Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Công tác “Cán bộ vận”

09:24 11/05/2017

Lâu nay tồn tại một nghịch lý đó là chúng ta càng quan tâm đến công tác dân vận bao nhiêu thì dường như càng ít nói đến công tác “cán bộ vận” bấy nhiêu. Trong khi khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại tùy thuộc ở cán bộ tốt hay kém thì những hạn chế trong nhận thức về công tác “cán bộ vận” gây nên tác động tiêu cực đến hầu hết mọi lĩnh vực công tác của không ít cơ quan, đơn vị.

 

     1. Công tác “Cán bộ vận” là gì?

 

     Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho” . Từ quan niệm này của Hồ Chí Minh, từ tư tưởng và thực tiễn giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên của Người, có thể hiểu: Công tác “cán bộ vận” là vận động tất cả lực lượng của mỗi một cán bộ góp thành lực lượng của toàn bộ hệ thống chính trị, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Lực lượng của mỗi một cán bộ ở đây chủ yếu muốn nói đến là năng lực, sở trường của cán bộ. “Cán bộ vận” hiểu cô đọng là vận động năng lực của cán bộ vào thực hiện nhiệm vụ được giao sao cho năng lực ấy trở thành nhân tố đóng vai trò quyết định mang lại kết quả cao nhất.

 

     Trong quan niệm về công tác “cán bộ vận” nêu trên, cần chú ý mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố: năng lực (tố chất) cán bộ và yêu cầu công việc. Nói công tác “cán bộ vận” là sự gắn kết giữa người cán bộ với công việc thì đúng nhưng chung chung, chưa sát, dễ dẫn đến hiểu lệch, làm sai. Trong thực tế, có khi giữa người cán bộ và công việc vẫn gắn với nhau nhưng không trên cơ sở quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố cụ thể là năng lực và yêu cầu thì đó là làm công tác “cán bộ vận” chưa đến nơi.

 

     Nói ít hiểu về công tác “cán bộ vận” không có nghĩa là công tác này ít được thực hiện. Quá trình tổ chức, huy động cán bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị chính là cơ quan, đơn vị đang thực hiện công tác “cán bộ vận”. Vấn đề ở chỗ chúng ta không ý thức được hoặc ý thức được nhưng không nhiều rằng việc đang thực hiện thường xuyên đó chính là công tác “cán bộ vận”. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lúc, nhiều nơi thiên về “giao nhiệm vụ” mà xao lãng việc tìm tòi, phát hiện, khơi dậy, phát huy tố chất, năng lực sở trường của cán bộ tương thích với nhiệm vụ được giao. Về phía người cán bộ, họ sử dụng năng lực của mình theo nhiệm vụ được giao, cứ giao là làm, nên rất nhiều trường hợp vì nhiệm vụ đang đảm trách không phù hợp với năng lực, sở trường nên dẫn đến thực hiện trong trạng thái bị bắt buộc, ít “vận” được năng lực của bản thân để “dụng” vào công việc. Nghĩa là, tồn tại biểu hiện nặng về “đưa người đến việc” mà nhẹ “đưa năng lực của người đến việc”, nặng về “vận động người vào việc” mà ít chú ý “vận động năng lực của người vào việc”. Khi yêu cầu công việc không tương thích với năng lực người cán bộ thực hiện khiến cho cán bộ không phát huy hết năng lực, sở trường của mình để thực hiện nhiệm vụ thì đó là lúc chưa làm tốt công tác “cán bộ vận”.

 

     2. Ai phụ trách công tác “Cán bộ vận”?

 

     Để thực hiện tốt công tác “cán bộ vận”, sau khi nhận thức được “cán bộ vận” là gì thì cần thiết tiếp theo là phải ý thức được tầm quan trọng của công tác này. Thiếu điều đó, chúng ta không muốn làm hoặc có làm thì cũng không dốc toàn lực để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất. Nhận thức tốt về tầm quan trọng của công tác “cán bộ vận” là chìa khóa để khai mở những nguồn lực cần có nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

 

     Tầm quan trọng của công tác “cán bộ vận” xuất phát từ vị trí, vai trò của người cán bộ. Hồ Chí Minh nêu vị trí, vai trò của cán bộ trên các mối quan hệ cơ bản. Đối với công việc,  “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây chết. Việc cách mạng cũng như cây, cán bộ cách mạng là gốc cây, quyết định mọi sự thành bại. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đối với sự nghiệp cách mạng, tổ chức cách mạng, cán bộ là vốn quý; “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể, có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức lỗ vốn”. Cũng với quan niệm ấy, Hồ Chí Minh nói "Cán bộ là tướng của đoàn thể", người tướng ấy quyết định hoạt động của đoàn thể. Đối với Nhân dân, cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ. Trong mối quan hệ giữa tổ chức cách mạng (Đảng, chính quyền, đoàn thể) và Nhân dân, cán bộ là trung gian gắn kết. “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. Cán bộ không những chỉ là người có vai trò giác ngộ và hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng mà còn là “chiếc cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

 

     Tóm lại, “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Mỗi người cán bộ “là gốc” của công việc mình đang đảm nhận. Phải ý thức được vị trí, vai trò đó để xác định rõ trách nhiệm mà luôn nỗ lực hoàn thành. Không được tồn tại cán bộ biểu hiện “làng nhàng”, né tránh hoặc tự hạ thấp vai trò vốn đang đảm nhận để rồi làm việc không trong vị trí “là gốc” mà trong vị trí “là ngọn” theo kiểu lánh nặng tìm nhẹ. Để đáp ứng được vai trò “là gốc”, người cán bộ phải huy động toàn bộ phẩm chất và năng lực của mình để dùng vào công việc. Do đó, nếu cán bộ là gốc của mọi công việc thì công tác “cán bộ vận” là cách để thực hiện tốt nhất vai trò ấy. Thực hiện công tác “cán bộ vận” không gì khác hơn chính là con đường giúp người cán bộ phát huy nội lực để đáp ứng yêu cầu công việc.

 

     “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là câu nói mộc mạc nhưng sâu sắc, thể hiện nguyên lý vận động của lực lượng cách mạng. Muốn “đi trước” thì phải làm tốt công tác “cán bộ vận”. Người cán bộ, đảng viên phải tự thân vận động dưới sự dẫn dắt, tạo điều kiện của tổ chức để phẩm chất và năng lực của mình được bồi dưỡng, hiển lộ cho Nhân dân thấy để đi theo. Không làm tốt công tác “cán bộ vận”, Nhân dân sẽ không theo. Khi vừa không có cán bộ ngang tầm, vừa nhân dân không theo thì sự nghiệp cách mạng gặp khó khăn. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết của công tác “cán bộ vận”.

 

     Dụng nhân như dụng mộc là triết lý của người xưa được Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở trong quá trình lãnh đạo công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Hồ Chí Minh nói: "ai cũng đóng giầy theo chân không ai đóng chân theo giầy".  Đặt cán bộ vào công việc phải chú ý đến sự phù hợp giữa năng lực, sở trường của cán bộ với yêu cầu của công việc, giống như sử dụng gỗ vào mục đích phù hợp với đặc tính của nó thì mới phát huy hiệu quả cao nhất. Chớ nên đem công việc áp vào cán bộ theo kiểu một chiều, mặc cho cán bộ ấy có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu hay không. Trong khi hiện nay còn không ít biểu hiện của hạn chế đó thì càng phải nhận thức sâu sắc về công tác “cán bộ vận”.

------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Hồng Chương (2004), Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. Vũ Văn Hiền (Chủ biên) (2007), Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Thế Kiệt (2011), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đàm Văn Thọ, Vũ Hùng (1997), Mối quan hệ giữa Đảng và dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.


ThS. Nguyễn Phương An - Khoa LL MLN, TT HCM

Responsive image
 

 

các tin khác