Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Bản lĩnh Chính trị Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam

09:30 17/07/2019

 Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh, không phải hình thành một cách ngẫu nhiên, tự phát, mà phải được rèn luyện một cách có ý thức trên cơ sở thông qua hoạt động thực tiễn của Người. Nói như cách nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh là "người Việt Nam đẹp nhất" trong những người Việt Nam, Người đã xuất sắc kế thừa, phát huy những giá trị quý báu trong truyền thống của dân tộc để hình thành nên bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, năm 1990 tại Hà nội, Đại Hội đồng UNESCO đã phong tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt nam, Nhà văn hóa lớn". Ghi nhận của UNESCO với những đóp góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại đã phần nào nói lên bản lĩnh chính trị của Hồ Chí Minh. Đương thời, Người nhân dân ta phong tặng rất nhiều danh hiệu nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhà báo, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao… tất cả những danh hiệu ấy, Người chỉ nhận duy nhất một danh hiệu đó là nhà chính trị chuyên nghiệp. Như chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh là một người hết sức đăc biệt, chính trị và văn hóa hòa quyện với nhau là một đã tạo nên phong thái riêng Hồ Chí Minh. Như Người đã từng viết: 

                             Nay ở trong thơ nên có thép

                             Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh là sự kế thừa và kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống yêu nước của dân tộc, cách giáo dục của gia đình, quê hương, thời đại và tố chất riêng của Hồ Chí Minh. Từ nền tảng giáo dục của Cụ Nguyễn Phong Sắc và gia đình về lòng yêu nước, thương dân, yêu con người, kết hợp với ý chí kiên cường bất khuất, giàu nghị lực phi thường của người con quê hương Nghệ An, một vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi tiêu biểu trong đấu tranh chống các thế lực cường quyền và chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng đó mới chỉ là nền tảng, để làm chuyển biến nhận thức của Hồ Chí Minh, từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một người cộng sản ưu tú, người chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chính là trí tuệ sắc bén, ham học hỏi của Người với nhân tố của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, đã tác động mạnh mẽ làm ảnh hưởng sâu sắc đến bản lĩnh và nhân cách Hồ Chí Minh.

Trước yêu cầu của lịch sử, với bản lĩnh của một lãnh tụ trên cơ sở nhân cách, tài năng, đức độ, ý chí và nghị lực phi thường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện đúng lúc và đáp ứng được những đòi hỏi của lịch sử để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thời kỳ lịch sử đen tối. Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc và cách mạng Việt Nam.

Trước hết, thể hiện việc tìm đường cứu nước cho dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh đó, vượt lên tất cả những hạn chế của lịch sử, với trí tuệ sắc bén, tư duy độc lập, sáng tạo, ham học hỏi và bản lĩnh của người dân mất nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quyết định sang phương Tây, sang Pháp để tìm con đường cứu nước cho dân tộc, Tây Du chứ phải Đông Du như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,... Người lý giải rằng, muốn đánh Pháp trước hết phải hiểu Pháp và nền văn minh của Pháp. Sự lựa chọn của Hồ Chí Minh hoàn toàn khác với các bậc tiền bối. Nhưng vấn đề cần nhận thức sâu sắc ở đây, trước Hồ Chí Minh đã có rất nhiều sĩ phu yêu nước dưới ngọn cờ theo hệ tư tưởng phong kiến và khuynh hướng dân chủ tư sản, tuy nhiên, tất cả các phong trào yêu nước ấy đều lần lượt thất bại, đất nước lâm vào khủng hoảng đường lối cứu nước. Nguyễn Ái Quốc, rất khâm phục những tư tưởng và hành động của các bậc tiền bối, nhưng Người không tán thành về cách làm và con đường đi của họ. Như vậy, với một trí tuệ thông minh, một sự hiểu biết từ rất sớm, một chuỗi sự kiện chứng tỏ Hồ Chí Minh đi sang phương Tây là có chủ đích rõ ràng cứu nước, cứu dân. Cách nghĩ, cách làm của Hồ Chí Minh trong những năm tháng tiếp theo cho thấy sự kiên định của của Người về dự định của mình. Người luôn tìm tòi, chịu khổ, làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí vượt sức mình để đạt mục đích mà Người đã dự định.

 Rõ ràng qua thời gian nghiên cứu và các cuộc khảo sát thực tiễn khắp các Châu lục, qua tiếp xúc, quảng giao, hoạt động xã hội và các phong trào cách mạng, đầu năm 1919, Người vào và tham gia hoạt động trong Đảng xã hội Pháp, Hồ Chí Minh nhanh chóng tăng vốn hiểu biết tri thức và kinh nghiệm của mình.  Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin và khi trả lời Quốc tế thứ ba đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áo bức thì Người đã đồng ý và bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Với sự nhạy bén chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã đi tới quyết định chọn con đường cách mạng vô sản mà Lênin đã khai phá, con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc.

Bản lĩnh mở đường giành độc lập cho dân tộc, sau khi tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, bằng trí tuệ và bản lĩnh chính trị, Hồ Chí Minh đã từng bước truyền bá lý luận Mác-Lênin về trong nước, vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị các mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho một chính Đảng ra đời. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh đặc biệt khó khăn giữa vòng vây của bọn mật thám và quan điểm chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản không tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng đã có sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Nhận thức và giải quyết sáng tạo, Người không coi hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến ngang nhau, mà Người đặt lên trước tiên vấn đề giải phóng dân tộc. Quan điểm của Mác và Ăngghen, thì cho rằng chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức. Còn Lênin, cũng cho rằng việc giải phóng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản, nhưng phải tiến hành dân tộc cách mạng, đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập dân tộc, chứ chưa tiến hành giai cấp cách mạng đánh đuổi tư bản, giành chính quyền về tay công nông. Điều này, được Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt đã xác định con đường cách mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Vì Người cho rằng, nếu dân tộc không được giải phóng thì giai cấp và con người cũng không được giải phóng. Trong Hội nghị Trung ương 8 (5- 1941) Người đã phân tích rất khoa học vấn đề này: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Vì thế, trước ngày tổng khởi nghĩa, Bác đã khẳng định, khi thời cơ tới, lúc này mà bỏ lỡ thời cơ là có tội với dân tộc. Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Trong giai đoạn lịch sử "nước sôi lửa bỏng" lúc bấy giờ, trên cơ sở nhận thức sáng tạo độc đáo, Hồ Chí Minh đã lèo lái con thuyền cách mạng việt Nam giành được thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945. Điều đó minh chứng hùng hồn trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh, sự kiên định và tính đúng đắn của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc ta đã giành được nền độc lập, nhưng cách mạng đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Những khó khăn, nguy hiểm mà chính quyền non trẻ phải đương đầu chống lại âm mưu của các thế lực đế quốc, phản động nhằm thủ tiêu nền độc lập mà dân tộc ta vừa giành được, đặt lại ách thống trị của chúng; cộng với giặc đói, giặc dốt hoành hành. Để chống giặc đói và giặc dốt, Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và quyên góp cứu đói, cũng như chống nạn thất học mở ra bình dân học vụ để xóa mù chữ. Với tinh thần nhường cơm xẻ áo và Người đã đề nghị với Chính phủ và đồng bào cả nước và xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một ngày, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu đói dân nghèo. Với tinh thần và trách nhiệm cả dân tộc giao phó, với ý chí và bản lĩnh của mình, Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta vượt qua những khó khăn thử thách, bảo vệ độc lập dân tộc, chính quyền cách mạng và bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Điều đó đã được khẳng định:"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".  

Bản lĩnh ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bản lĩnh và tư chất của một nhà ngoại giao lão luyện, không nao núng trước bất cứ một sức ép nào trong quan hệ với các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu. Bản lĩnh ấy của Người, được thể hiện bằng lập trường kiên định nhưng mền dẻo, độc lập tự chủ trong đường lối, tinh tế, sáng tạo trong phương pháp, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực lực và dư luận, sự chỉ đạo khôn khéo về sách lược, luôn tạo ra thế tấn công. Đó là sự vận dụng linh hoạt đường lối độc lập tự chủ với nguyên tắc dĩ bất biến ứng van biến được phát huy đến đỉnh cao dựa trên sự kết hợp những giá trị ứng xử trong truyền thống với tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng tạo, khéo léo, lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng gió, tránh được những đối đầu không đáng có với Pháp - Tưởng thời kỳ trước và sau 1946, hay không bị lôi kéo vào mối bất hòa Xô - Trung những năm 50, 60 của thế kỷ XX...

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, bước sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam bị Mỹ -Diệm chiếm đóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã lãnh đạo tài tình tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở nước ta. Quyết tâm xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, đồng thời quyết tâm đánh Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi bước vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền, cách mạng Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng Bác cũng biết rất rõ và lường trước được tính phức tạp khi thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau ở hai miền đất nước. Vừa phải xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho tuyền tuyến lớn ở miền Nam đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà, vừa phải phát động, tổ chức cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam để đồng bào miền Nam trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam, đồng thời lại phải kiềm chế đế quốc Mỹ, không cho chúng gây ra thêm chiến tranh thế giới...

Tất cả bản lĩnh ấy thể hiện ý chí của Hồ Chí Minh, tất cả vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Như Người đã từng khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Thực tiễn lịch sử và sự phát triển của cách mạng Việt Nam là bằng chứng sinh động minh chứng bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam./.

* Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.4

              3. Bùi Đình Phong: Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, H. 2014

Nguyễn Thị Hồng - Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác