Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Giá trị của tư tưởng chính trị phương Tây thời cận đại trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay

04:21 16/05/2017

Thời cận đại là thời kỳ triết học khai sáng, những tư tưởng chính trị phát triển rất rực rỡ, phong phú và đa dạng. Có thể khái lược qua một số nhà triết học với những quan điểm về nhà nước tiêu biểu:

 

     Diderot (1713-1784) cho rằng nhà nước ra đời là do khế ước xã hội, nhà nước phải bảo đảm bình đẳng và tự do, không được làm điều đó thì nhà nước không có tư cách để tồn tại. Về pháp luật, theo ông bản chất con người phải phù hợp với trạng thái tự nhiên. Luật pháp phải quán triệt điều đó chứ không phải ngược lại. Không có nhà nước nào tuyệt đối vì mọi cái đều trong quá trình phát triển. Chức vụ của người cầm quyền phải được thay đổi bằng thi cử. Người cầm quyền phải có tư hữu. Theo ông “Dòng đầu tiên của pháp luật là phải hạn chế người cầm quyền”. Thay đổi xã hội không phải bằng cách mạng mà bằng sự tiến bộ của lý trí. Nhà thờ không thể dung hòa được với chân lý.

 

     Voltaire (1694-1778) là lãnh tụ của phong trào khai sáng, ông chống chế độ chủ nô, đấu tranh cho bình đẳng của công dân nước Pháp, phê phán nhà thờ, xem nhà thờ là nguyên nhân của mọi tội ác. Ông chủ trương tự do tín ngưỡng, báo chí, ngôn luận và sở hữu. Xem bất bình đẳng về tài sản là tất yếu. Kịch liệt chống đối chiến tranh vì nó là nguyên nhân của bao nỗi đau thương, mất mát của con người.

 

     Montexkiơ (1689-1755) phê phán kịch liệt chế độ chuyên chế, cho rằng về bản chất chuyên chế đối lập với tự do. Nhà thờ là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Ông đề ra thuyết địa lý cho rằng: Đạo đức cũng như đặc điểm của một dân tộc tùy thuộc vào hoàn cảnh địa lý của nước đó. Trước khi có chính trị thì đã tồn tại tự nhiên rồi. Quy luật tự nhiên là bình đẳng, hòa bình, tồn tại trong cộng đồng, kêu gọi mọi người từ bỏ bạo lực. Ông là người đưa ra thuyết tam quyền phân lập một cách có hệ thống và là đối thủ đáng sợ nhất của chế độ chuyên chế phong kiến. Đây là tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử chính trị nhân loại.

 

     Rútxô (1712-1778) là đại biểu cho tầng lớp dân chủ thị dân, ông phê phán gay gắt quan hệ đẳng cấp phong kiến và chế độ chuyên chế. Ông ủng hộ dân chủ tư sản và quyền tự do công dân, quyền bình đẳng của con người, bất chấp nguồn gốc xuất thân. Ông nói: Nguyên nhân của bất bình đẳng trong xã hội là do sự xuất hiện chế độ tư hữu và tán thành chế độ tư hữu nhỏ. Nhà nước hình thành trãi qua hai giai đoạn, quyền lực nhà nước làm cho bất công về kinh tế chuyển sang bất công chính trị. Ông phê phán lối giáo dục đẳng cấp phong kiến cũ, đòi hỏi giáo dục phải đào tạo ra những công dân biết quý trọng lao động. Tóm lại, tư tưởng của ông ảnh hưởng rất lớn đến hàng loạt hình thức hoạt động chính trị dân chủ đã được thể hiện và thực thi trong đời sống chính trị ở phương Tây và nhân loại.

 

     Benthan (1748-1832) cho rằng nhà nước ra đời là do bạo lực chứ không phải do khế ước xã hội. Nhấn mạnh ý nghĩa của tác nhân kích thích hoạt động con người (khao khát, khoái cảm, lo sợ, đau khổ…), chế độ tư hữu là phù hợp với tự nhiên. Khởi điểm của lợi ích phải là cơ sở của pháp luật. Pháp luật tự thân nó là những điều ác, nhưng đó là điều ác tất yếu. Pháp luật và tư hữu là anh em song sinh. Ông chống lại các học thuyết cào bằng hay xã hội hóa sở hữu.

 

     Tư tưởng chính trị của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Xanhximông (1760-1825), Phuriê (1772-1837), Ôoen (1771-1858). Ba ông thất vọng vì xã hội hiện hữu không phù hợp với lý tính như các nhà khai sáng Pháp đã nghĩ. Các ông phê phán sự bất bình đẳng, sự bất công mới của xã hội tư sản, một xã hội chỉ đem lại hạnh phúc cho người giàu và tai họa cho người nghèo, ba ông chỉ thấy sự nghèo khổ nhưng không thấy được sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; tương lai cũng như quy luật vận động của xã hội thường không thấy vai trò của bạo lực cách mạng. Do đó mô hình của các ông đưa ra thử nghiệm theo suy nghĩ chủ quan của mình đã trở thành không tưởng. Chủ nghĩa xã hội không tưởng là một lý luận chưa chín muồi, tương ứng với một trình độ chưa trưởng thành của nền sản xuất xã hội và những quan hệ chưa chín muồi, như Ănghen nhận xét. Tuy nhiên, lý luận của các ông có tính phê phán sâu sắc xã hội đương thời và đã cung cấp những tài liệu có giá trị đủ soi sáng ý thức của công dân, những đề nghị tích cực về xã hội tương lai như thủ tiêu sự đối kháng thành thị với nông thôn, xóa bỏ lao động làm thuê. Chủ nghĩa xã hội không tưởng có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân lúc đó và cả về sau. Nó là một trong những tiền đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác - Ăngghen sáng tạo.

 

     E. Cantơ (1724-1804) là nhà triết học nổi tiếng người Đức. Ông là người lập luận về mặt triết học cho lý luận nhà nước pháp quyền, rằng “Nhà nước, đó là tập hợp của vô số người phục tùng các đạo luật pháp quyền”. Khi đánh giá triết học Cantơ, Mác viết “Ở Cantơ, nước cộng hòa với tính cách là hình thức nhà nước duy nhất hợp lý, trở thành định đề của lý trí thực tế không bao giờ thực hiện được, nhưng việc thực hiện định đề đó luôn luôn là mục đích của chúng ta và là đối tượng tư duy của chúng ta”.

 

     Điểm lại sự ra đời và quá trình phát triển tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử, có thể thấy rằng, tư tưởng nhà nước pháp quyền đã có từ thời cổ đại. Nhưng với tư cách là một học thuyết thì chỉ ra đời trong điều kiện nhất định, đó là thời kỳ chuẩn bị cho cách mạng tư sản, người ta kế thừa tư tưởng pháp quyền trong lịch sử, hệ thống hóa và phát triển thành học thuyết về tổ chức và quản lý nhà nước nhằm chống lại sự quản lý tùy tiện, chuyên quyền, độc đoán trong nhà nước phong kiến chuyên chế.

 

     Nghiên cứu nhà nước pháp quyền trong sự tác động tổng thể của các dòng tư tưởng hiện hữu trong mỗi thời đại nhất là học thuyết dân chủ, chúng ta có thể thấy những giá trị đích thực, bền vững của nhà nước pháp quyền trong lịch sử:

 

     Thứ nhất, nhà nước pháp quyền khẳng định nguồn gốc của chính quyền nhà nước là ở nhân dân, mặc dù, nội hàm khái niệm nhân dân có sự biến thiên trong lịch sử (người bình dân, nhân dân trong thời kỳ cách mạng tư sản, nhân dân lao động…). Nhưng, nguyên tắc “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là cái xuyên suốt trong tổ chức nhà nước qua nhiều thời đại. Đó chính là bản chất dân chủ của nhà nước pháp quyền, là “Quyền lực của nhân dân”. Trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay, nguyên tắc đó được khẳng định và tiếp tục phát triển, được ghi nhận trong các Hiến pháp của các nước với các chế độ chính trị khác nhau (tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển).

 

     Thứ hai, để đảm bảo “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, nhà nước pháp quyền đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, rằng “Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép”, còn nhân dân “Được làm tất cả những điều pháp luật không cấm”, pháp luật đảm bảo cho sự phát triển “Tự do tối đa” của nhân dân. Tất nhiên, pháp luật trong quan niệm nhà nước pháp quyền là mang tính nhân văn, nhân đạo, là “Pháp luật vì con người” chứ không phải “Con người vì pháp luật”.

 

     Hai mặt nói trên, dân chủ và pháp luật trong nhà nước pháp quyền là gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại.

 

     Như vậy, chính trị phương Tây khác với chính trị phương Đông. Tư tưởng chính trị phương Đông thường gắn với đạo đức, còn phương Tây gắn với pháp luật và thường xuất phát từ trạng thái tự nhiên của con người, đề cao quyền lợi của con người. Về cơ bản, tư tưởng chính trị phương Tây thời cận đại, nếu loại trừ những yếu tố siêu hình, duy tâm thì những tri thức về mô hình nhà nước, vai trò của pháp luật, phẩm cách nhà chính trị… là những tri thức có giá trị lâu dài. Chính trị học phương Tây dựa trên cơ sở của chủ nghĩa cá nhân, tuyệt đối hóa quyền lợi của cá nhân, so với phong kiến là tiến bộ lớn trong việc giải phóng con người, nhưng vẫn chưa đặt con người như là một mục đích. Chỉ có tư tưởng chính trị mácxít mới thực sự nhằm giải phóng con người triệt để nhất.

 

     Sự ra đời của tư tưởng chính trị mácxít là một cuộc cách mạng vĩ đại, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một giai cấp bị áp bức bóc lột, giai cấp công nhân đã có một hệ tư tưởng cách mạng và khoa học là kim chỉ nam cho hành động của mình. Trong quá trình đấu tranh, đối với giai cấp công nhân và nông dân, các dân tộc bị áp bức, tư tưởng chính trị mácxít đã trở thành ngọn cờ chủ đạo.

 

     Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đang đứng trước những thử thách to lớn nhưng chúng ta tin vào bản chất cách mạng và khoa học vốn có của nó, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng và tư tưởng chính trị mácxít nói chung sẽ tiếp thu được những tri thức mới của thời đại, tiếp tục làm kim chỉ nam cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

 

     Ở Việt Nam ta, do ảnh hưởng của tư tưởng chính trị phương Đông nên gắn liền với đạo đức (Nho giáo, Phật giáo), ý thức tuân thủ pháp luật của công dân chưa cao. Việc vận dụng những tri thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền là rất cần thiết và bổ ích. Đó chính là quan điểm kết hợp hài hòa những giá trị đạo đức tiến bộ của nhân loại với giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

 

     Chính trị học là một khoa học về đấu tranh cho quyền lực, để giành, giữ và thực thi quyền lực trong xã hội có giai cấp. Nó nói lên thực chất hoạt động chính trị của các giai cấp, các đảng phái trong xã hội có giai cấp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị (phương Đông và phương Tây) để chúng ta hiểu và từ đó rút ra những tri thức bổ ích, những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi nghiên cứu tư tưởng chính trị, chúng ta cần lưu ý đến tính giai cấp của nó, mặc khác không vì thế mà phủ nhận toàn bộ nội dung, tri thức khách quan trong các học thuyết chính trị. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải biết chọn lọc, rút ra những giá trị để kế thừa, làm giàu tri thức của mình, kể cả đối với tư tưởng chính trị tư sản hiện đại.

 

     Bất cứ hệ thống chính trị nào, nhà nước cũng mang bản chất giai cấp, nhưng đồng thời phải thực hiện chức năng xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị nào, nhà nước nào mà quyền lực thuộc về nhân dân lao động thì đó là xu hướng tiến bộ. Nhà nước pháp quyền là một thành tựu của văn minh chính trị cần phải được ứng dụng. Hệ thống chính trị cần phải có một cơ chế tự điều chỉnh và cơ chế cân bằng kiểm soát quyền lực để thích ứng với điều kiện thay đổi và cần phát huy sáng tạo cá nhân.

 

     Để quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân dựa trên các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt nam và Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

 

     Một là, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[1]..

 

     Hai là, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[2].

 

     Ba là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở hiến pháp và pháp luật.

 

     Bốn là, nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người, nâng cao trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, thi hành dân chủ đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

 

     Năm là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

     Sáu là, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và đề cao vai trò tối thượng của pháp luật.  

 

     Bảy là, tôn trọng và tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.

 

     Sở dĩ Đảng và Nhà nước ta đặt vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì: Trước hết bản thân lý luận về nhà nước pháp quyền có những điểm tiến bộ, hợp lý trong việc thực hành quyền dân chủ, trong việc tổ chức, hoạt động của Nhà nước và đó cũng là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời đặc trưng của nó có nhiều điểm phù hợp với bản chất của Nhà nước ta. Thứ hai, xuất phát từ thực trạng tổ chức, hoạt động của nhà nước ta còn nhiều khiếm khuyết, yếu kém, chưa thực sự là nhà nước tuân thủ pháp luật và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, như: Bộ máy nhà nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn; hiệu lực quản lý điều hành còn chưa nghiêm; kỷ cương xã hội bị buông lỏng làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Tổ chức bộ máy nhà nước còn nặng nề, sự phân công phối hợp giữa cac cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn những điểm chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ… Thứ ba, xuất phát từ tính tất yếu khách quan của sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và mục tiêu cơ bản là xây dựng một chế độ: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Thứ tư, xuất phát từ đặc điểm của thời đại với xu thế toàn cầu hóa. Nhu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhà nước, cải cách pháp luật, đảm bảo cho nhà nước không ngừng vững mạnh, có hiệu lực để giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng dân chủ, củng cố độc lập, tự chủ và hội nhập vững chắc vào đời sống quốc tế.  

 

      Tóm lại, trong công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trong đường lối lãnh đạo của mình, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước - yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị. Để thực hiện mục tiêu đó, phải tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, khi thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, bùng nổ thông tin, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước diễn ra trong tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Trong điều kiện đó, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đòi hỏi khách quan và phù hợp với xu hướng chung của thời đại./.

 

 Chú thích:

[1] Điều 2 - Hiến pháp năm 1992.

[2] Điều 2 - Hiến pháp năm 2013.

* ThS. Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp 1992.

2. Hiến pháp 2013.

3. Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Triết học, Nxb CTQG Hà Nội, 2001, tập 2.

5. PGS.TS Doãn Chính, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch (CB), Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác, Ăngghen, V.I. Lênin, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

6. Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học KHXH & NV, Khoa Triết học, Giới thiệu kinh điển triết học Mác – Lênin, Nxb Đại học QGHN, Hà Nội, 2007

7. PGS.TS Nguyễn Thế Kiệt (CB), Triết học, phần 2, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.


ThS. Nguyễn Xuân Hằng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác