Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số vấn đề quan trọng cần biết về hệ thống Pháp luật Việt Nam hiện nay

10:01 07/12/2018

     Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là một nội dung quan trong được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005  của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Vấn đề này được Bộ chính trị tiếp tục khẳng định tại Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/4/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị. Từ yêu cầu đó, bản thân nghiên cứu làm rõ "Một số vấn đề quan trọng cần biết về hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay" nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan mà mọi người, mọi công dân cần biết trong quá trình thực hiện pháp luật ở địa phương, đơn vị công tác.
    Qua bài viết này nhằm giúp người đọc hiểu rõ các vấn đề quan trọng sau:
 

 1. Hệ thống pháp luật
 

     Hệ thống pháp luật (HTPL) Việt Nam gồm tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức luật định.
 

     Nếu nói gọn hơn cho dễ hiểu thì hệ thống pháp luật gồm cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài, hay nói cách khác có 12 ngành luật hình thành hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một nội dung quan trọng, là bộ phận cấu thành hệ thống pháp luật Việt Nam.
 

     2. Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy phạm pháp luật  là văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục luật định.
 

     Trường hợp văn bản có chứa đựng QPPL, nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định thì nó không được xem là văn bản quy phạm pháp luật.
 

     Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay được quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bao gồm:

 
    Theo cách tiếp cận này thì Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, các văn bản QPPL phía dưới sẽ có giá trị pháp lý thấp hơn so với văn bản QPPL do cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) cấp trên ban hành. Nhìn vào hình tháp nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận biết văn bản QPPL nào có giá trị pháp lý cao hơn văn bản khác. Và như vậy, căn cứ nguyên tắc Nhà nước pháp quyền được quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013 thì các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan QLNN cấp dưới ban hành không được trái với văn bản QPPL của cơ quan QLNN cấp trên. Một vấn đề khác, khi nhìn vào hệ thống văn bản QPPL (hình tháp) nghe tên văn bản, chúng ta sẽ dễ dàng biết được cơ quan nào ban hành.

 

Ví dụ nói đến Nghị định, chúng ta biết ngay là do Chính phủ ban hành; nói đến Thông tư thì ta biết là do Bộ Trưởng (hoặc tương đương) ban hành.
 

     Chúng ta cần lưu ý về cách nói, cách viết hiện nay như: Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư của Bộ Tài chính,... là cách nói chưa chuẩn, chưa đúng theo quy định tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản QPPL 2015. Cách nói đúng là: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
 

3. Nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật.
 

Thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật luôn có một mẫu chung bao gồm các nội dung chính sau:
- Phạm vi điều chỉnh.
- Đối tượng áp dụng.
- Nội dung thực hiện.
- Điều khoản chuyển tiếp.
- Hiệu lực thi hành.
    

     Đây là 05 nội dung quan trọng, chúng ta cần lưu ý khi xem 01 văn bản QPPL.
    

     Trong các nội dung nêu trên, tôi xin trao đổi 01 nội dung về hiệu lực của văn bản QPPL như sau:
    

     - Đối với các văn bản QPPL của Trung ương (Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước,…) thì thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hay ngày ký ban hành.
 

     - Đối với các văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh thì thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hay ngày ký ban hành.
 

    - Đối với các văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện và cấp xã thì thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hay ngày ký ban hành.
 

     Ngoài thời điểm bắt đầu có hiệu lực nêu trên, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực từ ngày thông qua hay ký ban hành. Đồng thời, văn bản này phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng và đăng trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay Công báo tỉnh chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
 

Về hiệu lực hồi tố của văn bản QPPL
 

     Hiệu lực hồi tố là hiệu lực trở về trước của một văn bản quy phạm pháp luật, trước thời điểm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích chung của tổ chức, cá nhân và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương mới được quy định hiệu lực hồi tố.
 

- Lưu ý: Không được quy định hiệu lực hồi tố trong các trường hợp:
 

+ Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý.
 

+ Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
 

- Hiệu lực hồi tố chỉ được áp dụng với văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương (Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước,…). Các văn bản quy phạm pháp luật cấp địa phương không được áp dụng hiệu lực hồi tố.
 

- Về việc ngưng hiệu lực thi hành văn bản QPPL:
 

Một văn bản quy phạm pháp luật bị ngưng hiệu lực thi hành khi thuộc một trong các trường hợp sau:
 

+ Bị đình chỉ thi hành.
 

+ Bị ra quyết định bãi bỏ.
 

+ Quyết định ngưng hiệu lực thi hành trong một thời hạn nhất định để giải quyết vấn đề về kinh tế xã hội phát sinh.
 

Thời điểm ngưng hiệu lực phải được quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đình chỉ thi hành hành, quyết định xử lý văn bản phải được đăng Công báo và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, chậm nhất 03 ngày kể ngày ra quyết định.
 

- Các trường hợp văn bản QPPL hết hiệu lực thi hành:
 

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành khi thuộc một trong các trường hợp sau:
 

+ Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.
 

+ Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
 

+ Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Đây là quy định mới tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, là một bước tiến trong việc hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam một cách trật tự, quy củ.
    

Trên đây là vài ý kiến trao đổi bản thân mong góp phần làm rõ một số nội dung quan trong cần biết về hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay./.

Vũ Quang Hưng _ Khoa Nhà nước & pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác