Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tư cách của cán bộ, đảng viên để xây dựng và chỉnh đốn Đảng

03:30 23/01/2022

Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để rèn luyện tư cách của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XIII (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII) có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, tự mình “tự soi”, “tự sửa” những khuyết điểm, hạn chế trong công tác và cuộc sống, có ý thức, trách nhiệm cao với chức trách, nhiệm vụ được phân công; cùng với tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

ThS. Nguyễn Khắc Thanh

Học viện Cảnh sát Nhân dân

Những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách của cán bộ, đảng viên 

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện về tư tưởng, lý luận cách mạng.

Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến ý chí, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên. Có thấm nhuần tư tưởng, lý luận cách mạng mới bảo đảm cho cán bộ, đảng viên luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ khuyết điểm, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sẽ sai lầm… trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”(1). Người cũng chỉ rõ nếu cán bộ, đảng viên không thường xuyên rèn luyện sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, mắc bệnh công thần, quan liêu, xa rời quần chúng, không phân biệt rõ giữa bạn và địch, tham ô, tham nhũng, có hại cho dân, cho nước. Để khắc phục điều đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện về tư tưởng, chính trị, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng; gương mẫu trong lời nói và hành động; nêu cao ý thức chính trị, làm tròn bổn phận đối với Đảng, với Nhà nước, gắn bó mật thiết với nhân dân. 

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải có đủ tiêu chuẩn “đức” và “tài”.

“Đức” và “tài” là hai yếu tố có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tư cách của cán bộ, đảng viên, trong đó “đức” là gốc, phải được đặt lên hàng đầu, còn tài là “trí” và “tầm” gắn chặt với “tâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đức phải có trước tài. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước”(2). Trong đó, “đức” và “tài” là đạo đức cách mạng trong sạch, lành mạnh, giản dị, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trước hết, vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân và của tập thể; không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, gắn bó máu thịt với Nhân dân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện cánh hẩu, lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân, vun vén cho gia đình, không quan tâm đến tập thể, cuộc sống của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3). 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách của cán bộ, đảng viên là những phương châm, triết lý rất thiết thực, cụ thể phản ánh năng lực, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, để góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức; đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi cuối cùng.

Những tiêu chuẩn “đức”, “tài” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên rất giản dị, dễ hiểu, dễ thực hiện, không xa rời thực tiễn, đó là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ những đức tính đó để không trở nên hủ bại, không biến thành “sâu mọt”, mà phải là công bộc của Nhân dân. Vì vậy, để có đủ “đức”, “tài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Người chỉ rõ: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”(4). 

Thứ ba, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gắn bó chặt chẽ với Nhân dân.

Đảng ta ra đời trong lòng Nhân dân, vì Nhân dân mà đấu tranh cho lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, coi Nhân dân như là những người ruột thịt trong gia đình, không được lên mặt hống hách, xa lánh Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với quần chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(5). 

Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng tư cách đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách của cán bộ, đảng viên, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập cho đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Những nội dung này đã được thể hiện trong Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng và nghị quyết chuyên đề của một số Hội nghị Trung ương các nhiệm kỳ gần đây. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII tiếp tục bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên.  

Trước tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, vấn đề đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vấn đề đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường ở trong nước đã và đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với Đảng ta là phải phát huy tốt hơn nữa bản chất, truyền thống tốt đẹp, chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức, gắn bó máu thịt với Nhân dân; đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau: 

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách của cán bộ, đảng viên.

Những chỉ dẫn của Người về tư cách của cán bộ, đảng viên là kim chỉ nam cho mọi hành động để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” với chức trách, nhiệm vụ được giao, hoàn thành ở mức độ nào, có xứng đáng là người lãnh đạo, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Có quán triệt, hiểu thấu và nắm chắc  thì cán bộ, đảng viên mới có suy nghĩ, hành động đúng với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Việc quán triệt và thực hiện nghiêm những chỉ dẫn của Người không chỉ dừng lại ở những câu trích, lời nói…, mà phải bằng hành động thiết thực, cụ thể gắn với công việc đảm nhiệm, thể hiện ở năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, dễ gần, luôn sâu sát thực tiễn; tham mưu, đề xuất, giải quyết nhiệm vụ, công việc có hiệu quả.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Trong những năm qua, Đảng ta có nhiều chủ trương, biện pháp để sắp xếp, bố trí cán bộ vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm… góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng các cấp, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những tiêu chuẩn, quy định về cán bộ và công tác cán bộ; lấy chất lượng làm chính, không chạy theo số lượng; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, uy tín với đồng nghiệp và Nhân dân làm thước đo đánh giá; người đứng đầu phải gương mẫu, công tâm, khách quan, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong toàn cơ quan, đơn vị, địa phương. Hàng năm phải tổ chức đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiêm túc, chất lượng, đúng nguyên tắc; chủ động đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống. 

Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập lý luận, chính trị, rèn luyện “đức”, “tài” ở mọi lúc, mọi nơi; phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình với công việc được giao; nhiệt tình, chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng đội và Nhân dân; có phong cách làm việc dân chủ; biết lắng nghe, chia sẻ ý kiến đóng góp của mọi người. Đồng thời, phải rèn luyện ý chí, tinh thần vượt khó, hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; phải biết “hổ thẹn” với chính lương tâm về những hành động, việc làm của mình. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tư tưởng và những bài học vô giá về xây dựng tư cách của cán bộ, đảng viên đã trở thành tiêu chuẩn, quy định để Đảng ta kế thừa, vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và một lần nữa được thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động quyết liệt, mạnh dạn tự mình sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, phát huy ưu điểm, thế mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./. 

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.319.

(2) Sđd, tập 10, tr.345-346.

(3),(4) Sđd, tập 12, tr.498, tr.224.

(5) Sđd, tập 5, tr.326.

các tin khác