Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

08:41 19/03/2020

Trên cơ sở lý luận, thực tiễn - lịch sử những thập niên đầu của thế kỷ XX và quá trình vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua (1930-2020), trong đó có 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, bài viết khẳng định con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam.

1. Tư duy độc lập và tầm nhìn mới về hướng đi và con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước, chống thực dân, đế quốc ở nước ta diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhưng tất cả đều không thành công do không có một đường lối đấu tranh phù hợp. Trước thực tế đó, vượt qua lối mòn và những hạn chế trong đường lối cách mạng của các nhà yêu nước đương thời, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây - nước Pháp, quê hương của tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” và cũng là nước đang thực hiện chế độ thực dân đối với dân tộc Việt Nam để xem xét, nghiên cứu, học hỏi.

Quyết định sang nước Pháp của Nguyễn Tất Thành là sự lựa chọn đúng đắn đầu tiên, thể hiện một tư duy độc lập và tầm nhìn mới mẻ về hướng đi và con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam đang trong vòng nô lệ, lầm than. Khát vọng và hoài bão lớn nhất là tìm ra một con đường cứu nước đúng đắn để giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào, hạnh phúc cho nhân dân. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; từ khát vọng độc lập, giải phóng đất nước, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu “chủ nghĩa Uyn-xơn” và thấy rõ đây là “một trò bịp lớn”. Người cũng đã chứng kiến thực trạng xã hội tư bản chủ nghĩa; nghiên cứu bản chất bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đế quốc, thực dân; thấy rõ tính chất dân chủ giả hiệu “không đến nơi” của các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ. Đây là một tiền đề quan trọng để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu, nắm bắt được “ánh sáng lý luận” từ bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin.

Tiếp xúc với bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, bằng sự mẫn cảm về chính trị, tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của những năm bôn ba trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động các nước thuộc địa và tư bản phát triển, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Bản Luận cương nêu rõ: “Tình hình chính trị thế giới hiện nay đã đặt vấn đề chuyên chính vô sản thành vấn đề trước mắt… Tất cả các phong trào giải phóng dân tộc trong các thuộc địa và trong các dân tộc bị áp bức mà kinh nghiệm đau đớn đã làm cho họ tin chắc rằng đối với họ không có con đường cứu vãn nào khác ngoài sự chiến thắng của chính quyền Xô-viết đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới”(1).

Mười hai luận điểm quan trọng trong bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc và chính Người đã tiếp thu, bổ sung và phát triển sáng tạo các luận điểm này trong việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cũng như bước đầu triển khai lý luận về con đường giải phóng dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Sau này Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2).

Nguyễn Ái Quốc là một trong số ít các nhà yêu nước đầu tiên ở các nước thuộc địa tiếp thu được “ánh sáng kỳ diệu” từ bản Luận cương của V.I.Lênin, nhận thức và nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại mới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Sự kiện Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12/1920) có ý nghĩa quan trọng: trở thành người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, chính thức đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đây là “sự khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng”(3).

Cũng chính từ đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực, hướng mọi hoạt động, kiên trì và quyết tâm truyền bá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về nước, tiến hành cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối cách mạng vô sản. Những luận điểm chủ yếu của con đường cách mạng Việt Nam được hình thành qua những bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo Nhân đạo, báo Người cùng khổ, báo Thanh niên, qua các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh”, những bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu - Trung Quốc và được kết tinh trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (tháng 02/1930). Thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tầm cao tư tưởng, bản lĩnh chính trị và tinh thần chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.

2. Tư duy lý luận về lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đáp ứng hai câu hỏi lớn đặt ra cho dân tộc Việt Nam: làm thế nào để giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của đế quốc, thực dân, giành lại nền độc lập, tự do cho nhân dân; lựa chọn con đường, phương thức nào để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với xu thế đi lên của thời đại mới. Nói cách khác, với việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc kéo dài 2/3 thế kỷ: “Lịch sử dường như đã chuẩn bị sẵn cho dân tộc Việt Nam đi vào thời kỳ hiện đại bằng miếng đất sẵn sàng được gieo trồng, và bằng những nông phu sẵn hạt giống trong tay. Miếng đất ấy là nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất; giống đó là chủ nghĩa Mác - Lênin; người thứ nhất gieo giống đó là Nguyễn Ái Quốc”(4).

Sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Nguyễn Ái Quốc dựa trên cơ sở lý luận và khoa học, dựa trên thực tiễn vận động và đòi hỏi của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Người đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(5). Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được nêu lên trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn - lịch sử, phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của đại đa số các tầng lớp nhân dân Việt Nam: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”(6).

Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, không còn con đường nào khác ngoài con đường đi lên CNXH; cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản và trào lưu phát triển của thời đại mới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga: “Hồ Chí Minh đã chọn con đường Lênin, con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Đối với Người, đó là “cẩm nang thần kỳ” đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thành công; và trên thực tế, thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã xác nhận tính đúng đắn của sự lựa chọn đó”(7).

Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam sau năm 1930 cho thấy: sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn sáng suốt, duy nhất đúng đắn, với vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam.

3. Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với cách mạng Việt Nam, ngay từ đầu, CNXH không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thực sự là động lực thúc đẩy lịch sử phát triển: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(8). Qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, khuynh hướng chính trị bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên CNXH ở nước ta đã trở thành một sức mạnh vật chất to lớn, ăn sâu bám rễ trong lòng xã hội Việt Nam.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định rõ trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930, các văn kiện của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng trong 90 năm qua, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là động lực to lớn động viên, tập hợp, huy động sức mạnh tinh thần, vật chất của toàn dân vượt qua những thử thách cam go của lịch sử. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chính là thắng lợi của trí tuệ, văn hoá và bản lĩnh Việt Nam, của khát vọng và ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đi lên CNXH.

Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo chính là sự tiếp tục con đường cách mạng đã lựa chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI hoạch định, được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI và XII chính là sự nhận thức đúng đắn hơn, khoa học hơn các quan điểm, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Qua mỗi bước ngoặt, mỗi chặng đường cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(9), thể hiện rõ ràng và dứt khoát mục tiêu con đường cách mạng Việt Nam được nêu trong Cương lĩnh đầu tiên. Cùng với tiến trình đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế (1986-2020), nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ, hoàn thiện hơn về mục tiêu và mô hình xây dựng CNXH; về các chặng đường, bước đi của thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới đất nước càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững và quán triệt mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; giải đáp những vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn đặt ra, tiếp tục làm sáng tỏ hơn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với đặc điểm của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(10).

Quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế cũng chính là quá trình kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện cơ hội, xét lại, xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc; kiên quyết và triệt để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Dân tộc Việt Nam quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường đi lên CNXH, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay với những thắng lợi trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng CNXH, hội nhập quốc tế và đổi mới đất nước đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, khoa học và sáng tạo của sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH./.

Tài liệu tham khảo

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1997, tr.199-200.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2000, tr.127.

(3) Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2007, tr.110.

(4) Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám; Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.39.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2000, tr.314.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb CTQG, H.1991, tr.109.

(7) Trịnh Nhu - Vũ Dương Ninh, Về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.1996, tr.111.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.70.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.83.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.69-70.

TS. Lê Nhị Hòa - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Tổ chức nhà nước

các tin khác