Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đề dẫn Hội thảo: "Ba mươi năm đổi mới của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng: Thành tựu, thách thức và định hướng phát triển"

08:17 10/05/2017

Sáng ngày 28-12-2016, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức hội thảo "Thành tựu 30 năm đổi mới và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (1986-2016).

"...Ba mươi năm đổi mới, phát triển  của  Trường chính trị Tôn Đức Thắng từ 1986 - 2016 là một quá trình không những đã tạo ra sự tiến bộ mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà còn đưa đến cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên những tình cảm, niềm tin, sự tự hào về những giá trị, truyền thống cách mạng vẻ vang của Trường luôn được tiếp nối và ngày càng tô đậm hơn, góp phần xứng đáng vào thành tựu đổi mới và phát triển của tỉnh. Sự tiến bộ, phát triển đó là rất lớn, phạm vi bài viết này chỉ nhằm khái quát những thành tựu, thách thức và định hướng phát triển chủ yếu trong tương lai.

1. Thành tựu đổi mới, phát triển của Trường chính trị Tôn Đức Thắng trong 30 năm từ 1986 – 2016

Quá trình đổi mới, phát triển của Trường chính trị Tôn Đức Thắng trong 30 năm luôn gắn với quá trình đổi mới, phát triển của tỉnh và của đất nước; quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trương định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; trong quá trình đó, trường Đảng đổi tên thành trường chính trị với những thành tựu đạt được như sau:

1.1. Trường ngày càng trưởng thành với chức năng, nhiệm vụ ngày càng lớn, đáp ứng theo yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ và thực tiễn đổi mới, phát triển của đất nước. Bước vào đổi mới Trường được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ kế cận, chủ chốt ở cơ sở, huyện thị và ban ngành của tỉnh. Đến nay, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trường có chức năng nhiệm vụ không chỉ đào tạo cán bộ ở cơ sở mà cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở địa phương; không chỉ đào tạo trung cấp lý luận chính trị mà cả đào tạo cao cấp chính trị, cử nhân chuyên ngành; đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng,chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện; đào tạo tiền công vụ, bồi dưỡng chuyên viên; bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành; các lớp đào tạo, bồi dưỡng khác theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh. Từ 1995, Trường còn được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Hai nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nghiên cứu khoa học được Trường thực hiện và đạt được những thành tựu quan trọng.

Đặc biệt trong những năm từ 1988 đến 1991, với sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, việc mở lớp, giảng dạy tại các trường Đảng trở lên lúng túng, nhiều trường ở Đồng bằng sông Cửu Long gần như “ngưng” mở lớp, nhưng Trường Đảng Tôn Đức Thắng vẫn duy trì mở lớp đào tạo trung cấp chính trị, các lớp bồi dưỡng chuyên đề lý luận và thực tiễn. Dù có khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường vẫn giữ vững lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng để phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.  

Chức năng, nhiệm vụ đã mở rộng hơn  và nâng lên, bản chất của trường Đảng luôn được giữ vững và tăng cường. Trong quá trình đổi mới, thực hiện đào tạo bồi dưỡng cán bộ, dù có nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nhiệm vụ lúc nào cũng được hoàn thành xuất sắc, xứng đáng là trường mang tên Chủ Tịch Tôn Đức Thắng – Người Cộng sản mẫu mực, sáng ngời đạo đức cách mạng, hết lòng vì Đảng, vì dân.  

1.2. Chương trình, nội dung, giáo trình được xây dựng ngày một chắt lọc, tinh gọn hơn ở phần lý luận, bổ sung thêm kiến thức thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ công tác quản lý hành chính nhà nước, công tác đảng, đoàn thể. Thời gian của khóa học được rút xuống còn 6 tháng. Nội dung ngày càng sát với thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý ở địa phương, cơ sở theo từng bước phát triển của tỉnh và của đất nước, đáp ứng yêu cầu của người học.

Cùng với việc bảo đảm nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, giáo trình do các học viện hướng dẫn, một trong những thành tựu nổi bật của Trường chính trị Tôn Đức Thắng là đã tự xây dựng lấy một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, các huyện, thị, thành phố và ban ngành trong tỉnh. Đó là các chương trình bồi dưỡng chuyên đề Nghị quyết Đại hội VI, chương trình bồi dưỡng những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng xã, phường, thị trấn cho cán bộ cơ sở ( năm1989); chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã, Trường đại học An Giang xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng và quản lý hợp tác xã kiểu mới (năm 2002) cho các đối tượng Bí thư, phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch mặt trận, cán bộ hợp tác xã trong tỉnh; chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư cấp ủy cấp xã (2007);  biên soạn tài liệu Môn học về An giang dùng cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ 2005), đến nay là Tập tài liệu phần VI: Tình hình, nhiệm vụ của địa phương trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị – hành chính do Học viện hướng dẫn và cho phép xuất bản.

1.3. Quy mô, số lượng lớp tăng lên theo yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua từng giai đoạn phát triển của tỉnh. Từ 11 lớp với 1.309 học viên, đến giai đoạn 2011-2014 tăng lên 144 lớp, với 14.046 học viên. Tổng số các lớp đào tạo, bồi dưỡng được mở trong 30 năm (từ 1986 -2016) là 437 lớp, với 37.529 học viên.

Đối tượng học viên được đào tạo bồi dưỡng cũng ngày càng mở rộng, từ những lớp cán bộ kế cận, chủ chốt được quy hoạch ở cơ sở trong giai đoạn đầu, đến nay là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, các sở ngành của tỉnh và tương đương; đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cán bộ thuộc đối tượng 4 do ban Thường vụ các huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và tương đương quản lý; đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành; cán bộ người dân tộc Kh’mer, Chăm,  trưởng ấp theo yêu cầu của tỉnh và các địa phương.

Số lượng loại hình, cấp học được nâng lên. Từ các lớp đào trung cấp lý luận chính trị bằng 02 hình thức tập trung và tại chức những năm đầu đổi mới, đến nay đã mở rộng ra các lớp đào tạo tập trung (hệ A), tại chức hệ C (cho các học viên trên 40 tuổi) và các lớp tại chức hệ B (đối với học viên có bằng cao đẳng, đại học trở lên); các lớp Cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chuyên ngành Báo chí, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Kinh tế chính trị, Công tác tư tưởng, Cử nhân hành chính, Cử nhân chính trị, các lớp đại học chuyên ngành Lao động – Xã hội, trung cấp Luật, trung cấp Hành chính- Văn phòng…

Ngoài ra, Trường còn phối hợp với các ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về: công tác văn phòng cấp ủy, thanh tra....

 1.4. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng lên. Nội dung chương trình, giáo trình các lớp đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới, cập nhật, bổ sung kiến thức và hoàn chỉnh từng bước theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường trang bị, rèn luyện về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và công tác của các đoàn thể.

Phương pháp dạy và học từng bước được đổi mới, phương pháp dạy học tích cực kết hợp với sử dụng các phương tiện hiện đại được thực hiện ở nhiều bài giảng, lớp học, phát huy được tính chủ động, tích cực của học viên, vai trò trung tâm của người học. Từ đó, phần lớn học viên đã nâng cao nhận thức lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường bản lĩnh chính trị và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Nhiều cán bộ được cử đi học lên cao cấp, đại  học, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của huyện, tỉnh.

1.5. Các hoạt động khoa học đã góp phần tích cực vào đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường và góp phần tổng kết một số vấn đề thực tiễn ở địa phương. Hoạt động khoa học trong những năm đầu đổi mới chủ yếu tập trung vào nghiên cứu xây dựng bài giảng, nội dung nghiên cứu, thảo luận. Từ năm 1996 bắt đầu ra Nội San của Trường, năm 1998 tổ chức hội thảo đầu tiên với chủ đề “ Trường chính trị Tôn Đức Thắng 50 năm hình thành và phát triển”, năm 1999 tham gia nghiên cứu đề tài cấp tỉnh về Địa chí An Giang. Giai đoạn 2000 – 2010, chủ trì nghiên cứu 01 đề tài cấp tỉnh về "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình liên kết hợp tác giữa hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong sản xuất - kinh doanh", 23 đề tài cấp cơ sở, 19 cuộc hội thảo. Những năm năm 2011 – 2014, có 8 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu; tổ chức 10 cuộc hội thảo với hàng trăm bài viết tham gia của các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong và ngoài tỉnh, các học viện, trường đại học….Đặc biệt trong 2 năm 2015-2016 có 5 cuộc hội thảo cấp trường do khoa chủ trì tổ chức thực hiện, 6 đề tài cấp trường và 01 đề tài cấp tỉnh được triển khai; cổng thông tin điện tử được khai trương năm 2013 và đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lượt người truy cập; nhiều bài viết tham gia hội thảo, đăng báo, tạp chí ở Trung ương và của tỉnh.

1.6. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng lên về số lượng, trình độ được đào tạo. Những năm đầu đổi mới, Trường mới chuyển lên thực hiện đào tạo trung cấp lý luận chính trị đến khóa thứ 3, số lượng cán bộ giảng dạy vừa thiếu lại chưa đảm nhiệm được đầy đủ nội dung chương trình. Đến nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy không chỉ tăng lên về số lượng mà còn đủ sức đảm nhận toàn bộ các chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị – hành chính, chương trình chuyên viên, tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn, tập huấn chuyên môn…. Một số đồng chí còn tham gia giảng dạy các lớp cao cấp ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lớp chuyên viên chính, trường đại học. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có của Trường là 58, tham gia giảng dạy có 36 giảng viên, trong đó, 24 giảng viên ở khoa, 12 giảng viên  làm công tác lãnh đạo, quản lý ở Ban giám hiệu, các phòng chức năng; có 03 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 28 cử nhân; xếp theo ngạch: có 01 giảng viên cao cấp, 09 giảng viên chính, 26 giảng viên. Phần lớn cán bộ, giảng viên có trách nhiệm và tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức tốt – nhân tố có vai trò quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường hiện nay.

1.7. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường những năm đầu đổi mới chỉ có 01 hội trường,  2 dãy nhà ký túc xá, đủ cho việc mở lớp mỗi năm với hơn 200 học viên. Đến nay, Trường có 12 phòng học, 01 thư viện, phòng đọc, 01 hội trường lớn, đủ chỗ học cho 1.300 học viên, ký túc xá 536 giường, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, phục vục sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Các thiết bị hiện đại như: hệ thống công nghệ thông tin, máy vi tính, projeter, phương tiện âm thanh, các loại bảng, bàn ghế được trang bị mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, sinh hoạt, học tập. Cơ sở vật chất từng bước được sửa chữa, cải tạo, tượng đài Bác Tôn, công viên cây xanh, cảnh quan, môi trường ngày một khang trang, sạch, đẹp hơn. Công tác phục vụ giảng dạy, học tập có nhiều tiến bộ.

1.8. Công tác lãnh đạo, quản lý và các phong trào quần chúng được đổi mới, cải tiến đã tạo sự chuyển biến tích cực về lề lối làm việc, trật tự, kỷ cương, từng bước đưa các hoạt động của Trường đi vào ổn định với chất lượng, hiệu quả cao. Các quy chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, thi đua khen thưởng được sửa đổi, bổ sung; các quy định mới về phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, khoa, quy định về lề lối, mối quan hệ hợp tác, phối hợp trong thực thi nhiệm vụ được triển khai thực hiện. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 được xây dựng, hoàn chỉnh và cấp giấy chứng nhận, công nghệ thông tin với phần mềm quản lý nội bộ (mạng LAN) là những điều kiện để Trường đẩy mạnh đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý theo hướng thuận tiện, đơn giản, phối hợp hiệu quả và ngày càng hiện đại hơn.

1.9. Những đóng góp của Trường vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh

Bảo đảm hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả những khi khó khăn nhất.

Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong các tổ chức, cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đảm trách nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở xã, huyện, tỉnh.

Góp phần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hoạt động của các đoàn thể trong tỉnh.

Đưa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh từng bước tiến tới chính quy, hiện đại đáp ứng theo yêu cầu của công tác cán bộ trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và của tỉnh. Trình độ đào tạo được nâng lên, năng lực của cán bộ sau đào tạo ngày càng đáp ứng tốt  hơn với thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ sở.

Nâng cao được trình độ của đội ngũ cán bộ về nhận thức lý luận chính trị, lập trường tư tưởng cách mạng, khả năng vận dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức và vận động quần chúng thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới, phát triển của các địa phương, cơ sở và của tỉnh.  

Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhận dân tỉnh; sự phối hợp của các ban ngành và các đơn vị, địa phương trong tỉnh; sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường; ý thức tự giác, tính tích cực trong học tập của học viên.

Với những thành tích nêu trên, Trường chính trị Tôn Đức Thắng đã được Chủ Tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì, ba; cờ thi đua và nhiếu bằng khen cấp bộ của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; nhiều lượt tập thể và cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Đảng, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

2.  Thách thức

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tiến bộ, nhưng nhìn tổng thể việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Trường chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh, nhất là trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh đang là thách thức lớn đối với Trường hiện nay.

Chương trình, nội dung từng bước được bổ sung, điều chỉnh, phương pháp giảng dạy, học tập đã được đổi mới nhưng thiếu ổn định, còn có những bất cập và có khoảng cách lớn với thực tiễn. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ các ngành, các cấp trong giai đoạn mới, Trường cần phải đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ và sát thực tế hơn cả về nội dung, chương trỉnh và phương pháp giảng dạy .   

Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, không đồng bộ, chưa đảm bảo cho việc thực hiện quản lý, giảng dạy, học tập theo trình độ hiện đại ngày nay.

3. Định hướng phát triển

Sự phát triển của Trường chính trị Tôn Đức Thắng trong những năm tới được xác định theo mô hình trường chính trị chuẩn và trở thành trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh.    

Thực hiện mục tiêu định hướng trên, trong giai đoạn mới, Trường cần tập trung:

Một là, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào quá trình đổi mới giảng dạy, học tập của Trường.

 Hai là, gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng thêm kiến thức thực tiễn; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, nêu cao trách nhiệm của người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, " giữ vững bản chất trường Đảng của địa phương". Từng bước thực hiện xã hội hóa trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu, tự nguyện học tập của cán bộ, đảng viên.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, lấy " người học là trung tâm"; đổi mới công tác quản lý, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học; kết quả học tập không  chỉ đánh giá theo điểm thi, kiểm tra mà đánh giá theo toàn bộ quà trình học tập của học viên.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết, nâng cao nhận thức thực tiễn và lý luận của cán bộ, giảng viên, đồng thời góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ mới, những người thật sự tâm huyết với nghề, có niềm tin vững chắc vào lý tưởng cách mạng, có tính đảng cao, trình độ lý luận vững vàng, có phẩm chất, năng lực tương xứng, đạt được sự tin tưởng của học viên, là tấm gương sáng, mẫu mực, có giá trị cảm hóa, thuyết phục người học. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy, nghiên cứu.

Sáu là, xây dựng Trường có cơ sở vật chất hiện đại theo yêu cầu của một trường chính trị chuẩn.

Thành tựu đổi mới của Trường chính trị Tôn Đức thắng trong 30 năm đạt được là rất lớn và quan trọng, nhưng thách thức là không nhỏ. Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được 55 bài tham luận. Tại hội thảo hôm nay, rất mong các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, các thế hệ giảng viên, học viên, những người tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh cho ý kiến, trao đổi để nêu bật lên những thành tựu, tiến bộ mà Trường đã đạt được trong 30 năm đổi mới; những hạn chế, khó khăn, thách thức, bất cập và đặc biệt là góp ý kiến về những định hướng, giải pháp phát triển của Trường trong giai đoạn mới.

Với tình cảm từ những năm gắn bó với Trường và trách nhiệm của mỗi  người, ý kiến của đại biểu sẽ góp phần vào thành công của Hội thảo, hình ảnh của Trường được thêm tươi đẹp hơn...."

các tin khác