Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ nghĩa yêu nước, giá trị vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam

09:45 23/03/2020

Nói đến chủ nghĩa yêu nước trước hết là nói đến lòng yêu nước. Không có tình cảm yêu nước thì cũng không có chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất, được hình thành và củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là tư tưởng, tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi con người Việt Nam. Tình cảm yêu nước đó ban đầu là yêu những vật gần gũi nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu mùi rơm thơm trên đồng ruộng cháy, yêu tiếng gà gáy mỗi sớm mai thức dậy…Lòng yêu nước sau đến là sự gắn bó giữa những thành viên trong gia đình, cộng đồng làng xã rồi đến quốc gia, dân tộc. Như nhà văn Nga Ehrenburg từng nói: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc. Những tình yêu tưởng chừng bình dị như vậy nhưng lại tạo thành một tình yêu lớn và cao cả.

Từ đó, có thể hiểu: “chủ nghĩa yêu nước là một hệ thống quan điểm chỉ đạo tình cảm, thái độ, hành động, cách ứng xử,…của mỗi người dân đối với Tổ quốc (trong xây dựng và bảo vệ đất nước)”. Giáo sư Trần Văn Giàu trong luận văn “Sự hình thành cơ bản của hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam” đã đúc kết: “Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam hẳn không phải là một truyền thuyết thâm viễn, cũng không phải là một tín ngưỡng huyền diệu; nó là một hệ thống tư tưởng nhận thức và ứng xử đơn giản nhưng vừa đủ để cho dân tộc Việt Nam tồn tại và tồn tại trong danh dự”.

Lịch sử Việt Nam được viết nên bằng những tấm gương yêu nước cao đẹp của những anh hùng dân tộc không thể kể hết tên,….“nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã ghi những trang oanh liệt của nhân dân đấu tranh để xây dựng nước nhà và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mình”. Trãi theo dòng lịch sử từ thời Vua Hùng dựng nước đến nay, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thường có những biểu hiện khác nhau ở những con người cụ thể khác nhau, trong những hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử cũng khác. Ví như lòng yêu nước của cụ Phan Thanh Giản được minh chứng như thế nào khi cụ thừa lệnh triều đình hạ bút ký kết bản Điều ước dâng 6 tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp và sau đó tìm đến cái chết để tỏ rõ lòng mình. Cần nói thêm rằng cuộc đời của Phan Thanh Giản gắn liền với bối cảnh lịch sử hết sức rối ren, phức tạp, đầy biến động và thử thách vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lòng yêu nước của cụ Phan Châu Trinh lại được sánh ngang với các vị sĩ phu đương thời mặc dù cách làm của cụ là nhờ cậy thực dân Pháp - kẻ thù chính của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ - giúp đỡ để thực hiện chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ. Hay trong thời bình, yêu nước đơn thuần là “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Từ đó để thấy rằng, yêu nước không chỉ được “thấy rõ” qua những hành động sẵn sàng xả thân mình khi Tổ quốc có ngoại xâm, “không thành công cũng thành nhân”, hay yêu nước là sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ biên cương lãnh thổ, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc mà đôi khi lòng yêu nước lại không dễ dàng “được nhìn thấy”. Như Hồ Chí Minh từng nói: “Đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”, tuy nhiên, “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những thứ của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”.

Việt Nam là một đất nước kỳ lạ. Đó là đất nước luôn gắn liền với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giành chiến thắng. Kể từ kháng chiến chống Tần thế kỷ thứ III TCN đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, trong suốt hơn 22 thế kỷ ấy, có hơn 12 thế kỷ dân tộc ta phải tiến hành cuộc kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của nước ngoài. Độ dài thời gian, tần số xuất hiện, số lượng các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam lớn hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Từ đặc điểm lịch sử đó đã hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nó là chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là năng lực nội sinh to lớn, tạo nên sức mạnh vô địch trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong xây dựng đất nước. Chủ nghĩa yêu nước là giá trị thiêng liêng chung của toàn dân tộc Việt Nam, bao gồm người sống trong nước và người đang sống ở nước ngoài, là sức mạnh tiềm tàng, thường trực trong lòng dân tộc, là nguồn lực không bao giờ cạn trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và là đặc trưng tiêu biểu của tính cách con người Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại được bổ sung và phát triển trong thế kỷ XX, nhờ kết hợp được tinh hoa dân tộc và giá trị thời đại, nên đã đạt tới một chất lượng mới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công đầu trong việc vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa khơi dậy được những truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc, vừa bổ sung thêm những nhân tố mới, nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên ngang tầm phát triển của thời đại. Vì vậy, cũng có thể gọi chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước sớm được hình thành không phải như một ý niệm mơ hồ, trừu tượng mà bắt nguồn từ tình thương yêu nhân dân sâu sắc, niềm tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Việc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy con đường cứu nước ở con đường của cách mạng vô sản xuất phát từ động cơ yêu nước. Đến khi Người tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là con người cách mạng vô sản theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng những hoạt động thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh đã dẫn đường cho chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào Việt Nam làm nên những điều kỳ diệu. Sau này, Người tổng kết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam xuất hiện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản và xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho chủ nghĩa yêu nước cách mạng với  tư cách là một lãnh tụ của Đảng, của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước cách mạng ấy trở thành của toàn thể dân tộc Việt Nam, mang tư tưởng nhân văn sâu sắc và được thể hiện trong sự thống nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đó cũng là sự thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhân loại đã bước qua ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, nhưng xung đột sắc tộc vẫn luôn tiếp diễn và chưa hề suy giảm. Chủ nghĩa đế quốc đang ráo riết thực hiện ý đồ “lãnh đạo thế giới” bằng “diễn biến hòa bình”, bằng răn đe quân sự và bằng chiến tranh xâm lược. Ở nước ta, bên cạnh những thành tựu đạt được qua hơn 30 năm đổi mới, cũng đang đứng trước nhiều thách thức, yếu kém cần phải vượt qua, một trong những thách thức được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhận định đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, ”. Hoàn cảnh khách quan và chủ quan trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Trước tình hình đó, ta dựa vào đâu để tồn tại và phát triển? -Không có con đường nào khác là phải dựa vào lòng dân, vào lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vào khối đại đoàn kết vững mạnh của toàn dân tộc.Vậy thì, trong thời đại ngày nay, lòng yêu nước được nhận diện như thế nào?

Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay được thừa hưởng một di sản truyền thống quý giá. Họ lớn lên khi đất nước đã được độc lập, tự do. Họ chưa từng trãi qua quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ như các bậc cha anh nên chưa thấy hết ý nghĩa, giá trị của cuộc sống hiện tại mà để có được nó, phải đánh đổi bằng sự hi sinh, mất mát của biết bao nhiêu thế hệ. Cho nên lòng yêu nước của họ cũng khác. Nhưng dù là trong bối cảnh nào, quá khứ hay hiện tại, yêu nước, yêu dân tộc là tình yêu xuất phát từ trái tim của mỗi con người. Ngày nay, biểu hiện của yêu nước chính là biết trân trọng cuộc sống của mình để cố gắng học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với công ơn dạy dỗ của cha mẹ và kì vọng của xã hội. Yêu nước có nghĩa là chúng ta biết yêu thương những người xung quanh và mở rộng trái tim mình. Sống đẹp cũng là yêu nước. Cũng có thể lòng yêu nước đó còn nằm ở ý thức của bản thân chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, đấu tranh, phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Yêu nước ngày nay phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội thể hiện bằng hành động cụ thể để đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như lời Bác Hồ nhắn gửi: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Không có dòng sông nào chảy mãi nếu con người không biết khơi nguồn. Lòng yêu nước của nhân dân cũng có thể bị nguội lạnh đi nếu không được chăm lo nuôi dưỡng. Chúng ta không thiếu sức mạnh, chúng ta không thiếu đoàn kết, cái chúng ta thiếu là làm sao tạo ra sức mạnh, tạo ra sự đoàn kết. Vì vậy, giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”, lấy yêu nước làm nền tảng để “vượt qua điểm khác biệt, phát huy tương đồng” sẽ góp phần tạo ra sức mạnh đoàn kết của dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể có đủ sức mạnh tinh thần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng như bảo vệ đất nước trong cuộc chiến đấu vô cùng gay go và quyết liệt đã và đang diễn ra trong thế kỷ XXI hiện nay./.

Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Tài liệu giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, 7, 9, 12.
4. Nhiều tác giả (2015), Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb. Hồng Đức, Tạp chí  Xưa và Nay.
5. Song Thành, Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nền tảng tinh thần, động lực phát triển của chúng ta, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 8/2015.

6. Trần Xuân Trường (1999), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

các tin khác