Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hai nhân tố của hàng hóa trong chủ nghĩa Mác

09:22 11/05/2017

Tư bản (tên tiếng Đức: Das Kapital) là một tác phẩm về kinh tế chính trị quan trọng của Karl Marx. Tập đầu tiên của 3 tập được xuất bản vào ngày 14 tháng 9 năm1867 và là tập duy nhất được in trong suốt cuộc đời của Marx. Cuốn sách chứa đựng những chứng minh quan trọng của Marx cho những phân tích then chốt về chủ nghĩa tư bản, hé lộ những quy luật kinh tế trong quy luật sản xuất tư bản và giải thích tại sao nó lại là tiền thân của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Mở đầu quyển sách chính là những phân tích và giải thích về hàng hóa, tế bào khởi nguyên của chủ nghĩa tư bản. Trong giới hạn của bài viết này, tác giả xin trình bày những phân tích của Marx trong mục một, chương một về hai thuộc tính của hàng hóa trong quyển tư bản.

 

     Hàng hóa theo quan điểm của Marx là giá trị sử dụng và cũng đồng thời là giá trị trao đổi. Marx giải thích rằng, trên phương diện là giá trị sử dụng, hàng hóa thỏa mãn mong muốn hoặc nhu cầu của con người như một vật hữu ích. Giá trị sử dụng của một hàng hóa được quyết định bằng việc hàng hóa đó sẽ hữu ích như thế nào. Tuy nhiên, giá trị sử dụng này không thể đo lường được. Theo Marx, giá trị sử dụng chỉ có thể được quyết định trong quá trình sử dụng hay tiêu thụ hàng hóa. Lấy ví dụ cụ thể, gạo được dùng để thổi cơm đối với bà nội trợ, nhưng đối với người làm bánh, nó là nguyên liệu để làm ra bánh. Như thế rõ ràng giá trị sử dụng của gạo không thể đo lường được vì trong những quá trình sử dụng khác nhau, nó bộc lộ tính hữu ích khác nhau.

 

     Đồng thời, Marx cũng cho rằng hàng hóa chứa đựng “giá trị trao đổi”, được biểu hiện bằng số lượng của hàng hóa khác mà hàng hóa này đổi lấy. Xem xét ví dụ của Marx về bắp và sắt. Dù mối liên hệ là thế nào thì vẫn sẽ luôn có một đẳng thức mà ở đó một số lượng nhất định của bắp sẽ có thể đổi được một số lượng nhất định của sắt. Ví dụ này có thể được áp dụng rộng rãi vào toàn bộ thế giới hàng hóa để làm nổi bật lên mối quan hệ ngang bằng cốt lõi giữa các hàng hóa. Theo Marx, giá trị trao đổi không thể được quyết định đơn giản bằng cách nhìn vào hàng hóa hay kiểm tra chất lượng tự nhiên của hàng hóa. Giá trị trao đổi này không phải vật chất mà là thước đo do con người tạo ra. Để quyết định giá trị trao đổi, phải đặt hàng hóa trong mối quan hệ trao đổi với những hàng hóa khác. Hai mặt này của hàng hóa tuy tách biệt nhưng lại liên kết nhau mà theo đó, không thể bàn luận về mặt này mà không nói về mặt còn lại. Sự khác biệt của hai giá trị này theo Marx còn ở chỗ giá trị sử dụng chỉ có thể thay đổi về chất trong khi giá trị trao đổi chỉ có thể thay đổi về lượng.

 

     Marx tiếp tục giải thích rằng giá trị trao đổi của hàng hóa chỉ đơn thuần là một biểu hiện của giá trị. Giá trị chính là thứ kết nối tất cả hàng hóa với nhau mà nhờ đó hàng hóa mới có thể được trao đổi với các hàng hóa khác. Giá trị này được biểu hiện bằng thời gian lao động xã hội cần thiết mà Marx định nghĩa là “thời gian lao động cần để sản xuất ra bất kỳ giá trị sử dụng nào dưới những điều kiện bình thường của sản xuất trong xã hội, với một mức kỹ năng trung bình và cường độ lao động trung bình trong xã hội đó”. Do đó, Marx giải thích rằng giá trị của một hàng hóa không giữ nguyên mà sẽ phát triển và biến hóa theo năng suất lao động, điều phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, giá trị không có nghĩa trừ khi nó kết nối ngược lại với giá trị sử dụng. Nghĩa là nếu một hàng hóa được sản xuất ra mà không ai muốn sử dụng, thì “lao động không được tính là lao động”, và do đó mà nó cũng không có giá trị. Nhưng ngược lại, một người có thể sản xuất ra giá trị sử dụng mà không phải là hàng hóa. Nếu người đó sản xuất ra một vật chỉ để phục vụ cho nhu cầu hoặc lợi ích riêng của bản thân thì nghĩa là anh ta đã sản xuất ra giá trị sử dụng chứ không phải là hàng hóa. Giá trị chỉ ra đời khi hàng hóa có giá trị sử dụng cho những người khác. Marx gọi đây là giá trị sử dụng xã hội.

 

     Nền sản xuất hàng hóa đã chứng tỏ được nhiều ưu thế vượt trội của nó so với sản xuất tự cung tự cấp. Ở tỉnh An Giang, khai thác được lợi thế về tự nhiên với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đất đai phì nhiêu màu mỡ, những mặt hàng chủ yếu của tỉnh nổi trội lên là lúa gạo, cá và rau màu, các sản phẩm của nông nghiệp. Trong năm năm từ 2010 đến 2015, giá trị sản xuất của ngành đã tăng từ 26 ngàn tỉ lên 39 ngàn tỉ¬(1), trong đó ngành trồng trọt tăng từ 22 ngàn tỉ lên 31 ngàn tỉ. Giá trị tăng thể hiện sự phát triển của ngành, để làm tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực này, cần áp dụng lý thuyết của Marx, khai thác hai mặt của hàng hóa là “giá trị sử dụng” và “giá trị trao đổi” – một biểu hiện của “giá trị”.

 

     Khai thác giá trị sử dụng chủ yếu là tìm ra nhiều công dụng khác của hàng hóa, ví dụ bắp non ngoài phục vụ cho các món ăn hàng ngày còn được dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, cụ thể là công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang đã có các sản phẩm như bắp non đóng hộp, bắp non tẩm bột để xuất khẩu, râu bắp non làm thành trà, v.v.. Việc phát triển nhiều món ăn mới cũng như phát triển ngành công nghiệp thực phẩm góp phần làm tăng giá trị sử dụng của các mặt hàng vốn dĩ rất bình thường.

 

     Bên cạnh khai thác giá trị sử dụng có thể khai thác tiếp giá trị trao đổi của hàng hóa. Có thể hiểu đơn giản chính là giảm giá vốn xuống so với mức giá trung bình của thị trường, điều này chính là có căn cứ từ lý thuyết của Marx. Để hàng hóa tăng sức cạnh tranh, phải liên tục giảm thời gian lao động tạo ra các mặt hàng xuống dưới mức thời gian lao động trung bình của thị trường tham gia. Ví dụ về mặt hàng cá basa chủ lực của tỉnh, để có được con cá thành phẩm phải trải qua các công đoạn đào ao, khử trùng, mua và thả cá con, đặc biệt là công chăm sóc. Với sự phát triển của khoa học hiện đại, việc đo độ pH của nước, các loại hóa chất, thuốc giúp người nuôi cá giảm bớt vất vả và thời gian chăm sóc và quy trình nuôi cá dần dần được chuẩn hóa. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với các mặt hàng khác, đặc biệt khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, cần phải liên tục cải tiến công đoạn để giảm tiếp thời gian lao động ngành từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cần chú ý việc giảm thời gian lao động phải đi liền với việc giữ nguyên hoặc tăng chất lượng sản phẩm. Ví dụ nếu vì thúc đẩy thời gian sinh trưởng của rau màu mà bón nhiều phân thuốc làm cây rau phát triển nhanh nhưng có hại cho sức khỏe thì các loại rau màu đó sẽ không cạnh tranh được với các loại rau sạch có giá cao hơn. Đây chính là đem thời gian lao động của rau không sạch so với rau sạch, như vậy dù thời gian lao động có thấp hơn, dù có cùng mặt hàng rau nhưng hai loại sạch và không sạch cũng không thể so sánh được với nhau. Chúng ta cần nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm cải tiến các phương pháp tưới tiêu trong ngành trồng trọt, các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến trong ngành chăn nuôi, nghiên cứu các loại hóa chất trừ bệnh cho nông nghiệp an toàn với môi trường và con người, không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu các biện pháp sinh học khác như sử dụng thiên địch, như vậy mới có thể giúp giảm thiểu thời gian lao động xuống mà vẫn đảm bảo cho chất lượng sản phẩm.

 

     Tất cả những gì được Marx viết trong mục một, chương một của bộ Tư bản, tập một là nhằm để phân tích những khía cạnh của hàng hóa (giá trị sử dụng, giá trị trao đổi và giá trị). Qua đây có thể thấy rằng những mặt này của hàng hóa tuy tách biệt với nhau nhưng lại liên kết vô cùng chặt chẽ. Đây là tiền đề cơ bản để có thể tiếp tục nghiên cứu những yếu tố còn lại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như lao động, tiền tệ, quy luật giá trị và đặc biệt là giá trị thặng dư cùng những biểu hiện của nó.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin điện tử An Giang, số liệu thống kê ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

2. Marx, Karl (1990) [1867]. Capital, Volume I. Trans. Ben Fowkes. London: Penguin Books.

3. Website: https://en.wikipedia.org/wiki/Capital,_Volume_I#cite_note-FOOTNOTELocke199728-4

 

Trương Thị Thanh Tuyền - Khoa LL MNL, TT HCM

Responsive image
 

 

các tin khác