Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực khi Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp

03:38 03/08/2019

Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp là mô hình tăng cường hiệu quả thực thi quyền lực thông qua việc Bí thư cấp ủy vừa nắm quyền lực chính trị  vừa nắm quyền lực nhà nước. Vậy cơ chế nào cho việc kiểm soát quyền lực?  Từ lý luận và thực tiễn của tỉnh An Giang, tôi xin trao đổi một số nội dung cơ bản về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, về lý luận:

1. Khái quát chủ trương của Đảng về nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Từ chủ trương đổi mới toàn diện do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đề ra, Đảng ta đã nhận rõ tầm quan trọng của việc cải cách về bộ máy hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chủ trương của Đảng về "Việc bố trí bí thư đảng ủy đồng thời làm chủ tịch hội đồng nhân dân hay chủ tịch ủy ban nhân dân tùy theo tình hình cụ thể ở từng nơi." lần đầu tiên được ghi nhận tại Mục II, điểm 2 của Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 03 năm 2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Chấp hành chủ trương này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/6/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Trong đó nêu rõ: “Từng bước thực hiện chủ trương bố trí đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn theo hướng: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND và một PBí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một PBí thư phụ trách công tác mặt trận, đoàn thể.”

Không chỉ riêng tỉnh An Giang mà các tỉnh, thành trong cả nước cũng từng bước tổ chức thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương.

Cuối năm 2007, sau hơn 5 năm thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã đánh giá kết quả 5 năm thực hiện thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở các tỉnh, thành phố, mô hình này đã góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và ủy ban nhân dân cấp xã. Cụ thể: Có 16 quận, huyện (4 quận, 12 huyện) thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; có 638 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND (417 xã, 167 phường, 54 thị trấn), chiếm 5,7% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Từ Báo cáo này, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tiếp tục khẳng định chủ trương: “Thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở” tại Mục II điểm 3 của Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngày 28 tháng 05 năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Trong đó, tại Mục II, điểm B, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện.”

Năm 2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại Mục III điểm 2 ghi nhận: “Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Như vậy, chủ trương của Đảng được thể hiện, bổ sung từ việc thực hiện thí điểm ở cơ sở (năm 2002) đến chủ trương: Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp” (tỉnh, huyện và xã) và mô hình: Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch uỷ ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã, nơi có đủ điều kiện (năm 2017). Hiện nay, theo nghiên cứu của bản thân, Trung ương vẫn chưa kết luận thực hiện mô hình này (Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch uỷ ban nhân dân) ở cấp tỉnh và Trung ương. Các nghị quyết thể hiện như:

Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002: "Việc bố trí bí thư đảng uỷ đồng thời làm chủ tịch hội đồng nhân dân hay chủ tịch uỷ ban nhân dân tùy theo tình hình cụ thể ở từng nơi.”

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2008:Thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017:Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

2. Khái niệm, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp

- Khái niệm “Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp”: Hiện nay chưa có văn bản nào của Đảng về vấn đề này. Ở gốc độ nghiên cứu lý luận có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu khoa học có đề cập, làm rõ khái niệm này nhưng chưa phải là sự thừa nhận thống nhất, phổ biến.

Theo nghiên cứu của bản thân trong quá trình tham gia đề tài “Giải pháp đẩy nhanh thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh An Giang” do Ths. Phan Thị Tuyết Minh làm chủ nhiệm, khái niệm này có thể được hiểu là:

“Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp là một cá nhân đồng thời đảm nhận chức vụ Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cùng cấp, được thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện, nhằm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn.”

- Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp

Về mặt lý luận, tuy có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về vấn đề này, nhưng cũng chỉ là sự lắp ghép giữa 2 quy định (quy định của Đảng về bí thư và pháp luật của Nhà nước về chủ tịch UBND). Đến nay, theo nghiên cứu của bản thân vẫn chưa có văn bản nào của Đảng, Nhà nước làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp.

Thứ hai, thực tiễn thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp ở tỉnh An Giang từ năm 2002-2019.

Như đã trình bày ở trên, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2002 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành và tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/6/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Trong đó nêu rõ: Từng bước thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã. Đến nay (tháng 5/2019) tỉnh An Giang đã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp ở 4/11 đơn vị cấp huyện (huyện, thị, thành) và 118/156 đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn).

Quá trình thực hiện mô hình này ở tỉnh An Giang có thể khái quát như sau:

Giai đoạn 2002-2009 toàn tỉnh An Giang có 25/156 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình thí điểm ở hầu hết các xã, phường, thị trấn nêu trên gặp nhiều khó khăn nên đến cuối năm 2009, chỉ còn lại 5 xã thực hiện mô hình.

Mặc dù vậy số lượng này cũng phù hợp với chỉ tiêu tối đa không quá 2-3% tổng số xã, thị trấn của tỉnh được thí điểm theo Thông báo số 223-TB/TW, ngày 24/02/2009 của Bộ Chính trị và Thông báo số 255-TB/TW, ngày 10/7/2009 của Ban Bí thư.

Giai đoạn 2010-2013: Việc thí điểm vẫn tiếp tục được duy trì và đến đầu năm 2013 tăng lên đến 16/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình này.

Giai đoạn 2014-2016: Từ việc rút kinh nghiệm thí điểm trong các năm trước, cùng với việc trao đổi học tập kinh nghiệm giữa tỉnh An Giang và tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 20/6/2016 về xây dựng Đề án của Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu cụ thể là “nhân rộng mô hình nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND cấp xã; thực hiện thí điểm nhất thể hoá chức danh Bí cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện ở một số địa phương”.

Có thể nói Kế hoạch này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với việc thực hiện mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh An Giang, sự thay đổi chủ trương từ “thí điểm” sang “nhân rộng” là một quyết định thể hiện quyết tâm chính trị cao của tập thể Đảng bộ tỉnh An Giang trong việc quán triệt thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày  28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị BCH-TW 7 Khóa XI), về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Đến cuối năm 2016, An Giang có 25/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình này.

 

TT

ĐƠN VỊ

SỐ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

BÍ THƯ
ĐỒNG THỜI LÀ
CHỦ TỊCH UBND

Số lượng

Tỷ lệ

1

Long Xuyên

13

13

100.00%

2

Châu Đốc

7

5

71.42%

3

Tân Châu

14

14

100.00%

4

Tịnh Biên

14

11

78.57%

5

Tri Tôn

15

8

53.33%

6

Chợ Mới

18

10

55.55%

7

Thoại Sơn

17

10

58.82%

8

Châu Thành

13

9

69.23%

9

Châu Phú

13

13

100.00%

10

Phú Tân

18

16

88.88%

11

An Phú

14

9

64.28%

 12

TỔNG CỘNG

156

118

75.64%

Giai đoạn 2017-2019: Tiếp tục thực hiện hành Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 20/6/2016 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang, tháng 3 năm 2017 số lượng thực hiện mô hình tăng lên 27/156 xã, phường, thị trấn. Đến tháng 11 năm 2017 tăng lên 44/156 đơn vị, trong đó huyện Châu Phú thực hiện ở 13/13 đơn vị cấp xã.

Cuối năm 2018, số đơn vị thực hiện mô hình này tăng gần gấp đôi so với năm 2017, từ 44/156 đơn vị lên 82/156 đơn vị; trong đó huyện Châu Phú và thành phố Long Xuyên là 2 địa phương đi đầu với 100% số xã, phường, thị trấn bố trí Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Tháng 5 năm 2019, mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp ở tỉnh An Giang đã thực hiện ở 4/11 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 36,4%) và 118/156 đơn vị cấp xã (tỷ lệ 75,6%). (Xem bảng số liệu kèm theo)

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị BCH-TW6 Khóa XII), Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh Ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19/4/2018: An Giang phấn đấu đến năm 2020 có 100% đơn vị cấp xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và phấn đấu đạt 50% đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình này.

Thứ ba, Ưu điểm, hạn chế và kinh nghiệm thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp từ thực tiễn An Giang

- Ưu điểm

Tinh gọn bộ máy, phù hợp với xu thế, yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. 

Vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy được phát huy và thể hiện rõ, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy.

Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND ở địa phương.

Giảm các cuộc họp giữa cấp ủy và thường trực ủy ban do Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên; đồng thời, cũng là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.

- Hạn chế

Nguy cơ độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong trong lãnh đạo, điều hành công việc do được trao quyền lực quá lớn và rất khó kiểm soát.

Gia tăng áp lực công việc lên người đứng đầu ủy ban nhân dân vì đồng thời phải vừa giải quyết công việc của cấp ủy và ủy ban nhân dân.

Cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực chưa rõ ràng, cụ thể. Chưa làm rõ nội hàm: Nơi có đủ điều kiện thực hiện mô hình này ở cấp huyện, cấp xã là những điều kiện nào.

    Chính sách, chế độ đãi ngộ còn thấp chưa động viên, khuyến khích được cán bộ.

- Kinh nghiệm từ thực tiễn An Giang

Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong công cuộc đổi mới và quá trình toàn cấu hóa. Thực hiện thành công chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần đòi hỏi những bước đi thận trọng, lắng nghe, nhìn nhận phản hồi từ thực tiễn, từ xã hội. Việc thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp cũng được toàn Đảng bộ tỉnh quan tâm, sâu sát như vậy. Từ thực tiễn thực hiện mô hình này ở tỉnh An Giang, có thể rút ra một số bài học quan trọng cần quan tâm sau:

Thống nhất về nhận thức, xây dựng quyết tâm chính trị thực hiện chủ trương của Đảng. Để có nhận thức đúng, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo, người đứng đầu phải nắm rõ, nắm vững chủ trương của Đảng trong từng văn kiện, nghị quyết. Quyết tâm chính trị và sự nhạy bén là yếu tố quan trọng giúp mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện, từ việc làm thí điểm đến việc nhân rộng mô hình luôn đầy rẫy những khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế khách quan cả ưu điểm và hạn chế, từ đó tìm ra giải giải pháp khắc phục, kiên trì, cố gắng sẽ mang lại thành công.

Một bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng về công tác cán bộ, có thể nói cán bộ là yếu tố trọng yếu để thực hiện mô hình này.

An Giang là một tỉnh có địa hình đa dạng: có đồng bằng, có sông, núi, có đường biên giới, có cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế, có vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, với đặc điểm này, việc xây dựng, bố trí nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của từng nơi có khác nhau, có tính đến các yếu tố đặc thù nêu trên. Trong đó, đặc biệt là vai trò của người Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ngoài các yêu cầu cơ bản về lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị, trình độ lý luận chính trị, còn phải có năng lực công tác chỉ đạo chuyên môn về quản lý nhà nước đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đối với các xã vùng dân tộc phải chú ý cơ cấu người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước. Đồng thời người lãnh đạo phải là người có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực hiện tốt công tác vận động đoàn kết nhân dân ở địa phương ủng hộ, làm theo chính quyền một cách hiệu quả nhất.

Bài học kinh nghiệm về nguồn và việc sử dụng cán bộ: Trong những năm gần đây, thực hiện chiến lược về công tác cán bộ 2016-2020 của các địa phương, kết hợp với thực hiện tiêu chí về hệ thống chính trị (Tiêu chí 18). Trong đó quy định: cán bộ, công chức xã đạt chuẩn (Tiêu chí 18.1) trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, đã góp phần thúc đẩy nhanh việc chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức xã. Tuy nhiên một đặc điểm về vấn đề này cần chú ý đó là nguồn cán bộ và cách sử dụng bố trí cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung và cán bộ giữ chức vụ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp nói riêng.

Về nguồn cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cấp xã cần đáp ứng yêu cẩu đổi mới: đủ trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tuổi đời,…Trong khi đó, yêu cầu của việc tinh gọn bộ máy, công tác thi tuyển công chức hằng năm của tỉnh, huyện khống chế về số lượng,…Điều này dẫn đến việc “lão hóa” dần số lượng cán bộ, công chức xã hiện có mà nguồn bổ sung lại rất hạn chế. Thực tế cho thấy để lựa chọn, bố trí một người giữa cương vị lãnh đạo cấp xã (Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND) là một việc không hề đơn giản, một bài toán khó đang đặt ra cho cấp ủy cấp trên, đặc biệt là Ban thường vụ huyện ủy các địa phương.

Về cách sử dụng cán bộ, công chức xã: Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, thì cán bộ và công chức cấp xã có đặc điểm, vị trí, chức năng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế  việc sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức trong những năm qua cho thấy nhiều người hôm nay là cán bộ thì ngày mai có thể là công chức và ngược lại.

Với cách sử dụng cán bộ, công chức như vậy không thể đảm bảo tính chuyên nghiệp, chưa quen công việc, chưa quen địa bàn, lãnh đạo có khi nặng về chuyên môn quản lý nhà nước (nếu là công chức chuyên môn cấp huyện được bổ nhiệm về làm cán bộ lãnh đạo xã) mà nhẹ về công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, công tác vận động quần chúng và có lúc thì ngược lại: nặng về công tác tư tưởng chính trị (nếu là cán bộ lãnh đạo xã được điều động làm công chức chuyên môn cấp huyện) mà nhẹ về nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó còn tâm lý bất an, không toàn tâm, toàn sức để làm tốt nhiệm vụ, vị trí mới được phân công của mình vì không biết bao giờ sẽ thay đổi tiếp.

Thứ tư, cơ chế kiểm soát quyền lực

Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp là người có đầy đủ quyền lực ở địa phương, người này nắm cả quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Do vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực cần được nghiên cứu từ góc độ cơ sở nền tảng, kết hợp những giải pháp cụ thể sát hợp với từng địa phương, vùng miền, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, vị trí địa chính trị của từng nơi khác nhau. Khi thực hiện mô hình này, từ chủ trương "thí điểm" (năm 2002) đến chủ trương: Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.” (năm 2017). Mô hình này vẫn đang cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện. Theo tôi để kiểm soát quyền lực cần thực hiện đồng thời các nội dung cơ bản sau:

- Kiểm soát đầu vào của người sẽ được giao nắm giữ quyền lực, đó là làm thật tốt công tác cán bộ (Quy hoạch, đào tạo, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác thực tiễn). Xây dựng hệ thống thể chế về công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ và công chức rõ ràng, tách bạch, không chồng chéo, có tính chuyên nghiệp cao, hạn chế đên mức thấp nhất điều động qua lại lẫn nhau giữa cán bộ và công chức.

- Hoàn thiện Quy chế hoạt động của cấp ủy theo mô hình mới (bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp) thống nhất cơ bản theo hướng dẫn của Trung ương, có vận dụng theo thực tế của địa phương (hướng dẫn của Tỉnh Ủy)

- Từng bước hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương (Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương theo hướng ghi nhận mô hình mới), làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp.

- Kiểm soát thực thi quyền lực

Sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ kiểm soát thực thi quyền lực: công cụ của Đảng, công cụ của Nhà nước, công cụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Công cụ của Đảng: Cương lĩnh, nghị quyết, điều lệ, quy chế, quy định,....

Công cụ của Nhà nước: Pháp quyền XHCN, cơ chế, chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra.

Công cụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân giữa vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân theo hướng chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát, phản biện hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và hoạt động của bí thư cấp ủy nói riêng. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng trông chờ, hoạt động còn có tính rập khuông, máy móc, mạnh dạng chỉ ra những mặt còn hạn chế của Đảng, chính quyền địa phương.

- Xây dựng cơ chế xử lý vi phạm quyền lực

Đây là một vấn đề quan trọng, cần được thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện xử lý đối với người nắm giữ quyền lực (Bí thư cấp ủy) sẽ có liên quan nhiều người, nhiều vấn đề,…

Trước tiên cần hoàn thiện chế định vi Hiến đã được nêu trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XII, các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, quy định về người lãnh đạo (Bí thư cấp ủy) không phải là người địa phương,….

Trên đây là một vài ý kiến trao đổi của bản thân về “Kiểm soát quyền lực khi Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp", rất mong được quý Thầy, Cô cùng trao đổi làm rõ thêm./.                     

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

------ —²– ------

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam-Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 03 năm 2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam-Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam-Kết luận số 64-KL/TW ngày 28 tháng 05 năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam-Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 Khóa XII, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Ban Tổ chức Trung ương-Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở nước ta.

6. Tỉnh Ủy An Giang-Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/6/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

7. Tỉnh Ủy An Giang-Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19/4/2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương

             8. Ths. Phan Thị Tuyết Minh-Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Giải pháp đẩy nhanh thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh An Giang"- Năm 2019.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác