Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

08:25 29/07/2019

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

 Trong những năm qua, công tác quản lý đào tạo luôn được Ban Giám hiệu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng dặc biệt quan tâm, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhân dịp Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa ban hành Quy chế quản lý đào tạo của các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bản thân xin bàn về một số nhân tố cơ bản, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang trong những năm tới, như sau:

Một là, cần xác lập mục tiêu học tập một cách đúng đắn cho người học ngay từ những ngày đầu của khóa học.

Hai là, tăng cường xây dựng, phát triển và hoàn thiện đội ngũ giảng viên.

Ba là, việc lựa chọn phân công giáo viên chủ nhiệm.

Trước hết, bàn về xác lập mục tiêu học tập một cách đúng đắn cho người học ngay từ những ngày đầu của khóa học.

Cần làm cho người học thấu hiểu tư tưởng của Hồ Chí Minh: Mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành con người theo đúng nghĩa của từ nầy.

Còn nói theo Unesco, thì đó là:

Học để biết, ngụ ý cung cấp những công cụ nhận thức cần có để hiểu biết thế giới và những điều phức tạp của nó một cách tốt hơn, và để có nền tảng đủ và phù hợp để học tập trong tương lai.

Học để làm, có nghĩa là cung cấp các kỹ năng giúp các cá nhân tham gia một cách có hiệu quả vào nên kinh tế và xã hội toàn cầu.

Học để làm người, có nghĩa là cung cấp những kỹ năng tự phân tích và kỹ năng xã hội để giúp các cá nhân phát huy đầy đủ nhất tiềm năng của mình về mặt tâm lý-xã hội, về tình cảm cũng như thể chất, để trở thành một “con người toàn diện” về mọi mặt.

Học để chung sống, ngụ ý là hướng các cá nhân vào những giá trị tiềm ẩn trong các nguyên tắc dân chủ, sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, tôn trọng và hòa bình ở mọi cấp bậc xã hội và quan hệ giữa người với người nhằm giúp cho các cá nhân và các xã hội cùng sống trong hòa bình và hòa thuận.

Kế tiếp, là tập trung xây dựng, phát triển và hoàn thiện đội ngũ giảng viên.

Lâu nay, đa phần giảng viên của Trường đã tỏ rõ những phẩm chất tốt đẹp, thu hút được người học trên bụt giảng bằng sự tâm huyết và tri thức khoa học; tạo sự mến phục của người học thông qua đạo đức, phong cách và lối sống của mình. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả trong đội ngũ giảng dạy của chúng ta.

Những ai có tâm huyết đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường, đều mong rằng các thầy-cô giáo của chúng ta phải là những người: Có bản lĩnh chính trị vững vàng-tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, có khả năng đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết phản bác những luận điệu xuyên tạc của những phần tử xấu, của các thế lực thù địch làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng; giỏi về chuyên môn-có kiến thức sâu về bộ môn được phân công đứng lớp, và biết cách chế biến những kiến thức ấy thành những món ăn hấp dẫn, hợp khẩu vị các đối tượng người học, tức là dạy cái người học cần, chứ không phải dạy cái mình có; kế đến là phải yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp huấn luyện cán bộ; thể hiện cái tâm trong sáng đối với học viên-tôn trọng, phát huy dân chủ, bảo vệ và thực hiện có hiệu quả những lợi ích chính đáng của người học.

Về việc lựa chọn giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm là nhân tố rất quan trọng, thường xuyên và trực tiếp góp phần biến quá trình đào tạo của Trường thành quá trình tự đào tạo của người học. Thực tế ở trường Chính Trị Tôn Đức Thắng những năm qua đã chứng minh điều đó: Khóa học nào có được giáo viên chủ nhiệm có bản lĩnh, có tâm huyết, có kiến thức, có năng lực thì khóa ấy y như rằng sẽ thành công tốt đẹp và ngược lại….

Với những suy nghĩ trên, theo bản thân nên lựa chọn những giáo viên chủ nhiệm phù hợp các tiêu chí sau:

- Giáo viên chủ nhiệm phải hơn học viên một cái đầu về những kiến thức mà người học sắp được trang bị trong chương trình đào tạo; có năng lực sư phạm-hiểu người, biết tạo ra sự nhất trí và tạo cho người học nguồn sáng tạo.

- Đã là giáo viên chủ nhiệm lớp, nhất thiết phải am hiểu Bộ quy chế quản lý đào tạo do Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia ban hành. Vì, bộ quy chế nầy có thể được xem là “luật” ở Trường. Người quản lý học viên mà không nắm luật, thì không cách chi giáo dục luật, tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra đối tượng quản lý chấp hành luật tốt được.

- Giáo viên chủ nhiệm, phải có phong cách sâu sát lớp học, gần gũi học viên.

Phong cách nầy, giúp giáo viên chủ nhiệm thấu hiểu những diễn biến của lớp học, thấu hiểu những diễn biến tâm tư, ý nguyện của người học. Qua đó giúp lớp học, người học thực hiện hiệu quả nghĩa vụ và quyền lợi của họ.

Về phía lãnh đạo nhà trường, nên chăng lựa chọn giáo viên chủ nhiệm là những giảng viên không kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ, để tránh tình trạng quá tải, dẫn đến công tác quản lý chỉ là hình thức, kém hiệu quả.

- Đó là, sự mẫu mực và kiên định của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Sự mẫu mực nói đi đôi với làm trong thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như Bộ quy chế quản lý đào tạo, sẽ là tấm gương hơn cả mọi lời khuyên nhằm góp phần hoàn thiện nếp nghĩ, lối sống và ý thức tổ chức kỷ luật cho người học.

Có được sự kiên định, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh, đấu tranh với những sai phạm cũng phải thấu lý đạt tình. Thưởng-phạt cũng phải công minh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đào tạo của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là tổng thể của nhiều giải pháp. Tuy nhiên, bài viết chỉ trao đề cập một vài vấn đề mà bản thân quan tâm, rất mong được sự chia sẻ của các đồng nghiệp.

Tô Hữu Trí - Phòng Đào tạo

các tin khác