Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

An Giang triển khai thực hiện Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ

02:21 28/12/2021

Ngày 27/12/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang vừa có công văn số 1471/UBND-KGVX, gửi Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong cả nước nói chung và trong Tỉnh nói riêng vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng và tỷ lệ tử vong vẫn chưa giảm, trong đó mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19). 

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vắc xin của biến chủng này, đồng thời không loại trừ sự xuất hiện các biến chủng mới; thực hiện Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung sau: 

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh; phải đảm bảo hoàn thành việc bao phủ vắc xin đủ liều cơ bản cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên, chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2021; các địa phương cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin; không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 50 tuổi có bệnh nền, người cao tuổi có hoàn cảnh đơn chiếc, không di chuyển được, người bị tai biến…) thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà (trừ trường hợp chống chỉ định). Chủ động rà soát, lập kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

- Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ. 

- Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: Theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

- Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

2. Căn cứ vào số lượng vắc xin được phân bổ và tình hình dịch bệnh của địa phương, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tiêm vắc xin liều bổ sung và liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, gây tử vong theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17 tháng 12 năm 2021, trong đó lưu ý triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên (và phải được đồng thuận của người tiêm), như sau: 

a) Tiêm liều bổ sung vắc xin COVID-19: 

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm: 

+ Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trban ị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; 

+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. 

- Loại vắc xin: cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. 

- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. 

Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản. 

b) Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19: 

- Đối tượng: người từ 18 tuồi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, trong đó triển khai bảo đảm bao phủ theo thứ tự ưu tiên như sau: Toàn bộ người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; các lượng tham gia phòng chống dịch; công nhân trong doanh nghiệp sản xuất và các đối tượng còn lại. 

- Loại vắc xin: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin Astrazeneca). 
- Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. 

3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế hỗ trợ các địa phương nhập dữ liệu trong mỗi đợt tiêm phải đảm bảo đồng bộ, đúng tiến độ và báo cáo Bộ Y tế theo quy định.

4. Sở Y tế chịu trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn quản lý, chăm sóc người bệnh nền, người có nguy cơ cao; kịp thời cập nhật, hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương; chủ động đảm bảo cung cấp kịp thời các hàng hóa y tế cho các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 (mô hình tháp 3 tầng); phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp sản xuất phân phối, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn được kịp thời, hiệu quả; không được để thiếu nguồn cung cấp ô xy y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh. 

5. Trong bối cảnh chuẩn bị đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để thực hiện hiệu quả mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy phục hồi và khôi phục và phát triển kinh tế xã hội; yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đánh giá sát cấp độ dịch của từng khu vực, địa phương để kịp thời ban hành các biện pháp hành chính tương ứng, đảm bảo mục tiêu kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch tại địa phương phù hợp với quy định tại Kế hoạch số 650/KH-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của UBND tỉnh; căn cứ tình hình dịch bệnh, nguy cơ cụ thể tại từng khu vực, có thể áp dụng các biện pháp hành chính tăng cường đối với các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.

Tài Liệu đính kèm:Tải về
các tin khác