Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở tỉnh An Giang hiện nay

07:15 30/04/2020

Nông dân là những người lao động cư trú ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp. Nông dân sống chủ yếu bằng ruộng vườn, sau đó đến các ngành nghề mà tư liệu sản xuất chính là đất đai. Tùy từng quốc gia, từng thời kì lịch sử, người nông dân có quyền sở hữu khác nhau về ruộng đất. Họ hình thành nên giai cấp nông dân, có vị trí, vai trò nhất định trong xã hội.

 

Ở Việt Nam, từ trong lịch sử đến thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nông dân là một lực lượng to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nông dân Việt Nam có tinh thần cách mạng, nhiệt huyết, nhưng trước nhiệm vụ chống lại kẻ thù là đế quốc tư bản phương Tây, họ không thể trở thành lực lượng lãnh đạo vì nông dân không có hệ tư tưởng độc lập. Đến khi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước đúng đắn – giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo thì giai cấp nông dân mới thực sự là gốc của cách mạng góp phần to lớn vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ “cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực”.

Ngay từ những năm tháng hoạt động cách mạng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã chú ý tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề nông dân. Những bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (10/ 1923); các bài viết về Tình cảnh nông dân An Nam, Tình cảnh nông dân Trung Quốc, Nông dân Bắc Phi (1924); và phát biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (7/1924)... đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Người về giai cấp nông dân, đồng thời khái quát, chỉ rõ lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Từ việc đánh giá vai trò, vị trí và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tập hợp lực lượng này vào trong một tổ chức để có thể tuyên truyền đường lối của Đảng, lãnh đạo họ làm cách mạng. Trong Cương lĩnh chính trị tháng 2-1930, Người xác định: Đảng phải lôi cuốn đại đa số dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo họ làm cách mạng.

Để định hướng cho cán bộ, đảng viên làm tốt công tác dân vận, ngày 15 tháng 10 năm 1949, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Dân vận. Tác phẩm tuy ngắn nhưng chứa đựng những nội dung phong phú, những quan điểm lớn, những tư tưởng vĩ đại về dân, về dân chủ, dân vận. Dân vận ở đây là “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Theo Hồ Chí Minh, đối tượng để vận động là không bỏ sót một thành phần nào trong đó nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội càng không thể bỏ qua, có phát huy được sức mạnh, lực lượng to lớn của nông dân được hay không, điều đó phụ thuộc phần lớn vào công tác nông vận của chúng ta.

Chính vì vậy, từ việc nghiên cứu tác phẩm Dân vận của Bác có thể đúc kết quan niệm nông vận theo Hồ Chí Minh là: “Tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, Tổ quốc”... Và yêu cầu đặt ra khi tiến hành công tác nông vận là phải: “Vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Đó là tư tưởng, đường lối, phương châm về công tác nông vận của Hồ Chí Minh, tư tưởng ấy thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người đối với cách mạng Việt Nam.

Về hình thức tiến hành vận động nông dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trương thành lập tổ chức. Tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương Đảng tại Hương Cảng đã thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) và thông qua Điều lệ trong đó nêu rõ mục đích: nhằm thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân để thực hiện cách mạng thổ địa. Trãi qua các giai đoạn hình thành và phát triển, Hội nông dân Việt Nam mang nhiều tên gọi khác nhau: giai đoạn cách mạng 1931-1935 có tên gọi là Nông hội đỏ; giai đoạn 1936 - 1939 là Nông hội; giai đoạn 1939 – 1945 là Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội; giai đoạn 1945 – 1954 là Hội Nông dân cứu quốc; giai đoạn 1954 – 1975 là Hội Nông dân giải phóng (ở miền Nam); 1975 – 1986 là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam; từ năm 1986 đến nay là Hội Nông dân Việt Nam. Mặc dù mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng của tổ chức Hội Nông dân là giải phóng nông dân khỏi áp bức, nô lệ, đem đến cho họ cuộc sống thật sự ấm no, tự do, hạnh phúc như lời Bác dặn: “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, có áo mặc, nhà ở”.

Hiện nay, ở nước ta, nông dân chiếm số đông, được xác định là một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất xã hội, là lực lượng chính trị - xã hội có tiềm năng cách mạng to lớn. Giai cấp nông dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nước ta. Hơn 80% lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân. Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm gần 70% dân cư và chiếm hơn 40% lực lượng lao động xã hội. Địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã làm giảm tỷ lệ giai cấp nông dân trong xã hội, số lượng nông dân giảm đi, số hộ và lao động thuần nông giảm, tỷ lệ nông dân tập thể giảm đi rất nhiều. Tình trạng một bộ phận nông dân rời khỏi đất canh tác, bỏ nghề truyền thống trong khi có ít cơ hội để chuyển sang những nghề phi nông nghiệp, và trở thành giai cấp khác.

Do đó, quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh về công tác nông vận, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW ngày 20/7/2014 về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới; Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 về xây dựng chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp; Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 4/7/2016 về đổi mới nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; v.v..

Ở An Giang, tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2019, dân số toàn tỉnh là 1.908.352 người, mật độ dân số 611 người/km². An Giang là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong đó 31.6% dân số sống ở đô thị và 68.4% dân số sống ở nông thôn. Toàn tỉnh có 24.011 hộ dân tộc thiểu số, với 114.632 người, chiếm 5,17% tổng dân số. Có 04 dân tộc chủ yếu sinh sống ở An Giang hiện nay là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Trong những năm qua, trên cơ sở những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân và công tác nông vận, được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy An Giang và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm trong hoạt động Hội.

Là một trong ba phong trào thi đua lớn của các cấp Hội Nông dân, trong những năm qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện đều khắp các hội viên, nông dân. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức phát động cho các hộ hội viên đăng ký thi đua hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí quy định ngay từ đầu năm đến các chi hội, cho từng hộ hội viên.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tham mưu với cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp và phối hợp thực hiện một số chương trình; dự án phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội nông thôn”; đồng thời thực hiện tốt việc sử dụng nguồn vốn từ Quỹ hội Nông dân đã giúp hàng ngàn hộ nông dân được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân biết phát huy tiềm năng đất đai, nguồn lực, sức sáng tạo trong lao động để phát triển sản xuất với quy mô lớn, góp phần quan trọng giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân góp phần ổn định đời sống ở địa phương.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn và toàn diện phải huy động từ nhiều nguồn lực của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân cùng làm. Do vậy, việc làm đầu tiên là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân thì mới vận động nhân dân đóng góp tiền bạc, công lao động, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục phát huy mục tiêu của phong trào thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” là khích lệ, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái thi đua làm giàu, giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn và tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới càng thêm khởi sắc, xuất hiện ngày càng nhiều các gương điển hình rất đáng trân trọng như: một nông dân ở huyện Tri Tôn đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn gần 100 triệu đồng; nông dân huyện An Phú vận động cất nhà xóa nhà dột nát cho hộ khó khăn, hộ nghèo và rải đá lộ giao thông nông thôn, bên cạnh đó ở các huyện, thị trong tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân “người tốt, việc tốt”…

Có thể nói, phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm. Đời sống của người nông dân từng bước được nâng cao; số hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm, nông dân yên tâm phấn khởi sản xuất và tích cực góp công sức, tiền của, đất đai cùng chính quyền chung tay xây dựng Nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” trong tỉnh cũng có những mặt hạn chế như: quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ, phân tán, phát triển chưa đồng đều, giá trị hàng hóa thấp; sức cạnh tranh chưa cao; một bộ phận nông dân chưa thật quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất; trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao nên sản xuất kinh doanh còn chưa hiệu quả, năng suất, chất lượng lao động còn thấp; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp và ký hợp đồng lâu với nông dân thông qua hình kinh tế hợp tác.

Vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 đã diễn ra trong bối cảnh nước ta sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với tinh thần: Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đã tập trung thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023 góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trên tinh thần đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X; phát huy kết quả đạt được và định hướng những năm tiếp theo, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, gắn với “Nông dân An Giang vì một nền nông nghiệp an toàn và bền vững”; phấn đấu để phong trào phát triển về chất, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, cùng vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp gắn với việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, hướng hoạt động Hội về cơ sở, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đối với hoạt động của Hội nông dân thời gian tới cần chú trọng đến một số vấn đề:

Một là, phải tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức trong cán bộ, đảng viên về công tác nông vận của Đảng nhất là trong hệ thống chính quyền, làm cho mọi người thất rõ tầm quan trọng của công tác nông vận. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác về lực lượng và sức mạnh của quần chúng nhân dân mà trước hết là lực lượng nông dân trong xã hội.

Hai là, tăng cường xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác nông vận. Có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng, của Mặt trận và Đoàn thể cho trước mắt và lâu dài.

Ba là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các Hội Nông dân cơ sở . Quan tâm đến lợi ích thiết thực của quần chúng, cần tạo nhiều nguồn vốn cho các đoàn thể để hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên và quần chúng, tạo ra uy tín và sức thu hút quần chúng vào tổ chức Hội nông dân. Thường xuyên tiến hành sơ, tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình, cách làm hay để nhân rộng và phổ biến.

Bốn là, lãnh đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể. Quan tâm hơn nữa về kinh phí, phương tiện làm việc cho Hội nông dân, Mặt trận, các đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục thay đổi, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ mới, còn có nhiều trở ngại, khó khăn và thử thách. Trong công tác dân vận nói chung và vận động nông dân ở tỉnh An Giang nói riêng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu tư tưởng của Bác về dân vận, cần đi sâu vào thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn để tìm ra giải quyết đúng đắn và sáng tạo tiến tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI thành công tốt đẹp./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Đề cương tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2018 - 2023.

2. Ban Dân vận Trung ương (1995): Tư tưởng Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội.

3. TS. Nguyễn Khánh Bật (2001): Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh với giai cấp nông dân, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội, 2008.

5. GS. TS Hoàng Chí Bảo (2011): Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Hằng - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác