Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Cho vay nặng lãi và hậu quả pháp lý

08:47 05/03/2019

Vay mượn tiền là một loại giao dịch dân sự rất phổ biến trong đời sống xã hội. Trong thời gian gần đây, báo chí hay đề cập đến hoạt động cho vay nặng lãi và tín dụng đen gây bất ổn trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là vay nặng lãi, thế nào là cho vay với lãi suất thông thường để không vi phạm pháp luật. Do đó, tìm hiểu về cho vay nặng lãi và hậu quả pháp lý của nó sẽ giúp cho chúng ta chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh và góp phần tuyên truyền pháp luật trong nhân dân.

Hoạt động cho vay-mượn tiền là một dạng của giao dịch dân sự, là hành vi được pháp luật thừa nhận và được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (điều 116 BLDS). Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, thỏa thuận cho vay tiền của hai bên có thể lập thành văn bản hoặc chỉ bằng lời nói.

Căn cứ trên tính chất của hoạt động cho vay tiền, loại giao dịch này được xem như là hình thức của hợp đồng vay tài sản và được điều chỉnh tại điều 463 Bộ luật Dân sự. Theo đó, vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả lại đúng số tiền cho bên cho vay và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận. Về nguyên tắc, lãi suất vay là do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 điều 468 BLDS, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định (tức là lớn hơn 20%/năm) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng. Nếu các thỏa thuận vượt quá mức lãi suất trên khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép, phần lãi suất vượt quá sẽ không được thừa nhận và không được bảo vệ. 

Tuy Bộ luật Dân sự có quy định rõ về mức lãi suất tối đa nhưng trên thực tế lãi suất giao dịch vay mượn tiền trong nhân dân thường diễn ra tự do, không chú ý đến các quy định của pháp luật. Người đi vay tiền do nhu cầu riêng nên đôi khi chấp nhận mức lãi suất bên cho vay đề ra mà không biết quyền lợi của mình cũng được pháp luật bảo vệ. Đối với những người cho vay, nếu áp đặt mức lãi suất quá cao thì giao dịch của họ không còn mang tính chất quan hệ dân sự bình thường mà đã vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Căn cứ những quy định trên, pháp luật hình sự quy định tội cho vay lãi nặng (không phải nặng lãi) cấu thành tội phạm khi có đủ các yếu tố sau:

  • Về khách thể của tội phạm

“Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân.

  • Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

  • Về mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.

  • Về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng thể hiện ở một trong các trường hợp sau:

+ Trường hợp 1: Cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, tức là từ 100%/năm trở lên (hoặc 1,666%/tháng x 5 lần = 8,33% /tháng trở lên) thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này.

+ Trường hợp 2: Cho vay lãi gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Trường hợp 2 nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự và người cho vay trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì hành vi này đã có dấu hiệu của tội phạm mà không cần đến điều kiện kèm theo là phải thu lợi bất chính đến 30.000.000 đồng. 

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao. Đối với tội cho vay lãi nặng, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tương tự như vậy, số lượng tiền cho vay nhiều hay ít cũng không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản.

  • Về hình phạt:

Điều 201 Bộ luật hình sự quy định 02 khung hình phạt, cụ thể:

+ Người phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

+ Người phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

+ Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Như vậy về hình phạt, mức phạt tù cao nhất đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 03 năm tù hoặc phạt tiền tối đa lên đến 1.000.000.000 đồng.

          Trên đây là những quy định cơ bản của pháp luật dân sự và pháp luật hình sự về hành vi cho vay. Trong các hoạt động của đời sống xã hội, Nhà nước luôn khuyến khích cho vay tiêu dùng để phát triển kinh tế, tuy nhiên pháp luật chỉ bảo vệ đối với các giao dịch cho vay hợp pháp, nghiêm trị đối với những hanh vi cho vay bất hợp pháp. Mọi người nên tìm hiểu những quy định trên để đảm bảo thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh./.

Th.s Phan Thị Hoàng Mai - Khoa Nhà nước – pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác