Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

04:20 16/05/2017

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam đã được đặt ra từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Nhiều nội dung quan trọng đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp 1959 khẳng định Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

 

     Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất về mặt nhà nước và về pháp luật (1976), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đều khẳng định nhà nước ta là nhà nước chuyên chính vô sản của nhân dân lao động, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Luận điểm này phù hợp với lý luận Mác-Lênin về xây dựng nhà nước ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

     Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong các Văn kiện của Đảng đã phản ánh quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ, đúng đắn, cụ thể và toàn diện về các giá trị tiến bộ, nhân văn của tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Đồng thời cũng nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 

     Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2001 là giai đoạn đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về các mặt. Các tiền đề kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội và quốc tế đã thúc đẩy sự nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về những tư tưởng, quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm tòi xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh ở Việt Nam.

 

     Trong nhận thức của Đảng ta, có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng ta đã tiếp cận dần đến nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền ở những điểm chủ yếu sau:

 

     - Xây dựng nhà nước pháp quyền là mục tiêu cần hướng tới của xã hội văn minh, nó gắn liền với quyền dân chủ của công dân.

 

     - Tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền rất đa dạng, song, đều thống nhất ở những đặc trưng cơ bản như: Hiến pháp và pháp luật giữ vị trí tối thượng; bộ máy nhà nước chịu sự ràng buộc của chính pháp luật do nhà nước đặt ra, trách nhiệm qua lại giữa nhà nước và công dân; phân công và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực…

 

     - Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với quan niệm không phải là một kiểu nhà nước tương ứng với một hình thái kinh tế - xã hội của xã hội có giai cấp, cũng không phải là một hình thức nhà nước theo quan niệm từ trước đến nay. Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức thực hiện quyền lực.

 

     Khái quát quá trình thực hiện việc cải cách bộ máy nhà nước theo đường lối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nêu: “Khuyết điểm lớn là đến nay chưa thực hiện được cuộc cải cách cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước như Đại hội VI đã đề ra”, vì vậy, Đảng ta xác định: “Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo phương hướng: Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhưng phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, quản lý”.

 

     Sau đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) đã chính thức đưa vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền vào văn kiện của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong Văn kiện quan trọng của Đảng chính thức nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Với cách thể hiện trong Văn kiện này, tư tưởng về nhà nước pháp quyền Việt Nam đã có bước phát triển rõ nét và toàn diện. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam trở thành chủ trương có tầm chiến lược, bao trùm toàn bộ tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trở thành định hướng cho toàn bộ quá trình và nội dung đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước.

 

     Trong sự phát triển mạnh mẽ nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đánh dấu bước phát triển quan trọng của lý luận về xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hội nghị này là Hội nghị chuyên đề bàn về nhà nước và được chuẩn bị rất công phu, có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu khoa học. Hội nghị đã ra Nghị quyết về việc “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”.

 

     Như vậy, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) tuy không chỉ ra nhiệm vụ cụ thể về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhưng đã coi việc xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong năm nguyên tắc xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và gắn với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; quản lý xã hội bằng pháp luật.

 

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6-1996) tiếp tục khẳng định lại năm quan điểm và các nhiệm vụ kiện toàn bộ máy nhà nước mà Đảng ta đã nêu ra trước đó. Nghị quyết thứ nhất của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” tiếp tục phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân[ ].

 

     Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhận thức về nhà nước pháp quyền đã được khẳng định, được coi là một chủ trương có tính chất chiến lược, lâu dài. Nhà nước pháp quyền, xét về cơ sở nhận thức và cơ sở thực tiễn, đã có chỗ đứng ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội IX khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”.

 

     Đại hội cũng xác định: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng” là nhiệm vụ bao trùm, chi phối các nhiệm vụ khác.

 

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X cũng khẳng định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

 

    Quá trình tiếp cận, nhận thức của Đảng ta về nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một quá trình gắn liền với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

 

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định, trong hoàn cảnh mới “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với Nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân…”.

 

     Khái quát lý luận của Đảng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể rút ra những điểm chủ yếu sau đây:

 

     Thứ nhất, Đảng ta luôn khẳng định bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân, bao nhiêu lợi ích đều vì Nhân dân, bao nhiêu quyền hành đều của Nhân dân.

 

     Thứ hai, Đảng ta xác định rõ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

     Thứ ba, Đảng ta khẳng định vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tính tối cao của Hiến pháp và luật trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cũng tiếp tục khẳng định vai trò của đạo đức và các quy tắc xã hội khác. Nhiệm vụ đề ra là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Hiến pháp, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

     Thứ tư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, khẳng định và thực hiện trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan nhà nước và công dân, tăng cường thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tiếp tục thể chế hóa bằng pháp luật, chủ trương dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội.

 

     Thứ năm, xác định trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước trong việc thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

 

     Thứ sáu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Luận điểm này thể hiện quá trình phát triển liên tục không ngừng về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

 

     Lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta đang còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại và dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới tư duy chính trị, mà trước hết là tư duy về hoạt động của bộ máy nhà nước. Hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được thành tựu to lớn trong đổi mới hoạt động của Nhà nước, song xét một cách khách quan thì bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động chưa thực sự có hiệu lực, hiệu quả và còn nhiều khuyết tật trong đạo đức công quyền, mà ở đây biểu hiện rõ nhất là sự tồn tại của cơ chế “Xin - cho”, “Trên bảo dưới không nghe”, tham ô, tham nhũng còn khá phổ biến.

 

     Để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền thì việc nghiên cứu để kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những nhà tư tưởng tiến bộ của nhân loại về nhà nước pháp quyền là hết sức cần thiết. Trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, lý luận Mác-Lênin và quan niệm hiện nay, có thể rút ra một số điểm chủ yếu về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Nhà nước pháp quyền, mà nhân dân giữ vai trò chủ thể gốc; nhà nước cộng hòa dân chủ theo chế độ pháp quyền; quần chúng nhân dân phải được chính thức hóa, pháp luật hóa, hiện thực hóa; nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền công dân và quyền con người; nhà nước tạo ra cơ chế, thiết chế bảo đảm dân chủ; nhà nước tổ chức theo nguyên tắc phân quyền; nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đối với Việt Nam, để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền phải chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất: Phát triển kinh tế thị trường và xã hội dân sự theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

 

ThS. Nguyễn Xuân Hằng -  Khoa Nhà nước và Pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác