Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước hùng cường

07:59 18/02/2021

Hơn 75 năm về trước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2/3 thế kỷ trôi qua, trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, dân tộc Việt Nam đang ngày càng trở nên hùng cường, to đẹp, đàng hoàng đúng như mong muốn của Bác. Đón Xuân Tân Sửu, chúng ta lại bâng khuâng nhớ Người với tư tưởng, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam

Từ mong muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”

Khát vọng về xây dựng đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu, “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” luôn là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Bác. Nỗi niềm riêng, mong muốn riêng nhưng cũng chính là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đạt tới. Đây chính là nét đẹp tột đỉnh trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, định nghĩa về mùa Xuân của dân tộc không chỉ dừng lại ở mùa Xuân của đất trời, của vạn vật, mà cao cả hơn là hướng đến mùa Xuân của dân tộc độc lập, tự do, mùa Xuân của CNXH. Trong bài viết “Cách mạng tháng Mười Nga mở đầu cho các dân tộc trên thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau mùa Đông lạnh lùng, là mùa Xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, chủ nghĩa xã hội”. Không những mong muốn đất nước độc lập, tự do, Bác Hồ còn ấp ủ khát vọng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong bức thư gửi các học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 5-9-1945, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Dù thời gian có trôi qua, nhưng nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn độc lập của Bác. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy thời điểm ngay sau ngày Quốc khánh, đúng vào ngày khai trường đầu tiên, chọn đối tượng là các em học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin, hy vọng về xây dựng đất nước hùng cường, có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Vì như Bác thường nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp của trăm năm.

Thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu cả về phẩm chất, năng lực, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng đất nước và sự nghiệp đổi mới. Thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam thực sự làm rạng danh đất nước, đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đến khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Tiếp nối kỳ vọng, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng, Nhà nước ta đang dần hiện thực hóa sinh động khát vọng ấy trong công cuộc đổi mới toàn vẹn đất nước hôm nay.

Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước thời cơ, vận hội, thuận lợi và không ít nguy cơ, thách thức, nhưng chính nhờ ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trên thực tế, Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng của thế giới. Đặc biệt, sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng lên, từ thứ hạng 88/183 năm 2010 lên thứ hạng 70/190 năm 2019. Vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kể từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986, đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác cởi mở và tin cậy của thế giới trên nhiều phương diện. Năm 2020, Việt Nam để lại dấu ấn trong cộng đồng quốc tế khi đảm nhận xuất sắc 2 trọng trách lớn: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Những thành tựu về kinh tế - xã hội cũng như vị thế trên trường quốc tế cho thấy thế và lực của đất nước đang đi lên. Điều này là hệ quả tất yếu của một quá trình tích lũy bằng đổi mới kinh tế, phát triển xã hội cũng như tích cực hội nhập quốc tế trong hàng chục năm qua. Đó là hành trình đi lên của khát vọng, hành trình của những nỗ lực không biết mệt mỏi.

Nói như Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam. Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ khát vọng. Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên”.

Ông Dick Son Ho, chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cho biết: “Sự thay đổi của Việt Nam tôi nghĩ phải nhìn từ hai góc độ. Trước hết, Việt Nam đã tạo dựng được môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và bình đẳng; đồng thời, nỗ lực cải thiện hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam là một thành viên của ASEAN - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Hai yếu tố này giúp Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư tiềm năng”.

Đó cũng là những minh chứng hùng hồn, cơ sở thực tiễn phong phú để Đảng ta đưa thành tố “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một nội dung của chủ đề được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xác định là một trong những quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới đất nước trong giai đoạn tới.

Đây không chỉ là vấn đề nhận thức khoa học về hệ thống động lực trong quá trình phát triển đất nước, mà còn là phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong nhiệm kỳ mới. Đồng thời, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của toàn thể dân tộc ta, nhằm thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu./.

các tin khác