Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đề dẫn Tọa đàm khoa học cấp Trường Chủ đề: “Tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước và cách mạng - Giá trị lý luận và thực tiễn”

07:46 29/04/2020

Chiều ngày 29/4/2020, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Toạ đàm “Tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước và cách mạng - Giá trị lý luận và thực tiễn”.

Cùng với kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 75 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2020 còn được đánh dấu là cột mốc quan trọng Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của  V.I.Lênin (1870-2020).

V.I.Lê-nin sinh ngày 22 - 4- 1870 tại nước Nga, Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tiến bộ. Thuở nhỏ, Lênin là một cậu bé rất thông minh, lanh lợi và hiếu học. Thời niên thiếu, Lênin đã bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Mác và bước vào con đường đấu tranh cách mạng chống chế độ chuyên chế Sa Hoàng và bị buộc rời khỏi trường Đại học.

Năm 1887, V.I.Lê-nin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận Huy chương vàng nên được vào  tuyển thẳng vào bất kỳ trường Đại học nào ở nước Nga. Ông xin vào học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Kazan. 

Năm 1890, V.I.Lê-nin được học ngoại trú tại trường đại học Peterbourg. Chỉ trong vòng một năm, Ông đã học hết chương trình và thi đỗ loại ưu. Năm 23 tuổi, Lênin trở thành nhà Mácxit thực thụ.

Cuộc đời và sự  nghiệp của V.I.Lê-nin trãi qua nhiều gian truân, sóng gió. Năm 1897, Lênin bị đày 3 năm ở Xiberi. Kể từ đó trở đi ông còn bị tù đày rất nhiều lần và phải sống lưu vong ở nước ngoài. 

Đến rạng sáng ngày 25 Tháng Mười Một 1917, toàn thành phố Petersbuorg nằm trong tay những người khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Lênin đã sống và cống hiến suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp cách mạng tháng Mười Nga diễn ra và giành thắng lợi đã đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử loài người, mở ra cho nhân loại một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ  nghĩa xã hội.

Năm 1922, V.I.Lê-nin ốm nặng. Trong diễn văn cuối cùng đọc tại hội nghị toàn thể Xô Viết đại biểu thành phố Mát xcơ va (ngày 20 Tháng Mười một 1922) V.I.Lê-nin tin tưởng rằng thi hành chính sách NEP nước Nga sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 21 Tháng Tư 1924, V.I. Lê-nin qua đời ở làng Gorki (Mát xcơ va).

Có thể nói, V.I.Lê-nin là một học trò trung thành và triệt để nhất của C.Mác và Ph. Ăngghen. Ông đã bảo vệ thành công Chủ nghĩa Mác trước sự đã kích chống phá của bọn phản động và các trường phái tư sản. Đồng thời V.I.Lê-nin còn là người kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác, nâng Chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới với những phát minh vĩ đại trong thời đại mới. Một trong những tư tưởng của Mác-Ăngghen được V.I.Lê-nin kế thừa và phát triển là tư tưởng về nhà nước và cách mạng.

Có thể thấy rằng, Lênin đã kế thừa xuất sắc lý luận của Mác-Ăngghen về nhà nước và cách mạng, bảo vệ và phát triển quan điểm của Mác-Ăngghen trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền. Tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề nhà nước là một hệ thống bao gồm những vấn đề về nguồn gốc, đặc trưng của nhà nước; về bản chất giai cấp của nhà nước; về chuyên chính vô sản và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa; lý luận phân kỳ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; xây dựng nhà nước vô sản…Tư tưởng về cách mạng của V.I.Lê-nin bao gồm lý luận về cách mạng bạo lực giành chính quyền của giai cấp vô sản…

Trong sự nghiệp đổi mới, khi Đảng ta đang chú trọng xây dựng và củng cố Nhà nước thì những tư tưởng của Lênin về nhà nước và cách mạng là kim chỉ nam cho Đảng cộng sản vận dụng vào trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Cùng với quá trình xây dựng đất nước, hiện nay, các phần tử cơ hội, xét lại, các thế lực đế quốc và phản động đã và đang không ngừng xuyên tạc nhằm phủ định giá trị của học thuyết Mác-Lênin nói chung, về quan điểm nhà nước và cách mạng nói riêng, công phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Do đó, nhằm ôn lại sự nghiệp to lớn và những cống hiến vĩ đại của V.I.Lê-nin đối với phong trào cách mạng thế giới, đi sâu nghiên cứu tư tưởng của Lênin về vấn đề nhà nước và cách mạng đã được Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng vào xây dựng một nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại mới, trong đó có vấn đề về nhà nước và cách mạng. Do đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng long trọng tổ chức Tọa đàm cấp trường với chủ đề “Tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước và cách mạng – Giá trị lý luận và thực tiễn”.

Kính thưa quý vị đại biểu! qua triển khai kế hoạch, Ban Tổ chức đã nhận 25 bài viết của các tác giả trong và ngoài trường gửi về tham dự Tọa đàm. Đa số các bài viết đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về nội dung và hình thức. Trong các bài tham luận, các tác giả đã làm rõ những cống hiến vĩ đại của Lênin cho cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới; quan điểm của Lênin về nhà nước: về nguồn gốc, bản chất, đặc trung của nhà nước; về bản chất của nhà nước chuyên chính vô sản; về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa…; sự vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta.

Nhìn chung, các bài tham luận đã phản ánh được tư tưởng của Lênin trên ba nội dung chính: Làm rõ cuộc đời và sự nghiệp của Lênin đối với cách mạng thế giới; đi sâu nghiên cứu nội dung tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước và cách mạng; Đảng ta đã vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin vào trong xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ban Tổ chức Tọa đàm xin chân thành cám ơn sự quan tâm tham gia nghiên cứu, viết bài và tham dự Toạ đàm của các nhà nghiên cứu.

Để buổi tọa đàm được thành công, Ban Tổ chức kính mong quý học giả, các nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu tham gia thảo luận tích cực, đi sâu phân tích làm rõ hơn về những đóng góp của V.I.Lê-nin đối với cách mạng nước Nga nói riêng, với cách mạng thế giới nói chung và tầm ảnh hưởng lớn lao đối với cách mạng Việt Nam qua sự tiếp thu của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, của Đảng ta về nội dung và tính tất yếu của cách mạng bạo lực; về đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết số 35 – NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Ban Tổ chức tin rằng, với trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của quý học giả và các nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu sẽ góp phần làm cho buổi Tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp.

các tin khác