Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số nội dung cơ bản và điểm mới của luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

07:55 04/09/2019

 Luật Phòng, chống tham nhũng là một trong những công cụ pháp luật quan trọng nhất trên mặt trận chống tham nhũng do Quốc hội ban hành, Đảng ta trực tiếp lãnh đạo. Dù vậy, cho đến nay nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm phòng, chống tham nhũng hiệu quả trong thời gian tới, tác giả xin giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

1. Nhận thức chung về pháp luật và quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng

- Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, hiện nay tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn còn nghiêm trọng. Ngày 29/1/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng CPI (Corruption Perceptions Index) năm 2018. Theo đó, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, tụt 2 điểm và giảm 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2017. Do vậy, hệ thống pháp luật quốc tế và Việt Nam đã không ngừng tiếp tục hoàn thiện để góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả nhất. Hệ thống văn bản pháp luật quan trọng về chống tham nhũng là:

Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng UNCAC (United Nations Convention against Corruption) có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam kể từ năm 2009 và là văn bản pháp lý quốc tế phổ cập nhất trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng;

Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi 2007 và 2012);

Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ 15/8/2019;

Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và nhiều văn bản khác.

- Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng là:

Một là, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Hai là, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Ba là, kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

(Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X)

2. Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 20/11/2018, gồm 10 Chương, 96 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019. (sau đây viết tắt là Luật PCTN năm 2018), với một số nội dung cơ bản và điểm mới như sau:

- Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8)

Luật PCTN năm 2018 quy định ngắn gọn và khái quát hơn về phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN”. (Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Như vậy so với quy định trước đây, Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.

- Nội dung cơ bản và điểm mới trong Chương II. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 9 đến Điều 54)

Mục 1- Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Điểm mới so với trước đây, Luật PCTN năm 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mục này bổ sung rõ hơn quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác PCTN và tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.

Mục 2- Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Kế thừa quy định trước đây, Luật PCTN năm 2018 chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong việc ban hành và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ để không dẫn đến chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành.

Mục 3- Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

Luật PCTN năm 2018 quy định rõ rảng hơn về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc tặng quà và nhận quà tặng và bổ sung quy định mới về kiểm soát xung đột lợi ích tại Điều 23.

Mục 4- Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn

Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác, vị trí công tác và thời hạn phải định kì chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

Mục 5- Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

Luật PCTN năm 2018 đã quy định chi tiết, rõ ràng hơn các nội dung về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý tại Điều 27 và Điều 28 và thanh toán không dùng tiền mặt tại Điều 29.

Mục 6- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Đây là nội dung mới và thay đổi căn bản so với luật trước đây.

Luật PCTN năm 2018 đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 30) theo hướng tăng cường tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Quy định mới về mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định trước đây, mà đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập gồm:  - Cán bộ, công chức; Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hằng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Luật PCTN năm 2018 còn bổ sung rõ ràng hơn quy định việc xác minh tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập. Căn cứ xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sả, thu nhập tăng thêm không trung thực.

- Nội dung cơ bản, bổ sung trong Chương III. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 55 đến Điều 69)

Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định rõ hơn về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tại Điều 57;

Bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 62; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64.

- Nội dung cơ bản của Chương IV. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (từ Điều 70 đến Điều 73)

Luật PCTN năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm (Điều 71);

- Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng;

- Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới. (Điều 72)

Chương này còn quy định rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan mình quản lý, phụ trách (Điều 73).

- Chương V. Trách nhiệm của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 74 đến Điều 77)

So với luật trước đây, tên chương đã viết gọn lại (bỏ chữ "Vai trò"). Đồng thời bổ sung trách nhiệm của một số chủ thể tham gia phòng, chống tham nhũng như: trách nhiệm của nhà báo (Điều 75), hiệp hội doanh nghiệp (Điều 76), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (Điều 77).

- Chương VI. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (từ Điều 78 đến Điều 82)

Đây là chương hoàn toàn mới của Luật PCTN năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Chương này quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Chương này còn quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện. Các doanh nghiệp, tổ chức này phải áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Điều 81.

- Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng (từ Điều 83 đến Điều 88)

Chương này quy định các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 84).

Trách nhiệm chống tham nhũng của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Trách nhiệm chống tham nhũng của UBND các cấp.

Trách nhiệm chống tham nhũng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Trách nhiệm chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nêu trên.

- Chương VIII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng (từ Điều 89 đến Điều 91)

Chương này bổ sung trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao (Điều 90).

Quy định điều luật mới “Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng” (Điều 91)

- Nội dung cơ bản trong Chương IX. Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (từ Điều 92 đến Điều 95)

Đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN.

Việc xử lý tham nhũng, so với quy định trước đây, Luật PCTN năm 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng (Điều 92, Điều 93).

Việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN, Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung quy định tại mục 2 Chương IX. Theo đó, Điều 94 liệt kê các hành vi  khác vi phạm pháp luật về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi đó.

Luật PCTN năm 2018 quy định xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Điều 95.

- Chương cuối cùng- Chương X. Điều khoản thi hành (Điều 96)

Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Các văn bản hết hiệu lực từ ngày 01/7/2019 gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

------ —²– ------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam-Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng UNCAC (United Nations Convention against Corruption) có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam kể từ năm 2009.

3. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi 2007 và 2012)

4. Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020;

5. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ 15/8/2019.

6. Thủ tướng Chính phủ - Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc

7. Thủ tướng Chính phủ - Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động công vụ.

8. Tỉnh ủy An Giang-Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị
về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

              9. Tỉnh ủy An Giang-Công văn số 696-CV/TU ngày 04/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc đẩy mạnh phát hiện, xử lý “Tham nhũng vặt” và tăng cường công tác giám định./.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác