Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đề dẫn Hội thảo: "50 năm cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh An Giang thực hiện Di chúc Bác Hồ"

11:20 17/12/2019

Sáng ngày 30-8-2019, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức hội thảo "50 năm cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh An Giang thực hiện Di chúc Bác Hồ.

Trong những ngày tháng tám đầy ý nghĩa này, cả nước đang tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả nước đón chào năm học mới. Hôm nay, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh năm 2019 với chủ đề :“50 năm cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh An Giang thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Đây là đợt sinh hoạt khoa học, chính trị sâu rộng, làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cốt lỗi trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định tầm vóc vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc đối với sự nghiệp cách mạng của  nước ta nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Cách đây nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã yên nghỉ lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Trước khi từ biệt thế giới này để “đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá, được xếp vào hàng bảo vật quốc gia; kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. 

Trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta thì Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn không chỉ trong giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Thời gian càng lùi xa càng khiến chúng ta nhận ra rằng, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết tư tưởng của Bác trong Di chúc. Khi thực tiễn đặt ra những thử thách mới, giở lại Di chúc, chúng ta thấy rõ những lời chỉ dẫn ngay trong những câu chữ quen thuộcĐó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược con người; kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế…của một con người có trí tuệ mẫn tiệp, có tầm nhìn xa, trông rộng, mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Di chúc là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị trong thời gian tương đối dài, từ năm 1965 đến năm 1969, trong đó tổng kết những quan điểm, tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư cũng như mong mỏi, hy vọng của Người.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta, đi vào cõi vĩnh hằng và để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử thiêng liêng, bất hủ. Di chúc của Người vẫn là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên, mãi mãi soi sáng con đường đi tới vinh quang và thắng lợi của dân tộc ta, non sông, đất nước ta.

Trước hết, Di chúc thể hiện tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với các nước anh em và bầu bạn khắp năm châu“Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. 

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, điều đầu tiên mà Bác Hồ quan tâm, đó là căn dặn Đảng ta là phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để có đủ sức mạnh và uy tín của người cầm lái, dẫn đường cho quần chúng hướng theo. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Theo Bác, muốn có được sự đoàn kết chân thành và thực sự lâu dài thì phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt, Đảng phải chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Nói về đoàn viên và thanh niên, Bác nhấn mạnh, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Nói về nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân; nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Vì vậy, trong Di  chúc Bác căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, Bác Hồ căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo cho mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lưc cánh sinh”. Đối với nông dân - một lực lượng đông đảo, động lực lớn của cách mạng, là những người đã góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đề nghị miễn thuế một năm để đồng bào phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.  Đối với phụ nữ, Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để “bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo”; đồng thời, Người yêu cầu bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho mình.

Về phong trào cộng sản thế giới, Bác bày tỏ sự đau lòng vì sự bất hòa của các đảng anh em. Bác mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình.

Nói về một số việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người căn dặn “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Đã 50 năm trôi qua từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa cũng là 50 năm toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng thực hiện Di chúc của Người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng  sản Việt Nam, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh An Giang cùng với cả nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải  phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang 50 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang khắc sâu lời dạy của Bác, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, không ngại hy sinh gian khổ, góp phần cùng với cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ biên giới, cùng cả nước đi lên CNXH để thỏa lòng mong ước của Người. Bước vào giai đoạn phát triển mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân An Giang tiếp tục ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện giải phóng con người. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ An Giang luôn đặc biệt quan tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội; thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như mong ước của Bác,v.v..

Vào những ngày tháng này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tổ chức tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (2/9/1969 - 2/9/2019). Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục ghi tạc và tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay nhìn lại những công việc đã làm, những thành tích và cả những thiếu sót, những kinh nghiệm, những bài học để báo cáo với Bác, ôn lại một chặng đường đã qua để có thêm nghị lực, niềm tin tiếp bước trên con đường Bác Hồ đã chọn.

Với ý nghĩa cao đẹp đó, trong Hội thảo hôm nay, Ban tổ chức rất mong các nhà khoa học, quý vị đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ để trao đổi, làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 50 năm cán bộ, đảng viên và nhân dân An Giang thực hiện Di chúc Bác  Hồ. Trong đó, tập trung đi sâu phân tích, thảo luận nhằm làm sáng tỏ thêm những vấn đề chủ yếu sau đây:

1. Hoàn cảnh ra đời, những giá trị lý luận và thực tiễn trong Di chúc.

2. Tầm nhìn thời đại trong Di chúc của Bác.

3. Hồ Chí Minh nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

4. Lời dặn của Bác về Đảng với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

5. Quan điểm của Hồ Chí Minh về đoàn viên, thanh niên – những vấn đề lý luận và thực tiễn.

6. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và vận dụng vào giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ của tỉnh An Giang hiện nay.

7. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với công tác chăm lo đời sống cho nhân dân ở tỉnh An Giang hiện nay.

8. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua Di chúc đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.

9. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân và dân chủ gắn với thực hiện Chuyên đề năm 2019.

10. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế - những bài học kinh nghiệm.

11. Giá trị nhân văn và văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh qua Di chúc – những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra.

12. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho đời sau – những vấn đề đặt ra cho cán bộ, đảng viên học tập và làm theo.

13. Hồ Chí Minh về vấn đề môi trường – ý nghĩa thực tiễn trong việc định hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường ở An Giang trong giai đoạn mới.

14. Những kết quả tiêu biểu, điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong học tập và làm theo Di chúc của Bác đối với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực, từng cá nhân cụ thể.

15. Xác định yêu cầu, giải pháp, biện pháp, đề xuất, kiến nghị có hiệu quả nhằm tiếp tục thực hiện tốt Di chúc trong những năm tới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới, hướng tới thực hiện thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Với chủ đề có ý nghĩa thời sự sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, qua hơn một tháng triển khai Kế hoạch hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài địa phương. Chúng tôi vô cùng phấn khởi và vui mừng nhận được 125 tham luận gởi đến hội thảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, quý thầy cô, giáo của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước. Chúng tôi trân trọng và đánh giá rất cao những nỗ lực nghiên cứu và đóng góp quý báu của các tác giả trên nhiều phương diện khác nhau liên quan đến chủ đề hội thảo. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian và dung lượng của bản kỷ yếu hội thảo, ban tổ chức chỉ chọn 116 bài in Kỷ yếu, trong đó chọn lọc 13 bài tham luận có tính chất đại diện để phát biểu trong Hội thảo. Ban Tổ chức xin chân thành cảm ơn tất cả các tác giả đã quan tâm gửi bài đến Hội thảo, các đại biểu tham dự và báo cáo tham luận tại Hội thảo hôm nay.

Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin ghi nhận và chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương, cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ, công chức, viên chức đã đóng góp công sức, trí tuệ cho Hội thảo được diễn ra theo đúng kế hoạch hôm nay./.

các tin khác