02:40 07/03/2023
Chương trình OCOP (tên tiếng Anh là: One commune one product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
ThS. Lê Châu Mỹ Hoa
Khoa Lý luận cơ sở
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Điểm nhấn của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang
Do đặc thù đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, An Giang trở thành vựa lúa chính của cả nước, không những thế Tỉnh còn có thế mạnh về thủy sản nhất là tiềm năng từ con cá tra. Song song với lợi thế cây lúa và con cá còn có những vườn cây ăn trái và cánh đồng rau màu tạo nên sự đa dạng về sản lượng nông nghiệp của Tỉnh. Xét về điều kiện xã hội, An Giang chủ yếu có bốn dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc. Như vậy, với yếu tố điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội chính là hai nguồn tài nguyên lớn phục vụ cho phát triển kinh tế An Giang, khi mỗi sản phẩm nông nghiệp gắn với câu chuyện về tài nguyên và tri thức bản địa, văn hóa cộng đồng tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 490/QĐ/TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Cụ thể:
Thời gian qua tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia (Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua Tiên Nữ thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn), 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Trong số các sản phẩm được chứng nhận OCOP, có 63 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm; 21 sản phẩm đồ uống; 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí. Đồng thời, có 59 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm: 6 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp, 33 cơ sở sản xuất.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả, Tỉnh triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng của từng địa phương như: sản phẩm tung lò mò (còn gọi là lạp xưởng bò) là món ăn đặc sản của người dân tộc Chăm – An Giang; Sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania ở vùng Bảy Núi, An Giang; Mắm cá chao cá mè vinh Ông Ba Lộc, xoài cát hòa lộc sấy dẻo, mật ong,… Hầu hết, sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Trên cơ sở xây dựng thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn OCOP, Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, như: tham gia Đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh”, tham gia bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... Tổ chức thành công “Ngày Hội sản phẩm OCOP và Hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021”. Đặc biệt, tại Diễn đàn sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, 2 sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang là Đường thốt nốt bột của Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia và sản phẩm Tương hột của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thanh Hồ vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình OCOP đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Tỉnh khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân tộc trên địa bàn Tỉnh.
An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh An Giang khẳng định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - Cấp Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương; 100% cán bộ các cấp (thành viên của các hội đồng, tổ giúp việc OCOP các cấp, cán bộ cấp xã), lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về OCOP.
Thời gian tới, Tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa của tỉnh, của vùng, quốc gia và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Đặc biệt, Tỉnh thực hiện thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố, điểm bán hàng, cà phê; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số (Làng thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hội chợ và triển lãm thực tế ảo OCOP); các Trung tâm, điểm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP. Xây dựng không gian triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang nhằm quảng bá, giới thiệu, đào tạo, kết nối cung - cầu và thị trường sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện Chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch./.
Tài liệu tham khảo
1. Công văn số 10/VPĐPNTM, ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới V/v báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 và Kế hoạch năm 2023.
2. Chương trình 06-Ctr/TU, ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Tỉnh ủy An Giang về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.
3. Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 01 tháng 02 năm 2023 về Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.
4.Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu thị trường.
5. An Giang nỗ lực gia tăng giá trị của các sản phẩm OCOP
6. An Giang nâng cao giá trị sản phẩm OCOP phát triển kinh tế nông thôn
Xem tại: https://moitruongdulich.vn/index.php/item/20482