mạnh và ngược lại, cho nên, khi chức năng giai cấp yếu đi thì chức năng xã hội ngày một mạnh hơn và đến khi chức năng giai cấp không còn nữa (khi xã hội không còn giai cấp) thì nhà nước chỉ còn chức năng xã hội, lúc đó nhà nước không còn bản chất của bộ máy cai trị của giai cấp thống trị nữa mà chuyển thành bộ máy tự quản của cộng đồng.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, với những đặc trưng cơ bản về kinh tế (chế độ công hữu về tư liệu sản xuất cơ bản) và xã hội (giai cấp công nhân là giai cấp thống trị, nhưng lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là thống nhất với nhau; làm theo năng lực, hưởng theo lao động) của mình, vì thế trong xã hội này, chức năng xã hội của nhà nước nổi trội hơn cả hay nói cách khác chức năng giai cấp của nhà nước ngày một yếu đi, chức năng xã hội của nhà nước ngày một mạnh hơn. Đây là những biểu hiện cho thấy, nhà nước xã hội chủ nghĩa không còn “nguyên bản” nhà nước nữa mà chuyển dần sang thiết chế tự quản, phi giai cấp của mình.

Thứ ba, vấn đề “chuyên chính”

Chuyên chính là vấn đề lớn của mọi cuộc cách mạng vì để giành, giữ được chính quyền thì giai cấp cầm quyền của chính quyền non trẻ cần phải thực hiện chuyên chính để dập tắt mọi phản kháng của mọi lực lượng phản cách mạng. Vì thế, V.I. Lênin đã khẳng định: “Ai tưởng rằng bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được mà không cần đến sự cưỡng bức và chuyên chính thì sẽ phạm một điều dại dột và tỏ ra không tưởng một cách vô lý”(22).

Vì thế, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, chúng ta vẫn phải duy trì và thực hiện chuyên chính, tuy nhiên, việc thực hiện nó phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp và đúng nguyên tắc, đó là: (1) thực hiện nó phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, chứ không bừa bãi; (2) chuyên chính và dân chủ phải kết hợp biện chứng với nhau, nghĩa là, thực hiện chuyên chính đối với thế lực thù địch, phản động, nhưng thực hiện dân chủ rộng rãi, đầy đủ với nhân dân. Thực hiện chuyên chính để bảo đảm dân chủ, chế độ dân chủ chỉ được thực hiện nhờ có sự chuyên chính. Theo đó, thực hành dân chủ phải theo đúng quy định pháp luật, không được dân chủ quá trớn, vô chính phủ.

Thứ tư, vấn đề pháp chế

Theo C.Mác và Ph. Ăngghen, “Pháp chế là sự tuân thủ luật của những người tham gia các quan hệ xã hội”(23), theo đó, pháp chế thực chất là chế độ thực hiện pháp luật của tất cả các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong xã hội. Rõ ràng, trong quá trình xây dựng xã hội mới, thiết lập một trật tự xã hội mới, các nhà kinh điển mác - xít đặc biệt quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật và duy trì trật tự xã hội theo pháp luật. Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật là điều đặc biệt quan trọng, vì thế, V.I. Lênin đã khẳng định “phải là pháp chế duy nhất cho toàn nước Nga và cho toàn  thể Liên bang của các nước Cộng hòa Xô viết nữa”(24).

Trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực, việc đảm bảo pháp chế (pháp chế XHCN) là nội dung quan trọng, cần phải tiếp tục được thực hiện. Nguyên tắc của pháp chế XHCN trở thành những tư tưởng chủ đạo, cơ bản trong xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, đó là: (1) Bảo đảm sự thống nhất của pháp chế trên quy mô toàn quốc; (2) Bảo đảm hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp; (3) Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật là nguyên tắc bắt buộc chung đối với mọi chủ thể; (4) Mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh không có ngoại lệ; (5) Bảo đảm và bảo vệ quyền, tự do của con người và công dân theo quy định của pháp luật.

Trước những luận điệu sai trái, nghi ngờ, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước, chúng ta phải hiểu đúng, với quan điểm lịch sử - cụ thể về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và về nhà nước nói riêng, để từ đó khẳng định những luận điểm nào còn nguyên giá trị để tiếp tục vận dụng và phát triển, những luận điểm nào đã bị lịch sử vượt qua hoặc cần phải hiểu lại, hiểu đúng và bổ sung, phát triển trong bối cảnh hiện nay; đồng thời vận dụng lý luận này vào thực tiễn xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa phải hết sức sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể, tránh giáo điều, tầm chương trích cú dẫn đến sai lầm, đổ vỡ, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học, cách mạng của học thuyết này.

Việc làm đó không những khẳng định tính khoa học, cách mạng và nhân văn của học thuyết Mác - Lênin nói chung và về nhà nước nói riêng, mà còn là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.

Tài liệu tham khảo

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.257-258, 255.

(3), (6) V.I. Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.9, 141.

(4) V.I. Lênin: Toàn tập, t.32, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.303. 

(5) V.I. Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.122.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật,  Hà Nội, 1994, tr.253.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập,  t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 84.

(9), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.445, 446.

 (11) GS, TS Phạm Hồng Thái (2005): “Quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước qua các hiến pháp”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 25, tr.1 - 2.

(12) V.I. Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.52.

(13), (14), (15) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 202,95, 350.

(16) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 332-333.

(17) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.80.

(18) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1994, tr.257-25.

(19), (20) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.118, 111.

(21) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.378.

(22) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 36, tr. 237.

(23) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.5, tr.675.

(24) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 232.

 PGS, TS Trương Hồ Hải, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

các tin khác