Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số thành tựu trong công tác đối ngoại ở An Giang trong thời gian qua

09:38 29/11/2018

     An Giang là một tỉnh đầu nguồn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh ở biên giới Tây Nam. Là trung tâm kinh tế thương mại và dịch vụ, có vị trí rất thuận lợi giao thương hàng hóa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quốc gia Campuchia - Lào - Thái Lan. Nằm giữa 3 thành phố lớn là Tp. Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh của Việt Nam và Tp. PhnomPênh của Campuchia.
 

     Với lợi thế đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã rất quan tâm đến công tác đối ngoại, hoạt động đối ngoại thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
 

     1. Một số kết quả đạt được trong công tác đối ngoại thời gian qua
 

     Đến 2017, Tỉnh đã có mối quan hệ với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng và giữ vững mối liên hệ với các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương chủ động, tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức thương mại, hợp tác quốc tế của các nước như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)… tận dụng hiệu quả các nguồn ngoại lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

1.1. Quan hệ hợp tác với hai tỉnh Takeo và Kandal
 

    Với đường biên giới dài gần 100 km tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal của Vương quốc Campuchia, bao gồm 5 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới (có 2 cửa khẩu quốc tế: Tịnh Biên, Vĩnh Xương; hai cửa khẩu chính: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông; một cửa khẩu phụ Bắc Đại) (Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang, 2013, tr.5). Vì vậy, trong các mối quan hệ đối ngoại, An Giang đặc biệt quan tâm đến quan hệ hợp tác với hai tỉnh bạn.
 

     Trên cơ sở thực hiện thông cáo chung tại cuộc họp giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia trong năm 2012, Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia 1983 và thông cáo báo chí 1995 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia. Tỉnh ủy An Giang đã kịp thời chỉ đạo việc phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác với hai tỉnh bạn Campuchia trong công tác phòng chống tội phạm, vượt biên trái phép, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các phần tử xấu nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng biên giới và các cá nhân, tổ chức qua lại biên giới triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác đầu tư, trao đổi hàng hóa, khám trị bệnh, du lịch và thăm thân nhân…
 

    Thời gian qua, An Giang luôn quan tâm duy trì công tác trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan đối ngoại của tỉnh Takeo, Kandal nhằm mục đích thông báo kịp thời các vụ việc phát sinh trên biên giới, qua đó xử lý hiệu quả đảm bảo đúng quy định pháp luật của mỗi nước trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Thống nhất chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tuyên truyền chính sách pháp luật về biên giới của hai nước cho nhân dân vùng biên giới nhằm tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến công tác quản lý biên giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cùng nhau xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
 

    Công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh cũng được quan tâm và triển khai từ năm 2006. Theo Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985, tuyến biên giới An Giang xác định tổng số 46 cột mốc tương đương 48 vị trí mốc có số hiệu từ 241 đến 286. Đến nay đã xác định được 35/46 cột mốc, hoàn thành cắm mốc với tỉnh Takeo (năm 2014), các vị trí mốc còn lại giáp với tỉnh Kandal sẽ tiếp tục được xác định với sự phối hợp của phía bạn Campuchia theo chỉ đạo thống nhất của Ủy ban liên hợp về phân giới cắm mốc hai nước Việt Nam – Campuchia (Tỉnh ủy An Giang, 2015, tr.181). Đây là thành tích đáng kể trong việc ổn định biên giới giữa hai nước tạo điều kiện cho nhân dân an tâm sản xuất, là tiền đề cho việc thực hiện các dự án thuộc khu kinh tế cửa khẩu, công trình phát triển kinh tế và quốc phòng.
 

    1.2. Công tác ngoại giao kinh tế
 

    An Giang rất chú trọng tăng cường công tác ngoại giao kinh tế; triển khai có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; kết nối hợp tác về khoa học công nghệ, về giáo dục và đào tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh công tác vận động, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI.
 

     Ngoài ra, công tác ngoại giao kinh tế cũng được phát huy thông qua việc xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức đoàn công tác làm việc tại nước ngoài như Nhật Bản, Hà Lan, Israel, Úc, Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Cụ thể như An Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố Oss, Hà Lan, mở ra triển vọng hợp tác giao thương, khả năng học tập và triển khai mô hình logistics trên địa bàn tỉnh (bước đầu đã đưa một số mặt hàng chủ lực của tỉnh rau quả, gạo vào chuỗi cửa hàng A&H, một chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan). Đại học An Giang ký kết biên bản ghi nhớ với Đại học Ben Gurion, Israel về việc đào tạo các sinh viên của trường Đại học An Giang tại khoa Nông nghiệp của trường Đại học Ben Gurion, giúp tỉnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời từ đó tiếp cận dần việc áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel (Tỉnh ủy An Giang, 2015, tr.183).
 

     An Giang đã xây dựng chương trình và tổ chức đoàn công tác sang làm việc với lãnh đạo các địa phương quốc gia Úc, mở ra nhiều triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạm, thiết lập quan hệ cấp địa phương, tạo tiềm năng cho An Giang trở thành một trong những địa phương cung cấp nông sản cho thị trường Úc, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đại học và sau đại học, hợp tác tập huấn nghiên cứu chuyển giao giống bò và các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại.
Qua đó, góp phần làm cho công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh được phát huy sức mạnh, phục vụ hiệu quả hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

1.3. Công tác ngoại giao văn hóa và đối ngoại nhân dân
 

     Ngoại giao văn hóa là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của đường lối đối ngoại toàn diện trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. An Giang đã tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu với các nước trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng đến với du khách quốc tế và bạn bè thế giới thông qua các sự kiện kỷ niệm thiết lập quan hệ.
 

     Tỉnh An Giang luôn hỗ trợ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn công tác, đoàn khách quốc tế, đoàn phóng viên quốc tế đến thăm, làm việc với tỉnh trong lĩnh vực du lịch. Thông qua các buổi tiếp xúc và làm việc với các đoàn ngoại giao, các đối tác nước ngoài, tỉnh tranh thủ giới thiệu các điểm văn hóa, di tích lịch sử của tỉnh như Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng, Bảo tàng tỉnh, miếu Bà Chúa xứ, Tây An Cổ tự, rừng tràm Trà Sư… góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương An Giang đến bạn bè quốc tế.
 

     Tỉnh thực hiện tốt hoạt động thông tin đối ngoại qua cổng thông tin điện tử tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương An Giang, kêu gọi đầu tư đến cộng đồng quốc tế và các đối tác bằng một số ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Khmer. Ngày 22/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 686/KH-UBND hoạt động thông tin đối ngoại năm 2017 (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, 2016). Mục đích huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, nòng cốt là các đơn vị chuyên trách công tác thông tin đối ngoại, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm tranh thủ nhiều hơn nữa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, đóng góp hiệu quả vào việc tổ chức thành công các sự kiện và ngày kỷ niệm lớn của đất nước; đồng thời, tăng cường đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch.
 

     Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân cũng được chú trọng, tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ, các sở ngành liên quan phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, các tổ chức nghề nghiệp, doanh nhân, kiều bào gốc người An Giang sinh sống nước ngoài dễ dàng nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc thông qua các Webside của các sở, ngành nhằm vận động kiều bào hướng về cội nguồn, đầu tư xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, có những biện pháp kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của kiều bào trong quá trình sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, cũng như ở nước sở tại.
  

     Hoạt động đối ngoại của An Giang trong thời gian qua đã góp phần quảng bá, giúp bạn bè thế giới biết và hiểu đúng, đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối đối nội và đối ngoại của đất nước nói chung và của An Giang nói riêng.
 

     2. Một số khó khăn, hạn chế trong công tác đối ngoại thời gian qua
 

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác đối ngoại ở An Giang vẫn còn một số khó khăn, tồn tại:
 

     Cơ chế quản lý hoạt động đối ngoại ngày càng chặt, tuy nhiên có lúc, có nơi, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa được áp dụng, tuân thủ nghiêm dẫn đến việc triển khai một số hoạt động đôi khi còn chậm và chưa đồng bộ. Đội ngũ làm công tác đối ngoại còn yếu so với yêu cầu.
 

     Mặc dù hoạt động công tác đối ngoại đã đạt nhiều kết quả khích lệ, tuy nhiên quy mô các dự án còn nhỏ, hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được những nhà đầu tư có tên tuổi. Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, xúc tiến thương mại và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài còn hạn chế, chưa mang tính chủ động cao.
 

    Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại ngày càng hiệu quả, tuy nhiên sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đôi khi còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng, quy mô các hoạt động thông tin đối ngoại còn nhỏ.
 

     Công tác đối người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện chưa thường xuyên, cán bộ cho công tác chuyên trách này còn thiếu. Việc bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức đối ngoại nói chung và kiến thức về lễ tân đối ngoại nói riêng được tổ chức chưa sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức còn thấp.
 

     3. Một số phương hướng, giải pháp nâng cao công tác đối ngoại trong thời gian tới
 

     Nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, công tác đối ngoại của tỉnh An Giang cần tập trung một số phương hướng, giải pháp:
 

     Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đối ngoại và hội nhập quốc tế.
 

     Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý đoàn ra theo tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 14/7/2014 của Bộ Chính trị nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, quản lý các đoàn theo đúng quy định đối với các đoàn vào nhằm đảm bảo hiệu quả các chuyến làm việc của các đoàn nước ngoài, hạn chế tối đa những vấn đề nhạy cảm có thể phát sinh. Đón tiếp các đoàn nước ngoài, đặc biệt là các đoàn cấp cao vào làm việc chu đáo, tận tình, đúng nghi thức ngoại giao (Bộ Chính trị, 2014).
 

     Thứ ba, chủ động tăng cường, mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của nước ngoài, các tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế; đặc biệt là những tỉnh, thành phố vùng biên, đã có quan hệ kết nghĩa chính thức nhằm tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cấp độ địa phương.
 

     Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và thông tin đối ngoại nhằm tích cực quảng bá, tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về tiềm năng, thế mạnh, về truyền thống lịch sử, văn hóa và con người An Giang, đẩy mạnh phát triển du lịch.
 

     Thứ năm, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; tăng cường công tác vận động, xã hội hóa trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động giao lưu, hữu nghị. Đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm vận động bà con Việt kiều, đặc biệt là kiều bào quê gốc An Giang, hướng về quê hương, ủng hộ và có những dự án đầu tư tại tỉnh.
 

     Tóm lại, trải qua 30 năm đổi mới, công tác đối ngoại của tỉnh An Giang đã đạt được một số kết quả nhất định, bên cạnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần phải thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm đối ngoại nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr.34-35).
 

     Trước tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay, An Giang cần nỗ lực làm tốt hơn nữa vai trò đối ngoại, làm cầu nối thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh, sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh kinh tế, bản sắc văn hóa tỉnh nhà đến với nhân dân trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị. (2014). Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài ngày 21 tháng 7 năm 2014.  
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng.
3. Tỉnh ủy An Giang. (2015). An Giang trên đường phát triển (1975 - 2015). xuất bản tháng 04 năm 2015.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang. (2013). Địa chí An Giang. An Giang: Phòng lưu trữ Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. (2016). Kế hoạch số 686/KH-UBND về hoạt động thông tin đối ngoại năm 2017 ngày 22 tháng 12 năm 2016.

Dương Thị Bích Thủy
Khoa Dân vận

Responsive image