Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nội san Trường Chính trị Tôn Đức Thắng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học giai đoạn 1995 - 2001

08:10 21/06/2019

 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, là Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới của Đảng, thực chất đổi mới đi vào chiều sâu cuộc sống từ những năm đầu thập niên chín mươi, trong quá trình Việt Nam đổi mới, Liên Xô, Đông Âu tiến hành cải tổ, Trung Quốc tiến hành cải cách trước, Việt Nam đổi mới sau. Việt Nam đổi mới thành công, Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và vận dụng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa Mác-Lênin và văn hóa Việt Nam có những điểm tương đồng, chủ nghĩa Mác-Lênin: Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức, vật chất, ý thức có mối quan hệ biện chứng…bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam: “ Có thực mới vực được đạo”, “ An cư mới lạc nghiệp”, Việt Nam đổi mới kinh tế trước, căn cứ thành quả kinh tế đạt được, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, dần dần từng bước đổi mới về văn hóa, xã hội...Việt Nam càng đổi mới, càng thành công, dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Trong khi Liên Xô, càng cải tổ càng khủng hoảng, không trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê nin, cải tổ chính trị trước cộng với âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa Đế quốc và các thế lực thù địch. Đến năm 1991 Liên Xô và Đông Âu tạm thời thất bại, hệ thống XHCN sụp đổ.

 Tình hình đó vấn đề giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin gặp khó khăn, một số trường Đảng tạm thời không mở lớp, chờ sách giáo khoa mới, hướng dẫn của Trung ương, sau khi có sách giáo khoa lại cắt xén một số bài, gộp một số môn cơ bản với môn khác...

 Trước tình hình nêu trên, trường Đảng Tôn Đức Thắng vẫn tiến hành chiêu sinh, mở lớp bình thường và một số trường Đảng trong khu vực đến học tập, rút kinh nghiệm, xin tư liệu về nghiên cứu để chiêu sinh đào tạo.

 Cùng với chiêu sinh mở lớp tiến hành phát hành nội san, trước đã có nội san nhưng không phát hành liên tục.

 Từ năm 1995 đến năm 2001 nội san trường chính trị ra đều đặn các số, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm: kỷ niệm 03-02 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 30-04 ngày giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc, 01-5 ngày quốc tế lao động, 07-5 ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 19-5 ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, 20- 8 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 20-11 ngày nhà giáo Việt Nam…

  Tổng cộng ra được 11 số, với 237 bài, bao gồm nhiều lĩnh vực, phản ánh tình hình thực tế trong tỉnh, ngoài tỉnh…, liên quan đến các môn học, phục vụ cho công tác giảng dạy…

  Các tác giả viết bài là cán bộ, công nhân viên trong trường, ban ngành trong tỉnh, các thày, cô là giảng viên giảng dạy các lớp đại học mở tại trường, đặc biệt có bài viết của học viên đang học tại trường, có các bài viết, lược ghi bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, đến dự kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam.

  Thể loại hết sức phong phú, đa dạng có thơ, sưu tầm lịch sử dân tộc…triết học, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử Đảng…

   Tóm lại bài viết gắn với chủ đề từng nội san, xung quanh vấn đề lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng được làm rõ dưới góc độ lý luận, thực tiễn từng môn học.

   Từ các số nội san chào mừng các ngày lễ lớn trong từng năm và các bài viết trong từng nội san tôi rút ra một số kết luận, ý nghĩa như sau:

1. Hệ thống XHCN sụp đổ, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường chính trị Tôn Đức Thắng vẫn trung thành chủ nghĩa Mác-Lênin, trung thành với con đường Bác Hồ, Đảng ta, Dân tộc ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Thông qua các bài viết trong nội san phát hành xuống tận xã, phường, thị trấn và ban, ngành trong toàn tỉnh gửi vững, củng cố thêm bản lĩnh chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào quá trình đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

2. Các bài viết đều làm sáng tỏ những nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ca ngợi công lao to lớn của Đảng, của Bác và các vị cách mạng tiền bối, tấm gương của các nhà giáo trong lịch sử Việt Nam, các nhà giáo lão thành dưới góc độ lý luận.

3. Phản ánh được phong trào nghiên cứu khoa học gắn với giảng dạy, giảng dạy gắn với khoa học thông qua từng bài viết trong từng nội san

4. Nội san đã phản ánh được các hoạt động của từng khoa, từng phòng, nhất là trong quản lý, giảng dạy, phục vụ, nghiên cứu khoa học, đi thực tế ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học

5. Nội san gắn kết học viên đã ra trường với học viên đang học tại trường với các hoạt động của trường, thông qua giảng dạy mà cụ thể trực tiếp là nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng học tập, là nơi mạnh dạn nói lên suy nghĩ và tiếng nói của mình, bày tỏ nguyện vọng phổ biến kinh nghiệm giúp nhau học tập tốt hơn. Thể hiện sự bình đẳng giữa giảng viên với học viên, qua các bài viết đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, chất lượng học tập của học viên. Để nguyên tắc, phương châm học tập: học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn sớm trở thành hiện thực không chỉ dừng ở hô khẩu hiệu.

6. Thông qua các bài viết rèn luyện cách viết, cách diễn đạt, suy nghĩ về chiều sâu những vấn đề mà mình trình bày, phân biệt sự khác nhau giữa văn viết và văn nói, mà giảng viên đòi hỏi phải giỏi cả về viết và nói (diễn thuyết), đó chính là nghệ thuật diễn giảng thu hút người nghe.

7. Thu hút được sự tham gia viết bài của các đồng chí ban ngành trong tỉnh làm cho nội san phong phú, giàu tư liệu, giàu tính thực tiễn.

8. Nội san gắn kết giữa trường chính trị Tôn Đức Thắng với các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố trong vấn đề lý luận, đường lối, nội dung chuyên môn nghiệp vụ… các bài viết trong nội san là tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành không có điều kiện đi tập huấn ở Trung ương, trường không có điều kiện mở lớp thông tin nhanh về vấn đề mới trong lý luận, đường lối. Nội san đã trực tiếp làm việc đó.

9. Tiền nhuận bút không phải từ ngân sách, mà từ quảng cáo của các công ty doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp muốn cho đội ngũ lý luận của tỉnh nhà giỏi chuyên môn, nghiệp vụ…giúp cho giảng viên có thu nhập thêm bằng nghề nghiệp của mình.

10. Một vấn đề không thể không nói đến là sự quyết tâm của Ban giám hiệu, trong đó có vai trò của hiệu trưởng trong giai đoạn 1995- 2001 để nội san ra đời, tồn tại và phát triển. Được sự chỉ đạo của tỉnh ủy, Ban Giám hiệu vẫn chiêu sinh, đào tạo, trong khi một số trường tạm ngưng đào tạo chờ hướng dẫn của Trung ương trong khó khăn ban đầu của quá trình đổi mới. Đây chính là bản lĩnh của người cộng sản trong quá trình chuyển giai đoạn của cách mạng.

     KẾT LUẬN:

     Nội san của trường chính trị trường Tôn Đức Thắng ra được hơn mười số với thời gian hơn năm năm, để lại ý nghĩa hết sức to lớn trong lòng cán bộ, giảng viên,công nhân viên, học viên…, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của trường chính trị Tôn Đức Thắng, cụ thể sự phát triển trưởng thành của đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận chính trị, trước tình hình trong nước, thế giới có nhiều thay đổi…Nhưng nội san còn có những hạn chế không sao tránh khỏi vì những người biên tập nội san không phải là người làm chuyên nghiệp, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ báo chí.  

                  Đề nghị: Để nội san tiếp tục phát hành phải họp hoặc hội thảo khoa học để tìm ra những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng nội san. Trường chính trị Tôn Đức Thắng là nơi tập trung giảng dạy và có chuyên môn về khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…, có đội ngũ giảng viên có bằng cấp thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng nhiều, nội san phát hành càng thuận lợi, đủ tầm, đủ sức, đủ lực làm nòng cốt tập trung, thu hút đội ngũ làm công tác lý luận trong toàn tỉnh, tạo ra sự phát triển của trường trong hiện tại và tương lai, xứng đáng là nơi đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở./.

Trần Văn Huấn - Nguyên Trưởng phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện

 
 

 

các tin khác