Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Người Chăm trong cộng đồng dân tộc ở An Giang

10:06 03/10/2018

     Trong giai đoạn hiện nay vấn đề dân tộc đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới nhất là đối với các quốc gia đa dân tộc, trong đó có nước ta. Người Chăm là một thành phần trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam thống nhất. Trong lịch sử dân tộc, người Chăm đã có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp cách mạng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Ở người Chăm ngoài những đặc điểm chung của người Việt Nam hài hoà trong đời sống cộng đồng chung của dân tộc vừa lại có những nét rất riêng, rất đặc trưng, đa dạng, hết sức độc đáo về văn hoá và xã hội. Những vấn đề lịch sử văn hóa- xã hội và tôn giáo trong quan hệ dân tộc và tôn giáo ở người Chăm vẫn còn tác động khá mạnh mẽ đến đời sống của họ và đời sống người dân An Giang.
     1. Đặc điểm về văn hóa 
     Nền văn hóa của người Chăm rất phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc, có các công trình kiến trúc (tháp, đền, miếu…) và các loại hình văn hóa phi vật thể (thơ ca, hò vè, trường ca…) góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Người Chăm có nền văn hoá sớm phát triển phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc. Đáng chú ý là:
     Về kinh tế, Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thuỷ lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ. Cũng như người Chăm ở Nam Bộ, người Chăm An Giang sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu. Dệt thủ công là một trong những nghề thủ công truyền thống của họ, hàng hóa sản xuất ra được nhiều người yêu thích vào chất lượng tốt như lụa, có hoa văn đẹp. Song, hiện nay nghề này sản phẩm không cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghiệp, nên chỉ còn một số gia đình tiếp tục làm nghề dệt, chỉ cung cấp sản phẩm trong cộng đồng người Chăm ở An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. 
      Về ngôn ngữ, người Chăm được nhiều nhà nhân chủng học xếp vào họ Nam Đảo (Malayo Polynésien), nghĩa là có nguồn gốc xuất phát từ các hải đảo phía Nam vùng biển Đông Nam . Nhưng qua những khám phá khảo cổ gần đây, văn minh và văn hóa của người Chăm tại Việt Nam không hoàn toàn do ngoại nhập mà có sự pha trộn yếu tố văn minh và văn hóa của những nhóm cư dân bản địa có mặt từ trước.
     Về chữ viết, dân tộc Chăm có chữ viết từ rất sớm, họ là một trong năm dân tộc thiểu số của Việt Nam có chữ viết riêng. Hiện tồn tại nhiều bia ký, kinh  thánh bằng chữ Chăm. Ban đầu là chữ Phạn được dùng trong vương quốc Chămpa  cổ từ thế kỉ thứ hai, dần sau nay được cải biến thành chữ Chăm như ngày nay. 
     Về lễ tết, người Chăm có nhiều lễ tết hình thành từ lâu đời. Nhưng lễ lớn nhất vẫn là lễ Bon- Katê được tổ chức linh đình tại các đền tháp vào giữa tháng mười âm lịch. Ở An Phú, người Chăm có các lễ hội lớn trong năm của Hồi giáo như lễ Mâulút, lễ Ramadan, lễ Roya Phik Trok, tết Roya-I-dil-ad-ha… Hằng năm, huyện Uỷ và UBND huyện đều tổ chức lễ hội tạo sân chơi chung cho thanh niên Kinh và thanh niên Chăm như: Liên hoan văn hoá mùa nước nổi Búng Bình Thiên; Lễ hội văn hoá thể thao truyền thống 02/9; hưởng ứng các phong trào vui chơi giải trí được đông đảo đồng bào trong và ngoài huyện, kể cả đồng bào Chăm các tỉnh thành trong nước tham gia và gây được ấn tượng tốt với đồng bào người Chăm ở nước ngoài về thăm quê hương, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.
     Về trang phục, nam nữ đều quấn váy tấm; đàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy; đàn bà mặc áo dài chui đầu. Màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông. Ngày nay trong sinh hoạt hàng ngày, người Chăm ăn mặc như người Kinh.
     Về văn hóa Pa lay, đây là văn hóa làng, nét văn hóa độc đáo của người Chăm, Pa lay là hình thức làng tự quản, một đơn vị hành lễ rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Chăm, mỗi Pa lay có một Thánh đường và một ban giáo cả có từ 5 đến 7 vị đứng đầu là Ha Kêm và các giúp việc, mỗi Pa lay có nhiều xóm (Puk) khoảng 3 đến 50 hộ, Thánh đường hồi giáo được xây dựng rất đồ sộ, thể hiện đặc trưng cho văn hóa hồi giáo.
     2. Đặc điểm về xã hội
     Gia đình là cơ sở của xã hội người Chăm ở An Giang – theo kiểu gia đình nhỏ, phụ hệ. Do ảnh hưởng của Hồi Giáo, quan hệ huyết thống về phía cha được xác lập, xác định dòng họ trên cơ sở dòng máu của người cha. Bà con về phía mẹ chỉ có cha mẹ anh em và chị em của mẹ, trong khi bà con về phía cha gồm ông nội, ông cố nội và tất cả con cháu sinh ra từ những người đàn ông. Những người trong dòng họ không được xác định bằng tên họ.
     Về hôn nhân, người Chăm An Giang theo chế độ nội hôn (xét theo quan hệ huyết thống đã được xác lập về phía cha), đó là hôn nhân giữa những anh chị em song song – con chú, con bác và con dì con già và những anh chị em họ chéo – con cô, cậu (hợp giáo luật). Ngoài ra theo luật hồi giáo cũng chấp nhận chế độ phụ quyền và đa thê. Tuy nhiên, trong thực tế không phổ biến, chỉ có những người giàu mới có nhiều vợ.
Người Chăm có truyền thống đoàn kết, gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ luôn coi trọng mối quan hệ láng giềng. Trong đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang có nhiều người có uy tín trong bộ máy chính quyền cơ sở từ ấp đến xã và huyện. Trong số đó Công an tỉnh đã tranh thủ cá biệt được hàng chục người có thái độ chính trị tốt.
     3. Đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo
     Người Chăm An Giang theo đạo Hồi (Islam) 100%, có nhiều Thánh đường và tiểu Thánh đường rải rắc khắp các huyện An Phú, Tân Châu và thành phố Châu Đốc. Các công trình này nhằm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào dân tộc. Hồi giáo có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, cũng như đời sống xã hội của đồng bào Chăm. 
     Người Chăm và đạo Hồi ở An Giang tôn thờ Alla tôn kính Mohammad và thánh kinh Koran và cho rằng đây không chỉ là giáo lý mà còn là hệ thống những quy tắc tổ chức xã hội, luật pháp… cho cả cộng đồng Hồi giáo. Các lễ hội lớn trong năm của Hồi giáo được thực hiện một cách trang trọng như lễ Mâulút (sinh nhật Mohammad); lễ Ramadan (ăn chay); lễ Roya Phik Trok (bố thí)…Ngoài ra người Chăm còn có các tập tục chủ yếu yếu khác như: Kiêng cử trong ăn uống, cấm những hành vi xấu, tập tục đóng 25% thu nhập cho ban giáo cả, tập tục không ngồi chung chiếu với phụ nữ chưa chồng, không được dọa thôi vợ, tập tục hành hương về Thánh địa Mecca.
     Các thánh đường đạo Hồi có một vị trí rất quan trọng đối với người Chăm. Nơi đây vừa là nơi giảng dạy kinh thánh cho thanh thiếu niên, dạy chữ Ả rập cho người Chăm, nơi tổ chức các cuộc thi xướng kinh Koran… đồng thời cũng là nơi thực hành các nghi thức, nghi lễ tôn giáo và cũng là các công trình kiến trúc độc đáo, mỹ thuật Islam. Hồi giáo Islam đã có những ảnh hưởng tích cực như góp phần giữ gìn truyền thống bản sắc của người Chăm, một bộ phận hữu cơ của truyền thống và khối đại đoàn kết dân tộc.
     Trong giai đoạn hiện nay, với sự tích cực của hệ thống chính trị ở các xã, huyện có người Chăm sinh sống đã phát huy được vai trò lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị.
     Thực trạng tình hình dân tộc ở An Giang hiện nay rất tốt đẹp, các dân tộc đang cùng đồng bào cả nước phát triển tiến bộ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đồng thời Nhà nước ta đang huy động mọi nguồn lực làm cho miền núi và vùng dân tộc phát triển nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa vùng đồng bào dân tộc với các vùng khác. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng: dân tộc là vấn đề chiến lược lớn, là vấn đề rất dễ nhạy cảm. Hơn nữa, tính chất quan trọng của nó không phải chỉ là nhất thời mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài.  
      Tài liệu tham khảo
1. Trúc Quỳnh, "Vài nét về dân tộc chăm ở An Giang" 
2. Ánh Nguyễn, "Dấu ấn văn hóa dân tộc Chăm ở An Giang"
3. Lễ Ramadan của đồng bào Chăm Theo angiang.gov.vn
4. Thanh Hà - Mạnh Linh, "Vài nét văn hóa của người Chăm ở An Giang"
5. Cát Lộc, "Tìm hiểu nguồn gốc người Chăm An Giang" 
6. Nguyễn Khắc Ngữ, “Mẫu hệ Chàm”, NXB Trình Bày, SG, 1967. 
7. Lâm Tâm, “Một số tập tục người Chăm An Giang”, Chi hội Văn nghệ dân gian An Giang, 1994;
8. Dohamide, “Người Châu Giang”, Bách Khoa giai phẩm, số Q36, SG, 1973;
 9. Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, NXB Tân Việt, 1954;
10. A. Buissere, Rapport sur les Chams et les Malais de L’arrodissement de Chaudoc. E et B No-6 – 1880.
11. Wikipedia tiếng Việt. 

ThS. Lê Thị Bích Chi - Khoa Xây dựng Đảng

Responsive image