Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua

03:43 02/02/2021

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

ThS. Dương Thị Bích Thủy -

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Lịch sử hơn 90 năm của Đảng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, đã trải qua nhiều chặng đường hết sức oanh liệt, vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng lịch sử của Đảng là “cả một pho lịch sử bằng vàng” [7; tr. 404]. Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, có tầm vóc quốc tế mà Nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt hơn 90 năm qua đã khẳng định vai trò, công lao to lớn của Đảng và để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và Nhân dân ta.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống đế quốc, thực dân giành và bảo vệ độc lập dân tộc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân, nâng cao vị thế của đất nước, làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại đã giành được, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích luỹ, tổng kết và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm lớn:

Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bài học lớn xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Đây là đường lối được Đảng ta đề ra ngay từ Cương lĩnh đầu tiên khi thành lập Đảng và cho đến nay trải qua các thời kỳ phát triển với nội dung, hình thức, bước đi gắn liền với đặc điểm mỗi giai đoạn, tạo nên sức mạnh to lớn đánh bại kẻ thù, giành độc lập, giành chính quyền xây dựng và bảo vệ đất nước. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là định hướng tiến lên phù hợp với mục tiêu, bước đi cụ thể thích hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và thế giới.

Đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo cách mạng vô sản là một sự lựa chọn đúng đắn sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Song ở một nước vốn là thuộc địa, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, trước tiên phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập dân tộc. Cách mạng giải phóng dân tộc là bước đi tất yếu để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tuy là phương hướng tiến lên trong tương lai, nhưng lại có ảnh hưởng quyết định đến tính chất triệt để và sức mạnh của cách mạng giải phóng dân tộc.

Tổng kết từ thực tiễn cách mạng trong mấy thập kỷ, Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử lớn hàng đầu là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập, dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau. Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Hồ Chí Minh đã giương cao và trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau” [3; tr. 4].

Nhìn lại 30 năm đổi mới, bài học kinh nghiệm đầu tiên mà Đảng ta rút ra là “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…” [5; tr. 196].

Hai là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó đã xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và nâng kinh nghiệm truyền thống đoàn kết của ông cha ta lên một đỉnh cao mới thành xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức là một Nhân tố thắng lợi cơ bản để giành chính quyền kháng chiến và xây đựng chế độ mới.

Để thực hiện đại đoàn kết toàn dân, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản, giai cấp tiêu biểu cho lợi ích của những người lao động và lợi ích của toàn dân tộc, không bao giờ được tách rời lợi ích chung của dân tộc với lợi ích riêng của giai cấp mình. Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên cơ sở lợi ích chung toàn dân tộc phù hợp với lợi ích riêng của mỗi giai cấp và tầng lớp. Mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam được Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định từ đầu đến nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng một xã hội tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách như kinh tế hộ gia đình, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, chính sách khoa học và công nghệ, nhiều đạo luật quan trọng...[8; tr. 360]. Những chính sách đó đã đáp ứng được lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội. Xây dựng khối đoàn kết thống nhất dân tộc còn thông qua tổ chức các đoàn thể chính trị - xã hội và mặt trận dân tộc thống nhất với hình thức và tên gọi thích hợp với mục tiêu đấu tranh từng thời kỳ cụ thể do Đảng lãnh đạo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Sự lãnh đạo của Đảng ta đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các Mặt trận trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa tạo ra một sức mạnh không gì có thể phá vỡ nổi. Với sự thành công này, Đảng ta đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” [7; tr. 119].

Ba là, quán triệt sâu sắc quan điểm cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, coi trọng sự nghiệp đấu tranh giành và giữ chính quyền, lãnh đạo xây dựng và tăng cường vai trò, sức mạnh của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định trong tư duy chính trị, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cách mạng chỉ có thể giành được thắng lợi nếu được quần chúng Nhân dân tham gia, cách mạng là ngày hội của quần chúng lao động. Cách mạng là công việc của dân chúng, chứ không phải của một hai người; làm cách mạng để giành quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc, tức là quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” [6; tr. 270]. Chỉ có cuộc cách mạng do Đảng của giai cấp công nhân, của dân tộc lãnh đạo mới mang lại quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và cuộc sống cho toàn thể nhân dân. Khi đất nước độc lập và trở thành nước dân chủ thì lợi ích thuộc về Nhân dân. Quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Không có Nhân dân thì không đủ lực lượng, không có Chính phủ thì không ai dẫn đường, vì vậy Chính phủ và Nhân dân phải kết thành một khối. Gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào sức mạnh của Nhân dân, đó là một trong những nhân tố quyết định sự vững mạnh của chính quyền Nhà nước của Đảng cầm quyền.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy của Đảng (tháng 6/1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng đã xác định bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời Nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước” [3; tr. 5].

Bốn là, kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Một nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam là đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cuộc đấu tranh của Nhân dân ta vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không tách rời cuộc đấu tranh chung của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong lịch sử cứu nước và giữ nước Nhân dân ta phải đương đầu với những thế lực thù địch bên ngoài có sức mạnh lớn hơn gấp nhiều lần, phải đối phó với nhiều tình thế hiểm nghèo. Dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, tạo điều kiện cho cách mạng nước ta, làm chuyển biến so sánh lực lượng, để chiến thắng kẻ thù. Đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, đã trở thành một nhân tố thắng lợi của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong thời đại mới.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới [1; tr. 2]. Điều đó tạo ra những thuận lợi lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những khó khăn để hội nhập kinh tế quốc tế.

Đoàn kết quốc tế còn có mục tiêu ủng hộ, đoàn kết các cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước, phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của đất nước ta. Mục tiêu của đoàn kết quốc tế đòi hỏi phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền lợi dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một bài học kinh nghiệm lịch sử lớn của cách mạng nước ta. Bài học kinh nghiệm đó vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, từ khi ra đời cho đến nay đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt muôn vàn khó khăn, giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân, thống nhất đất nước và đạt nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi mới ra đời đã đảm nhận sứ mệnh là người lãnh đạo duy nhất cách mạng nước ta. Đảng là người đại biểu trung thành cho lợi ích cao nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội trước hết bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác. Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thông qua năng lực tuyên truyền, thuyết phục, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện Cương lĩnh, chiến lược, đường lối của Đảng, biến Cương lĩnh, chiến lược, đường lối thành hiện thực cuộc sống của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, Đảng luôn luôn chăm lo xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về cả tư tưởng, chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức để Đảng thực sự là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của cả dân tộc.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Cương lĩnh sửa đổi năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải đề phòng và chống được những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên” [4; tr. 66].

Sáu là, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Những bài học đã nêu trên thể hiện nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Có được thành công đó trong lãnh đạo là nhờ Đảng không ngừng tự đổi mới và chỉnh đốn, luôn luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng coi trọng nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Coi trọng nghiên cứu lý luận, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nâng cao tầm tư duy, chiến lược, nắm bắt và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, khắc phục biểu hiện giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Chú trọng tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam để bổ sung, phát triển và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận.

Đảng không ngừng coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cả ở cấp chiến lược và cấp cơ sở. Đảng hoạt động, lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỉ luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất trong Đảng; tự phê bình và phê bình những sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; gắn bó mật thiết với Nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.

Tóm lại, thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong thời gian qua đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang. Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích luỹ và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy.

Suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua, Đảng đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, trong thời kỳ mới, thời kỳ của hội nhập mạnh mẽ, Nhân dân tin tưởng, Đảng sẽ tiếp tục vững vàng lãnh đạo đất nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2019), Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).

2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2019), Đề cương tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

8. Ngô Đăng Tri (2012), 82 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Những chặn đường lịch sử (1930 - 2012), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

các tin khác