Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

09:21 03/12/2019

Chiều ngày 02/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quy định số 25 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức tháng 11 phương hướng nhiệm vụ tháng 12 và giai đoạn tiếp theo.

Chủ trì hội nghị điểm cầu Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Điểm cầu An Giang do đồng chí Ngô Hồng Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì.

Theo đó, Quy định 205 của Bộ Chính trị quy định rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nghiêm cấm hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ. Xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.



Xác định cụ thể sáu hành vi chạy chức, chạy quyền như: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tranh thủ, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản; lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác; lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình; dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Bên cạnh đó, còn quy định các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.


Về công tác tổ chức xây dựng đảng, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các cấp ủy địa phương cần thực hiện tốt các phần việc gồm: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế. Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Triển khai xây dựng vị trí việc làm trong toàn hệ thống chính trị. Nhiệm vụ cụ thể tháng 12, tập trung các phần việc đảm bảo cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

P.H

các tin khác