Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số điểm mới của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

03:03 20/04/2018

     Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt hội nghị trung ương năm khóa XII đã cụ thể chủ trương trên ban hành các Nghị quyết phù hợp với thực tiễn đặt ra.
           
     Nội dung trọng tâm các Nghị quyết đề ra là những vấn đề lớn, mang tính chất đột phá, giải quyết những vấn đề cốt yếu về thể chế kinh tế, hiệu quả hoạt động kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Cụ thể: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
         
     Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
           
     Phát triển kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế. Là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. 
           
     Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, Quốc hội đã thông qua Luật số 04/2017QH14 - Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/06/2017 và Luật này có hiệu lực từ 01/01/2018. Luật gồm có 04 chương, 35 điều.
         
     Chương I: Những qui định chung có 6 điều; Chương II: Nội dung hỗ trợ DN vừa và nhỏ có 14 điều ( mục 1: hỗ trợ chung Điều 8 đến Điều 15; mục 2 hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết nghành, chuỗi giá trị Điều 16 đến Điều 20). Chương III: trách nhiệm hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Điều 21 đến Điều 32. Chương IV: điều khoản thi hành từ Điều 33 đến điều 35.
       
     Theo đó, Luật số 04/2017QH14 có nhiều quy định mới, cụ thể hơn về đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề cao khởi nghiệp sáng tạo.
       
    Thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa? 
       
    Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này.
       
    Theo Điều 4, các tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
       
     1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
        -  Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
        -  Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng (được hiểu là doanh nghiệp muốn được chuyển sang doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tổng doanh thu năm trước đó không quá 300 tỷ đồng).
        2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
        Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ gì?
        Được hỗ trợ về thuế, kế toán như được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường; Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật   về thuế, kế toán ...
         Điểm chú ý, Điều 17 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa chào bán chứng khoán ra công chúng được hỗ trợ như sau:
          - Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới;
          - Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng;
           - Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
           - Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;
          - Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.
           Ngoài ra, Điều 18 cũng hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp ... 
            Điều 18. Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
            1. Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
             2. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau đây:
             -  Đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư;
             -  Nhà đầu tư tư nhân góp vốn vào quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình.
             3. Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 1 Điều này được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
            4. Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hộiđồng nhân dân cùng cấp quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau đây:
           -  Lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;
           -  Khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn;
           -  Tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
           Việc ban hành luật DN nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay về cải cách thể chế kinh tế, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.phấn đấu đến năm 2020 có hàng triệu DN được thành lập, đồng thời phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, giảng dạy các chuyên đề trong chương trình TCLLCT-HC, đặc biệt là bài Luật kinh tế, Quản lý nhà nước về kinh tế, Ngân sách, Nhà nước PQXHCNVN. Luật số 04/2017QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đồng thời các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện./.
 
Tài liệu tham khảo
- Luật số 04/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 ( Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
- Luật số 68/2014/QH13 (Luật Doanh nghiệp).
- NQ TW5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân...
- Giáo trình TCLLCT-HC hiện hành.

Vũ Thanh Hải - Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

 
            

 

Responsive image
 

 

các tin khác