Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vấn đề Nhà nước của Nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh

09:23 11/05/2017

"Cách mạng" trong quan niệm của Hồ Chí Minh rất rộng, nhưng cốt lõi và được đề cập nhiều nhất là cách mạng chính trị - xã hội. Đối với mọi cuộc cách mạng chính trị - xã hội, chính quyền là vấn đề cơ bản. Thiết lập và kiện toàn nhà nước của Nhân dân là chiều hướng phát triển tất yếu của cuộc cách mạng giải phóng Nhân dân. Ngay khi xác định cách mạng Việt Nam là sự nghiệp giải phóng Nhân dân thì Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến "giành lấy chính quyền về tay nhân dân" và xây dựng chính quyền trở thành công cụ mạnh mẽ, sáng suốt để Nhân dân thực hiện vai trò là chủ xã hội, làm chủ đất nước.

 

     Để đưa Nhân dân lên đúng vị trí, vai trò và thực hiện đúng mục đích của Nhân dân thì công việc đầu tiên là nắm lấy chính quyền.

 

     Sự nghiệp cách mạng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn với mục tiêu và nội dung khác nhau nhưng đều xoay quanh vấn đề chính quyền nhà nước, cụ thể là việc giành chính quyền về tay ai và chính quyền phục vụ ai. Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cũng từ sự thúc bách của khát vọng giải phóng dân tộc mà biểu hiện tập trung là ở yêu cầu lật đổ chính quyền nhà nước thuộc địa nửa phong kiến thiết lập nhà nước độc lập của Nhân dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước, trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm thực tiễn tổ chức, hoạt động của các mô hình nhà nước tư sản nổi bật ở Anh, Pháp, Mỹ,... Hồ Chí Minh xoáy sâu vào xem xét mối tương quan giữa quyền lợi của con người, của Nhân dân được đề ra trong lý thuyết với sự thể hiện trong thực tiễn thông qua tổ chức và hoạt động của nhà nước sở tại. Đặc biệt, Người chú ý rất nhiều đến quyền Nhân dân kiểm soát chính phủ. Điểm mấu chốt dẫn đến quyết định không lựa chọn các mô hình ấy của Hồ Chí Minh đó là các nhà nước này không thỏa mãn một cách triệt để việc thực hiện vai trò làm chủ của Nhân dân trong thực tiễn đời sống. Hồ Chí Minh nói: Cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã dạy chúng ta rằng, làm cách mạng thì không nên sợ phải hy sinh, và đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cách mạng cho “đến nơi”, nghĩa là làm cách mạng rồi thì chớ để chính quyền trong tay số ít, chính quyền phải thuộc về dân chúng số đông. Như vậy, nếu chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng thì đối với Hồ Chí Minh sự khẳng định vai trò làm chủ chính quyền và thông qua làm chủ chính quyền để làm chủ xã hội, làm chủ đất nước của Nhân dân là vấn đề cơ bản của chính quyền. Chủ nghĩa Mác – Lênin và mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã đáp ứng được mong mỏi đó của Hồ Chí Minh trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Thông qua một cuộc cách mạng triệt để - Cách mạng tháng Mười – nhân dân Nga đã thực sự có quyền làm chủ đất nước bằng một chính quyền nhà nước của chính họ. Bài học rút ra từ Cách mạng tháng Mười đó là: Làm cách mạng để giải phóng Nhân dân phải đi đến thành lập được nhà nước của Nhân dân để thông qua đó thực thi quyền Nhân dân làm chủ. Đây là kim chỉ nam cho Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 

     Thiết lập chính quyền của Nhân dân là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn đảm bảo tính triệt để của cuộc cách mạng, mà cuối cùng là thực hiện mục đích của Nhân dân.

 

     Giải phóng Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất sâu rộng, diễn ra cả trước và sau khi chính quyền cách mạng được thiết lập. Đặc thù một nước thuộc địa nửa phong kiến đặt ra yêu cầu giải phóng Nhân dân trước hết, trên hết phải là giải phóng khỏi ách thống trị ngoại xâm và tay sai, tức là giải phóng Nhân dân khỏi kiếp sống nô lệ. Điều đó chỉ có thể đạt được thông qua thủ tiêu bộ máy chính quyền thống trị và kiến lập nên chính quyền của Nhân dân. Thủ tiêu bộ máy chính quyền thống trị và kiến lập nên chính quyền của Nhân dân phải gắn liền với nhau, không thể có sự lựa chọn nào khác. Làm cách mạng rồi thì chớ để chính quyền trong tay số ít bởi như vậy chỉ là sự thay thế chủ thể bóc lột Nhân dân. Làm cách mạng rồi thì chính quyền phải thuộc về dân chúng số đông mới giải phóng Nhân dân tận gốc rễ. Chính quyền Nhân dân không quay trở lại biến thành công cụ bóc lột, thống trị như các "chính quyền của số ít" mà trái lại là công cụ để Nhân dân thực thi quyền là chủ và tiếp tục đấu tranh chống các kiềm kẹp khác để giải phóng chính mình. Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua thể hiện rõ là sau khi đánh đổ thực dân thống trị và tay sai bán nước sẽ thành lập chính phủ công – nông – binh. Dù cách diễn đạt có khác song nhiều văn kiện sau này vẫn khẳng định lại. Đó là lựa chọn duy nhất đảm bảo tính triệt để của sự nghiệp cách mạng.

 

     Thiết lập nhà nước của Nhân dân để có công cụ mạnh mẽ tiếp tục thực hiện nội dung giải phóng Nhân dân của cuộc cách mạng.

 

     Giải phóng Nhân dân khỏi chế độ thống trị ngoại xâm và tay sai chưa phải là điểm kết thúc thắng lợi của cuộc cách mạng. Kiềm kẹp Nhân dân không chỉ là thế lực ngoại xâm và tay sai mà còn có những thói quen và truyền thống lạc hậu. Cuộc đấu tranh chống các yếu tố tinh thần tiêu cực này không phân biệt được giới tuyến, diễn ra thường xuyên và lâu dài. Nó không kết thúc bằng hành vi lật đổ chế độ cũ và thiết lập chế độ mới mà bằng nỗ lực không ngừng để tự cải tạo bản thân của mỗi người dân. Đó là cuộc cách mạng tự giải phóng. Do vậy, sau khi thiết lập được chính quyền của Nhân dân thì cuộc cách mạng giải phóng Nhân dân vẫn tiếp tục đấu tranh chống sự kiềm hãm của thói quen và truyền thống lạc hậu. Cuộc đấu tranh lúc này có được thuận lợi to lớn là Nhân dân đã nắm chính quyền trong tay. Sự thủ tiêu chế độ cũ đã cắt đứt môi trường nuôi dưỡng thói quen và truyền thống lạc hậu. Hơn nữa, Nhà nước cách mạng xác định đấu tranh chống hủ tục, xây dựng đời sống mới là nhiệm vụ cơ bản đã thúc đẩy ra đời nhiều chính sách, pháp luật nhằm giảm thiểu, ngăn chặn ảnh hưởng có tính chất "trói buộc" của thói quen và truyền thống lạc hậu đến Nhân dân. Tất nhiên, không thể giành thắng lợi trước thói quen và truyền thống lạc hậu bằng chức năng cưỡng chế của Nhà nước. Song, Nhà nước với chức năng quản lý xã hội sẽ đóng vai trò nòng cốt tổ chức Nhân dân thực hành đời sống mới, đồng thời sử dụng pháp luật răn đe, trấn áp, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của lối sống cũ.

 

     Trở về nước sau ba mươi năm (1911- 1941), Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đánh dấu chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nền tảng cho thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945. Tại Hội nghị Trung ương VIII, Hồ Chí Minh đề xuất quan điểm xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng về nhà nước kiểu mới. Sự kiến lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8 đã hiện thực hóa tư tưởng xây dựng nhà nước dân chủ thực sự của Hồ Chí Minh. Những nỗ lực thiết kế, tổ chức, xây dựng Nhà nước sau đó đều được Hồ Chí Minh chú tâm đảm bảo quyền là chủ và làm chủ của Nhân dân. Có thể đánh giá trên ba nét lớn:

 

     Một là, thể chế hóa, pháp lý hóa quyền là chủ và làm chủ nhà nước của Nhân dân.

 

     Quyền là chủ nhà nước của Nhân dân phải được quy định bởi pháp luật. Đó là điều kiên tiên quyết. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Hồ Chí Minh trong cương vị đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời đã chú ý xúc tiến soạn thảo và ban hành Hiến pháp vừa là để đảm bảo tính hợp hiến của Nhà nước, vừa là để pháp lý hóa quyền là chủ nhà nước của Nhân dân. Điều 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam…". Năm 1959, Hồ Chí Minh lãnh đạo soạn thảo và ban hành Hiến pháp tiếp tục khẳng định: "Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân". Pháp luật là tối thượng. Sự quy định của luật pháp đối với quyền là chủ nhà nước của Nhân dân là sự quy định cao nhất, do vậy là sự khẳng định mạnh mẽ và chắc chắn nhất. Chỉ có trên cơ sở quy định của pháp luật, Nhân dân mới là chủ nhà nước một cách chặt chẽ, toàn diện và bền vững. Đó là lời tuyên bố hùng hồn nhất, thực tế nhất rằng Nhân dân đã được giải phóng khỏi chế độ chính trị thuộc địa nửa phong kiến, chính thức đứng ở địa vị người là chủ chế độ.

 

     Hai là, nhà nước phải quan tâm nâng cao năng lực làm chủ cho Nhân dân.

 

     Tính triệt để của giải phóng Nhân dân thể hiện qua quyền lợi và địa vị mà Nhân dân được thụ hưởng. Quyền lợi và địa vị đó được Hồ Chí Minh khái quát qua phạm trù "là chủ" đi liền với "làm chủ". Đây là hai phạm trù được Hồ Chí Minh nhắc đến rất nhiều, xem là mục tiêu trực tiếp và cao nhất của sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân, vì nhân dân. Đây là chiều hướng phát triển không thể khác được của cuộc cách mạng giải phóng Nhân dân.

 

     Tiêu chí "là chủ" xác định vị thế của Nhân dân đối với chế độ chính trị tiêu điểm là chính quyền nhà nước, với xã hội, với đất nước và với chính mình. Tiêu chí này rất quen thuộc trong lịch sử nhân loại, là khẩu hiệu trong nhiều phong trào đấu tranh, nhiều cuộc cách mạng đã có từ trước. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm thực tiễn ở nhiều nơi, đặc biệt ở các nước tư bản phương Tây cho Hồ Chí Minh thấy nhân dân là chủ dưới chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Kỳ thực trong thì tước lục công nông, ngoài thì xâm lược bóc lột thuộc địa. Qua phân tích của Hồ Chí Minh cho thấy các tập đoàn thống trị trong chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa chỉ nếu mục tiêu đưa nhân dân lên vị thế là chủ như một thủ đoạn chính trị, một kiểu mị dân để thu hút nhân dân tham gia cuộc đấu tranh lật đổ chế độ chính trị đương thời thiết lập chế độ do họ cầm quyền, hoặc sau đó thì mị dân để nhân dân chấp nhận chế độ chính trị do họ cầm quyền.

 

     Để đảm bảo tính triệt để của mục tiêu giải phóng Nhân dân, Hồ Chí Minh luôn gắn liền tiêu chí "là chủ" với "làm chủ" và có phần nhấn mạnh luận giải vế "làm chủ" hơn. Đưa Nhân dân lên vị thế là chủ phải được thể hiện trong thực tiễn hành vi làm chủ. Chỉ bằng hành vi làm chủ, Nhân dân mới chạm tới được chiều sâu nhất của giải phóng. Hồ Chí Minh khẳng định trách nhiệm làm chủ: Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Để thực hiện tốt công việc to tát đó, Hồ Chí Minh yêu cầu Nhân dân phải có năng lực tương xứng, phải xứng đáng là chủ nhân một nước tự do, độc lập. Có như thế, Nhân dân mới thực hiện một cách tự giác và hiệu quả trách nhiệm chính trị được tạo nên bởi vị thế, quyền lợi là chủ của mình.

 

     Một nhà nước áp bức nhân dân, nhà nước của thiểu số thống trị đa số Nhân dân thì không bao giờ quan tâm đến năng lực làm chủ của Nhân dân hoặc nếu có thì chỉ mị dân. Chỉ có thông qua nhà nước của mình thì Nhân dân mới thật sự được quan tâm nâng cao năng lực "làm chủ" để tiếp tục thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ tiếp theo của sự nghiệp cách mạng. Cách mạng Việt Nam là sự nghiệp đưa Nhân dân trở lại đúng vị trí, vai trò làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ chính vận mệnh của mình. Điều đó chưa thể đạt được ngay khi Tổng khởi nghĩa mùa thu tháng 8 thắng lợi, chế độ thuộc địa nửa phong kiến bị thủ tiêu. Mặc dù nhà nước được thành lập từ thắng lợi của Cách mạng tháng 8 là nhà nước dân chủ nhân dân nhưng ở lúc này Nhân dân trong tư cách "là chủ" vẫn chưa thật sự có đầy đủ năng lực để "làm chủ". Không phải cứ nói Nhân dân là chủ thì họ sẽ làm chủ được. Do vậy, song song với việc tổ chức tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu để Nhân dân tổ chức nên nhà nước của mình, song song với việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp để vị thế là chủ của Nhân dân được thể chế hóa thì Hồ Chí Minh chú ý ngay đến "giáo dục tinh thần của nhân dân", diệt giặc dốt, thực hành đời sống mới để giải phóng Nhân dân khỏi những kiềm kẹp của thói quen, truyền thống lạc hậu. Thực tiễn đó cho thấy, đồng thời với việc tiến hành các hoạt động để khẳng định vị thế "là chủ" của Nhân dân là những nỗ lực từ rất sớm để nâng cao năng lực "làm chủ". Hồ Chí Minh xem đó là chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Chỉ có nhà nước của Nhân dân mới thật sự chăm lo làm giàu năng lực làm chủ của Nhân dân. Khi đó Nhân dân mới là chủ nhà nước, là chủ xã hội, là chủ đất nước một cách trọn vẹn.

 

     Ba là, xây dựng nhà nước trở thành công cụ cốt yếu để Nhân dân thực hiện vai trò làm chủ xã hội, làm chủ đất nước.

 

     Nhà nước là tổ chức đặc biệt duy nhất có chức năng quản lý xã hội và đại diện chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Ai nắm quyền lực nhà nước sẽ sử dụng quyền lực đó để tổ chức, quản lý xã hội, trở thành người đại diện cho đất nước. Một nhà nước của Nhân dân phải được Nhân dân sử dụng như là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ đối với xã hội và đất nước mình. Giúp Nhân dân làm tốt vai trò làm chủ xã hội và đất nước là sự hoàn thành trách nhiệm cao nhất mà một nhà nước của Nhân dân mong muốn.

 

     Hồ Chí Minh không "nhốt" quyền và trách nhiệm là chủ của Nhân dân trong mối quan hệ với nhà nước. Trên con đường đi đến giải phóng triệt để, là chủ và làm chủ nhà nước vô cùng quan trọng đối với Nhân dân nhưng không phải là duy nhất. Nhân dân phải dùng nhà nước của mình để vươn ra làm chủ xã hội, làm chủ đất nước. Nhân dân đưa ý chí của mình vào tổ chức và hoạt động của Nhà nước, cụ thể là vào pháp luật, chính sách để xã hội vận hành, đất nước phát triển theo mong muốn của mình. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến điều này. Người thường yêu cầu "phải đi đúng đường lối quần chúng" cũng chính là để chính sách, pháp luật phản ánh được ý chí của Nhân dân và thông qua đó mà giúp Nhân dân tổ chức, quản lý xã hội.

 

     Thực hành đời sống mới để Nhân dân làm chủ xã hội, làm chủ đất nước. Đây là biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ những tàn dư lạc hậu do chế độ cũ để lại; là biện pháp từng bước giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức được tính ưu việt của chế độ mới và trách nhiệm của mình đối với xã hội, nhận thức được quyền làm chủ đất nước của nhân dân do cách mạng mang lại. Hồ Chí Minh nói: "thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"; "đồng bào ta sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, ai cũng góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài, để làm cho nước ta được hoàn toàn tự do độc lập" .

 

     Tóm lại, giải phóng Nhân dân để đưa Nhân dân lên địa vị là chủ và làm chủ phải đạt tới "tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Việc thiết lập nhà nước của Nhân dân và thông qua nhà nước ấy để Nhân dân thực hiện vị thế là chủ luôn tồn tại với vai trò là nội dung chính trị trung tâm của cách mạng Việt Nam. Để đảm bảo củng cố, phát huy được quyền lợi và địa vị làm chủ của Nhân dân, cuộc cách mạng giải phóng Nhân dân sau khi thành công phải vận động theo chiều hướng của cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh khẳng định: Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ" . Sở dĩ Hồ Chí Minh khẳng định chiều hướng phát triển đó của cuộc cách mạng giải phóng Nhân dân là bởi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của chính Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

----------------------------------

Danh mục tài liệu tham khảo:


1. Trần Kim Đỉnh (2008), “Về xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể để thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân”, Tạp chí Dân vận, (11).

2. Trần Ngọc Đường (2012), "Phấn đấu để "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân"", Tạp chí Dân vận, (2).

3. Đỗ Trung Hiếu (2003), Nhà nước xã hội chủ nghĩa với việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

4. Nguyễn Mạnh Hưởng (2004), "Củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ biện chứng giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ", Tạp chí Quốc phòng, (11).

5. Hồ Chí Minh (2001), Toàn Tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (2001), Toàn Tập, Tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

ThS. Nguyễn Phương An - Khoa LL MLN, TT HCM

Responsive image
 

 

các tin khác