Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đâu là mục đích của những kẻ “bẻ cong lịch sử”?

07:37 13/04/2020

Trong dòng chảy liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam về một nền độc lập, tự do cho đất nước. Tuy nhiên, giữa lúc nhân dân ta đang náo nức kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2017) thì các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị với dã tâm “bẻ cong lịch sử” đã phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, coi thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam là “ăn may”.

t5xs_7a

Ngày 19-8-1945, nhân dân ta giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh: Tư liệu

“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

Là kết quả trực tiếp của tinh thần phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định, cuộc Cách mạng Tháng Tám được lịch sử ghi nhận là đã đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới đầu tiên ở Việt Nam.

Thế nhưng, giữa lúc nhân dân ta đang náo nức kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công thì trên nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện tiếng nói lạc lõng của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, cho rằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách mạng này chỉ là “ăn may”, khi ở Đông Dương đã xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Theo “lý lẽ” của chúng, từ sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành thuộc địa của Nhật. Trong bối cảnh phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi (?).

Để làm rõ luận điểm trên, chúng ta cần làm rõ nội hàm của khái niệm “ăn may”: Theo nghĩa thông thường của tiếng Việt thì “ăn may” là sự trông chờ vào một cái gì đó xảy ra một cách tự nhiên mà không có một sự cố gắng, nỗ lực, không có sự chuẩn bị và hành động cụ thể nào để chủ động đạt tới mục đích của mình. Vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám, lực lượng tổ chức cách mạng có “há miệng chờ sung” hay “ôm cây đợi thỏ” - theo cách nói của những kẻ thù địch và cơ hội chính trị hay không? Hoàn toàn không, bởi, điều rất dễ nhận thấy là ngay sau khi được thành lập, Đảng ta đã lĩnh hội sứ mệnh lịch sử trước dân tộc với việc phát động, lãnh đạo các cao trào cách mạng (1930-1931 và 1936-1939). Đó chính là hai cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sau này.

Và trước khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, trước đó hơn 4 năm (tháng 5-1941), tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập nhằm quy tụ tất cả người Việt Nam yêu nước vào một khối thống nhất, không phân biệt giàu nghèo,  tôn giáo và xu hướng chính trị, miễn là tất cả đều vì mục đích tối cao của dân tộc là đánh đuổi thực dân và đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) đã xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Đến ngày 18-8-1945, trước tình thế cách mạng đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong đó nói rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc trên thế giới đã ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Đáp lại lời hiệu triệu thấm đẫm hồn thiêng sông núi, lệnh Tổng khởi nghĩa được ban ra từ căn cứ Việt Bắc, nhưng nó đã có sức lôi cuốn lực lượng vĩ đại của nhân dân trên khắp cả nước. Nhân dân ta ở khắp nơi nhất tề nổi dậy dưới hình thức phổ biến là mít-tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang với khí thế mạnh mẽ, quyết liệt, áp đảo chiếm các công sở, lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân với khí thế thần tốc. Kết quả: Ngày 19-8 cách mạng thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, ngày 25-8 ở Sài Gòn…

Bài học lịch sử không bao giờ cũ

Thực tiễn lịch sử cho thấy, Cách mạng Tháng Tám nổ ra là cả một quá trình chủ động làm chủ tình hình, nắm bắt thời cơ. Cụ thể, trước bối cảnh Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 14-8-1945), Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, rệu rã, trong khi quân Đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, Đảng ta xác định phải chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì mới có khả năng giành được chính quyền.

Với “kim chỉ nam” đó, ngày 13-8-1945, ngay sau khi nhận được thông tin Nhật chuẩn bị đầu hàng đồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Ngay lập tức, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Cũng trong ngày 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ban “Quân lệnh số 1”, phát động khởi nghĩa trong toàn quốc.

Tiếp đó, ngày 14 đến 15-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 16 đến 17-8, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ ngày 18 đến 28-8, Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong toàn quốc…

Từ viện dẫn ở trên cùng với những cứ liệu lịch sử, có thể thấy rõ, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, thực dân. Đây chính là yếu tố cơ bản bác bỏ những luận điểm cho rằng, do thời cơ “quá thuận lợi”, cho nên việc giành chính quyền vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những yếu tố may mắn dẫn đến sự  thành công của Cách mạng Tháng Tám. Tiền nhân đã đúc kết, để thành công thì cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó, yếu tố “thiên thời” - may mắn có vai trò quan trọng.

Khi Hồng quân Liên Xô đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, bọn tay sai của chúng cũng đã hoang mang đến cực độ. Đây chính là “chất xúc tác” giúp cách mạng thuận lợi hơn, diễn tiến nhanh chóng hơn. Song, cũng cần nhớ rằng, tính từ khi Nhật đầu hàng Đồng minh cho đến khi quân Đồng minh vào nước ta, thời cơ cho cách mạng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nếu không có sự nhận định đúng và chớp thời cơ nhanh chóng của Đảng ta, thời cơ đó sẽ trôi qua, cách mạng nổ ra khó thắng lợi.

Nói tóm lại, giá trị của Cách mạng Tháng Tám, giá trị của việc giành chính quyền là không thể phủ nhận. Việc các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị với dã tâm “bẻ cong lịch sử”, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “ăn may” chỉ nhằm đánh tráo giá trị, qua đó, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám. Đằng sau mưu đồ này chính là để thực hiện mục đích cuối cùng của chúng, đó là làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng bị xói mòn, lái quỹ đạo của dân tộc ta đi theo chiều áp đặt của chúng.

Nguyễn Đình Hùng

Nguồn: Báo Biên Phòng

các tin khác