Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Để thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

10:18 05/09/2019

 Nói về công tác Dân vận thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm kinh điển, mẫu mực là cẩm nang của cán bộ đảng viên trong công tác vận động quần chúng hiện nay và mai sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài dân vận trên báo sự thật với bút danh X.Y.Z. Với nội dung bài báo, người đọc dù ở trình độ nào cũng hiểu. Bài báo tuy không dài chỉ có 612 từ, nhưng đả đề cập giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không bỏ sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.

Dân vận được thực hiện không chỉ ở con người và tổ chức mà còn được áp dụng trong các hoạt động, bao gồm cả tuyên truyền, giảng giải, thuyết phục, hoạt động thi đua yêu nước, đoàn kết, trong cộng đồng khu dân cư, sống có nghĩa có tình thương yêu giúp đỡ tình làng nghĩa xóm, tắt lửa, tối đèn có nhau...Trong công tác Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, thật sự là của chính quyền của dân, do dân, vì dân. Để thực hiện tốt công tác dân vận Bác đã chỉ ra bốn bước quan trọng nhất đó là:

Bước thứ nhất: phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng; việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ (tức là quyền và nghĩa vụ của công dân) họ sẽ hăng hái làm cho kỳ được.

Bước thứ hai: bất kỳ việc gì đều phải bàn bạc với dân, phải hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, bàn bạc với dân lên kế hoạch cho thiết thực phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương, rồi cùng nhau động viên tổ chức toàn dân ra thi hành.

Bước thứ ba: trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân.

Bước thứ tư: khi xong việc phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Bác chỉ ra: cách tổ chức và cách làm nào không phù hợp với quần chúng thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách làm nào hợp với quần chúng, quần chúng cần dù chưa có sẵn ta phải đề nghị lên cấp trên, nếu cần thì đặt ra rồi báo sau, miễn là được việc.

Trên cơ sở nhận thức sự chỉ dạy của Bác Hồ về công tác dân vận để áp dụng vào mô hình dân vận khéo trong tình hình hiện nay. Đặc biệt là Dân vận khéo thực hiện nông thôn mới công tác dân vận là một giải pháp cơ bản trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vì tất cả mọi công việc của công trình xây dựng nông thôn mới đều liên quan trực tiếp đến nhân dân vì vậy xây dựng nông thôn mới phải đi từ hộ dân mà ra cho nên để thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” phải thực hiện tốt ở một số khâu:

Một là, người làm công tác Dân vận khéo phải có tâm trong sáng, phải có đạo đức trong sáng, có uy tín, gương mẫu làm những điều có lợi cho dân cho nước.

Hai là, đối với người dân bước đầu tiên tiếp xúc người cán bộ dân vận cần thể hiện ý thức “trọng dân”, tin dân, dù bất cứ đó là ai, nam, nữ, già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái hay thuộc tầng lớp nào, giai cấp nào, đẳng cấp nào (kể cả những người ma túy, HIV, đối tượng hình sự, ta phải nhìn họ từ những con người cụ thể để họ có niềm tin chỗ dựa vững chắc, đứng lên khắc phục sửa chữa vì bên cạnh họ có sự giúp đỡ của mọi người không bị bỏ rơi).

Ba là, Công tác dân vận chỉ có thể đóng vai trò chủ động khi những người làm công tác dân vận lăn mình vào cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết được sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng, biết nguyện vọng của quần chúng...”

Trong giao tiếp người cán bộ dân vận phải luôn luôn thể hiện một tình cảm chân thành, luôn giao hòa trong mối thiện cảm với người mình đang tiếp xúc lắng nghe và quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng. Công tác Dân vận khéo, là nói đến đối tượng cần vận động là con người đến với con người, bằng tình cảm và tế nhị hiểu thấu để tuyên truyền khéo léo để vận động, chân tình để nhận được tình cảm, kiên trì cảm hóa và được sự ủng hộ...Tức là chúng ta thực hiện được lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Chữ khéo ở đây đã bao hàm tính thời đại và tính linh hoạt, uyển chuyển, khéo ở đây là sự vận dụng liên hệ thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình. “Khéo” không phải là nói khéo mà nên hiểu là mỗi cơ quan đơn vị cần tìm ra những vấn đề cấp thiết từ cuộc sống của người dân ở cơ sở để giúp đỡ. Hoặc có thể kiểm tra việc thực hành công vụ đối với cán bộ, cơ quan nhà nước hay đối thoại trực tiếp với nhân dân về những vấn đề người dân quan tâm từ đó tạo sự đồng thuận giữa chủ trương của đảng với ý chí quyết tâm vượt qua đối nghèo, phát triển kinh tế xã hội của nhân dân, đúng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, hay nói cách khác là vận động xã hội cùng tham gia.

Để thực hiện tốt Dân vận khéo theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy An Giang giao chức năng, nhiệm vụ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức thực hiện bồi dưỡng các lớp Đoàn thể: từ cán bộ làm công tác Mặt trận, cán bộ làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ làm công tác Hội Nông dân, cán bộ làm công tác Hội Cựu chiến binh, cán bộ làm công tác Công đoàn và cán bộ Trưởng, phó Ban Dân vận cấp Huyện, Xã, mỗi năm với số lượng khoảng 3000 về Trường dự tập huấn, bồi dưỡng theo từng chức năng, ngành đơn vị công tác. Góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy với chủ trương thực hiện công tác Dân vận khéo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã thực hiện gần 20 năm nay, từ đó công tác xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình và ủng hộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 42,02% đứng hàng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông cửu long. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã, có 7 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 37 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 25 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. TP. Châu Đốc là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh đang phối hợp Ban Chỉ đạo Trung ương hoàn thành hồ sơ công nhận TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ngoài sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, huyện, nhiều xã điểm đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và hoàn thành trước lộ trình như: Vĩnh Chánh, Bình Thành, An Bình, Mỹ Phú Đông, Vọng Thê của huyện Thoại Sơn (lộ trình năm 2019, 2020 nhưng đã hoàn thành trong năm 2018); xã Bình Phước Xuân của huyện Chợ Mới phấn đấu hoàn thành trước lộ trình 1 năm (lộ trình 2019, đã hoàn thành trong năm 2018).

Đạt được thành tích trên Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang đã thực hiện tốt mô hình Dân vận khéo theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Như Bác Hồ đã dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Quách Văn Phát - Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

các tin khác