Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

04:25 16/05/2017

Ngày 25 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ngày 09 tháng 7 năm 2015, Chủ tịch nước ký Lệnh số 11/2015/L-CTN về việc công bố Luật. Luật gồm 10 chương, 98 điều, có hiệu lực từ ngày 01/9/2015. Sau đây là một số điểm mới cơ bản của Luật này.

 

     Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này đã kế thừa và phát triển các quy định trong các luật bầu cử hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp mới, khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

     Điểm mới trong Luật này là trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây.

 

     Điểm mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này là số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

 

     Cùng với đó, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

 

     Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định mới trong Hiến pháp 2013. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Luật bầu cử lần này quy định cụ thể ba nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia: nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với công tác bầu cử; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ trình Quốc hội kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chương này cũng quy định về nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên và bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia; quy định về cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử, và thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

 

     Điểm mới trong Luật là mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc.

 

     Về nguyên tắc bỏ phiếu và trình tự bỏ phiếu. Luật giữ nguyên quy định về thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày thay vì không được quá mười giờ đêm như Luật cũ. Quy định này nhằm đảm bảo kết quả kiểm phiếu của các khu vực bầu cử không tác động đến việc bầu cử của khu vực bỏ phiếu khác.


Theo Thông tin Công tác tư tưởng số 03/2016 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

các tin khác