Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tìm hiểu về phong cách Hồ Chí Minh

07:40 13/05/2020

Từ nhiều thập kỷ nay, đối với người Việt Nam ta và bầu bạn thân thiết trên thế giới, ngày 19/5 hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng, một ngày trọng đại, có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hôm nay, tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, với niềm kính yêu và biết ơn vô hạn, chúng ta long trọng tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015).

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca bất diệt, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Tuy Bác đã đi xa 51 năm, nhưng  đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách của một lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Giá trị và ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, với dân tộc Việt Nam và quốc tế được tạo nên bởi nhiều nhân tố, trong đó phải nói tới phong cách của một bậc "Đại trí, đại nhân, đại dũng". Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít nhân vật trong lịch sử đã trở thành huyền thoại khi ngay khi còn sống. Người là hiện thân đầy đủ nhất, cao đẹp nhất của tấm gương đạo đức cách mạng theo ý nghĩa và nội dung sâu rộng. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh; phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực của Người tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt Nam qua hằng ngàn năm lịch sử. Phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần rèn luyện phong cách của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên,v.v..

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nhấn mạnh phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,v.v.. Cụ thể như sau:

Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, lý luận gắn với thực tiễn. Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn; phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình. Nhờ có phong cách tư duy đó, Bác đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, sáng tạo ra con đường và phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Nói về thái độ của mình đối với một số học thuyết và tôn giáo lớn trên thế giới, chính Hồ Chí Minh đã xác nhận: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.

            Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.

            Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.

            Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn "mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội". Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".

Ngày 31- 5- 1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ý nghĩa nhân sinh sâu xa của triết lý này còn là ở chỗ trong cuộc sống nên nắm giữ cái lớn lao, đừng có xa vào những cái vụn vặt nhất thời, nên đứng ở cái bất biến mà quan sát, từ đó dung hòa, quân bình vạn vật.

Nét đặc sắc ở phong cách tư duy Hồ Chí Minh không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Ở Người có sự thực tiễn hoá lý luận và lý luận hoá thực tiễn. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể và cả những vấn đề cụ thể của Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người giảng dạy và học tập lý luận chính trị hiện nay.

Phong cách làm việc dân chủ, khoa học, có kế hoạch, đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, bảo thủ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Người nhấn mạnh rằng cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép, từ trong quần chúng ra. Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ. Đồng thời phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng; không chỉ giáo dục mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo. Người nhấn mạnh: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Trong cách làm việc với quần chúng cần phải nắm vững tình hình chất lượng quần chúng, phân loại các mức hạng khác nhau để có biện pháp làm việc cho hiệu quả, mặt khác phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của dân chúng là “họ hay so sánh” và họ so sánh đúng vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế, Bác yêu cầu cán bộ phải biết dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải phê phán và đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh. Người yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít.

Trong suốt quá trình công tác, Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng về việc tôn trọng tập thể, phục tùng các quyết định của tổ chức, luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ cao thấp. Trước khi quyết định vấn đề gì, Bác đều hỏi lại cẩn thận, chu đáo những người và cơ quan đã giúp mình chuẩn bị công việc. Người đã sớm cảnh báo về hiện tượng mất dân chủ, không tôn trọng tập thể trong công tác của cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền cao. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ”.

Một nét đặc sắc trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là làm việc có tính khoa học. Để vạch ra kế hoạch thật sự khoa học, Bác yêu cầu người cán bộ phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Để có phong cách làm việc khoa học, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy".

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rõ ở chỗ khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người lãnh đạo phải biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.

Nét đặc sắc trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng về nói đi đôi với làm và nêu gương cho mọi người học tập, làm theo. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”.

Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán bộ chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được và yêu cầu cán bộ, đảng viên nói là phải làm, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”. Bác nhiều lần huấn thị cán bộ, đảng viên phương châm làm việc: tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Muốn vậy phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói và những việc mình đã làm, qua đó phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác, phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh nêu tư cách một người cách mạng thể hiện qua phương thức ứng xử đối với bản thân mình, đối với người khác, đối với công việc. Đó là:

“Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hòa mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng ham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối với người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người.

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán. Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể”.

Phong cách lãnh đạo luôn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, quần chúng, tự mình nêu gương.

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc, sáng tạo, mang giá trị nhân văn rộng lớn, tạo nên nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh - một mẫu mực của một lãnh tụ chính trị, một nhà lãnh đạo, nhà văn hóa lớn. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh được thể hiện qua tư tưởng và thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Người. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh được hình thành và thể hiện rõ nét ở chỗ: Người lãnh đạo không quá đề cao quyền lực, mà coi trọng quyền uy; lãnh đạo bằng một phong cách gần gũi, chan hoà, giải quyết thoả đáng các mối quan hệ với các tổ chức, với nhân dân, với cấp dưới, với các lực lượng trong xã hội. Phong cách đó vừa mang tính nguyên tắc và khoa học, vừa có tình nhân ái bao la rộng lớn của một tấm lòng nhân hậu, vị tha, khoan dung hết mực vì con người. Phong cách lãnh đạo của Người không chỉ là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn góp phần bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Một trong những đặc trưng nổi bật trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phong quần chúng. Bác luôn chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và một lòng một dạ quan tâm mọi mặt đời sống nhân dân. Bác luôn tin dân, tôn trọng dân, lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân; tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm… Tiếp xúc với dân là một nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động của Người.

Trong công việc, Bác rất chú ý sắp xếp kế hoạch để thường xuyên tiếp xúc với dân, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày Tết, Người thường yêu cầu sắp xếp để đi thăm nhiều gia đình thuộc mọi tầng lớp, mọi giới khác nhau. Hàng ngày, Bác theo dõi báo chí và các phương tiện thông tin khác, có ghi chép, cũng không ngoài mục đích theo sát tình hình của dân và hiểu dân. Trời nóng nghĩ đến dân, trời lạnh nghĩ đến dân, bão lụt nghĩ đến dân, đêm nằm nghe tiếng chổi tre quét đường nghĩ đến nỗi vất vả của người lao động. Sự gần gũi nhân dân xuất phát từ trái tim nhân ái bao la của Người. Tháng 4-1960, khi ra mắt gần một vạn cử tri thành phố Hà Nội, chuẩn bị bầu đại biểu Quốc khoá khóa II, Bác nói: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt”.

Yêu dân, tin dân, quý dân, trọng dân, Người nói rằng trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân. Từ thực tiễn lịch sử của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”. Một vấn đề mà Hồ Chí Minh rất tâm đắc coi đó là một chân lý và nhắc nhở cán bộ: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”. Người luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên có dân là có tất cả, phải dựa vào dân và học tập dân vì dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn mau chóng đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Ðảng lãnh đạo không phải chỉ bằng chủ trương, đường lối, chính sách... mà còn bằng sự nêu gương, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Bác nói: Ðối với dân tộc phương Ðông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương pháp công tác của người cán bộ, đảng viên là Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân cả về lời nói và việc làm, để cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó làm cho dân tin Ðảng, phục Ðảng, yêu Ðảng và làm theo chính sách của Ðảng và Chính phủ. Theo Bác, Ðảng lãnh đạo, Ðảng cầm quyền thì người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo.

Phong cách diễn đạt giản dị, trong sáng, dễ hiểu. 

Phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa cái dân gian, đời thường với cái hàn lâm, bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữa duy tình phương Đông với duy lý phương Tây và nhất quán trong diễn đạt. Phong cách diễn đạt của Bác rất giản dị, ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao, sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh cụ thể, luôn luôn linh hoạt, nhất quán mà đa dạng. Theo Bác, cán bộ tuyên truyền khi nói ra, viết ra cốt là “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng. Do đó, khi nói hoặc viết mà người xem, người nghe không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích.

Nhà báo Ôxtrâylia Wilfred Burchett, người từng có nhiều cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh nói rằng: Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Phong cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh, chân tình, nồng hậu, tự nhiên, linh hoạt, chủ động, vui vẻ và xóa nhòa mọi khoảng cách.

Trong cuộc sống thường ngày Hồ Chí Minh luôn lo nghĩ nhiều về người khác, về những người nghèo khổ. Phong cách ứng xử của Bác chứa đựng những giá trị nhân bản của con người, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Vì lẽ đó, ngay từ năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã tiên đoán rất tài tình rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.

Phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao, cần kiệm, liêm chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

Trong cuộc sống và sinh hoạt, Bác rất giản dị và thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày. Bác sống rất chuẩn mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn công danh phú quý cho riêng mình. Trong sinh hoạt đời thường, Bác luôn tôn trọng tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Bác chưa bao giờ phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Trong bài thơ “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nhà gác đơn sơ, một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn

Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn”.

Thường ngày, bữa cơm của Bác chỉ có vài ba món ăn rất bình dị. Bác thích ăn cơm với cá kho tương và cà pháo muối - món ăn mà người Nghệ An, quê Bác thường dùng. Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hạt cơm. Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì để tươm tất, dùng cho bữa sau. Điều đó chứng tỏ Bác rất quý trọng kết quả sản xuất của nhân dân và tôn trọng những người phục vụ.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật khó có thể dùng những từ ngữ để diễn đạt đầy đủ, chính xác, trọn vẹn phong cách của một lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Song, qua tìm hiểu một số phương diện về phong cách Hồ Chí Minh cho thấy Bác Hồ chúng ta rất đổi bình thường nhưng vô cùng vĩ đại, nói như nhà thơ Xuân Thuỷ: Một con người gồm kim cổ Tây, Đông, giàu quốc tế đậm Việt Nam từng nét. Tuy Bác đã đi xa nhưng phong cách của Bác vẫn luôn là niềm tự hào to lớn, vẫn luôn toả sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo.

Hiện nay, để góp phần đẩy mạnh học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấy rõ ý nghĩa tầm quan trọng và nội dung yêu cầu của học tập và làm theo phong cách Hồ Chi Minh. Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách đối với từng loại cán bộ cho phù hợp. Cần phải xóa bỏ tư tưởng thần thánh hóa phong cách Hồ Chí Minh, từ đó cho rằng cán bộ không thể làm theo phong cách ấy được. Đồng thời, cũng phải khắc phục nhận thức chỉ thấy phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách của một “nhà chính trị chuyên nghiệp” mà không thấy phong cách làm việc của một nhà khoa học chân chính, luôn thống nhất giữa tính đảng, tính chính trị với tính khoa học trong mỗi lời nói, việc làm và quan hệ công tác. Phong cách mỗi cán bộ, đảng viên không thể hình thành một cách tự nhiên mà đòi hỏi phải có sự rèn luyện nghiêm túc. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có trình độ chuyên môn cao; tích cực đổi mới tư duy, có tầm nhìn toàn diện, sâu sắc...Đồng thời, phải tích cực, tự giác thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, với trọng tâm là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, khoa học, nói đi đôi với làm, nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu...Qua đó, tạo động lực trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các tổ chức trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay./.

TS. Nguyễn Hữu Thịnh - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

các tin khác