Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm của Hồ Chí Minh về thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thông qua thực tiễn

02:04 15/05/2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức. Người không những để lại những tác phẩm đạo đức thông qua những bài nói, bài viết mà đạo đức Hồ Chí Minh còn được thể hiện bằng những hành động cụ thể trong thực tiễn cải tạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm những chuẩn mực, nguyên tắc xây dựng những phẩm chất của con người nhằm hướng đến một nền đạo đức trong xã hội mới-đạo đức xã hội chủ nghĩa-được đúc kết từ truyền thống đạo đức hàng ngàn năm của dân tộc, từ sự tiếp thu tinh hoa đạo đức nhân loại được nuôi dưỡng từ cái nôi của quê hương gia đình giàu lòng nhân ái.

 

Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã thấy vai trò của đạo đức đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nó vừa là mục tiêu vừa là động lực để mỗi con người không ngừng phấn đấu vươn lên để tự hoàn thiện mình, đồng thời góp phần vào xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, một xã hội với sự phát triển phồn thịnh về kinh tế và đạt đến những giá trị đạo đức văn minh nhân loại.

Người coi đạo đức là cái gốc, cái nền, cái căn bản của mỗi người. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Tuy nhiên, đạo đức mà Hồ Chí Minh nêu ra không phải là cái chỉ để rao giảng qua hệ thống lý thuyết theo kiểu “tầm chương trích cú” mà phải được biểu hiện cụ thể, rõ ràng, thiết thực qua hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong xã hội. Đạo đức phải được thể hiện qua thực tiễn bởi vì đạo đức của ta là đạo đức cách mạng, mục đích nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân.

Đạo đức Hồ Chí Minh là sự nhất quán từ ý nghĩ đến từng việc làm cụ thể. Cũng như Lênin, Hồ Chí Minh cũng đã nêu lên cho chúng ta một tấm gương sáng về sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bền bỉ, kiên trì. Điều đó đã được Người chứng minh bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đó là những năm tháng sống cực khổ ở nước ngoài hòa mình vào đời sống của những người cùng khổ với bữa ăn có khi chỉ là một mẩu bánh mì và sưởi ấm bằng một viên gạch nướng, hay những khi bị giam trong nhà lao khắc nghiệt của kẻ thù nhưng Người vẫn giữ vững niềm tin và sự lạc quan cách mạng. Ngay cả khi đã trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh vẫn nguyên giữ nếp sống thanh bạch, giản dị.

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên đã được Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, ngay trang đầu tiên, Hồ Chí Minh đã nêu lên Tư cách một người cách mệnh được xem như là những phẩm chất đạo đức mà người cán bộ, đảng viên cần phải chú ý rèn luyện, tu dưỡng. Người không quên nhắc nhở mọi người phải ít lòng ham muốn vật chất, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Trong quá trình chuẩn bị những điều kiện lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Người đã nhìn thấy trước những “căn bệnh” mà cán bộ ta sẽ mắc phải khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền: đó là bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Người lo lắng chính những căn bệnh đó sẽ làm người cán bộ cách mạng dần dần đánh mất hình ảnh đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong lòng quần chúng nhân dân, làm mất niềm tin của dân chúng, gây nguy hại đến sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, xa hơn nữa là cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và trong thực tế, những điều mà Hồ Chủ tịch lo lắng đã xảy ra ở nhiều mức độ và biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác.

Chỉ hai tháng sau Cách mạng Tháng Tám, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã phát hiện nhiều loại lỗi lầm rất nặng nề của nhiều cán bộ, đảng viên: trái phép, cậy thế, hủ hóa…Đến tháng 3-1947, trong thư gửi các đồng chí Bắc bộ, Người chỉ ra hàng chục thứ khuyết điểm cần phải tẩy sạch như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt, quan liêu, hoạch họe với dân…Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết tháng 10-1947, Người lại vạch ra nhiều khuyết điểm, sai lầm cụ thể cùng với những biểu hiện cụ thể của nó. Chính những căn bệnh đó là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, của Đảng, nó có sức hủy hoại, tàn phá rất ghê gớm những  thành quả cách mạng mà Đảng và dân tộc ta khó khăn mới tạo dựng được. Cho nên Người đặt ra vấn đề cần phải đấu tranh chống những căn bệnh này một cách kiên quyết, triệt để. Người tỏ rõ quan điểm: bất kỳ ai phạm những lỗi lầm đó, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.

Sau khi chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm mà người cán bộ, đảng viên mắc phải trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh vạch ra nguồn gốc của những tệ nạn ấy. Thứ nhất là những tàn dư của chế độ cũ, Người viết: “...Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi…dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”.

Nguồn gốc thứ hai - cũng là quan trọng nhất - là chủ nghĩa cá nhân. Như Bác Hồ vẫn thường răn dạy, chủ nghĩa đế quốc và phong kiến là hai kẻ thù bên ngoài mà ta cần phải đánh đổ, nhưng vẫn không nguy hiểm bằng kẻ thù bên trong nằm ngay ở chính bản thân mỗi chúng ta, nó có sức hủy hoại ghê gớm, làm cho cá nhân bị tha hóa, biến chất, gây tội với nhân dân, với Đảng, kẻ thù đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Bác xem chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm là vì nó “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Vì vậy, chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân mới nâng cao được đạo đức cách mạng. Trong bài báo Người viết vào ngày 3-2-1969 nhân kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh mong muốn toàn Đảng, tất cả các cán bộ, đảng viên, mọi người dân thực hành xây dựng đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mình bằng cách ra sức “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong mỗi người.

Hồ Chí Minh cho rằng công cuộc cách mạng của ta có thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào Đảng có thực sự phát huy sức mạnh từ bên trong nhân dân hay không? Mà muốn làm được điều đó đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, bởi vì “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, “không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải được diễn ra thường xuyên, liên tục, lâu dài, thậm chí cho đến hết cuộc đời con người.

Đạo đức không phải là cái trong mỗi người từ khi mới sinh ra đã có, Đức Khổng Phu Tử xưa từng cho rằng muốn có đạo đức thì người quân tử phải “chính tâm” và “tu thân”. Còn Hồ Chí Minh thì nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Tuy nhiên, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức không phải là hành động nhất thời, chốc lát, hôm nay thực hành còn ngày mai thì không, mà đó là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, diễn ra suốt cả cuộc đời người.  Hồ Chí Minh lấy hình ảnh so sánh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi người với việc rửa mặt hàng ngày. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Từ câu nói đó suy ra đạo đức được Người ví như gương mặt của con người, phản ánh tính cách và nét đẹp của mỗi người. Xã hội từ thời nào cũng quan tâm đến đạo đức. Đạo đức nói lên sự thịnh suy của một chế độ xã hội, nếu chế độ xã hội nào mà trong đó nền đạo đức của người cầm đầu suy thoái, không được lòng dân thì sớm hay muộn tất yếu sẽ dẫn đến suy vong.

Thứ hai, quan điểm về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chổ Người yêu cầu tu dưỡng phải dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng.

Ngay như các bậc thánh nhân vốn đã được mọi người ca tụng vẫn cảm thấy mình là người chưa hoàn thiện, vẫn phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hàng ngày. Tăng Tử nói: “Mỗi ngày ta tự xét ta về ba điều: mưu sự với người ta có giữ được lòng trung hay không? Cùng giao du với bạn bè, ta có giữ được đức tín hay không? Thầy truyền đạo cho ta, ta có học tập hay chăng?”. Trình Tử cũng tự kiểm điểm mình bằng cách bỏ vào lọ một hạt đậu trắng khi làm được việc tốt và bỏ vào lọ một hạt đậu đen khi có sai lầm.

“Mỗi người đều có thiện và ác ở trong lòng”, hơn nữa, ranh giới giữa Thiện và Ác rất mỏng manh, chỉ cần tâm dao động thì cái ác, cái xấu có cơ hội len lỏi vào trong lòng mỗi người làm cho con người thay đổi theo chiều hướng xấu. Do vậy, để làm cho cái xấu, cái ác trong mỗi người mất đi, bản thân cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện mình một cách nghiêm túc và thường xuyên. Có thể cho rằng ảnh hưởng của môi trường xã hội mà làm cho cá nhân trở nên xấu xa, tội lỗi. Tuy vậy, nếu bản thân mỗi người không tự ý thức rèn luyện, ý chí tu dưỡng kém cộng với tác động xấu của hoàn cảnh sống, giao tiếp thì con người dễ dàng trở nên sa sút về mặt đạo đức, ngược lại, nếu người cán bộ thường xuyên quan tâm tự rèn luyện mình thì cho dù hoàn cảnh xấu có tác động như thế nào vẫn không hề nao núng. Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy có những cán bộ lúc đầu khi tham gia cách mạng thì rất kiên trung, không sợ nguy hiểm, không sợ gian khổ, giữ lòng ngay thẳng, nhưng khi đất nước được độc lập, chuyển từ vùng rừng núi về đô thị, đồng bằng, lúc này điều kiện sống đã hoàn toàn thay đổi lại đâm ra kiêu ngạo, phạm vào tham ô, bòn rút của công, quan liêu, xa xỉ… Những người cán bộ đó đã tự biến mình từ người có công với cách mạng thành người có tội với cách mạng. Như vậy, sự tự giáo dục, tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, góp phần cải tạo, nâng cao đạo đức cho quần chúng nhân dân nói chung, cán bộ đảng viên ta nói riêng, làm cho cái thiện ở mỗi người “nảy nở như hoa mùa xuân”.

Thứ ba, Người nêu lên những biện pháp để cán bộ, đảng viên thực hành rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng.

Để giúp cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức được thực hiện tốt, Hồ Chí Minh đưa ra một số phương pháp như giáo dục, động viên, khuyết khích… trong đó có phương pháp tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, được coi là phương pháp căn bản nhất không chỉ giúp làm trong sạch Đảng mà còn là vũ khí sắc bén nhất cho cán bộ, đảng viên trong Đảng thực hành rèn luyện đạo đức, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, sai lầm, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Hồ Chí Minh có cái nhìn khách quan, nhân văn khi cho rằng mỗi con người không phải là thánh nhân, khi sinh ra cho đến khi mất đi ai cũng mắc những sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng là con người đó có nhận ra lỗi lầm của mình và có quyết tâm sửa chữa sai lầm đó hay không. Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cải thị quá hỷ” - nghĩa là biết lỗi mà không sửa mới là lỗi lớn. Tất nhiên không ai muốn mình là người xấu, bị mọi người và xã hội xa lánh, tuy nhiên, nếu muốn trở thành một người tốt, có đạo đức thì không phải là việc khó khăn, như Hồ Chí Minh nói: “Muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra”. Đối với sự cầm quyền của Đảng cũng vậy. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột hướng đến lãnh đạo xây dựng nước xã hội chủ nghĩa văn minh tất yếu cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Nhìn nhận vấn đề này, Hồ Chí Minh viết: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển”.

Giáo dục chỉ là một phương pháp tác động từ bên ngoài nhằm làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, hành động của cá nhân, nhưng giáo dục không phải là một phương pháp hiệu quả nhất trong việc “tu thân” của mỗi người, mà ở đây phải chú trọng đến biện pháp tự phê bình, tự giáo dục. Điều đó có nghĩa là, cần phải kết hợp giáo dục những phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân với quá trình tự giáo dục và rèn luyện của bản thân mỗi người trong thực tiễn.

Nhìn lại những chặng đường đã qua trong lịch sử dân tộc, rõ ràng là, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thông qua những bài nói, bài viết của Bác, có thể thấy được quan điểm của Người về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thể hiện ở những nội dung như: Người yêu cầu chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ địch trong lòng của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; Người đề ra những biện pháp để tu dưỡng, rèn luyện trong đó phương pháp tự phê bình và tự giáo dục là quan trọng nhất. Trên những quan điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng vào việc xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ta trong tình hình thế giới có nhiều biến đổi. Trong cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, những quan điểm về tu dưỡng đạo đức cách mạng của Bác vẫn giữ nguyên tính thời sự và giá trị, không những có tác dụng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn là cẩm nang cho cán bộ, đảng viên noi theo tự hoàn thiện mình để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, kiên định lập trường quan điểm cách mạng: lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, toàn Đảng, toàn dân đã đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý thực hiện cách mạng đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn, đưa đất nước ta từng bước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang diễn ra hiện nay là môi trường đạo đức của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng” và “ngày càng biểu hiện gay gắt trong mọi tầng lớp dân cư”. Các tệ nạn xã hội ma túy, cờ bạc, game bạo lực…đang len lõi làm băng hoại đạo đức, lối sống của tầng lớp thanh niên ta, lực lượng được Bác kỳ vọng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thực tiễn việc xây dựng đạo đức trong xã hội ta cho thấy, ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có cái khó khăn riêng, trong thời chiến hay trong thời bình. Nếu mỗi giai đoạn cách mạng là một thử thách thì thử thách mà chúng ta đang đối diện hiện nay là khó khăn gấp bội. Việc xây dựng đạo đức trong môi trường xã hội bây giờ đang là vấn đề nan giải. Như Bác nói: “Đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Khó khăn là vì bản thân mỗi người tự đấu tranh chính mình, tự rèn mình liêm khiết, tự giữ mình trong sạch trong điều kiện xã hội vật chất và nền kinh tế thị trường là điều không dễ. Đau xót là vì ta phải đấu tranh chống lại người đồng chí, đồng đội của mình để bảo vệ và làm trong sạch nội bộ Đảng, để giữ cho Đảng xứng đáng được quần chúng nhân dân tin yêu. Chính vì dự báo được những điều “khó khăn, đau xót” đó, Hồ Chí Minh đã dạy: “Bây giờ đây, hoàn cảnh đấu tranh không đòi hỏi lấy thân mình lấp lỗ châu mai nữa, nhưng người cán bộ, đảng viên vẫn luôn luôn phải cố gắng rèn luyện”. Hai từ “luôn luôn” mà Người sử dụng tuy nghe qua thấy bình thường nhưng đặt trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội mới thấy thật sự có giá trị và “đắt” như thế nào. Để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân một cách có hiệu quả đòi hỏi phải trở lại với những quan điểm của Hồ Chí Minh về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Hơn 40 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa nhân dân, Người không để lại cho chúng ta những tài sản vật chất, nhưng những giá trị tinh thần và những lời răn dạy của Người về đạo đức và sự thực hành, rèn luyện đạo đức là những tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam, ngọn đèn soi đường cho toàn Đảng và nhân dân ta đi theo. Có thể nói, đó là cái “bất biến” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trước muôn ngàn cái “vạn biến” của đời sống xã hội hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, t.5, t.7, t.8, t.9, t.11.

3. Vũ Khiêu (2013): Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Phạm Quốc Thành (2004): Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cho cán bộ đảng viên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác