Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang trong giai đoạn từ 1976 đến nay

03:22 14/06/2019

 Tỉnh An Giang là tỉnh đông dân, có đường biên giới dài 96,6 km, đông đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ các tôn giáo; xuất phát điểm về dân trí, kinh tế còn thấp và nhiều vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương đặt ra yêu cầu rất lớn về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ. An Giang luôn quan tâm đến công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đã tạo được sức mạnh tổng hợp, đưa An Giang đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn xây dựng xã hội mới-xã hội xã hội chủ nghĩa; Tỉnh ủy An Giang tập trung lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, phổ biến rộng rãi chính sách đoàn kết và cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân; tập trung lãnh đạo đồng bào các dân tộc trên các địa bàn tỉnh xây dựng khối đoàn kết nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đây là một trong những nhiệm vụ hết sức cấp bách. Đồng thời, Tỉnh ủy luôn lãnh đạo Mặt trận Tỉnh không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân tỉnh nhà; phối hợp với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị tham gia tập hợp, vận động tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc, nhân sĩ, trí thức, nhân dân và các thành phần lầm đường, lạc lối nhìn nhận những việc làm của Đảng, tính ưu việt của chế độ mới, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với đất nước, dần xóa bỏ mặc cảm, đồng thuận cùng với Đảng tham gia xây dựng, gắn bó với đất nước, chung sức, chung lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tham gia tích cực công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa nạn mù chữ, tăng gia sản xuất. Hai trận lũ lớn vào cuối năm 1978 và năm 1979, An Giang thiệt hại rất nặng nề, hàng chục ngàn gia đình rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn, đời sống người dân trong tỉnh rất khó khăn; Mặt trận và chính quyền hàng năm quyên góp cứu trợ trên 3.000 hộ, vận động toàn dân tham gia xây dựng các công trình, đê bao chống lũ và khắc phục hậu quả do lũ gây ra.

Đầu năm 1976 , Tỉnh ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc trong Tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri ở thị xã Long Xuyên và Châu Đốc, đã trở thành cuộc tuyên truyền sâu rộng, khí thế sôi nổi gần 4.000 người tham dự; vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử Quốc hội, đây là ngày hội lớn của toàn dân tộc với 98% cử tri toàn tỉnh đã đi bỏ phiếu trong không khí phấn khởi, sôi động; nhiều cụ già không ngại sức yếu cũng đến tận phòng phiếu tự tay bỏ thăm cho người mình tín nhiệm, phụ nữ Chăm mạnh dạn bỏ tục cấm cung, ra đường che khăn tham gia bỏ phiếu. Đây là thắng lợi chính trị to lớn trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước, thể hiện ý chí và mong muốn của toàn dân ta đối với việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi Đảng bộ cùng nhân dân An Giang vừa ra sức ổn định tình hình về mọi mặt, xây dựng lại quê hương thì lại tiếp tục đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam đầy cam go, quyết liệt. Khó càng thêm khó.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, Chính quyền, lực lượng vũ trang cùng với Mặt trận Tổ quốc đã khẩn trương hiệp đồng chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội tập hợp, vận động tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc, nhân sĩ, trí thức, nhân dân tham gia xây dựng lại hàng rào biên giới, đào công sự, đắp mô, tham gia quân tình nguyện, dân quân, tự vệ… tất cả đoàn kết một lòng sẵn sàng chiến đấu, quyết đánh trả các cuộc tiến công của địch để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã từng bước tìm tòi, thử nghiệm con đường đổi mới để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lắng nghe, tổng kết thực tiễn, nắm chắc tình hình trong Tỉnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã hoạch định đường lối đổi mới, trong đó việc thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng nhân dân và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội VI của Đảng đã rút ra bài học là trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Trên quan điểm đó, Đại hội III (1988-1994) Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết nghị đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Tại kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khóa IX đã thông qua luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị-xã hội.

Trải qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh luôn có chủ trương tăng cường đoàn kết; thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc trên mọi mặt và luôn bàn đến vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại đoàn kết. Đồng thời, Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng; tạo sức chiến đấu mới cho toàn Đảng bộ để lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thách thử. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội với nhân dân theo hướng nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của họ, tập trung vào các cuộc vận động lớn, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Cấp ủy Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong Tỉnh tổ chức thực hiện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng Đảng và chính quyền.... Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong Tỉnh đã tích cực phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận, góp phần thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các huyện, thị, thành trong Tỉnh. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Mặt trận và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị triển khai sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung, cách làm thiết thực như: tổ chức sự kiện đi bộ; phát động phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm gắn với cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo”; học tập các chuyên đề, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác; xây dựng các chuẩn mực về đạo đức của người cán bộ Mặt trận. Đồng thời, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điểm tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn trong toàn Tỉnh về việc học tập là làm theo tấm gương đạo đức của Bác về thực hành tiết kiệm…. Qua đó, đã tạo được những chuyển biến quan trọng trong nhận thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” luôn được chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa phù hợp với đặc thù riêng của từng khóm, ấp, khu dân cư. Những nội dung của cuộc vận động này được nhân dân trong các khu dân cư đưa ra dân chủ bàn bạc, đề ra chỉ tiêu phấn đấu thực hiện phù hợp với điều kiện của mỗi nơi. Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân hàng năm là dịp để nhân dân mỗi khu dân cư kiểm điểm lại kết quả cuộc vận động và đề ra chỉ tiêu phấn đấu của năm tới. Trên 20 năm, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã không ngừng được bổ sung, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với mô hình ở khu dân cư, gắn với chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chương trình quốc gia từng bước được nâng lên rõ rệt và đi vào chiều sâu. Nhiều mô hình được xây dựng và đang phát huy hiệu quả như: mô hình “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị liên kết đã tạo sự gắn kết trong cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân; mô hình “Xây dựng hành làng giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”; “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”; “5 không 3 sạch”; “Đoạn đường thanh niên”, “lắp đèn đường chiếu sáng”…. Một số nơi, nhân dân hiến đất và đóng góp hơn 470 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…. Từ đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở, động viên nhân dân cùng góp sức hoàn thành các nhiệm vụ ở địa phương. Đồng thời, lồng ghép chặt chẽ nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia vào cuộc vận động này, bằng nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú, sáng tạo ở địa phương với xây dựng, duy trì các mô hình thích hợp như: “Câu lạc bộ honda đầu phòng chống tội phạm”, “xã, phường lành mạnh, không tệ nạn xã hội”, “3 giảm, 3 không”; “tự quản về an toàn giao thông”… ở các huyện, thị, thành phố: Châu Thành, Tri Tôn, An Phú, Tp.Long Xuyên và Châu đốc; phối hợp với Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng điểm sáng văn hóa ở các ấp tuyến biên giới, xây dựng trạm quân dân y kết hợp, cất nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trong chương trình “Mái ấm biên cương”; vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế biên giới nhằm giữ gìn an ninh trật tự vùng biên… xem đây là một trong những tiêu chí để xem xét, bình chọn, công nhận các danh hiệu văn hóa như: hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; khóm, ấp văn hóa và xã văn hóa.

Cuộn vận động “Ngày vì người nghèo”, ngày càng lan tỏa và trở thành phong trào chung của toàn xã hội. Đến nay, với sự chung sức, chung lòng của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã vận động được trên 600 tỷ đồng (kể cả tiền và hiện vật quý giá). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban vận động các cấp trong tỉnh đã chi cất mới trên 15 ngàn căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa trên 4.500 căn; thăm hỏi tặng quà cho người nghèo, trợ giúp sản xuất trên 250 ngàn hộ nghèo với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 27,07 tỷ đồng. Nhất là việc lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh vào năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tỉnh có kế hoạch vận động, xóa nhà tạm dứt điểm cho hộ nghèo ở 19 xã điểm nông thôn mới và huyện Thoại Sơn năm 2013-2015. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức hơn 9 ngàn cuộc tuyên truyền với trên 500 ngàn lượt người tham dự. Sở Công thương và Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức đưa hơn 130 chuyến hàng Việt về nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt; quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị biên giới đã phối hợp với Đồn biên phòng, Hải quan Tỉnh tổ chức tuyên truyền bằng hình thức Hội thi tìm hiểu, tuyên truyền miệng về pháp luật hai nước cho người dân tại 18 xã, thị trấn biên giới. Vận động bà con ở khu vực giáp biên thực hiện tốt các chủ trương, các quy định, quy chế, các luật liên quan đến biên giới Việt Nam-Campuchia, không nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của các phần tử xấu, phản động; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh cho người nghèo…. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở 02 tỉnh Kandal và Takeo trên 1.5 tỷ đồng; đặc biệt nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia và “Năm hữu nghị Việt Nam Campuchia 2012”; kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2012), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức thành công hợp mặt, giao lưu thể thao với Mặt trận hai tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Camphuchia). Năm 2014, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang đã hỗ trợ kinh phí cho Tổng hội người Campuchia gốc Việt xây dựng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam tại tỉnh Takeo. Qua đó, đã giữ vững và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Mặt trận tỉnh An Giang-Kandal-Takeo, góp phần thắt chặt mối quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống, sự hợp tác bền vững lâu dài giữa nhân dân tỉnh An Giang-Kandal-Takeo nói riêng và nhà nước Việt Nam-Campuchia nói chung, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng nhau phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi; An Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Sự nghiệp xây dựng, phát triển An Giang theo hướng bền vững vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đang đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân An Giang nâng cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng các mối quan hệ trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng, phấn đấu đến năm 2020 đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

* Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo số 618/BC-MTTQ-BTT của Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang, về kết quả công tác Mặt trận năm 2018, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2019 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh.

              2. Báo cáo số 52/BC-BDT của Ban dân tộc tỉnh An Giang, về tình hình công tác dân tộc năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019.

Đỗ Tiến Khoa - Khoa Xây Dựng Đảng

các tin khác