Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

08:57 18/11/2019

 Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh không chỉ là một Chủ tịch nước đáng kính mà còn là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, cũng là người trực tiếp đào tạo, huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Một trong những di sản quý báu mà Người đã để lại cho chúng ta là tư tưởng về cán bộ và huấn luyện cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ nếu có được đội ngũ cán bộ tốt thì sự nghiệp cách mạng đi đến thành công, và ngược lại bởi vì “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy vẫn tê liệt.

Với quan điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, Hồ Chí Minh suy nghĩ rất nhiều về đội ngũ cán bộ tương lai của đất nước. Chính vì vậy, trong những ngày tháng bôn ba ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc huấn luyện cán bộ, đưa họ trở về nước tuyên truyền hoạt động cách mạng. Công việc huấn luyện này vẫn được Người quan tâm xuyên suốt trong tiến trình cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh không những chỉ ra tầm quan trọng và mục đích mà Người còn chỉ ra những nội dung, phương pháp rất cụ thể của việc huấn luyện cán bộ. Như vậy, quan điểm Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là một hệ thống hoàn chỉnh về những vấn đề đào tạo, huấn luyện cán bộ cho sự nghiệp cách mạng, trở thành kim chỉ nam cho Đảng vận dụng và thực hành.

Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ đóng một vai trò quan trọng trong vận hành công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước nên yêu cầu Đảng phải coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Trên cơ sở quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và huấn luyện cán bộ, Đảng cũng đánh giá cao vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VIII) Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI khẳng định cần phải “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo…”.

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế có sự đóng góp không nhỏ công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân tài. Điều này cũng có nghĩa là công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cần được quan tâm xem trọng. Làm tốt công tác huấn luyện cán bộ sẽ góp phần cung cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước những công dân có trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng của Đảng và dân tộc ta vững bước trong quá trình hội nhập quốc tế, giành những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng đã trở thành tài sản tinh thần, tư tưởng vô giá, những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Nhờ đó mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được hiền tài, thu hút được các nhân s yêu nước, thu hút được tất cả các lực lượng đoàn kết xung quanh Đảng, làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, thắng lợi Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975 và cả nước đang vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những tư tưởng về đào tạo cán bộ của Hồ Chí Minh vẫn đang là kim chỉ nam soi sáng sự nghiệp đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước ta trong hiện tại và tương lai. Quán triệt những tư tưởng quý giá đó, sự nghiệp đào tạo, huấn luyện cán bộ của ta hiện nay phải tạo ra được những con người sử dụng lực lượng thực tiễn, lãnh đạo và quản lý đất nước, kiên định lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm được những giá trị lý luận của hệ tư tưởng là một việc rất cần thiết, song, qua lý luận để nghiên cứu tự kiểm điểm lại các hoạt động thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay lại cần thiết hơn. Bằng cách đó, chúng ta mới thấy được chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời nhìn rõ hơn những cái ta đã làm được và những mặt còn tồn tại hiện nay.

Thứ nhất, đào tạo huấn luyện cán bộ cần kiên định lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Trong tình hình thế giới hiện nay thấy rằng việc kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ. Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là kiên định cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, cần đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Để tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo cán bộ, cần quan tâm đến tài liệu và chủ thể huấn luyện, tức là giáo trình và đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ cán bộ gắn với thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới đất nước và thực tiễn phát triển của thế giới.

Chúng ta thấy rằng, những biến động của tình hình thế giới mang đến những thời cơ và thách thức lớn cũng như những diễn biến tốt và xấu đang tác động vào nước ta. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý không thể xa rời thực tiễn đó. Cho đến nay, việc huấn luyện đào tạo cán bộ đạt được những bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết suông. Học viên sau khi được đào tạo vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng nội dung đào tạo vào thực tiễn công việc. Do đó, nội dung đào tạo cán bộ phải gắn với thực tiễn đất nước và thế giới.

Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy

Bên cạnh đổi mới nội dung giảng dạy còn đòi hỏi phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài các phương pháp giảng dạy truyền thống, người đào tạo cần áp dụng một số phương pháp tích cực khác như: phương pháp nêu tình huống; phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp sàng lọc; phương pháp hỏi đáp; giảng qua băng hình… Cần mở nhiều loại hình đào tạo ngắn hạn để cán bộ thường xuyên được cập nhật kiến thức mới nhất.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý giáo dục, quản lý chương trình, nội dung.

Đổi mới công tác quản lý là khâu trung tâm mấu chốt của việc nâng cao chất lượng đào tạo sao cho mọi khâu quản lý đều nhằm hướng kích thích tư duy sáng tạo của người học. Chính vì thế, trong thời gian tới cần có nhiều biện pháp cần có nhiều biện pháp đổi mới phương pháp đào tạo ở các trường đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Đảng

          Những năm gần đây, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo cán bộ tại các trường chính trị có sự đầu tư chu đáo, việc bổ sung kinh phí sửa chữa, cơ sở vật chất mới được tăng cường, song các trường Đảng Trung ương và nhiều trường chính trị tỉnh hệ thống hạ tầng yếu kém vẫn còn tồn tại. Đầu tư trang bị cơ sở vật chất là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện đào tạo cán bộ.

Đảng và dân tộc đang tiến vào thế kỷ mới và cũng là thiên niên kỷ mới. Nhiệm vụ đặt ra cho đất nước và dân tộc hết sức nặng nề trong đó thời cơ và thách thức đan xen nhau gay gắt. Đất nước đang đứng trước cơ hội vươn mình theo kịp với bước tiến của nhiều nước trên thế giới, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh thời cơ, đất nước cũng đứng trước những nguy cơ mà nếu xem nhẹ thì khó có thể trở thành một quốc gia giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, dân chủ văn minh. Muốn đạt mục tiêu đó, xét cho cùng, phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ. Vì vậy, trở lại vấn đề đào tạo, huấn luyện cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho xã hội mới.

Thứ sáu, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử trong đào tạo, huấn luyện cán bộ

Một vấn đề quan trọng trong công tác huấn luyện cán bộ là việc đánh giá và tiến hành đổi mới kiểm tra đánh giá cán bộ. Kiểm tra, đánh giá, thi cử trong đào tạo, huấn luyện được coi là một trong những phương tiện quan trọng nhất được sử dụng để những người làm công tác huấn luyện có cơ sở điều chỉnh hoạt động dạy và học. Trong tình hình chung của giáo dục Việt Nam hiện nay, từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, bên cạnh những mặt tích cực do cơ chế thị trường mang lại đã nảy sinh những hiện tượng tiêu cực, ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Vì vậy, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ qua thi cử là một nội dung quan trọng trong huấn luyện cán bộ, giúp cho công tác huấn luyện của nhà trường đi vào chất lượng và hiệu quả, qua đó ngăn ngừa sự nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, giáo dục. Để tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá cần hoàn thiện và xây dựng hệ thống chuẩn đánh giá, nghĩa là đánh giá toàn diện trên tất cả các mặt từ kiến thức, kỹ năng, trình độ tư duy, năng lực sáng tạo, đạo đức, tác phong, v.v.. của người học.

* Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.68.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.222.

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.309.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.313.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.66.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.252.

Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác