Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Không nhận quà tặng

02:20 05/08/2019

1. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức

- Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, hướng dẫn Luật phòng chống tham nhũng: “ Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.”

- Các hình thức tặng quà mà cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận gồm:

    + Quà tặng bằng tiền hoặc giấy tờ có giá trị như tiền (cố phiếu, trái phiếu, phiếu mua hàng, phiếu trúng thưởng,..)

    + Quà tặng bằng hiện vật.

    + Quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác.

    + Quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác.

                        (xem Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019)

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận quà, phải báo cáo và giao nộp lại quà tặng cho thủ trưởng cơ quan để xử lý quà tặng theo quy định.

- Sau khi xử lý quà tặng (theo Điều 27), trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

- Tặng quà đúng quy định tại Điều 24 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 là:

- Sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

 

 2. Từ ngày 01/7/2019, cán bộ, công chức không được làm 6 việc sau:

- Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

- Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

Ngoài ra, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

-  Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

-  Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

(Theo Khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019)./.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Responsive image
 

 

các tin khác