Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong giai đoạn hiện nay

08:10 01/05/2020

Việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta đặt ra từ rất sớm. Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng và của dân tộc. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xây dựng chương trình KX.02, kết quả của công trình bước đầu hình thành khái niệm và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển, cấu trúc và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh…góp phần tạo cơ sở dữ liệu, nội dung và phương pháp nghiên cứu cho sự ra đời chuyên ngành khoa học mới – Hồ Chí Minh học.

 

Từ sau Đại hội VII, việc triển khai học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh được tích cực thực hiện. Tháng 01-1992, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 01 về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay, trong đó nhấn mạnh phải nghiên cứu toàn diện có hệ thống về tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với đó là đổi mới nội dung, chương trình phương pháp giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một môn học trong hệ thống các môn học lý luận. Trên cơ sở đó, tháng 06-1993 bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập. Môn học tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy và học tập ở các trường cao đẳng và đại học, các trung tâm nghiên cứu và giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng như hệ thống các trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Hiện nay, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội đang tăng cường chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng mở rộng chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng làm lung lạc tinh thần kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta, đặc biệt đối tượng mà chúng nhắm đến là tầng lớp trí thức trong xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều cán bộ đảng viên bị sa ngã trước “viên đạn bọc đường” tưởng chừng ngọt ngào nhưng đầy nguy hiểm của kẻ thù. Trước tình hình trong nước và thế giới hiện nay có nhiều biến động, dự báo trong thời gian tới công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng càng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt, đỏi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tăng cường cảnh giác, đập tan những âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, thù địch chủ nghĩa xã hội, không để chúng ảnh hưởng đến công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức của Đảng.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị…; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới. Nhằm tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều đó, trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chính vì lẽ đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay của đất nước càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị là đào tạo cán bộ cấp cơ sở cho tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Trường chính trị Tôn Đức Thắng An Giang những năm qua rất chú trọng công tác nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. Quán triệt các Nghị quyết của Đảng về đào tạo lý luận chính trị, Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, Trường chính trị Tôn Đức Thắng rất coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Riêng đối với giảng viên môn tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc khoa Lý luận cơ sở, hầu hết đều yêu nghề và có khả năng giảng dạy tốt, vận dụng được phương pháp hiện đại vào bài giảng. Bản thân là một giảng viên chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh giảng dạy nhiều năm, từ thực tiễn công tác giảng dạy và dự giờ xin trao đổi thêm về việc nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường chính trị Tôn Đức Thắng.

Trước hết, muốn có phương pháp giảng dạy tốt môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, yếu tố đầu tiên và quan trọng là người dạy phải nắm chắc nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống. Tư tưởng Hồ Chí Minh theo Đại hội XI đã nêu rõ: “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam…”. Với tư cách là một môn khoa học chính trị, đối tượng nghiên cứu của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh là:

- Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh;

- Nghiên cứu những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam;

- Nghiên cứu những phẩm chất đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh;

- Nghiên cứu hệ thống phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh;

- Nghiên cứu về việc Đảng và Nhà nước ta quán triệt vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tiễn hiện nay.

Trên tinh thần đó, người dạy phải hiểu được toàn bộ cuộc đời hoạt động phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng với mỗi giai đoạn của cách mạng, đồng thời, người dạy cũng cần phải am hiểu về lịch sử quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, lịch sử thế giới và các môn khoa học chuyên ngành khác (triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng...). Tuy nhiên, không phải cứ nắm được nội dung là sẽ có phương pháp giảng dạy tốt.

Đối với môn học tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay phương pháp được giảng viên sử dụng chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình. Ưu điểm của phương pháp này là khắc phục được sự thiếu hụt về tư liệu, giáo trình và các thông tin. Phương pháp này không đòi hỏi có sự hỗ trợ của các phương tiện thiết bị, người dạy và người học đỡ vất vả. Sử dụng phương pháp thuyết trình, người dạy chỉ cần chuẩn bị công phu giáo án lần đầu, rồi cứ thế trình bày ở tất cả các lớp sau. Tất nhiên, phương pháp thuyết trình cũng có nhược điểm, nó không phát huy được tính tích cực, độc lập và tư duy sáng tạo của người học; người học lĩnh hội kiến thức một cách thụ động, ép buộc đặc biệt nếu người thầy có lối truyền thụ không hấp dẫn, thiếu sức thuyết phục. Cuối cùng, nếu sử dụng phương pháp này về lâu dài sẽ làm giảm khả năng chuyển hóa kiến thức của người học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo lý luận chính trị nói riêng.

Bàn về phương pháp giảng dạy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Trong nhà trường, điều chủ yếu không phải là nhét cho học trò một mớ kiến thức hỗn loạn, tuy rằng kiến thức là cần thiết. Điều chủ yếu là giáo dục cho phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp diễn tả, rồi đến phương pháp nghiên cứu, phương pháp học tập, phương pháp giải quyết các vấn đề. Ở các trường, điều chủ yếu không phải là rèn trí nhớ, mà là rèn trí thông minh”. Chúng ta cần tìm chọn một vài phương pháp phù hợp nhất, có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao cho cả thầy và trò. Vì vậy, tất yếu cần phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Có rất nhiều phương pháp để lựa chọn: phương pháp phỏng vấn nhanh; hỏi chuyên gia; hỏi-đáp; nêu ý kiến ghi lên bảng; làm việc nhóm; phương pháp “bể cá”; sàng lọc; neo kiến thức bằng câu đố; phương pháp tình huống; phương pháp đóng vai; phương pháp trực quan hóa…mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó, vì vậy người dạy cần cân nhắc lựa chọn ứng với các bài giảng sao cho hiệu quả nhất.

Muốn sử dụng kết hợp nhiều phương pháp người giảng phải nắm được đối tượng mình giảng và phân bố chương trình. Đối tượng người giảng hướng đến là cán bộ đương chức hoặc dự nguồn cấp cơ sở; Trưởng, phó phòng cấp huyện, tỉnh và tương đương. Đây là những đối tượng người học đã có thâm niên công tác, đương chức hoặc được quy hoạch, có trình độ kiến thức chuyên môn cao, lý luận chính trị nhạy bén và quan hệ xã hội rộng. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề cấp bách của Đảng và nhà nước. Đó chính là những tiêu chuẩn cơ bản mà người cán bộ cần phải có để vừa thể hiện và thực hiện được vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là nhiệm vụ to lớn đặt ra đối với công tác đào tạo cán bộ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với việc phân bố chương trình, căn cứ vào giáo trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017, môn học tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 5 bài với 24 tiết giảng trên lớp, 12 tiết thảo luận và 20 tiết học viên tự nghiên cứu. Với việc phân bố thời gian ngắn cho một đơn vị bài học như trên thì việc làm sao truyền đạt được nội dung kiến thức cơ bản đến người học mà không gây nhàm chán đòi hỏi người giảng dạy phải sử dụng các phương pháp thế nào hiệu quả nhất. Do đó, để vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, khâu đầu tiên là thiết kế bài giảng, trong giáo án phải xác định mục tiêu của bài là gì?, trọng tâm là vấn đề nào? phương pháp sử dụng là gì? phân bố thời gian giảng sao cho hợp lý? Cụ thể:

Bài 8: Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu của bài là làm rõ các nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển qua những giai đoạn lịch sử cụ thể như thế nào. Trong bài này, các phương pháp có thể đưa vào áp dụng là phương pháp thuyết trình; phương pháp làm việc nhóm ở mục 2. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh; phương pháp sàng lọc ở mục 3. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài 9: Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ở bài này, giảng viên phải làm bật lên được tính tất yếu của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; quan niệm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và về chủ nghĩa xã hội là gì?; quan niệm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là bài nặng về lý thuyết, tuy nhiên, giảng viên vẫn có thể sử dụng phương pháp làm việc nhóm ở mục 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; đồng thời sử dụng kết hợp phương pháp hỏi-đáp; phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng.

Bài 10: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Trọng tâm của bài nằm ở mục 1. Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Qua bài học sẽ góp phần trang bị cho người học những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về nguồn gốc hình thành, phương pháp và nguyên tắc đại đoàn kết, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Trong bài này, xuyên suốt tiết 1.3. Nội dung và hình thức đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên có thể sử dụng các phương pháp như: thuyết trình; phương pháp hỏi – đáp bằng các câu hỏi trắc nghiệm ở nội dung các nguyên tắc và phương pháp đại đoàn kết dân tộc; phương pháp lấy ý kiến ghi lên bảng ở nội dung lực lượng đại đoàn kết dân tộc.

Bài 11: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bên cạnh phương pháp thuyết trình, phương pháp làm việc nhóm là một sự lựa chọn phù hợp, phương pháp hỏi-đáp, giảng viên có thể sử dụng phương pháp nêu tình huống để giải quyết nếu có thể quản lý thời gian tốt ở tiết 2.1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Bài 12: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Ở bài này có rất nhiều nội dung để học viên liên hệ thực tế bản thân hoặc cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác, qua đó làm rõ những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có nhiều phương pháp được sử dụng như: thuyết trình, hỏi-đáp; nêu ý kiến ghi lên bảng; sàng lọc, nêu tình huống giải quyết vấn đề.

Kết luận: qua tổng kết thực tiễn giảng dạy, có thể nhận thấy rằng các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong 05 bài tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là phương pháp thuyết trình; phương pháp hỏi - đáp; phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng; phương pháp làm việc nhóm; phương pháp sàng lọc; phương pháp tình huống; sau mỗi kết bài, giảng viên neo chốt kiến thức bằng phương pháp neo kiến thức bằng câu đố, tất nhiên, để làm cho bài giảng thêm sinh động và có tính chân thực cao, người dạy cần sử dụng các hình ảnh của Bác làm minh họa (còn gọi là phương pháp trực quan hóa). Trong các phương pháp thì thuyết trình được xem là chủ đạo. Các phương pháp còn lại khác như: phương pháp tia chớp; bể cá vàng; đóng vai; công đoạn, hỏi chuyên gia không thể đưa vào sử dụng được bởi hạn chế về thời gian và các yếu tố khác. Tất nhiên, đây chỉ là việc vận dụng các phương pháp tích cực vào bài giảng, còn việc giảng được như thế nào và có sức lôi cuốn học viên hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: năng lực, sức khỏe của giảng viên, âm lượng giọng nói, thái độ và niềm hăng say, việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ micro, projector. Ngược lại, cũng không thể khẳng định rằng việc giảng viên sử dụng các phương pháp hiện đại sẽ làm cho bài giảng hay, có chất lượng. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là chủ thể của quá trình dạy và học. Thực tế chứng minh rằng có nhiều giảng viên lâu năm có kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn cuộc sống phong phú chỉ sử dụng mỗi một phương pháp thuyết trình khi lên lớp nhưng vẫn đủ sức lôi kéo học viên lắng nghe một cách chăm chú, hăng say.

Như vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của trường Chính trị Tôn Đức Thắng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh yêu cầu phải đổi mới phương pháp giảng dạy, trường chính trị cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hướng đến đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của người giảng viên trường chính trị về năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống theo đúng Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/ HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019. Thực hiện đúng Hướng dẫn số 311-HD/HVCTQG ngày 12 tháng 6 năm 2019 về Hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm củng cố, bổ sung kiến thức lý luận; nắm bắt, cập nhật tri thức thực tiễn cho giảng viên đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên trẻ nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực kế cận đủ trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn.

Với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay ở trường chính trị Tôn Đức Thắng theo hướng thiết thực, hiện đại, gắn với yêu cầu của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội.

2. Đảng cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội.

3. Đảng cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

4. TS. Lương Gia Ban - Chủ biên (2002): Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới nội dung chương trình các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác