Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vai trò của nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế ở Nhật Bản

09:56 28/08/2019

 Hội nhập quốc tế là con đường mà mọi quốc gia dân tộc đều phải hướng đến trong chiến lược phát triển của mình. Sự vận động của xu thế phát triển toàn cầu trong những năm gần đây và dự báo xu hướng trong những năm tiếp theo đặt ra càng minh chứng cho tính tất yếu với nghĩa “sống – còn” của các quốc gia dân tộc giai đoạn hiện nay. Chính vì liên quan đến vận mệnh của các quốc gia, việc thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế đòi hỏi sự tham gia của toàn thể dân cư trong mỗi đất nước mà nhà nước đóng vai trò trung tâm tổ chức, điều hành và quản lý.

Đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản – là một điển hình của sự vươn lên từ trong khó khăn và xuất phát thấp. Bước ra khỏi chiến tranh thế giới thứ hai trong tư thế “thất bại”, đất nước Nhật Bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn nảy sinh từ hệ lụy của chiến tranh và nội tình đất nước. Trong gian khổ, chính quyền Nhật Bản đã rất quyết tâm vực dậy đất nước. Quyết tâm đó được thể hiện qua nhiều quyết sách đúng đắn và mang tính đột phá, được Nhân dân ủng hộ và đồng cam cộng khổ thực hiện. Một trong số đó là quyết sách hội nhập quốc tế.

Chương trình hội nhập quốc tế được chính quyền Nhật Bản đề ra sau chiến tranh thế giới thứ hai có tầm vóc chiến lược với nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu, bành trướng thế lực ra bên ngoài, song lai duy trì chế độ kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt cả chính thức lẫn phi chính thức. Chính phủ Nhật Bản đã có những quy định hạn chế về chủng loại và số lượng nhập khẩu cũng như số lượng các nhà nhập khẩu, hạn ngạch được sử dụng như là công cụ của chính sách bảo hộ. Nhưng từ khi gia nhập GATT, mức độ tự do hóa được đẩy mạnh, đến năm 1972 mức độ tự do hóa đạt 95%.

Tự do hóa đầu tư chậm hơn so với tự do hóa thương mại bởi cho đến những năm 1970 mới được triển khai trong thực tế ở những ngành có sức cạnh tranh hoặc những ngành truyền thống nhưng khả năng sinh lợi thấp. Dù chậm hơn nhưng chính quyền Nhật bản đã rất tỉ mỉ với những bước đi cụ thể trong các chương trình tự do hóa đầu tư. Ở chiều ngược lại, một tốc độ được ví như bành trướng và xâm nhập mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế vào thị trường khu vực và quốc tế được đẩy nhanh bởi sự khuyến khích rất lớn từ phía chính quyền. Xuất khẩu và đầu tư đã có sự gia tăng mạnh đưa Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu, với mức độ thặng dư mậu dịch ngày càng tăng và là một trong những nhà đầu tư quốc tế và cung cấp ODA lớn nhất thế giới.

Sau quá trình tương đối dài quyết tâm theo đuổi tự do hóa thương mại gắn liền với duy trì sự bảo hộ đối với đầu tư và thị trường dịch vụ, Nhật Bản đứng trước yêu cầu phải thay đổi chính sách khi đối mặt với cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1980 và trong suốt thập niên 1990. Chính quyền Nhật Bản đã sớm tạo nên sự khôi phục và đưa nền kinh tế bước vào chu kỳ phát triển năng động bằng quyết tâm cải cách, tự do hóa mạnh mẽ đầu tư và thị trường dịch vụ.

Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn đang là đầu tàu trong tiến trình hội nhập quốc tế của khu vực và toàn cầu. Sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, các thể chế trong khu vực Đông Á, châu Á và toàn thế giới có đóng góp rất lớn từ nhiều chính sách của Nhật Bản được ban hành và thực thi bởi chính quyền. Có thể nói, trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước mặt trời mọc, của châu lục và thế giới, Nhật Bản càng thể hiện vai trò to lớn như thế nào thì chính quyền Nhật Bản càng đóng vai trò quan trọng chừng ấy.

Đỗ Thanh Nhàn - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác