Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Sử dụng “Powerpoint” vào quá trình giảng dạy Lý luận Chính trị tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

10:10 05/03/2020

Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường vừa qua về số lượng và chất lượng đã được nâng lên; có nhiều đổi mới trong việc quản lý và đào tạo.

Trong dạy và học, đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Lực lượng giảng viên không ngừng tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu, tự trưởng thành trong chuyên môn. Với tinh thần trách nhiệm, năng lực và lòng yêu nghề, đội ngũ giảng viên đã dần lớn mạnh, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, vừa có trí tuệ cao, tư duy sâu sắc và trình độ nghiệp vụ sư phạm giỏi.

Trường cũng quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng động cơ và ý thức học tập của học viên. Cụ thể: việc sử dụng chương trình PowerPoint trong bộ phần mềm Microsoft Office, có nhiều công cụ, hiệu ứng phục vụ cho việc thiết kế, trình bày bài giảng với nhiều tính năng đa dạng, phong phú, sinh động. Hầu hết giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng sử dụng chương trình PowerPoint vào giảng dạy. Đó là nhờ nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư trang bị đầy đủ: máy chiếu (Projecter) tại các phòng họp, phòng học để phục vụ và nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Qua các bài giảng của các giảng viên cho thấy, việc sử dụng chương trình PowerPoint trong giảng dạy có những ưu điểm sau:

Giảng viên đã sử dụng kết hợp phương pháp truyền thống với các phương tiện hiện đại, đem lại hiệu quả thiết thực. Vì việc sử dụng chương trình tiện ích PowerPoint vào giảng dạy (sau này gọi là bài giảng hoặc giáo án “PowerPoint”) giúp cho giảng viên có thể sơ đồ hóa những nội dung kiến thức, lồng ghép chiếu phim tư liệu, hình ảnh minh họa, giúp bài giảng sinh động hơn.

Thông qua việc neo chốt kiến thức của từng bài giảng, giúp học viên nắm vững kiến thức hơn. Việc trình chiếu bài giảng “PowerPoint”, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, các bài giảng của nhiều giảng viên khá tốt làm cho sự tương tác giữa người dạy và người học (người học và người dạy) hấp dẫn, hiệu quả hơn; giảng viên thuận lợi trong việc bổ sung, chỉnh sửa và cập nhật kiến thức mới vào bài giảng.

Việc sử dụng thiết bị hiện đại vào giảng dạy đã tạo hứng thú cho người học, giảm bớt nội dung thuyết trình của giảng viên. Từ đó có điều kiện tăng cường trao đổi, thảo luận, giao tiếp với học viên trên lớp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bản thân nhận thấy một vài vấn đề đặt ra trong việc sử dụng bài giảng “PowerPoint” như sau:

Một là, sự phân biệt phương pháp và phương tiện giảng dạy chưa rõ ràng. Một số ít giảng viên cho rằng sử dụng PowerPoint là đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Trên thực tế, việc sử dụng chương trình PowerPoint chỉ là phương tiện hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy hiện đại; giảng viên phải chuẩn bị nội dung để lý giải cho hình ảnh đưa lên các trang trình chiếu sao cho người học “dễ nhớ, dễ hiểu”, nắm kiến thức của bài học một cách có hệ thống, từ đó tạo động cơ học tập cho người học.

Hai là, thiếu phù hợp trong sử dụng chương trình PowerPoint. Để mang lại hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy, việc sử dụng chương trình PowerPoint phải căn cứ vào đặc điểm của từng bài giảng, số lượng học viên, thời gian trình bày... ngược lại, hiệu quả sẽ thấp. Đồng thời, để đánh giá đúng các đặc điểm này lại cần có kinh nghiệm thực tiễn đứng lớp.

Đây cũng là hạn chế của giảng viên trẻ. Đó là vì màu sắc, hình ảnh, phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền... không phù hợp, thậm chí trong một trang trình chiếu có quá nhiều chữ, nhiều hiệu ứng làm cho học viên chỉ chú tâm đọc chữ và ghi chép mà không nghe giảng viên giải thích, phân tích. Hoặc trong trang trình chiếu có nhiều hình ảnh động sẽ làm cho người học mất tập trung.

Hoặc hiển thị trang trình chiếu rồi thuyết trình trang chiếu đó bằng chữ, ít sơ đồ hóa, bảng biểu minh họa và không áp dụng phương pháp hiện đại khác như: đặt câu hỏi phát vấn, giao lưu với học viên, bài tập nhóm… như vậy kết quả sẽ không cao.

Ba là, một số giảng viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều. Khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, không ít giảng viên lo lắng, băn khoăn việc sử dụng những phương pháp mới có thể không thành công bằng phương pháp cũ; có giảng viên quá phụ thuộc vào bài giảng “PowerPoint” nên trong quá trình giảng dạy có sự cố xảy ra, ví dụ như mất điện, máy vi tính hỏng thì giảng viên còn lúng túng, thậm chí bị động trong việc chuyển sang dạy giáo án thông thường.

Bốn là, việc sử dụng chương trình PowerPoint trong giảng dạy còn gặp khó khăn. Như: kỹ năng sử dụng PowerPoint của một vài giảng viên chưa nhuần nhuyễn và giảng viên phải có một giáo án truyền thống đầy đủ, sau đó mới có thể chuẩn bị giáo án trên môi trường PowerPoint, cho nên việc soạn một bài giảng “PowerPoint” tốn nhiều thời gian, từ khâu chuẩn bị đến khâu thực giảng trên lớp.

Từ sự nhìn nhận thực trạng trên, để sử dụng chương trình PowerPoint hiệu quả hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, bản thân xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, giảng viên cần lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án “PowerPoint”.

Trên thực tế, tất cả các bài giảng đều có thể soạn dưới dạng giáo án “PowerPoint” nếu giảng viên sử dụng trình chiếu để thay thế bảng đen. Tuy nhiên, việc kết hợp sử dụng giữa các trang trình chiếu (Slide) và bảng đen mang lại hiệu quả cao hơn cho quá trình diễn giảng của giảng viên.

Đồng thời, trong một bài giảng, cũng không nhất thiết phải soạn dưới dạng giáo án “PowerPoint” cho tất cả các nội dung mà có thể chỉ lựa chọn những nội dung phù hợp.

Thứ hai, đảm bảo các yêu cầu cơ bản phải có của một giáo án “PowerPoint”. Đó là lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các trang trình chiếu của bài giảng. Sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng (như: Times New Roman và Calibri (Body)), không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ. Việc sử dụng phông chữ không hợp lý có thể vừa làm cho học viên khó theo dõi, vừa làm mất đi tính nghiêm túc, chính thống của một bài giảng lý luận chính trị.

Đồng thời, trong một bài giảng, một trang trình chiếu nên sử dụng duy nhất một phông chữ, cỡ chữ. Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ (cỡ chữ-Font size: khoảng 32-36). Đối với các lớp học có số lượng tương đối đông (khoảng từ 70 học viên trở lên), hội trường rộng, chọn cỡ chữ sao cho mỗi trang trình chiếu chỉ từ 5 đến 10 dòng.

Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Background Fill Color) của các trang trình chiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Trong một trang trình chiếu không nên chọn quá nhiều màu chữ (nên chọn từ 01 đến 03 màu là phù hợp).

Về màu nền của trang trình chiếu: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng.

Thứ ba, cần phải coi trọng khâu chuẩn bị (từ chuẩn bị: bút cuộn trang trình chiếu, pin, các loại cáp kết nối và chuyển đổi,… cho đến khâu phòng học có màn hình chiếu hoặc Tivi). Giảng viên có giáo án “PowerPonit” cần tìm hiểu tình hình lớp học, từ đó điều chỉnh giáo án cho phù hợp. Khi lên lớp giảng nên đi sớm 15 phút, chuẩn bị các dụng cụ, máy móc rồi đúng giờ là bắt đầu giảng, tránh tình trạng đúng giờ mới vào lớp rồi loay hoay chỉnh máy có khi mất cả 15-20 phút sau đó mới giảng sẽ tạo ấn tượng không tốt cho người học.

Thứ tư, cần nắm kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu. Khi trình chiếu bài giảng “PowerPoint”, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định, xuất phát từ một số nguyên nhân như: giữa máy vi tính và Projector không tương thích; cổng máy chiếu bị hỏng, lỏng… nên không kết nối được máy vi tính; thiết lập chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu và tiêu cự không hợp lý.

Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án “PowerPoint”, giảng viên cần phải được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố. Đồng thời, giảng viên cần nắm chắc cả hai loại giáo án thông thường và giáo án “PowerPoint”, nếu có sự cố xảy ra thì giảng viên vẫn làm chủ được bài giảng của mình, tránh tình trạng bị động, mất bình tĩnh.

Thứ năm, cần thu nhận thông tin phản hồi.

Mỗi bài giảng cho dù được thể hiện tốt đến đâu cũng cần có sự tiếp thu ý kiến phản hồi để ngày càng hoàn thiện hơn. Do vậy sau khi giảng dạy, cần trao đổi, lĩnh hội sự đóng góp của các giảng viên trong khoa, trong trường, lấy ý kiến học viên để điều chỉnh bài giảng phù hợp hơn.

Việc sử dụng “PowerPoint” trong hoạt động giảng dạy là cần thiết và đem lại hiệu quả cao. Không thể phủ nhận vai trò, tính ưu việt của giáo án “PowerPoint” nhưng cần phải kết hợp hài hòa với phấn trắng, bảng đen. Trên là một vài ý kiến để xây dựng giáo án “PowerPoint” tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Đỗ Tiến Khoa - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác