Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những bài học thực tiễn và sự vận dụng đổi mới, sáng tạo của Đảng

02:40 22/01/2020

Thực tiễn cách mạng sinh động là căn cứ để Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức và điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong đường lối, để đường lối mới của Đảng phù hợp hơn với thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng hướng, phù hợp với quy luật. Sau 90 năm, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.

Những năm 1925-1929, với sự hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ của lớp cán bộ đư­ợc Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu, Trung Quốc rồi trở về nư­ớc hoạt động, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bư­ớc phát triển nhảy vọt và hình thành nên những tổ chức cộng sản đầu tiên. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930). Với uy tín của mình trong phong trào cách mạng, những phân tích sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc đã thuyết phục được các đại biểu dự hội nghị về yêu cầu cần có một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo cuộc đấu tranh. Từ mùa xuân năm 1930, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã đoàn kết thống nhất h­ướng tới một mục tiêu chung.

Trong những năm 1936-1939, từ thực tiễn cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những chuyển biến trong tư duy lý luận và những điều chỉnh trong chỉ đạo phong trào cách mạng, bảo đảm phù hợp với những biến đổi của tình hình, dần trở lại tương đồng với những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc đã nêu trong “Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt” từ đầu năm 1930. Sự thay đổi chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939) và Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) của Đảng đã phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, giành được thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.Việc xác định đúng mâu thuẫn cơ bản ở các nước thuộc địa nói chung, ở Việt Nam nói riêng liên quan chặt chẽ đến việc xác định đối tượng, nhiệm vụ cách mạng và xây dựng lực lượng để thực hiện nhiệm vụ đó. Trong các văn kiện thông qua tại hội nghị thành lập Đảng, khi phân tích về tính chất xã hội, mâu thuẫn giai cấp và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều sáng tạo trong việc phân chia giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản Việt Nam thành các tầng lớp khác nhau để có đối sách đúng đắn, phù hợp với từng đối tượng, trong từng giai đoạn cách mạng. Cư­ơng lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo tuy vắn tắt nhưng nêu đư­ợc những vấn đề cơ bản về đ­ường lối của cách mạng Việt Nam-trong đó, những điểm sáng tạo thể hiện rõ ở tinh thần: Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chống đế quốc và tay sai. Theo Người, tính chất cách mạng ở Việt Nam là cách mạng dân chủ mới, vì vậy, động lực cách mạng gồm có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tiểu tư sản. Trong từng thời kỳ cụ thể và ở một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng. Tuy nhiên, những luận điểm sáng tạo về cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện cô đọng trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, từng bị Quốc tế Cộng sản phê phán là hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, coi nhẹ đấu tranh giai cấp và liên minh công nông...

 Sự nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế mang tính chất thuần nhất xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến việc đẩy nhanh việc thực hiện cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tập thể hóa nông nghiệp ở miền Nam một cách ồ ạt, vội vã sau ngày đất nước thống nhất. Kết quả thu được không như mong muốn của những người tổ chức và thực hiện. Mô hình, cơ cấu kinh tế không phù hợp được đặt trên nền sản xuất xã hội nghèo nàn, lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề chưa kịp hồi phục, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc ở Việt Nam trong những năm 70-80 của thế kỷ 20. Trước thực tế không mong muốn đó, Đảng ta đã điều chỉnh đường lối lãnh đạo cách mạng của mình.

Từ Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới. Việc xác định đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng, căn cứ vào những điều kiện cụ thể để lựa chọn bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; có những giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn. Thành công đó được đánh giá là “kỳ diệu”, thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tác giả Đặng Phong, nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế hiện đại Việt Nam có uy tín, chuyên gia nghiên cứu thời kỳ đổi mới, đã viết: “Đổi mới là một chặng đường đầy những thử nghiệm và khai phá gian nan, đầy những khó khăn, vấp váp, rồi chính từ đó mới bật ra những bước sáng tạo, bứt phá. Đó cũng là một quá trình vừa đi vừa phải tìm đường, điều chỉnh, đấu tranh với cái cũ, với chính mình, thuyết phục nhau, chờ đợi nhau, rồi từng bước đi tới đồng thuận. Đó chính là vẻ đẹp của lịch sử, cũng là vẻ đẹp của những con người làm nên lịch sử”.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm, vẫn đang tiếp tục và đi vào chiều sâu trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện tại, Đảng vẫn cần phải nhận rõ và chiến thắng nhiều kẻ thù “nội xâm”, đó là nghèo nàn, dốt nát, tham nhũng, suy thoái môi trường tự nhiên và cả môi trường văn hóa-xã hội; sự biến chất, suy đồi đạo đức cá nhân... Những diễn biến nhanh chóng của tình hình quốc tế cũng đòi hỏi Đảng phải nhạy bén, tìm tòi nghiên cứu để đường lối của Đảng kịp thời đáp ứng những yêu cầu chuyển biến của tình hình. Những bài học kinh nghiệm về việc xác định đúng đối tượng, nhiệm vụ và lực lượng của cách mạng-cả trong tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như trong những giai đoạn cụ thể, ngắn hạn, càng có ý nghĩa trong hiện tại, khi cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, nguy cơ.

Thiên Phương - QĐND

các tin khác