Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin

07:45 15/04/2020

Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, phát triển đã gần 172 năm với bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị bền vững không thể bác bỏ là: Phát triển; Chủ nghĩa nhân đạo triệt để; Phương pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử; Học thuyết giá trị thặng dư, hình thái kinh tế - xã hội, CNXH. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công.

 

Giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin
Từ khóa: chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị bền vững, ý nghĩa thời đại.

1. Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin

Kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin dè bỉu rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một học thuyết khoa học mà là một giáo điều giống như kinh thánh mà những người cộng sản phải học thuộc lòng vận dụng ở mọi nơi. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin không thể phát triển, sẽ đi vào ngõ cụt. Điều này hoàn toàn không có căn cứ. Chúng ta đều biết, ngay khi C.Mác và Ph.Ăngghen còn sống, các kẻ thù tư tưởng của các ông cũng đã nói như vậy. Ngay từ năm 1887, trong một bức thư gửi một nữ sĩ người Mỹ bà Phlo-ren-xơ Ken-li-vi-sne-vét-xcai-a, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(1). V.I.Lênin sau này cũng không ít lần nhắc nhở những người cộng sản Nga rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(2). Chính vì vậy mà V.I.Lênin đã bổ sung nhiều luận điểm lý luận so với thời đại của C.Mác, Ph.Ăngghen. Hồ Chí Minh rất nhiều lần căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(3); “Học để mà làm”(4). Đồng thời, Hồ Chí Minh đã bổ sung nhiều luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam, chẳng hạn như: cách mạng ở thuộc địa có thể nổ ra trước cách mạng ở chính quốc; đảng cộng sản không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động mà còn đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc; thực hiện liên minh công - nông - trí ở Việt Nam,v.v.. Những đảng cộng sản chân chính đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp điều kiện thực tiễn của mỗi nước. Điều đó chứng tỏ phát triển là một giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì vậy mà chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại và phát triển. Nhờ phát triển mà chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại, chính sự tồn tại lại đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin phải được phát triển.

Cùng với phát triển thì chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa nhân đạo triệt để nhất. Bởi lẽ, sự ra đời và tồn tại của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng do nhu cầu giải phóng con người và cũng nhằm mục đích giải phóng con người. Ngoài mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi hình thức người nô dịch người, người áp bức người, người đàn áp người, chủ nghĩa Mác - Lênin không có mục tiêu nào khác. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(5).

 Phương pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử cũng là một giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, nhân loại đã tìm ra rất nhiều phương pháp nghiên cứu mới nhưng chưa có phương pháp nào thay thế được phương pháp biện chứng duy vật mà chỉ có làm giàu thêm cho phương pháp biện chứng duy vật mà thôi. Còn với quan niệm duy vật về lịch sử thì đúng như Ph.Ănghen đã khẳng định, giống như Đác-uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người(6). Còn V.I.Lênin thì khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”(7). Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác về bản chất cũng là chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội. Trong xã hội thì các quy luật chỉ có thể nảy sinh, tồn tại, vận động thông qua hoạt động thực tiễn có ý thức của con người. Do vậy, bằng và thông qua hoạt động thực tiễn, con người có thể tác động làm cho quy luật nhanh hoặc chậm diễn ra hơn. Đó chính là tính xu hướng thể hiện đặc thù của quy luật xã hội và quan niệm duy vật về lịch sử bao quát được đặc thù này. Cũng vì vậy mà quan niệm duy vật về lịch sử mang giá trị bền vững.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), các nhà sản xuất đã sử dụng nhiều robot, dây chuyền tự động hóa nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động. Lợi dụng tình hình này nhiều ý kiến cho rằng, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác cũng như học thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin không còn đúng nữa. Tuy nhiên, chúng ta đều rõ nếu không có người công nhân chế tạo, lập trình, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa robot, dây chuyền tự động hóa thì robot, dây chuyền tự động hóa chỉ là đống sắt vụn vô tri, vô giác. Trong mối quan hệ giữa người lao động và máy móc (trong đó có robot, dây chuyền tự động) thì người lao động mà ở đây là người công nhân vẫn đóng vai trò quyết định. Đúng là giai cấp công nhân có sự biến đổi về mặt cơ cấu như công nhân “cổ xanh”, công nhân “cổ cồn”, công nhân “cổ vàng” nhưng họ đều là công nhân, đều là người lao động và thiếu họ thì nền sản xuất hiện đại không thể tồn tại. Do vậy, cái mà tạo ra giá trị thặng dư vẫn là sức lao động sống của người công nhân. Điều này vẫn giữ nguyên giá trị từ những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn như trên đã nêu. Hơn nữa, xét về mặt kinh tế, người công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất chính ra của cải vật chất của xã hội hiện đại. Xét về mặt chính trị, tư tưởng thì chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới là người có thể đoàn kết với nông dân, những người lao động khác và dẫn dắt họ xây dựng được xã hội mà ở đó có công bằng, tự do, bác ái, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xét về mặt văn hóa, đạo đức, chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới xây dựng được các giá trị văn hóa, đạo đức mới như công bằng, chân, thiện, mỹ, bình đẳng, tôn trọng,v.v.. Do vậy, giai cấp công nhân hiện đại vẫn đóng vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bóc lột, áp bức, nô dịch con người. Đúng như C.Mác nói: “trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ sẽ giành được cả thế giới”(8).

Lịch sử vận động, phát triển của nhân loại đã chứng minh, sự phát triển của lịch sử xã hội loài người không theo kiểu duy nhất “kinh tế quyết định”; không theo kiểu “phương Tây là trung tâm”; cũng không theo kiểu “làn sóng thứ ba”. Mặc dù, sự phát triển của các quốc gia, dân tộc là hết sức đa dạng, phong phú nhưng vẫn theo quy luật thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao một cách lịch sử - tự nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới những sự thay thế này là do những mâu thuẫn bên trong lòng của mỗi hình thái kinh tế - xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng,... Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ tạo cho sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội mới. Quá trình này diễn ra không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của con người. Do vậy, đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(9). Cả về mặt lý luận, cả về mặt thực tiễn đều chứng tỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị.

Mặc dù CNXH hiện thực ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu sụp đổ, nhưng như vậy không có nghĩa là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH sụp đổ. Không thể đồng nhất sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH. Đây là sự sụp đổ của một mô hình CNXH giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, không đổi mới; sự sụp đổ của nhận thức sai lầm, giáo điều về CNXH. Hơn nữa, sự tồn tại, đổi mới, mở cửa, phát triển của CNXH ở Cu Ba, Lào, Việt Nam, v.v.. cũng chứng tỏ CNXH với tư cách là một lý tưởng, một chế độ chính trị, một phong trào hiện thực vẫn tồn tại và phát triển. Do vậy, có thể khẳng định lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH vẫn là một giá trị bền vững.

2. Ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho giai cấp công nhân hiện đại và nhân loại tiến bộ.

Thời đại ngày nay đang có nhiều biến đổi ngày càng khó lường, nhiều học thuyết, nhiều trào lưu tư tưởng tìm cách len lỏi vào phong trào công nhân, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho giai cấp công nhân hiện đại và nhân loại tiến bộ. Với lý luận hình thái kinh tế-xã hội, học thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, với phương pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn trang bị cho giai cấp công nhân hiện đại cách tiếp cận khoa học, khách quan về thế giới đương đại cũng như con đường giải phóng con người, trước hết là giải phóng giai cấp công nhân. Trên cơ sở tiếp cận khách quan, khoa học, giai cấp công nhân với phương pháp luận khoa học biện chứng sẽ nhận thức rõ quy luận vận động của lịch sử loài người. Trên cơ sở đó, tin tưởng vào tương lai của nhân loại một cách có căn cứ. Dù thế giới có đổi thay, dù khoa học công nghệ có biến đổi nhanh, khó lường, dù chủ nghĩa đế quốc không từ thủ đoạn nào chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng với thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giai cấp công nhân hiện đại vẫn tin vào chính chủ nghĩa Mác - Lênin, tin vào tương lai tươi sáng của nhân loại, tin vào con đường giải phóng mình và giải phóng nhân loại tiến bộ.

Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học duy nhất đáp ứng yêu cầu giải phóng triệt để con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức.

Thực tế gần 172 năm phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin và gần 103 năm phát triển của CNXH hiện thực đã chứng tỏ, cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng nhiệm vụ lịch sử giải phóng triệt để con người mà chưa học thuyết nào có thể thay thế được. Đã xuất hiện nhiều lý thuyết, nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều học thuyết đặt ra nhiệm vụ giải phóng con người, nhưng về cơ bản đều là những học thuyết, trào lưu không đáp ứng yêu cầu giải phóng con người, trước hết là giải phóng giai cấp công nhân một cách triệt để, khoa học, thực tiễn. Chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin ngay từ mục đích ra đời đã vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân với những con đường, biện pháp, cách thức khoa học, thực tiễn mới đủ cơ sở để giải phóng giai cấp công nhân. Một số tôn giáo cũng muốn giải phóng con người nhưng phải sau khi chết mới được giải phóng thực sự. Chủ nghĩa Mác - Lênin hướng vào giải phóng con người hiện thực và đền bù cho con người hiện thực đang sống, đang hoạt động thực tiễn. Mọi lập luận, lý giải của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ nhằm phục vụ cho việc giải phóng con người, trước hết là giải phóng giai cấp công nhân khỏi mọi hình thức nô lệ, áp bức, bóc lột, nô dịch. Vậy mục đích này có gì sai với mưu cầu, ước vọng, hoài bão của loài người chân chính? Phải chăng nó sai ở chỗ nó muốn đạp đổ mọi hình thức người áp bức người, người nô dịch người, người đàn áp người. Khi ấy nó động chạm vào lợi ích của những kẻ đi nô dịch, thống trị, áp bức, đàn áp. Chính vì vậy, mà các giai cấp thống trị, nô dịch, đàn áp, áp bức tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết muốn lật đổ sự thống trị của các giai cấp thống trị này?! Có thể nói, sự chống phá quyết liệt của những kẻ thống trị đối với chủ nghĩa Mác - Lênin phần nào cũng nói lên tính khoa học, nhân văn, cách mạng của chính chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học trang bị cho ta phương pháp luận nhận thức đúng đắn xu thế của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Với phương pháp biện chứng, thế giới quan duy vật, lý luận hình thái kinh tế-xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rằng từ trong lòng của chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ nảy sinh những điều kiện, tiền đề về khoa học, kinh tế, vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực cho sự ra đời của một xã hội mới tốt đẹp hơn - đó là CNXH, chủ nghĩa cộng sản. Các nước tư bản hiện đại có sự tăng trưởng kinh tế và có sự phát triển về nhiều mặt. Những thành tựu này chính là thành tựu của nhân loại tồn tại dưới chủ nghĩa tư bản. Đây không phải là thành tựu của riêng chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, đúng như một nhận định của một giáo sư người Anh: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”(10). Chủ nghĩa tư bản ngày nay đạt nhiều thành tựu về kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục nhưng chủ nghĩa tư bản không bao giờ giải quyết được một cách triệt để những vấn đề bất công xã hội, đói nghèo của một bộ phận dân cư, kiểm soát vũ khí, hủy hoại môi trường tự nhiên,v.v.. Bởi do lợi ích của giai cấp thống trị không cho phép họ giải quyết một cách triệt để những vấn đề này.

Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho những người cộng sản trong lựa chọn con đường, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ cuối 1845 đầu 1846, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một ý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(11). Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin có vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho những người cộng sản lựa chọn, tìm tòi con đường xây dựng CNXH trên đất nước của mình. Những con đường, biện pháp ấy phải được tìm thấy từ trong thực tiễn mỗi quốc gia, dân tộc, chứ không thể tìm từ một ý tưởng nào đó rồi bắt hiện thực khuôn theo. Chính phương pháp luận này là do chủ nghĩa Mác - Lênin mang lại. Do vậy, với phương pháp luận này những người cộng sản chân chính sẽ vận dụng sáng tạo, thành công những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào nhận thức mô hình và con đường xây dựng CNXH trên quê hương của mình.

Chủ nghĩa Mác - Lênin trang bị cho những người cộng sản Việt Nam phương pháp luận khoa học để thực hiện đổi mới thành công.

Nhờ vận dụng đúng đắn thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ cải tổ của Liên Xô, quán triệt tốt quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng được mô hình CNXH Việt Nam với tám đặc trưng bản chất; tám phương hướng xây dựng CNXH và chín mối quan hệ lớn cần giải quyết. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam còn đứng vứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết tốt nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh như xóa thế bao vây cấm vận, mở rộng đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân có điều kiện; chú trọng xây dựng đảng về đạo đức; phát triển kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN,v.v.. Nhờ vậy, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đạt nhiều thành tựu rất đỗi tự hào. Những thành tựu này có nhiều nguyên nhân, trong có có nguyên nhân Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì, kiên quyết trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn nảy sinh.

Như vậy, có thể khẳng định, thực tiễn có nhiều đổi thay, khoa học, công nghệ có nhiều đột phá, phong trào cách mạng có nhiều biến động nhưng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên giá trị. Có thể có những luận điểm riêng biệt nào đó do thực tiễn đổi thay phải được bổ sung, phát triển nhưng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng bền vững. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi mới vì CNXH.

 

Tài liệu tham khảo

 

(1) C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.796.

(2) V. I. Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.232.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.497.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.292.

(5) C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.499.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.53.

(8), (9) C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.646, 613.

(10) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.40.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51.

 

GS, TS Trần văn PhòngViện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

các tin khác