Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THIẾT CHẾ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở VIỆT NAM QUA CÁC HIẾN PHÁP_ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

04:14 16/05/2017

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đề ra Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, Đảng ta nhận định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu”. Để góp phần nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, bản thân xin trao đổi một số vấn đề về “xây dựng, hoàn thiện thiết chế chính quyền địa phương ở việt nam qua các hiến pháp_ lý luận và thực tiễn”

 

     CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở VIỆT NAM

 

     Khái niệm chính quyền địa phương thường được hiểu là hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương. Khái niệm này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều văn bản pháp luật của nhà nước nhất là trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa chính quyền địa phương bao gồm những thiết chế nào, mối quan hệ và cơ chế hoạt động cụ thể của các bộ phận cấu thành. Từ góc độ nghiên cứu lý luận, khái niệm chính quyền địa phương có thể được hiểu theo hai cách:

 

     1. Chính quyền địa phương dùng để chỉ tất cả các cơ quan nhà nước có trụ sở tại địa phương.

 

     Với cách hiểu này, chính quyền địa phương là bộ máy sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý công việc nhà nước ở các cấp. Chính quyền địa phương bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp ở địa phương. Chính quyền địa phương vừa là cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, vừa là cơ quan đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của cộng đồng dân cư ở địa phương.

 

     2. Một cách hiểu khác, chính quyền địa phương bao gồm cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước.

 

     Cách hiểu này xuất phát từ thực tiễn nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, khái niệm chính quyền địa phương dùng để chỉ tổ chức và hoạt động của hai cơ quan nhà nước là Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng (khoá VIII) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, tại Phần III, Mục 4 về tiếp tục cải chính nền hành chính của nhà nước đối với chính quyền địa phương chỉ đề cập tới việc kiện toàn củng cố Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp và hướng cải cách tổ chức và hoạt động của hai cơ quan này mà không đề cập tới các cơ quan nhà nước khác trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương.

 

     Mặt khác, theo quy định tại Điều 111 Hiến pháp 2013: Cấp Chính quyền địa phương gồm hai hệ thống cơ quan Hội đồng nhân dân (cơ quan quyền lực nhà nước) và Uỷ ban nhân dân (cơ quan hành chính nhà nước) ở địa phương.

 

     THIẾT CHẾ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG QUA CÁC HIẾN PHÁP

 

     Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1946 và Luật tổ chức chính quyền địa phương 1958

 

     Giai đoạn năm 1930-1945, thiết chế chính quyền địa phương được hình thành ngay trong cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các Ủy ban giải phóng ra đời lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện, làng, thôn, bản là hình thức tổ chức chính quyền tiền thân của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính sau này. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, để xây dựng cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành hai Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương:

 

     - Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã, huyện, tỉnh, kỳ.

 

     - Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính thành phố, khu phố.

 

     Ngày 09/11/1946, Quốc hội chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp đã kế thừa và khẳng định mô hình tổ chức chính quyền địa phương được ghi nhận tại hai Sắc lệnh số 63 và số 77 năm 1945.

 

     Hiến pháp 1946 có VII Chương với 70 Điều. Trong đó, có một Chương quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính (Chương V) với 6 điều từ Điều 57 đến Điều 62.

 

     Cơ chế hình thành chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1946

 

     - Đối với HĐND do tính chất là cơ quan đại diện của nhân dân nên cơ quan này chủ yếu được hình thành theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, do nhân dân trực tiếp bầu ra. Trên thực tế từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn, HĐND các cấp đều do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

 

     - Đối với Ủy ban hành chính (UBHC) việc thành lập được thực hiện chủ yếu theo cơ chế do HĐND bầu. Theo Hiến pháp 1946 cơ quan hành chính có tên gọi là Ủy ban hành chính (có thời kỳ lấy tên là ủy ban hành chính-kháng chiến). Đối với cấp Bộ và cấp huyện nơi không tổ chức HĐND thì UB hành chính Bộ do HĐND cấp tỉnh bầu ra; UB hành chính Huyện do HĐND cấp xã bầu ra.

 

     Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962

 

     - Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính được thành lập ở các đơn vị hành chính (Điều 79 Hiến pháp 1959). Ủy ban hành chính cấp nào do Hội đồng nhân dân cấp đó bầu ra. Để cụ thể hóa quy định này, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 tại Điều 1 quy định: “Các thành phố có thể chia thành khu phố ở nội thành và huyện ở ngoại thành”, “Các đơn vị hành chính kể trên đều có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính”

 

     - Cơ cấu tổ chức HĐND và UBHC theo hiến pháp 1959

 

     Do có sự khác nhau giữa địa bàn nông thôn và đô thị nên việc tổ chức các cấp chính quyền ở tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cũng khác nhau:

Tỉnh tổ chức ba cấp chính quyền hoàn chỉnh là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; ở mỗi cấp đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.

 

    Thành phố trực thuộc trung ương chỉ tổ chức hai cấp chính quyền: cấp thành phố và cấp khu phố, ở mỗi cấp đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.

 

     Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1983, sửa đổi năm 1989

Hiến pháp 1980 tại Điều 113 có những quy định mới liên quan trực tiếp đến tổ chức chính quyền địa phương như: Không có sự phân biệt khác nhau giữa địa bàn nông thôn và đô thị: Các đơn vị hành chính của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là như nhau, đều có ba cấp là:

 

     Tỉnh, huyện (thành phố, thị xã thuộc tỉnh) và xã (phường, thị trấn);

 

     Thành phố trực thuộc trung ương, quận (huyện, thị xã) và phường (xã, thị trấn)

 

     Tất cả các đơn vị hành chính nói trên đều là cấp tổ chức chính quyền hoàn chỉnh (Đơn vị hành chính cơ bản), có cả Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính này. Nội thành thành phố trực thuộc trung ương cũng có ba cấp đơn vị hành chính cơ bản như ở tỉnh.

 

     Hiến pháp 1980 lần đầu tiên ghi nhận về  đơn vị hành chính tương đương, và bắt đầu từ đây có xu hướng là các văn bản pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương thường sử dụng cụm từ này như:

 

     Thành phố trực thuộc trung ương“tương đương” với tỉnh,

 

     Quận“tương đương” với huyện,

 

     Phường“tương đương” với xã và gọi chung là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, tức là lấy địa bàn nông thôn làm chuẩn.

 

     Điểm đáng lưu ý là giai đoạn từ năm 1960 đến 1976 (trước khi thông qua Hiến pháp 1980), chúng ta đã tiến hành hợp nhất các tỉnh, hợp nhất các huyện với quy mô lớn, trong cả nước chỉ còn 35 tỉnh, 3 thành phố trực thuộc trung ương và một đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

 

     Ngày 30/6/1989, Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi một số điều Hiến pháp 1980, quy định thành lập cơ quan Thường trực Hội đồng nhân dân từ cấp huyện và tương đương trở lên để tách chức năng thường trực Hội đồng nhân dân khỏi Uỷ ban nhân dân, cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

 

     Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) , Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003

 

     Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) thể chế hoá đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã tạo ra một bước cải cách quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và tổ chức chính quyền địa phương nói riêng. Hiến pháp 1992 không quy định về đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (theo Hiến pháp 1980 là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh), Đặc khu này được sáp nhập với một số huyện của tỉnh Đồng Nai để thành lập tỉnh mới là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

     Hiến pháp 1992 không xác định đơn vị hành chính nào là cơ bản có tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh (có cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), đơn vị nào là cấp trung gian, không tổ chức Hội đồng nhân dân, nên chỉ quy định: “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định” (Điều 118 Hiến pháp 1992). Khi xây dựng Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994, cũng như khi ban hành Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, vấn đề này vẫn chưa giải quyết được, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân vẫn được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính.

 

     Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có quy định mới là Hội đồng nhân dân cả ba cấp đều thành lập Thường trực Hội đồng nhân dân.

 

     Hiến pháp 1992 quy định việc thành lập UBND vẫn theo cơ chế bầu cử nhưng được đổi mới có sự kết hợp với cơ chế bổ nhiệm. Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp có quyền phê chuẩn việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp. Về cơ chế bầu cử UBND, Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã định hướng thí điểm để nhân dân bầu trực tiếp UBND cấp xã. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, chủ trương này chưa được thực hiện. Đây là một trong những định hướng rất quan trọng làm căn cứ cho việc nghiên cứu đổi mới cơ chế hình thành chính quyền địa phương ở nước ta trong thời gian tới.

 

     Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

 

     Chính quyền địa phương được quy định tại Chương IX Hiến pháp 2013 với 7 Điều, từ Điều 110 đến Điều 116. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính.

 

     - Về đơn vị hành chính: Hiến pháp 2013 bổ sung hai đơn vị hành chính mới là: thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định rõ: Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Đến năm 2015 Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, theo đó Cấp chính quyền địa phương được thành lập ở các đơn vị hành chính sau:

 

     + Cấp tỉnh gồm: Tỉnh, thành phô trực thuộc trung ương;

 

     + Cấp huyện gồm: Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

 

     + Cấp xã gồm: Xã, phường, thị trấn

 

     + Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính mới được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 (Điều 110)

 

     Hiến pháp 2013 không quy định đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh hay cấp xã, nhưng có quy định đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Do vậy, có thể hiểu ba cấp hành chính và Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (hiện nay chưa thành lập) là những đơn vị hành chính cơ bản, được thành lập Cấp chính quyền địa phương (có đầy đủ HĐND và UBND), còn đơn vị hành chính tương đương cấp huyện (nếu có thành lập) thì không nhất thiết là một cấp chính quyền (chỉ có UBND).

 

     - Cơ chế hình thành chính quyền địa phương (HĐND và UBND) có điểm đặc biệt là phân định rõ chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định rõ ràng hơn về phân loại đơn vị hành chính: Loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, làm cơ sở để ấn định bộ máy quản lý, số lượng phó chủ tịch UBND các cấp.

 

     MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HIỆN NAY

 

     Hơn 86 năm qua dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Cùng với sự phát triển của đất nước, chính quyền địa phương cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu cách mạng của mỗi thời kỳ, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới của dân tộc.

 

     Về đơn vị hành chính là một đơn vị cơ bản để tổ chức cấp chính quyền địa phương (có đủ HĐND và UBND) cần được quy định phù hợp với tính chất vùng hoặc miền gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong việc thực hiện liên kết kinh tế vùng. Do vậy, với số lượng lớn (63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương) như hiện nay vừa mang tính phân tán, nhỏ lẻ, vừa khó kiểm soát, khó bảo đảm tính quản lý thống nhất, xuyên suốt. Cần tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn, có như vậy chúng ta mới thực hiện được chủ trương cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta những năm vừa qua chưa được giải quyết thoả đáng về lý luận và thực tiễn. Vì thế nên có khi chúng ta ồ ạt sáp nhập tỉnh (năm 1980 cả nước có 35 tỉnh, ba thành phố trực thuộc trung ương và một đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo) và sau đó lần lượt chia tách tỉnh (64 tỉnh, thành). Đó là do ta chưa tính đến đặc điểm, khả năng liên kết vùng, miền khi phát triển kinh tế-xã hội.

 

     Vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, tuy đã ban hành một số văn bản pháp luật về vấn đề này (Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012,....). Những quy định vẫn chưa đầy đủ lại cần có Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Tính khả thi, tính thực tiễn cần được quan tâm cụ thể hơn để tăng cường tính chủ động, năng động và tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương.

 

     Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý

 

     Thời gian qua tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân vẫn còn xảy ra. Từ việc xử lý cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã Việt Tiến (Hải Phòng) tháng 10/2014; cách chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tháng 02/2012 đến việc Cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tháng 5/2001 đã ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền địa phương. Do vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, đổi mới tổ chức chính quyền địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân ở địa phương, tăng quyền chủ động, năng động, sáng tạo và tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức chính quyền địa phương. Đặc biệt là vai trò nêu gương của người lãnh đạo, đứng đầu cơ quan, đơn vị.

 

     Xây dựng hoàn thiện cơ chế về “Chính quyền địa phương phục vụ”. Đây là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng thể hiện bản chất nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của Bác: "Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác”./.


------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, sửa đổi 1989, 1992, sửa đổi 2001, và Hiến pháp 2013

2. Các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng (khoá VIII) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh

- Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước

3. Các văn bản quy phạm pháp luật

- Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã, huyện, tỉnh, kỳ.

- Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính thành phố, khu phố.

- Luật tổ chức chính quyền địa phương 1958

- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962

- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1983, sửa đổi năm 1989

- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003

- Nghị quyết số: 26/2008/QH12, ngày 15/11/2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

- Nghị quyết số: 724/2009/UBTVQH12, ngày 16/01/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về Danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

- Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020

- Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định về Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

- Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định về Cơ quan chuyên môn cấp huyện.

    4. Các bài viết

- PGS. TS. Trương Đắc Linh_Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bài: “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương-sự phát triển

qua bốn bản hiến pháp và vấn đề đổi mới”

- PGS.TS. Vũ Hồng Anh - Viện Nghiên cứu lập pháp – Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bài: “Chính quyền đô thị: kinh nghiệm gì từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản”

- Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, bài: “Những điểm mới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013”

 

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước & pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác