Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quá trình phát triển hoạt động của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

12:35 13/11/2020

“Óc Eo”, Tên một vùng gò đất lẫn đá nổi lên trên một cánh đồng phía nam núi Ba Thê. Năm 1944, từ các thông tin trong lịch sử và thư tịch cổ, ông Louis Malleret, một nhà khảo cổ ở trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) lúc ấy làm quản thư viện Bảo tàng Sài Gòn đã đến vùng Óc Eo nay thuộc Thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) để khai quật dấu tích một hải cảng nay đã bị sụp trong lòng đất và đã phát hiện ra dấu vết các di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo

Đây là dấu tích của một nền văn minh lớn và rực rỡ đã một thời hiện diện từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII đã và đang được phát hiện ở nhiều nơi, trong đó tỉnh An Giang được xem là một địa bàn trọng điểm tập trung nhiều nhất các loại hình di tích, di vật. Gò Óc Eo thuộc Ba Thê (huyện Thoai Sơn) là nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ quan trọng của nền văn minh cổ xưa ấy và  Óc Eo đã trở thành tên gọi chung cho mọi di chỉ được phát hiện ở các địa phương khác.

Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo, thuộc Ban quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An giang, nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Nơi đây mỗi ngôi nhà, mỗi thước đất, mỗi hàng cây đều mang dấu tích một nền văn hoá tiền sử nằm trên vùng cao Đông Nam bộ, văn hoá tiền sử đó được các nhà khoa học và khảo cổ học đặt cho cái tên là văn hoá Óc Eo.

Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo, là nơi để du khách tìm hiểu về giá trị di tích, lịch sử, khảo cổ, văn hóa, con người cổ đại Óc Eo trong cuộc sống, sinh hoạt đến các tập tục mang đậm tín ngưỡng tôn giáo và cùng với các hoạt động Thủ Công nghiệp – Thương nghiệp – Giao thương.

Với những giá trị lịch sử khảo cổ độc đáo không chỉ của dân tộc mà còn của cả nhân loại, khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận  xếp hạng  Khu di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và người dân trên vùng đất có di tích này, đặc biệt là việc làm rõ các ngộ nhận và việc chưa ý thức hết giá trị của nền văn hóa này với tư cách là các chứng cứ hùng hồn khẳng định sự chiếm lĩnh vùng đất, sự sáng tạo nên các giá trị đô thị, kinh tế, văn hóa - xã hội của các cư dân cổ của đất nước Việt Nam.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, mặc dù đã được hình thành hơn 7 năm nhưng nơi đây vẫn còn đang trong tiến trình hoàn thiện và mở rộng, đâu đó trong lòng đất vẫn còn rất nhiều di chỉ và hiện vật đang bị chôn vùi mà chúng ta vẫn chưa tìm thấy được. Từ năm 2015, Ban Quản lý vẫn luôn đề ra các giải pháp Kế hoạch và không ngừng tổ chức các hội thảo khoa học với mục đích tìm ra những cách thức tối ưu nhất nhằm bảo tồn lưu giữ và phát huy giá trị của Nền Văn hóa cổ xưa này.

Những năm gần đây, trong chuỗi các sự kiện lớn của cơ quan được chú ý nhiều nhất là Kế hoạch hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai đề án cấp Nhà nước “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”, nhằm phục dựng một cách đầy đủ nhất một nền văn hóa khảo cổ có nguồn gốc bản địa, lâu đời của vùng Ðông Nam Á, khẳng định vị trí của vùng đất này là một bộ phận lãnh thổ được cộng đồng cư dân Nam Bộ khai phá, giữ gìn và bảo vệ trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đề án đã triển khai toàn diện, vừa tổng quan nghiên cứu các công trình trước đó, vừa tiến hành khảo sát và tích cực khai quật các địa điểm đã được phê duyệt. Khai quật khảo cổ học đã thu được những kết khả quan, đã phê duyệt các nhiệm vụ thực hiện hoạt động khoa học chung của đề án, đồng thời tiếp tục phối hợp hai tỉnh Kiên Giang và An Giang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ công tác nghiên cứu.

Ngày 22/11/2019, tại tỉnh An Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa: Khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích và di vật đã được khai quật, xác định vị trí của nền văn hóa Óc Eo trong tiến trình lịch sử của dân tộc và trong bối cảnh khu vực, nhằm xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO công nhận vùng không gian Văn hóa Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.

Bức tranh về kinh đô Óc Eo của vương quốc Phù Nam đang dần hé mở dù chỉ là bức phác thảo nhưng chúng ta có thể hiểu thành đô này có vị trí quan trọng như thế nào trong quá khứ. Không bỏ lỡ cơ hội được nhìn thấy không gian kinh đô Óc Eo đang dần lộ diện từ trong lòng đất. Nhưng đó chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh lớn hơn về vương quốc Phù Nam.

Có thể nói “Đề án nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam” là cột mốc quan trọng mở ra sự tiếp nối liên tục của các hoạt động nghiên cứu khai quật sâu xa hơn của nền Văn hóa Cổ đại này. Nổi bật nhất, phải kể đến sự phối hợp giao lưu trao đổi với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Deahan (Hàn Quốc) qua các đợt khai quật và tổ chức Triển lãm hợp tác quốc tế về Văn hóa Óc Eo tại Hàn Quốc (Từ ngày 20/12/2019 đến ngày 30/11/2020).

Thực hiện công văn số 5425 của UBND tỉnh An Giang về việc cho chủ trương Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo hợp tác với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Deahan (Hàn Quốc); Quyết định số 4639 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về công tác khai quật khảo cổ năm 2018 và luận bàn kế hoạch hợp tác năm 2019. Theo chủ trương của UBND tỉnh An Giang, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã ký hợp tác với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Deahan (Hàn Quốc) trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2018 đến năm 2020 để khai quật khảo cổ.

Trong năm 2018, Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Deahan (Hàn Quốc) đã phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật di tích Gò Cây Trâm, với diện tích cho phép là 150 mét vuông, thời gian bắt đầu từ ngày 25/12/2018 đến ngày 20/01/2019, kinh phí khai quật do phía Hàn Quốc tài trợ 100%. Qua khai vật đã phát hiện một số hiện vật như: bình gốm, chuỗi, đá chế tác, cộc gỗ… tất cả các hiện vật tìm thấy đang được Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang giữ gìn và bảo quản. Đây là những hiện vật có giá trị khoa học về nền văn hóa cổ Óc Eo.

Trong năm 2019, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Deahan (Hàn Quốc) khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và có những khảo sát kỹ hơn về các vị trí khai quật vì có liên quan đến vấn đề thời gian cũng như là chi phí khai quật. Sau khi khảo sát thì sẽ có quyết định cụ thể về vị trí khai quật trong năm 2019.

Từ ngày 21/4 đến ngày 30/11/2020, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (Việt Nam), Bảo tàng Seoul Baekje (Hàn Quốc) và Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển quốc gia (Hàn Quốc) đồng tổ chức Triển lãm Văn hóa Óc Eo, Việt Nam tại Hàn Quốc. Triển lãm giới thiệu đến công chúng về cuộc sống của người dân sống ở trung tâm thương mại quốc tế quan trọng, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Vương quốc Phù Nam trong khu vực Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ I - VII, cũng như về lịch sử giao thương đường biển mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng sông Mê Kông. Triển lãm sẽ là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như tăng cường hoạt động trao đổi văn hóa và nghiên cứu về di sản văn hóa biển giữa 2 quốc gia.

Hiện nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo vẫn đang tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất mục tiêu, giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê trở thành trọng điểm du lịch”, đồng thời liên kết với tổ chức EFEO (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp) dịch thuật và xuất bản sách bằng tiếng Việt về “Văn hóa Óc Eo đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Louis Malleret nhằm quảng bá đến bạn đọc và giới nghiên cứu gần xa cơ hội tìm hiểu khám phá nhiều hơn về vùng đất cổ đại đang bị chôn vùi này.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn Tổ chức đề cử thêm các lớp tập huấn để nâng cao trình độ và kỹ năng của cán bộ, viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học phục vụ công việc chuyên môn và đúng với chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

Vừa qua, UBND tỉnh An giang đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Tổng công ty Bưu chính Việt nam… xây dựng bộ tem Bưu chính về văn hoá Óc Eo.

Ngày 1-9 năm 2020, tại Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông.. đã họp báo, công bố Phát hành toàn quốc Bộ tem Bưu chính văn hóa Óc Eo. Các hiện vật quý của nền văn hóa Óc Eoin trong bộ tem sẽ đến 192 nước trên thế giới, đây là một sự kiện văn hóa, chính trị, kinh tế quan trọng của An giang và Việt nam trong việc xác định chủ quyền, quảng bá văn hóa việt Nam ra thế giới và xem di sản văn hóa là động lực của sự phát triển.

Hy vọng tương lai không xa, du khách đến đây trong tâm tình của người mong muốn tìm về nguồn cội dấu vết cổ xưa nơi vùng đất bí ẩn kỳ bí này, sẽ có những trải nghiệm lý thú để thêm trân trọng những đóng góp của các bậc tiền nhân các nhà nghiên cứu và các cơ quan sở ban ngành gần xa trong ngoài tỉnh, bởi nhờ đó con cháu hôm nay mới được chiêm ngưỡng trên miền đất với cả một di sản qúy báu tồn tại qua không gian và thời gian. Người dân An Giang với quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích, tin rằng trong tương lai không xa, Óc Eo – Ba Thê sẽ là một trung tâm văn hóa quan trọng của tỉnh và của cả khu vực, vừa mang tính hiện đại vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

ThS. Nguyễn Thuận Thảo - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác