Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Lòng tin của nhân dân và sự thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam

03:37 15/01/2020

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang đó, Đảng ta luôn được Nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình và trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam bằng hai chữ “Đảng ta”. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng Công sản Việt Nam mà không phải bất kỳ đảng chính trị nào trên thế giới cũng có được. Với lòng tin vững chắc ấy, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu khách quan, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử của dân tộc, khát vọng của Nhân dân

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Nhân dân ta phải chịu sự kìm kẹp của đế quốc thực dân và tầng lớp phong kiến hà khắc, dân tộc chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Từ đó, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ, mong muốn cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ và phong kiến. Tuy nhiên do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến như phong trào Cần Vương đã chấm dứt với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1896); phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài 30 năm cũng không giành được thắng lợi. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại,… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.

Nhờ hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.

Như một tất yếu khách quan, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.

Trước đòi hỏi của lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén chính trị, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, xuất phát và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử và khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp của toàn thể Nhân dân ta.

Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và niềm tin của Nhân dân

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước.

Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, bằng sự kiên trung của các chiến sĩ cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo và được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng Nhân dân lao động. Vì tin yêu Đảng, Nhân dân ta đã một lòng, một dạ đi theo Đảng, quyết tâm ủng hộ Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Chính nhờ có sự ủng hộ rộng rãi của Nhân dân, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo cao trào năm 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày 06/01/1946, Nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử để tự lựa chọn bầu ra những đại biểu chân chính của mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu lãnh tụ Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Chính phủ và trao quyền cho Người lập Chính phủ chính thức - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đến kỳ họp thứ hai (tháng 11/1946), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, Đảng ta đã giành được chính quyền trong quá trình lãnh đạo cách mạng và được trao quyền lãnh đạo đất nước thông qua luật pháp, thông qua bầu cử của Nhân dân; quyền lãnh đạo của Đảng là do Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam tin tưởng giao phó chứ Đảng không đòi hỏi bắt buộc phải có sứ mệnh lịch sử đó.

Sau khi lãnh đạo giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, trước muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, Nhân dân ta tiếp tục tin tưởng, giao cho Đảng trọng trách lãnh đạo dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Đây là sự lựa chọn tự giác, tự nguyện của Nhân dân và dân tộc ta.

Đến những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến cố to lớn, đặc biệt sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là tổn thất rất lớn, gây bất lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đứng trước tình thế vô vàn khó khăn, thử thách, Nhân dân ta vẫn tin tưởng giao cho Đảng trọng trách kiên trì con đường cách mạng đã lựa chọn, lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng nước Việt Nam độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta về quyền lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, trước những thời cơ, vận hội đan xen với những nguy cơ, thách thức lớn, Nhân dân ta vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng được Nhân dân và dân tộc giao cho. Và niềm tin tuyệt đối của Nhân dân đối với Đảng tiếp tục được củng cố trên cơ sở những thành tựu to lớn trong hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để củng cố niềm tin của Nhân dân

Những thắng lợi vĩ đại trong 90 năm qua kể từ ngày có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân ta. Đảng đã không ngừng tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đảng ta đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cũng có những thời điểm Đảng ta gặp phải những sai lầm, làm suy giảm lòng tin của nhân dân nhưng với sự che chở, đùm bọc, góp ý chân thành của Nhân dân, Đảng đã nhận ra để tự sửa chữa và làm trong sạch tổ chức của mình. Trước năm 1986, do chủ quan duy ý chí, nóng vội, Đảng có nhiều khiếm khuyết, hạn chế trong quản lý và tổ chức nền kinh tế, làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhưng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm, quyết tâm đổi mới, trước hết là tư duy kinh tế. Trong những năm đổi mới toàn diện đất nước, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trước những nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng ta kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý kịp thời những đảng viên có dấu hiệu suy thoái, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên có vi phạm ra khỏi bộ máy, làm trong sạch đội ngũ. Nhờ đó, các quyết định của Đảng được nhân dân ủng hộ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đã và đang từng bước được nâng lên.

Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng không phải để xa rời bản chất khoa học và cách mạng mà là giữ vững và tăng cường hơn nữa bản chất ấy; khẳng định rõ hơn mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; làm cho Đảng ta mãi mãi là một Đảng cách mạng chân chính, luôn xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng, sự tôn vinh của nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng đều quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn, tự đổi mới, làm cho Đảng luôn ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Đảng phải nâng tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, kiên định về lập trường, tư tưởng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên.

Để tiếp tục hiện thực hóa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Đảng thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tăng cường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp ủy viên nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nguyên tắc tổ chức của Đảng, hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho địa phương và cho đất nước.

- Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng có sức mạnh khi và chỉ khi mọi đảng viên và tổ chức Đảng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn có đoàn kết trong Đảng thì phải mở rộng dân chủ hơn nữa. Nhưng kiên quyết chống tập trung quan liêu và dân chủ quá trớn, vô nguyên tắc.

- Tăng cường công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, trên tình đồng chí, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Khắc phục tình trạng nể nang, không dám đấu tranh, đoàn kết hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên phải hết sức lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau tìm ra chân lý, lẽ phải.

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và phong cách làm việc dân chủ, khoa học; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực vào việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nêu cao sự gương mẫu của tổ chức Đảng và của mỗi đảng viên.

- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để làm cho nội bộ Đảng trong sạch hơn. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới mọi hình thức; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ lợi ích nhóm, chống đặc quyền, đặc lợi. Phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua, Đảng ta đã tích luỹ và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó, Đảng ta đã khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Giữ vững lòng tin của Nhân dân với Đảng là mục tiêu phấn đấu, là trách nhiệm của mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên. Đó là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi thử thách, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

* Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, CTQG, H.2016.

2. Đề cương tuyên truyền 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Lâm Văn Giàu - Phó trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

các tin khác